Cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà

Cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà


Bài làm tham khảo

Chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau mà nó gây ra thì vẫn còn đó. Nó dập tắt ngọn lửa sum vầy mỗi buổi xế tà của nhiều gia đình, nó cướp đi người cha, người anh, người con của những mái nhà đơn sơ, nó đem bầu trời vốn dĩ bình yên phủ đầy bóng tối của khói bom đạn. Nhưng sau tất cả, chiến tranh vẫn không thể nào ngăn cách yêu thương của tình cảm ruột thịt. Trong “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng đã tái hiện một cách chân thực tình cha con sâu nặng dù bị chia cắt bởi chiến tranh của ông Sáu và bé Thu. Đồng thời, tác phẩm cũng là một lời tố cáo bản chất xấu xa và những nỗi đau mà cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra cho con người.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” đã xây dựng được hai tình huống truyện vô cùng đặc sắc, để rồi chạm đến nơi sâu thẳm nhất của trái tim độc giả. Tình huống đầu tiên đó chính là cuộc gặp gỡ đầy xúc động của hai cha con ông Sáu sau tám năm trời xa cách, nhưng thật trớ trêu là bé Thu lại không chịu nhận cha. Đến khi Thu chịu nhận cha thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về đơn vị.

Tình huống thứ hai là khi ông Sáu ở khu căn cứ, ông đã dùng tất cả tình yêu thương và nỗi nhớ con để làm nên một chiếc lược ngà tặng bé Thu. Nhưng lược chưa kịp trao tay thì ông đã phải hi sinh nơi chiến trường. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông đã nhờ một người đồng đội chuyển chiếc lược cho con.

Từ hai tình huống đó, tác giả đã thành công thể hiện tình cha con sâu nặng, thắm thiết của ông Sáu và bé Thu. Đồng thời, việc đặt nhân vật vào hoàn cảnh éo le đã làm bộc lộ tính cách và tình cảm cha con. Để rồi, tình cha con thiêng liêng, cao cả và sức mạnh của nó đã khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi tiếc thương sau khi gấp lại trang sách cuối cùng.

Bé Thu là một cô bé có tình yêu thương ba sâu sắc. Tám năm trời đằng đẵng xa cách khiến cho cô bé luôn ấp ủ ước mơ được gặp lại ba và rồi cái ngày ấy cũng đã đến. Những tưởng Thu sẽ vui mừng khôn xiết, sẽ chạy đến chỗ ba mà ôm, mà hôn, nhưng mọi thứ lại không như ta nghĩ.

Ngày gặp ba và nghe tiếng ông gọi, cô bé chỉ “tròn xoe mắt” như chẳng hiểu chuyện gì rồi vội vã chạy đi tìm mẹ. Trong ba ngày ngắn ngủi ở nhà, mặc cho ông Sáu luôn yêu thương, dỗ dành, bé Thu vẫn nhất quyết không chịu nhận ba.

Ngay cả khi cô bé cần có sự giúp đỡ chắt nước nồi cơm to, cô bé cũng loay hoay, tự xoay xở vì không muốn gọi ông Sáu là ba. Đỉnh điểm của sự bài xích là trong một lần ăn cơm, khi ông Sáu gắp trứng cá cho bé Thu, cô bé đã hất ra khiến cơm văng tung tóe. Cô bé bị ông Sáu trách phạt nhưng chẳng hề khóc lóc mà bỏ về nhà ngoại.

Qua cuộc trò chuyện với bà ngoại, người đọc mới hiểu ra lý do Thu không nhận ông Sáu là ba vì trên mặt ông có một vết thẹo. Khác với bức hình tám năm qua Thu nhìn thấy. Bà ngoại đã giải thích cho Thu về mọi chuyện và cuối cùng Thu cũng đã hiểu ra.

Sáng hôm sau khi Thu trở về nhà cũng là lúc ông Sáu phải chia tay mọi người để trở về đơn vị. Thái độ Thu lúc này đối với ông Sáu đã có sự thay đổi rõ rệt. Không còn vẻ cau có, cố chấp nữa. Thay vào đó là một khuôn mặt “sầm lại buồn rầu” với “đôi mắt mênh mông bỗng xôn xao” khi bắt gặp ánh mắt trìu mến pha lẫn chút buồn rầu của ba. Để rồi, trong khoảnh khắc cuối cùng, cô bé đã cất tiếng gọi ba - một tiếng kêu đến xé lòng, tiếng kêu của tình yêu thương, tiếng kêu của nỗi nhớ da diết, của sự đợi chờ và mong ước mà cô bé đã giấu trong mình suốt tám năm đằng đẵng.

Cô bé ôm chặt lấy ba, hôn ba thật nhiều, hôn lên cả vết thẹo mà cô từng ghét bỏ, quấn quýt cho đủ những tháng ngày đã cách xa. Cô bé không muốn ba đi nữa, nhưng rồi cũng phải nhìn bóng ba ngày càng xa. Vào lúc chia tay, cô ước ba sẽ mua cho mình một chiếc lược ngà, để cô bé có cảm giác được ba yêu thương cạnh bên. Có thể thấy, Thu là một cô bé bướng bỉnh, cố chấp, nhưng sự bướng bỉnh, cố chấp ấy lại sinh ra từ lòng yêu thương, quý mến ba.

Cùng với bé Thu, ông Sáu cũng là một nhân vật đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Ngày được trở về quê hương sau tám năm dài xa cách, bao nỗi nhớ cùng kỷ niệm ùa về khiến ông Sáu không khỏi xúc động. Nghĩ đến việc được gặp lại đứa con gái bé bỏng, ông lại vui vẻ và vội vã lạ thường.

Nhưng rồi, trước thái độ xa lạ của con, ông hụt hẫng đầy đau khổ. Trong ba ngày ít ỏi được ở nhà, ông không đi đâu xa mà chỉ tìm cách gần gũi với con, chờ con gọi mình là ba, chờ con chấp nhận mình. Đến khi được con nhận cha thì cũng là lúc ông lại phải xa con, xa gia đình, xa quê hương.

Hình ảnh một người cha đang cố “ghìm được xúc động và không muốn cho con nhìn thấy mình khóc, một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con” khiến người đọc phải ngậm ngùi. Những giọt nước mắt của ông không chỉ là giọt nước mắt của sự xúc động, mà nó còn là niềm hạnh phúc lớn lao được tạo nên bởi tình yêu thương con sâu nặng.

Mang theo lời hứa tặng con một chiếc lược ngà trở về chiến khu, ông luôn ân hận vì đã trách phạt con. Vì thế, ông đã dồn tất cả tình yêu thương và nỗi nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà, chỉ mong đến ngày được tận tay trao nó cho con mình. Mỗi lần nhớ con, ông lại mang cây lược ra ngắm, rồi chải lên tóc mình cho lược thêm bóng.

Chiếc lược ấy chính là kết tinh của nỗi nhớ, là vật tượng trưng cho tình yêu thương con sâu sắc của người cha. Tình cảm ấy thật lớn lao, đến cả những giây phút cuối của đời mình, ông vẫn canh cánh tiếc nuối vì chưa thể trao nó cho Thu. Ông chỉ có thể nhờ đồng đội hoàn thành tâm niệm cuối cùng. Và khi chiếc lược đến tay của Thu, tình cha con của họ sẽ chẳng bao giờ chết, mà nó đã trở thành một điểm tựa để Thu khôn lớn và trưởng thành.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc không chỉ bởi tình huống đặc sắc, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn mà nó hơn hết đến từ sự ấm áp của tình cha con thiêng liêng, cao quý. Đồng thời, tác giả đã góp phần tái hiện những mất mát to lớn mà chiến tranh đã gây ra cho nhiều gia đình, để rồi ta yêu thêm cuộc sống hôm nay và mãi trân trọng giá trị của hai chữ hòa bình.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức