Ngữ văn 6 - Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 2 - Cánh diều
Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối
học kì 2 (trang 112-117)
ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Câu 1 trang 112: Thống kê tên các thể loại, kiểu
văn bản và tên văn bản cụ thể đã học trong sách Ngữ văn 6, tập
hai:
Trả lời:
- Truyện: Bài học đường đời đầu tiên (truyện
đồng thoại), Ông lão đánh cá và con cá vàng (truyện của
Pu-skin), Cô bé bán diêm (truyện của An-đéc-xen).
- Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả: Đêm nay Bác không
ngủ, Lượm, Gấu con chân vòng kiềng.
- Văn bản nghị luận xã hội: Vì sao chúng ta phải
đối xử thân thiện với động vật?, Khan hiếm nước ngọt, Tại
sao nên có vật nuôi trong nhà?.
- Truyện ngắn: Bức tranh của em gái tôi, Điều
không tính trước, Chích bông ơi!.
- Văn bản thông tin thuật lại sự kiện theo nguyên nhân – kết
quả: Phạm Tuyên và ca khúc mừng chiến thắng, Điều
gì giúp bóng đá Việt Nam chiến thắng?, Những phát minh “tình
cờ và bất ngờ”.
Câu 2 trang 112: Nêu nội dung chính của các bài
đọc hiểu trong sách Ngữ văn 6, tập hai theo mẫu sau:
VD: Lượm (Tố Hữu): Hình ảnh hồn
nhiên, dũng cảm của chú bé liên lạc và tình cảm sâu nặng của nhà thơ với chú
bé.
Trả lời:
- Bài học đường đời đầu tiên: Kể về
chú Dế Mèn kiêu căng, hống hách nhưng biết ân hận trước những việc làm không
đúng.
- Ông lão đánh cá và con cá vàng: Truyện
về ông lão khốn khổ có người vợ tham lam, độc ác.
- Cô bé bán diêm: Câu chuyện đầy cảm
động về em bé tội nghiệp.
- Đêm nay Bác không ngủ: Những chi
tiết, hình ảnh chân thật và tình cảm da diết, cảm động về Bác và tình cảm Bác
dành cho mọi người.
- Lượm: Hình ảnh hồn nhiên, dũng cảm
của chú bé liên lạc và tình cảm sâu nặng của nhà thơ với chú bé.
- Gấu con chân vòng kiềng: Kể chuyện
về chú gấu con hồn nhiên, vui nhộn, hài hước, từ tự ti chuyển sang kiêu hãnh về
bản thân vì có chân vòng kiềng.
- Vì sao chúng ta phải đối xử thân thiện với động
vật?: Sự cần thiết của việc bảo vệ và đối xử nhân đạo với động vật.
- Khan hiếm nước ngọt: Vấn đề nguồn
nước đang dần cạn kiệt.
- Tại sao nên có vật nuôi trong nhà?: Lợi
ích của vật nuôi.
- Bức tranh của em gái tôi: Kể về
người em gái có tấm lòng và tình cảm trong sáng, vô tư dành cho anh trai của
mình.
- Điều không tính trước: Kể về ba
người bạn nhỏ, ban đầu xích mích vì hiểu lầm, cuối cùng lại kết thành một khối
yêu thương.
- Chích bông ơi!: Câu chuyện cảm động
của hai cha con Dế Vần trong cách đối xử với chú chim chích bông.
- Phạm Tuyên và ca khúc mừng chiến thắng: Ghi
lại quá trình ra đời của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng.
- Điều gì giúp bóng đá Việt Nam chiến thắng?: Nêu
lên những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
- Những phát minh “tình cờ và bất ngờ”: Sự
kiện khoa học thú vị về các phát minh.
Câu 3 trang 112: Nêu những điểm cần chú ý về
cách đọc truyện (truyện đồng thoại, truyện của An-đéc-xen và Pu-skin, truyện ngắn);
thơ có yếu tố tự sự, miêu tả; văn bản nghị luận và văn bản thông tin.
VD: Văn bản nghị luận:
- Xác định và đánh giá được ý kiến, lí lẽ và bằng chứng nêu
trong văn bản.
- …
Trả lời:
Những điểm cần chú ý về cách đọc:
- Truyện (truyện đồng thoại, truyện của An-đéc-xen và
Pu-skin, truyện ngắn): Xác định được một số yếu tố hình thức (nhân vật, cốt
truyện, người kể ngôi thứ nhất và ngôi thứ 3, đặc điểm nhân vật, lời người kể
chuyện và lời nhân vật,…), nội dung (đề tài, chủ đề, ý nghĩa,…).
- Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả: Xác định được những đặc điểm
hình thức (vần, nhịp, biện pháp tu từ, yếu tố tự sự và miêu tả,…), nội dung (đề
tài, chủ đề, ý nghĩa,…).
- Văn bản nghị luận: Xác định được một số yếu tố hình thức
(ý kiến, lí lẽ, bằng chứng,…), nội dung (đề tài, chủ đề, ý nghĩa,…).
- Văn bản thông tin thuật lại một sự kiện theo nguyên nhân –
kết quả: Xác định được một số yếu tố hình thức (nhan đề, bố cục, sa pô, hình ảnh,
cách triển khai,…), nội dung (đề tài, vấn đề, ý nghĩa,…).
Câu 4 trang 113: Thống kê các văn bản văn học
(truyện, thơ) đã học ở hai tập sách Ngữ văn 6; từ đó, nhận
xét sự khác biệt về đặc điểm hình thức của mỗi thể loại
ở hai tập sách (Gợi ý: Về thể loại thơ, sự khác biệt về đặc điểm hình thức
là Ngữ văn 6, tập một tập trung vào thơ lục bát; Ngữ
văn 6, tập hai tập trung vào thơ có yếu tố tự sự, miêu tả.).
Trả lời:
*Truyện:
- Ngữ văn 6, tập một: Thánh
Gióng, Thạch Sanh, Sự tích Hồ Gươm.
→ Hướng đến thể loại truyền thuyết, cổ tích.
- Ngữ văn 6, tập hai: Bài học
đường đời đầu tiên, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Cô
bé bán diêm, Bức tranh của em gái tôi, Điều
không tính trước, Chích bông ơi!. → Hướng đến truyện
đồng thoại và truyện ngắn.
*Thơ:
- Ngữ văn 6, tập một: À ơi tay
mẹ, Về thăm mẹ, Ca dao Việt Nam.
→ Tập trung vào thể loại lục bát.
- Ngữ văn 6, tập hai: Đêm nay
bác không ngủ, Lượm, Gấu con chân vòng kiềng.
→ Tập trung vào thơ có yếu tố tự sự, miêu tả.
Câu 5 trang 113: Thống kê các văn bản nghị luận
và văn bản thông tin đã học ở hai tập sách Ngữ văn 6; từ đó,
nhận xét sự khác biệt về nội dung đề tài của mỗi loại
văn bản ở hai tập sách (Gợi ý: Sự khác biệt về nội dung và đề tài của văn bản
nghị luận là Ngữ văn 6, tập một hướng dẫn học về nghị luận
văn học; Ngữ văn 6, tập hai hướng dẫn học về nghị luận xã hội).
Trả lời:
*Văn bản nghị luận:
- Ngữ văn 6, tập một: Thánh
Gióng, Thạch Sanh, Sự tích Hồ Gươm.
→ Hướng dẫn học về nghị luận văn học.
- Ngữ văn 6, tập hai: Vì sao
chúng ta phải đối xử thân thiện với động vật?, Khan hiếm nước
ngọt, Tại sao nên có vật nuôi trong nhà?. → Hướng
dẫn học về nghị luận xã hội.
*Văn bản thông tin:
- Ngữ văn 6, tập một: Hồ Chí
Minh và “Tuyên ngôn Độc lập”, Diễn biến Chiến dịch Điện Biên
Phủ, Giờ Trái Đất. → Sự kiện được theo trật tự thời
gian.
- Ngữ văn 6, tập hai: Phạm
Tuyên và ca khúc mừng chiến thắng, Điều gì giúp bóng đá Việt
Nam chiến thắng?, Những phát minh “tình cờ và bất ngờ”. →
Sự kiện được thuật lại theo nguyên nhân – kết quả.
Câu 6 trang 113: Thống kê tên các kiểu văn bản
đã được luyện viết trong sách Ngữ văn 6, tập hai.
Trả lời:
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ
- Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ có yếu tố tự sự,
miêu tả.
- Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống.
- Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt.
- Tóm tắt văn bản thông tin.
- Viết biên bản.
Câu 7 trang 113: Nêu và chỉ ra mối quan hệ giữa
các nội dung đọc hiểu với yêu cầu viết trong các bài ở sách Ngữ văn
6, tập hai.
Trả lời:
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ: Liên quan đến
phần truyện, phải xác định được nhân vật, cốt truyện, các sự việc tiêu biểu.
- Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ có yếu tố tự sự,
miêu tả: Phải nắm rõ được ý nghĩa, cảm xúc, nội dung và nghệ thuật mà bài thơ
có yếu tố tự sự, miêu tả mang đến.
- Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống:
Thông qua các văn bản thông tin, cần xác định cách đưa ra lí lẽ, bằng chứng để
thuyết phục, bảo vệ ý kiến của mình.
- Tóm tắt văn bản thông tin: Cần nắm rõ sự kiện, cách thuật
lại sự kiện ấy để thực hiện bài viết này.
Câu 8 trang 113: Chỉ ra ý nghĩa và tác dụng của
việc tạo lập một văn bản có minh họa hình ảnh, bảng biểu, đồ thị,… (văn bản đa
phương thức).
Trả lời:
Việc tạo lập một văn bản có minh họa hình ảnh, bảng biểu, đồ
thị,… (văn bản đa phương thức) sẽ thu hút, hấp dẫn người đọc, giúp họ nắm rõ
các thông tin nhanh hơn nhờ có hình ảnh, bảng biểu,… Bên cạnh đó, loại văn bản
này đòi hỏi người viết phát huy tính sáng tạo để đem đến một nội dung phù hợp với
minh họa.
Câu 9 trang 113: Nêu các yêu cầu rèn luyện kĩ
năng nói và nghe ở sách Ngữ văn 6, tập hai. Các yêu cầu này
có mối quan hệ thế nào với yêu cầu đọc hiểu và viết?
Trả lời:
- Các yêu cầu rèn luyện kĩ năng nói và nghe ở
sách Ngữ văn 6, tập hai:
+ Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ
+ Trình bày ý kiến về một vấn đề
+ Trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống
+ Thảo luận nhóm về một vấn đề trong cuộc sống, nguyên nhân
dẫn đến kết quả của một sự việc, sự kiện.
- Các nội dung nói và nghe liên quan đến nội dung đọc hiểu
và viết, chỉ khác cách thức thực hiện:
+ Nói là trình bày bằng lới nói (ngôn ngữ nói)
+ Viết là trình bày bằng văn viết (ngôn ngữ viết)
Câu 10 trang 113: Các nội dung tiếng Việt được học
trong sách Ngữ văn 6, tập hai là những nội dung nào?
VD: - Bài 6: Mở rộng chủ ngữ bằng cụm từ.
- …
Trả lời:
- Bài 6: Mở rộng chủ ngữ bằng cụm từ.
- Bài 7: Biện pháp tu từ hoán dụ
- Bài 8: Từ Hán Việt
- Bài 9: Trạng ngữ
- Bài 10: Dấu ngoặc kép, lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu.