Ngữ văn 6 - Bài 8: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống - Cánh diều

 

Soạn bài: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống

1. Định hướng

a) Định nghĩa: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống là nêu lên những suy nghĩ và đưa ra được lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến của người viết về hiện tượng ấy.

b) Hiện tượng đời sống thường do đề bài nêu lên nhưng cũng có thể do người viết tự xác định. Dưới đây là một số ví dụ về hiện tượng đời sống cần quan tâm:

- Phải trồng nhiều cây xanh.

- Việc nuôi các con vật trong nhà.

- Việc sử dụng nước ngọt.

- Việc sử dụng bao bì ni lông.

- Hiện tượng học sinh chơi game.

- Một hiện tượng cần biểu dương trong nhà trường.

c) Để trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống, các em cần: nêu ý kiến của mình, giải thích vì sao, đưa ra các lí lẽ và dẫn chứng.

2. Thực hành

Bài tậpNhiều người cho rằng nên có các con vật nuôi trong nhà. Em có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

a) Chuẩn bị

- Tìm hiểu về các con vật nuôi.

- Ghi lại những thông tin về vật nuôi. Vật nuôi khác động vật hoang dã như thế nào? Lợi ích của vật nuôi là gì?... (Tham khảo văn bản Tại sao nên có vật nuôi trong nhà?).

·       Phát triển ý thức

·       Bồi dưỡng sự tự tin

·       Vui chơi và luyện tập

·       Bình tĩnh

·       Giảm stress

·       Cải thiện kĩ năng đọc

·       Tìm hiểu về hậu quả

·       Học cách cam kết

·       Kỉ luật

- Có thể sử dụng internet để thu thập thông tin, lấy tư liệu như video, hình ảnh minh họa, ý kiến của các nhân vật nổi tiếng,... và ghi lại nguồn dẫn các tư liệu đó.

b) Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý, dựa vào phần chuẩn bị ở trên, em hãy đặt và trả lời các câu hỏi như:

+ Thế nào là những con vật nuôi?

·      Những con vật nuôi đã được thuần hóa từ động vật hoang dã.

+ Em biết tên những con vật nuôi nào? Nhà em có vật nuôi không?

·      Em biết những con vật nuôi như mèo, chó, chuột lang,… Nhà em có nuôi một chú mèo.

+ Vật nuôi có những ưu điểm và hạn chế gì?

·      Ưu điểm của vật nuôi là một người bạn tâm tình, cùng vui chơi, giúp em phát triển bản thân…

·      Hạn chế của vật nuôi là lông rụng, cần không gian để vui đùa,…

+ Nên hay không nên có vật nuôi trong nhà?

·      Nên có vật nuôi trong nhà.

Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được ở trên, lựa chọn và sắp xếp lại theo ba phần của bài viết:

Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn luận (Nêu hay không nên có vật nuôi trong nhà?).

Thân bài: Lần lượt trình bày ý kiến của em theo một trình tự nhất định để làm sáng tỏ vấn đề đã nêu ở mở bài. Tùy vào ý kiến (Nên hay không nên có vật nuôi trong nhà?) để trình bày các lí lẽ và bằng chứng. Ví dụ:

  • Nên có vật nuôi trong nhà (ý kiến).
  • Nêu các lí lẽ để làm rõ vì sao nên có vật nuôi trong nhà (lí lẽ).
  • Nêu các bằng chứng cụ thể về lợi ích của vật nuôi (bằng chứng).

Lưu ý: Nếu em cho rằng không nên có vật nuôi trong nhà thì cũng cần nêu lí lẽ và bằng chứng.

Kết bài: Khẳng định lại ý kiến của em; đề xuất các biện pháp bảo vệ và thái độ đối xử với vật nuôi.

c) Viết: Dựa vào dàn ý đã làm, viết bài văn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Kiểm tra, nhận biết các lỗi về dàn ý.

- Kiểm tra, nhận biết các lỗi về hình thức (chính tả, ngữ pháp, dùng từ, liên kết đoạn,...). Chỉnh sửa các lỗi đó trong bài viết.

Gợi ý bài văn:

Trong vài thập kỉ qua, đã có rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề: Có nên nuôi thú cưng? Trong quan điểm của tôi, nên có vật nuôi trong nhà. Dưới đây là một số lí do chứng minh cho việc tại sao chúng ta cần có ít nhất một bé thú cưng trong nhà.

Thú cưng giúp chúng ta cân bằng cảm xúc. Khoa học đã chứng minh các loài vật nuôi (đặc biệt là chó) thường khá nhạy cảm với cảm xúc. Vì vậy rất dễ dàng để chúng có thể phát hiện ra những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận,... của con người. Những lúc ấy, thú cưng sẽ thay thế một người bạn tri âm, tri kỉ. Có những vấn đề mà con người khó có thể nói cho một người nào đó vì nhiều lí do cá nhân. Có một con vật lắng nghe, không phán xét những suy nghĩ, hành động của bạn là một cách để bạn giải tỏa căng thẳng và những nỗi buồn. Những cử chỉ âu yếm, vuốt ve của thú cưng có thể mang lại cảm giác an ủi, an toàn cho những rối loạn, bối rối trong lòng con người. 

Việc nuôi thú cưng giúp con người có trách nhiệm hơn. Chăm sóc, nuôi dạy thú cưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và khoảng thời gian nhất định. Để vật nuôi có thể phát triển một cách toàn diện, chúng ta cần dành nhiều thời gian cho những hoạt động: cho ăn, tắm rửa, vui chơi, dạy dỗ,... chúng. Bởi vì đang nắm trong tay sinh mạng của một loài động vật nên con người có xu hướng có trách nhiệm hơn trong mọi việc. Bạn không thể để một con vật chết đói, chết rét,... vì những hành động vô tâm của bản thân mình được. Hơn nữa, con người sẽ trở nên kiên nhẫn hơn khi dạy dỗ một loài vật sinh hoạt có trật tự. Trước khi vật nuôi hiểu được những điều chúng được dạy, chúng sẽ mất thời gian làm quen và thời gian này sẽ trở nên rất khó khăn với chủ. Chúng phải sai nhiều lần thì mới có thể nhận thức được đâu là hành động đúng để duy trì. Vì vậy, nếu chủ nhân của chúng không kiên nhẫn thì việc huấn luyện sẽ thất bại.

Sức khỏe con bạn sẽ được cải thiện nếu bạn nuôi dạy một loài vật nuôi đúng cách. Ví dụ như khi bạn nuôi một chú chó hay một chú ngựa (những động vật lớn, cần được vận động), bạn sẽ phải vận động nhiều hơn. Hàng ngày, một số thú cưng nhất định cần có thời gian được vận động, đi dạo, chạy nhảy. Để có thể quản lí và bảo vệ chúng, người chủ thường sẽ phải vận động theo nhịp độ của thú cưng. Hơn nữa, các bạn sẽ thức giấc và ăn ngủ điều độ hơn vì các bạn cần giữ cho thú cưng lối sinh hoạt cân bằng. Có thể nghe khó tin nhưng có bài báo khoa học còn đề cập đến việc chó có khả năng phát hiện ung thư ở người. Một đứa trẻ khi được sinh ra và lớn lên cùng động vật cũng sẽ ít có nguy cơ mắc hen suyễn và các bệnh khác hơn những đứa trẻ không tiếp xúc với động vật.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên nuôi thú cưng sau khi đã suy nghĩ một cách nghiêm túc và kĩ càng. Nếu bản thân thấy không có đủ thời gian, không gian, tài chính, trách nhiệm,... thì không nên nuôi chúng bởi vì chúng sinh ra không phải để chịu đựng. Đừng để đến lúc những chú cún cưng, mèo cưng,... của bạn chết vì sự vô tâm của mình thì mới nhận ra rằng mình không hợp nuôi vật cưng. Hơn nữa, các bạn cần phải cân nhắc đến sức khỏe của bản thân khi nuôi chúng như việc bạn không thể nuôi mèo khi bạn bị hen suyễn; bạn không thể nuôi những con vật to nếu như bạn không thể kiểm soát được chúng,...vì nó sẽ ảnh hưởng đến cá nhân bạn cũng như những người xung quanh.

Nuôi một con thú nuôi là một điều tốt đẹp mà bạn có thể trải nghiệm trong cuộc đời. Tuy nhiên đừng biến chúng thành gánh nặng cho chính bản thân mình. Hãy cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định nuôi một con vật nào đó. 

Bài tham khảo:

Ngày nay rất nhiều gia đình nuôi thú cưng và coi chúng như những thành viên trong gia đình. Động vật giúp cho cuộc sống của mỗi người trở nên vui tươi hơn và có nhiều người cho rằng nên có các con vật nuôi trong nhà. Người ta có thể nuôi chó, mèo, cá hoặc các loài động vật ít phổ biến như bò sát, rắn, ếch…

Ý kiến trên em hoàn toàn đồng ý. Nuôi động vật không phải là nuôi động vật hoang dã mà là nuôi những loài vật nuôi nhỏ, làm vật nuôi trong gia đình. Lợi ích lớn nhất và được biết đến rộng rãi nhất của việc có thú cưng là tình yêu và sự đồng hành mà chúng mang đến cho chúng ta. Không giống như con người, động vật cho chúng ta tình yêu của chúng mà không cần phán xét, không cần đặt ra câu hỏi "tại sao chúng làm như vậy". Chúng trung thành, đáng yêu và có rất nhiều từ ngữ trên thế giới vẫn không thể diễn tả hết được niềm vui khi trở về nhà với một con thú cưng đáng yêu.

Động vật có thể có tác dụng làm dịu tâm trí của chúng ta. Ví dụ, xem cá bơi trong bể có thể làm cho một người cảm thấy thư thả hơn. Trong một nghiên cứu, khi bệnh nhân Alzheimer ăn một bữa ăn trước bể cá, họ trở nên tập trung và ăn tốt hơn. Việc những con thú cưng chấp nhận bạn vô điều kiện có thể tạo nên điều kỳ diệu cho sức khỏe tinh thần của bạn. Đặc biệt dễ thấy ở loài chó, đây là con vật trung thành tuyệt đối với chủ của mình, những hành động thể hiện tình cảm của chúng như vẫy đuôi, liếm tay, ôm hôn chủ đã đủ để khiến chúng ta thấy mình quan trọng trong cuộc sống này.

Đặc biệt, khi nuôi thú cưng, trẻ sẽ sớm phát triển ý thức về trách nhiệm và biết chăm sóc người khác. Thú nuôi cần được quan tâm và để mắt mọi nơi mọi lúc. Chúng phụ thuộc vào người nuôi, từ việc ăn uống đến giải trí. Những đứa trẻ nếu thích nuôi thú cưng thường học được cách đồng cảm và từ bi. Học cách chịu trách nhiệm về một sinh vật khác sẽ giúp trẻ chăm sóc bản thân tốt hơn.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy việc tiếp xúc sớm với vật nuôi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ, giúp ngăn ngừa dị ứng ở trẻ nhỏ. Một kết quả nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ tiếp xúc với hai hoặc nhiều động vật hơn khi còn nhỏ sẽ bị dị ứng ít hơn một nửa so với đứa trẻ không có vật nuôi trong nhà. Các xét nghiệm chỉ ra rằng trẻ nuôi thú cưng ít bị các chứng như dị ứng vật nuôi, mạt bụi hay cỏ.

Những lợi ích vừa kể trên đủ để lí giải cho lí do vì sao chúng ta nuôi động vật. Quả thật việc có một chú chó hay em mèo làm bầu bạn sẽ làm chúng ta vui vẻ hơn, yêu đời hơn, biết chăm sóc, tốt bụng và tính cách cũng sẽ dễ gần, thân thiện hơn. Có ai đó đã từng nói rằng “Những người yêu động vật và cỏ cây thường mang trong mình hạt mầm của sự nhân hậu”.

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức