Ngữ văn 6 - Bài 6: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ - Cánh diều
Bài 6: Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm đáng
nhớ
1. Định hướng
a) Định nghĩa: Kể lại một trải nghiệm là trình bày bằng lời
nói về một trải nghiệm của bản thân, có thể là sự việc hoặc hoạt động,… mà người
kể đã trực tiếp trải qua và có được những kinh nghiệm hoặc bài học nào đó.
b) Lưu ý: Để kể lại một trải nghiệm, các em cần:
- Chuẩn bị: Xây dựng
dàn ý cho bài kể về một trải nghiệm.
- Thực hiện hoạt động
kể.
- Chú ý nội dung và
cách thức kể; những lỗi thường mắc khi kể bằng lời nói.
2. Thực hành
Bài tập: Hãy kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em.
a) Chuẩn bị
- Xem lại dàn ý kể về
chuyến đi đáng nhớ ở phần Viết.
- Bổ sung các từ, câu
dẫn dắt, chào hỏi, kết nối các phần.
- Xác định giọng kể,
ngữ điệu, điệu bộ, nét mặt,… cho phù hợp với sự việc, cảm xúc trong chuyến đi.
b) Tìm ý và lập
dàn ý
Sử dụng dàn ý đã lập ở
phần Viết, bổ sung và sửa chữa (nếu cần).
c) Nói và nghe
Dựa vào nội dung Chuẩn
bị và hướng dẫn ở mục 1. Định hướng,
thực hiện hoạt động kể. Chú ý: bám sát nội dung đã nêu trong dàn ý; cách kể miệng
kết hợp với các yếu tố biểu cảm bằng ánh mắt, nét mặt, động tác,… Giới thiệu ảnh,
video về chuyến đi (nếu có).
d) Kiểm tra và
chỉnh sửa
Rút kinh nghiệm những
điều cần chỉnh sửa khi nghe, kể về một trải nghiệm của bản thân.
- Người kể: Xem nội
dung kể đã nêu được những thông tin chính trong dàn ý chưa, cách thức kể có đáp
ứng theo yêu cầu đã nêu hay không. Xác định được các lỗi cần chỉnh sửa khi kể về
một chuyến đi đáng nhớ.
- Người nghe: Tự kiểm
tra các thông tin thu được từ câu chuyện về chuyến đi của bạn (Đi đâu? Đi với
ai? Có gì thú vị, đáng nhớ?...); nhận xét được cách kể (ưu điểm và hạn chế); tự
xác định các lỗi khi nghe (không tập trung, không nắm được thông tin, có thái độ
không đúng khi nghe, trao đổi,…).
Gợi ý
Kính chào thầy cô và
các bạn. Tôi tên là .......... học sinh ......... trường ......... . Sau đây tôi xin kể
lại một trải nghiệm đáng nhớ của bản thân mình. Cuộc sống hiện đại cuốn chúng
ta vào guồng quay cùng sự phát triển nhộn nhịp khiến ta đôi khi buông lơi những
mối quan hệ tưởng chừng như rất quan trọng trong một khoảng thời gian nào đó.
Chỉ đến khi gặp lại họ, một cách tình cờ, ta mới thấy bản thân đã mất đi những
gì.
Chuyến đi ấy là phần
thưởng mà bố mẹ dành cho tôi sau một năm dài nỗ lực học tập khi thành công đỗ
vào một trường cấp 2 trọng điểm của tỉnh với điểm số khá cao. Chuyến đi được diễn
ra vào giữa tháng 7, gia đình tôi quyết định trốn ánh nắng chói chang của mùa
hè đất Bắc để đến với không khí trong trẻo, mát mẻ của Đà Lạt. Trước khi ghé Đà
Lạt, cả gia đình tôi bay đến Nha Trang để thăm một vài người bạn của bố. Đây
cũng là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cảm giác đi máy bay. Nhìn từ cửa sổ,
những đám mây trắng trẻo, bồng bềnh chưa bao giờ gần tôi đến thế. Cứ ngỡ như có
thể vươn tay ra mà chạm vào chúng, mà cảm nhận chúng một cách trọn vẹn nhất.
Bay đến Nha Trang, chúng tôi được thiết đãi rất nhiều thứ đặc sản miền Trung
như bánh canh, hải sản, bánh xèo,… Nha Trang cũng là một vùng đất mới lạ nhưng
nó vẫn đem đến cho tôi cảm giác thân thuộc bởi tôi cũng được sinh ra ở vùng biển.
Những thứ như hải sản, cát trắng, biển xanh,… đều khá quen thuộc đồi với tôi. Vậy
nên điều tôi háo hức nhất vẫn là chuyến đi đến Đà Lạt sau 2 ngày lưu lại nơi
này. Tôi sẽ dẫn ra một vài bức ảnh trải nghiệm ở Nha Trang.
*Chèn ảnh đi chơi
Nha Trang*
Nhà tôi thuê một chiếc taxi để trải nghiệm đường rừng từ Nha Trang đến Đà Lạt. Đường rừng chưa được cải
thiện nhiều, đường rất gồ ghề khó đi. Nhưng bỏ qua những trở ngại ấy, tôi đắm
chìm vào những cánh rừng bạt ngạt, xanh mướt. Gần đến Đà Lạt rừng càng dày đặc,
không khí cũng dễ chịu hơn. Tôi còn nghe thấy cả tiếng chim lảnh lót hót vang
khu rừng đem lại cảm giác bình yên chưa từng có. Ở thành phố bây giờ rất khó kiếm
tiếng chim hót vì chúng bị chiếm hết những ngôi nhà xanh để xây dựng đô thị,
nhà cao tầng, chung cư… Tôi thích Đà Lạt cũng vì cái lẽ đó. Tôi thích khung cảnh
bình yên và nhẹ nhàng.
* Chèn ảnh đi chơi
Đà Lạt*
Trước khi đến với những
kỉ niệm ở Đà Lạt, tôi sẽ giới thiệu qua một vài bức ảnh lưu kỉ niệm của bản
thân ở Đà Lạt. Cả nhà tôi dành 3 ngày để ở lại Đà Lạt và trải nghiệm thành phố
của tình yêu này. Chúng tôi đi thăm vườn hoa, trải nghiệm chợ đêm Đà Lạt và thử
đi ngựa rồi đi xe đạp quanh thành phố. Đà Lạt yên bình và nhẹ nhàng lắm. Ở Đà Lạt,
chúng tôi được trải nghiệm cái mà người ta gọi là “một ngày bốn mùa”. Sáng như
mùa xuân, trưa như mùa hè, chiều mang hơi thở mùa thu và tối lạnh như chớm
đông. Tối nào tôi cũng đòi bố mẹ đến chợ đêm vì tôi yêu thích trải nghiệm ẩm thực
nơi đây với sữa chua dâu, sữa đậu, bánh canh, bánh tráng nướng,…
*Có thể chèn ảnh
giữa học sinh và bạn bè*
Nhưng có một trải nghiệm
mà tôi không thể quên, đó là gặp được bạn cũ của mình ở đó. Ánh là người bạn thân
thời cấp 1 của tôi. Chúng tôi đã trải qua 5 năm cấp 1 với biết bao trải nghiệm
cùng nhau từ vui đến buồn. Chúng tôi đã từng hứa sẽ trở thành bạn thân cho đến
mãi về sau. Vậy mà cuối cùng, Ánh lại không đỗ vào ngôi trường mơ ước của chúng
tôi. Còn tôi, khi vào môi trường mới và có chút áp lực về việc phải giữ vững
phong độ học tập, vô tình đã quên mất người bạn ấu thơ này. Cho đến khi bất ngờ
gặp Ánh tại hội chợ, cô bạn cũng đi du lịch ở đây vào dịp này, tôi chợt sững
người lại. Chúng tôi nhìn nhau rất lâu trước khi có thể mở lời chào nhau. Mọi
thứ trở nên gượng gạo, ngượng ngùng cứ như thể những con người mới quen nhau lần
đầu. Cuối cùng, bọn tôi xin phép bố mẹ để cùng đi với nhau một lúc. Chúng tôi
ngồi lại, kể cho nhau nghe về cuộc sống trong thời gian vừa rồi. Ánh có nói một
câu khiến tôi rất đau lòng “Tớ thấy cậu vui vẻ với những người bạn mới quá nên
tớ ngại làm phiền cậu”. Ôi chữ “phiền”! Tôi đâu có ngờ được sự vô tâm của mình
đã khiến bạn mình đau lòng như thế. Tôi ân hận vô cùng vì sự việc ấy. Chúng tôi
đã ngồi bên nhau rất lâu, nói với nhau những điều giấu trong lòng và quyết định
làm hòa. Kết thúc chuyến đi, chúng tôi về cùng nhau và từ đó vẫn giữ mối quan hệ
thân thiết đến bây giờ.
Chuyến đi vừa rồi đã
mang lại cho tôi nhiều điều. Nó mang lại những giây phút giải trí thoải mái sau
quãng thời gian học tập căng thẳng. Nó mang lại những kiến thức về văn hóa, địa
lí,… về vùng đất mới. Nhưng đặc biệt, nó tìm lại cho tôi một tình bạn đẹp. Tôi
nhận ra rằng: Không có điều gì có thể phá vỡ tình bạn ngoài sự vô tâm của bản
thân. Tôi mong muốn có được nhiều thời gian hơn với Ánh, có thể là trong một
chuyến đi mới, để có thể lưu giữ tình bạn này. Mong rằng tất cả mọi người hãy
quan tâm hơn đến những người xung quanh mình để không phải hối hận như tôi đã từng.
Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ
của thầy cô và các bạn về kỉ niệm của mọi người.
Bài tham khảo:
Như các bạn đã biết,
thì chúng ta vừa kết thúc học kì I, nhà trường và hội phụ huynh thống nhất tổ
chức một chuyến đi tham quan di tích lịch sử. Đây vừa là phần thưởng cho những
nỗ lực, cố gắng trong học kì vừa qua mà đó còn là dịp để chúng ta thêm hiểu biết
về những truyền thống lịch sử quý giá của dân tộc. Địa điểm của chuyến đi là di
tích lịch sử thành Cổ Loa.
Như các bạn đã biết
thì đây là di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, chứa đựng bài học dựng nước,
giữ nước của các vua Hùng. Chúng ta đã biết về di tích thành Cổ Loa thông qua
truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, nhưng đây là lần đầu
tiên chúng ta cùng nhau đặt chân đến địa danh lịch sử, địa danh của những câu
chuyện kì bí, hấp dẫn này.
Hôm đó, các lớp đã tập
trung ở trường trước 6 giờ sáng. Rồi mỗi lớp sẽ được cô giáo chủ nhiệm và đại
diện hội phụ huynh của lớp đó cùng thực hiện chuyến đi lí thú này. Vì di tích
thành Cổ Loa khá xa trường học nên sau ba mươi phút tập trung thì các đoàn xe bắt
đầu chuyển bánh. Sau hai tiếng chạy xe, cuối cùng chúng ta đã đến được di tích
thành Cổ Loa. Tại đây, chúng ta được cô hướng dẫn viên du lịch nồng nhiệt tiếp
đón và hướng dẫn hành trình cũng như giới thiệu, thuyết minh về khu di tích
thành Cổ Loa này. Khu di tích Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, ngoại thành của
thủ đô Hà Nội. Đây là nơi diễn ra câu chuyện dựng nước, giữ nước của vua Thục
Phán An Dương Vương và câu chuyện tình yêu bi thảm của công chúa Mị Châu và con
trai của Triệu Đà – Trọng Thủy.
Các bạn có để ý hôm
đó, không gian của khu di tích thành Cổ Loa cũng cổ kính, trang nghiêm, mang
màu sắc dân gian như trong những câu chuyện cổ mà chúng ta từng đọc? Những mái
nhà ngói đỏ, những cây đa, cây đề lớn, có lẽ chúng cũng đã sống qua rất nhiều
năm rồi, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử đó! Trung tâm của di tích
thành Cổ Loa chính là đền thờ An Dương Vương, đây là điện thờ chính nên rất rộng
lớn và trang nghiêm, dẫn vào đền thờ phải đi qua một khoảng sân rộng lớn, hai
bên sân có trồng rất nhiều cây cổ thụ, tôi có cảm tưởng những cây cổ thụ như những
người hiền thần luôn ở bên, trung nghĩa với vua An Dương Vương vậy.
Ngôi đền có mái cong
hình đầu rồng vô cùng trang nghiêm, trong điện được trưng bày những câu đối lớn
bằng tiếng Hán. Chính giữa của điện thờ là một bức tượng An Dương Vương uy nghi
trong bộ hoàng bào, ngồi từ trên cao nhìn xuống khiến tôi phải tôn kính, tự
hào. Hai bên điện thờ là những bức tượng của những vị quan có công với dân, với
nước, những người hiền thần có công giúp vua An Dương Vương dựng nước.
Bên cạnh đền thờ An
Dương Vương là một am nhỏ thờ công chúa Mị Châu, công chúa Mị Châu là con gái của
vua An Dương Vương, vì ngây thơ, cả tin mà Mị Châu có một kết thúc thật bi thảm.
Bức tượng công chúa Mị Châu trong am thờ là một bức tượng không đầu, nó làm cho
tôi nhớ lại sự việc công chúa Mị Châu bị vua cha trừng phạt khi nghe Rùa Vàng kết
tội. Nhìn hình ảnh bức tượng không đầu mà lòng tôi không ngừng xót xa cho người
công chúa này. Nàng là một người ngây thơ, cả tin vì quá tin tưởng vào người chồng
mà vô tình lộ bí mật quốc gia, dẫn đến bi kịch mất nước nhà tan. Theo tôi thì Mị Châu là một người đáng thương hơn đáng trách. Đằng sau truyền thuyết về An
Dương Vương, Mị Châu – Trọng Thủy là bài học về giữ nước, nhưng ta đều cảm
thông cho sự dại khờ, thủy chung của công chúa Mị Châu cùng cái chết đầy oan
nghiệt của nàng.
Chuyến tham quan di
tích thành Cổ Loa là một chuyến đi thực sự bổ ích và lí thú, chúng ta đã biết
nhiều hơn về những câu chuyện lịch sử, được tận mắt chứng kiến những nơi diễn
ra câu chuyện lịch sử ấy, thông qua chuyến đi chúng ta cũng thêm hiểu hơn về những
bài học trên lớp, là cơ hội để chúng ta mở mang sự hiểu biết. Mong cả lớp chúng
ta sẽ có nhiều chuyến đi bổ ích như thế này!