Ngữ văn 6 - Bài 7: Trình bày ý kiến về một vấn đề - Cánh diều
Nói và nghe: Trình bày ý kiến về một vấn
đề
1.
Định hướng
a) Có nhiều vấn đề của cuộc sống được nêu
lên trong tác phẩm văn học. Trước vấn đề ấy, các em có thể phát biểu ý kiến,
nêu lên những suy nghĩ, nhận xét; đưa ra lí lẽ và dẫn chứng cụ thể để làm sáng
tỏ cho ý kiến của mình.
Sau đây là một số ví dụ
yêu cầu trình bày ý kiến về một vấn đề:
- Từ việc Dế Mèn gây
ra cái chết cho Dế Choắt trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên, em có ý kiến gì về tác hại của thói
"hung hăng bậy bạ" trong cuộc sống?
- Sau khi đọc truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng của
Puskin, một bạn cho rằng: Trong cuộc sống, tham lam là không tốt. Ý kiến của em
như thế nào?
- Từ bài thơ Lượm của Tố Hữu, em hãy trình
bày ý kiến của mình về lòng dũng cảm của thiếu niên Việt Nam.
- Sau khi đọc bài
thơ Gấu con chân vòng kiềng của
U-xa-chốp, em thấy vấn đề ngoại hình của con người có quan trọng không?
b) Để trình bày ý kiến về một vấn đề, các
em cần:
- Xác định vấn đề của
cuộc sống đặt ra trong một tác phẩm văn học.
- Tìm ý và lập dàn ý
cho bài nói.
- Thực hành trình bày
ý kiến.
- Lưu ý những lỗi khi
trình bày.
2.
Thực hành
Bài tập: Sau khi học bài thơ "Gấu con chân vòng kiềng" của U-xa-chốp,
em thấy vấn đề ngoại hình của con người có quan trọng hay không? Hãy trình bày
ý kiến của mình.
a) Chuẩn bị
- Xem lại nội dung bài
thơ Gấu con chân vòng kiềng đã
học.
- Xác định vấn đề trọng
tâm cần có ý kiến: Ngoại hình của con người có quan trọng hay không?
- Dự kiến các phương
tiện hỗ trợ (tranh, ảnh, video,...) cho việc trình bày (nếu có).
b) Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý bằng
cách đặt và trả lời một số câu hỏi như:
+ Bài thơ Gấu con chân vòng kiềng có ý phê
phán, chê bai gấu con có chân vòng kiềng không?
+ Ngoại hình là gì?
+ Ngoại hình có quan
trọng không? Vì sao?
+ Có những bằng chứng
gì về việc ngoại hình không quan trọng hoặc quan trọng?
+ Có nên đánh giá một
người bằng ngoại hình không? Điều gì tạo nên và quyết định giá trị của một người?
+ Cần có thái độ như
thế nào về ngoại hình của người khác?
- Lập dàn
ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được ở trên, lựa chọn và sắp xếp lại
theo ba phần của bài nói.
+ Mở bài:
Nêu vấn đề cần trình bày ý kiến (Ngoại hình có quan trọng hay không?).
+ Thân bài:
Lần lượt trình bày ý kiến theo một trình tự nhất định để làm sáng tỏ vấn đề đã
nêu ở mở bài. Tùy vào ý kiến của em về vấn đề ngoại hình có quan trọng hay
không để trình bày các lí lẽ và bằng chứng. Ví dụ:
- Ngoại hình không quan trọng (ý kiến).
- Nêu các lí lẽ để làm rõ vì sao ngoại
hình không quan trọng (lí lẽ).
- Nêu các bằng chứng cụ thể để thấy ngoại
hình không quan trọng (bằng chứng).
Lưu ý: Nếu ý kiến
của em là ngoại hình quan trọng thì cũng phải nêu lí lẽ (Vì sao ngoại hình quan
trọng?), bằng chứng (Dựa vào đâu để khẳng định điều đó?). Cũng có thể nêu ý kiến
ngoại hình vừa quan trọng, vừa không quan trọng. Khi đó, các em chỉ ra ngoại
hình quan trọng và không quan trọng như thế nào, vì sao.
+ Kết bài:
Khẳng định lại ý kiến của mình (Điều gì quyết định giá trị của một con người?
Nêu bài học về cách nhìn và cách ứng xử với người khác có ngoại hình không bình
thường).
c) Nói và nghe
- Nói ngắn gọn về bài
thơ Gấu con chân vòng kiềng.
- Dựa vào dàn ý để
trình bày ý kiến của mình.
- Lưu ý: Trình bày bằng lời, tránh viết
thành văn để đọc, sử dụng điệu bộ, cử chỉ và các phương tiện hỗ trợ phù hợp.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Rút kinh nghiệm về nội
dung và cách thức trình bày ý kiến về một vấn đề.
- Người nói: Xem xét về
nội dung và cách thức trình bày (Đã nói hết các ý có trong dàn bài đã làm chưa?
Còn thiếu nội dung nào? Có mắc lỗi về cách trình bày không?...).
- Người nghe: Kiểm tra
lại các thông tin thu được từ người nói; tự xác định các lỗi cần khắc phục khi
nghe.
Gợi ý bài nói:
Xin chào thầy cô và
các bạn! Như chúng ta đã tìm hiểu ở bài trước, Gấu con chân vòng kiềng chắc chắn không phải là một
bài thơ chê bai về ngoại hình. Mặc dù chú gấu con đã từng rất tự ti khi nghe những
loài vật khác chế giễu, chê bai đôi chân vòng kiềng của mình. Tuy nhiên, người
mẹ đã làm thay đổi suy nghĩ của gấu con khi tâm sự rất tự hào về đôi chân
vòng kiềng được di truyền từ đời này qua đời khác. Đặc biệt hơn, mẹ gấu còn nhắc
đến ông nội - con gấu có đôi chân vòng kiềng giỏi nhất vùng - như một sự khẳng
định sự tài giỏi của gia đình. Ngoại hình, mà trong bài thơ là đôi chân vòng kiềng,
không quyết định sự tài giỏi hay tấm lòng của bất kì loài động vật nào. Vậy nên
đến cuối bài thơ, gấu con có thể kiêu hãnh mà hét lên rằng "Vòng kiềng là
ta!".
Với quan điểm của bản
thân em, ngoại hình không phải là không quan trọng nhưng nó không chiếm vai trò
to lớn trong cuộc sống của chúng ta. Ngoại hình là hình dáng bên ngoài của con
người, sự vật. Mỗi một quốc gia, vùng lãnh thổ lại có những tiêu chuẩn ngoại
hình riêng mà ở đó người ta phân biệt ra những người đẹp và những người chưa đẹp.
Em xin phép sử dụng từ chưa đẹp vì từ xấu phần nhiều mang hơi hướng tiêu cực.
Trước hết, chúng ta
không thể phủ nhận về vị trí của ngoại hình trong cuộc sống. Mặc dù luôn gạt đi
luận điểm này, nhưng rõ ràng các bạn có ngoại hình tốt hơn sẽ gặp nhiều
thuận lợi hơn trong công việc hay sinh hoạt. Chúng ta có thể bắt gặp những
phóng sự ẩn trên mạng về vấn đề này. Ví dụ cùng dựng lên một tình huống là
"Xin được giúp đỡ vì quên mang tiền khi thanh toán". Trên 10 người được
khảo sát thì có đến 8 người sẽ cho người trông có vẻ tử tế, gọn gàng và xinh đẹp
hơn mượn tiền thay vì người nhìn hơi bề bộn, không đẹp đẽ. Thậm chí, đối với
những người trông có vẻ không đẹp, thái độ của người được hỏi còn có vẻ khá xa
lánh, khinh thường. Nếu các bạn cảm thấy chưa đủ thì tôi xin đề cử một ví dụ điển
hình khác như sau. Trong thời buổi hiện tại, rất nhiều thông tin tuyển dụng
đều có dòng chữ "Ưu tiên người có ngoại hình khá đến tốt", đặc
biệt là những nghề nghiệp như tiếp viên hàng không, diễn viên, ca sĩ,... Bởi vì
nếu có ngoại hình tốt thì bạn đã chiếm 70% cảm tình của người đối diện kể
cả khi mới vừa gặp mặt và chưa tiếp xúc. Đó cũng là lí do mà trước đây rất khó
để mọi người có thể không đánh giá một người có hình xăm là vào tù ra tội, con
cái anh chị xã hội,... Tuy nhiên, như ở trên đã nói, đẹp hay chưa đẹp thì phụ
thuộc nhiều vào thẩm mĩ của thời đại, quốc gia. Nếu như người châu Âu coi trọng
thân hình khỏe mạnh, có da có thịt thì Trung Quốc lại hướng tới vẻ đẹp cao cao
thanh mảnh. Nếu như người xưa ở Việt Nam ưa chuộng nét đẹp phúc hậu, tròn
trịa trên gương mặt thì hiện nay xu hướng chung của các diễn viên, người mẫu là
phải có cằm V-line. Vì vậy, rất khó để có thể nhận định chung như thế nào là đẹp.
Mặc dù ngoại hình có
vai trò rất quan trọng, nhưng theo em nó không phải nhân tố quyết định khi đánh
giá một người. Một người có ngoại hình đẹp không chắc sẽ có tâm hồn đẹp. Trên
báo có nhan nhản những bài viết về tội phạm giết người, lừa đảo với dáng vẻ thư
sinh, khuôn mặt thanh tú, xinh đẹp ngây thơ. Mặt khác, không phải cứ ngoại hình
không đẹp hay khiếm khuyết là đáng khinh, đáng chê trách hay xấu xa. Những người
có hình xăm trên người đôi khi chỉ vì họ đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Họ
thấy hình xăm ấy đẹp và có ý nghĩa nên họ muốn ghi dấu lên cơ thể. Chứ không phải
vì họ muốn chứng tỏ sức mạnh, muốn làm cho mọi người sợ mình hay bất kì điều gì
xấu mà họ chọn xăm mình. Hơn nữa, chúng ta có thể thấy rất nhiều người có ngoại
hình không đẹp, không hoàn chỉnh là những doanh nhân thành công, đáng ngưỡng mộ.
Hay đơn cử là những người khiếm khuyết như thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí của chúng
ta cũng có một tâm hồn đẹp vô cùng. Thầy là đại diện cho một lớp người cố gắng
phấn đấu, nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh cá nhân, mong muốn góp sức cho đời, cho
người.
Như vậy, em xin khẳng
định lại quan điểm của mình "Ngoại hình có quan trọng nhưng không mang
tính chất quyết đinh". Chúng ta không thể "trông mặt mà bắt hình
dong" với tất cả các đối tượng. Cần phải tìm hiểu, nói chuyện với một người
thì mới có thể đánh giá họ tốt hay xấu chứ đừng nhận xét họ chỉ bởi vẻ bề
ngoài. Trên đây là ý kiến của em về vấn đề ngoại hình. Mong rằng sẽ được sự góp
ý, trao đổi từ thầy cô và các bạn. Em xin chân thành cảm ơn!