Ngữ văn 6 - Bài 9 : Thảo luận về giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường - Kết nối tri thức
Soạn bài 9: Nói và nghe: Thảo luận về giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện
nay đã trở nên nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của tất cả chúng ta. Trong phạm
vi và điều kiện hoạt động của mình, mỗi người có thể làm những gì để khắc phục
tình trạng đó? Với hoạt động nói và nghe của bài học này, em hãy cùng các bạn
thảo luận về những giải pháp cần thực hiện, nhằm làm cho môi trường quanh ta trở
nên an toàn, tốt đẹp hơn.
1. Trước khi nói
a) Chuẩn bị nội
dung nói
- Lựa chọn vấn đề: Vấn đề ở đây
chính là giải pháp mà em đề xuất nhằm khắc phục nạn ô nhiễm môi trường. Muốn giải
pháp mình nêu lên có căn cứ, có tính khả thi, em và các bạn phải thống nhất trước
với nhau về việc phải giải quyết tình trạng ô nhiễm cụ thể nào (rác thải ùn ứ,
cống rãnh tắc nghẽn, khói bụi mù tịt,...). Khi nêu giải pháp, cần chú ý đến điều
kiện và khả năng thực hiện, đồng thời quan tâm đến việc giải quyết tận gốc vấn
đề (không để tình trạng cũ tái diễn). Điều quan trọng nữa là phải tính đến việc
phối hợp hoạt động với các cá nhân và tập thể khác cùng sống, sinh hoạt trên địa
bàn.
- Tìm ý và sắp xếp ý:
+ Để tìm ý, có thể tự đặt một hệ
thống câu hỏi và lần lượt giải đáp. Chẳng hạn, nếu bàn về giải pháp khắc phục
tình trạng rác thải ùn ứ, có thể nêu các câu hỏi: Rác thải ùn ứ gây ảnh hướng đến
sức khỏe của cộng đồng và làm mất mĩ quan khu vực như thế nào? Vì sao có tình
trạng này? Mỗi người cần phải làm gì để rác thải được tập kết đúng chỗ và
thu gom kịp thời? Các cá nhân và tập thể sống rên địa bàn cần chung tay
hành động thế nào? Cần phải xây dựng quy chế giữ gìn vệ sinh với nội dung cụ thể
gì? Công tác tuyên truyền phải được thực hiện ra sao?...
+ Sau khi có được những ý cần thiết từ việc trả lời các câu hỏi, cần sắp xếp thành một đề cương theo trật tự: tình trạng - nguyên nhân - giải pháp (việc làm 1, việc làm 2, việc làm 3,...) - kế hoạch hoạt động cụ thể. Tất cả cần được viết thành một đề cương bài nói.
b) Tập luyện
- Nói một mình (nói thầm, nói to,
nói kèm theo điệu bộ, cử chỉ,...).
- Nói trước nhóm học tập.
2. Trình bày
bài nói
Ngoài việc tuân thủ những yêu cầu
chung (về nội dung nói, ngữ điệu, sử dụng từ ngữ, tương tác với người nghe, bảo
đảm thời gian,...), em cần lưu ý thêm các điểm sau đây khi tham gia thảo luận về
giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường.
a) Mở đầu
Nêu tình trạng đáng báo động của vấn
đề ô nhiễm môi trường với các biểu hiện cụ thể của nó, nhất là biểu hiện mà em
và các bạn đang phải đối mặt và cần phải tham gia giải quyết.
b) Triển khai
- Trình bày ý kiến theo đề cương
đã chuẩn bị.
- Trước khi trình bày từng phần ý
kiến, có thể nêu lại các câu hỏi đã từng được đặt ra trong bước tìm ý, nhằm
giúp người nghe hiểu rõ nội dung từng khía cạnh của vấn đề được đề cập.
c) Kết luận
Khái quát lại nội dung ý kiến vừa
trình bày.
3. Sau khi
nói
Trao đổi theo một số gợi ý sau:
Người nghe |
Người nói |
- Đặt mình vào vị trí người nói
để thấu hiểu lí do khiến người nói đề xuất giải pháp như vậy. - Các nhận xét, trao đổi hướng
vào trọng tâm, không sa vào những chi tiết vụn vặt. - Nêu được điều tâm đắc của em về
ý kiến của em. - Nêu những điều em chưa đồng
tình với ý kiến của bạn. - Bổ sung những điều mà ý kiến của
bạn chưa đề xuất đầy đủ. |
- Tiếp nhận mọi trao đổi trên
tinh thần hướng đến việc tìm tòi một giải pháp thống nhất. - Làm rõ một số điểm mà người
nghe có thể thắc mắc. - Bảo vệ những nội dung trong ý
kiến của bản thân mà em cho là hợp lí. - Tự rút ra những kinh nghiệm cần
thiết trong việc nêu ý kiến khi tham gia thảo luận. |
Gợi ý:
Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin môi trường bị ô nhiễm. Bất chấp những lời kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm càng lúc càng trở nên trầm trọng. Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Một ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, là trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền.
Vậy nguyên nhân cho sự việc trên
là gì? Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người
dân. Nhiều người nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại
môi trường. Một số người khác lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm
của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Số khác lại nghĩ rằng
việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và
việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều... Việc phá hoại
môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là
lớn. Trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa
phần lại là của người dân.
Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của
các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh
nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của
nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường. Việt Nam thiếu
những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, do đang thu hút mạnh
các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở
thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán
thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải
nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở nước
ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.
Bên cạnh đó là những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo
vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng. Theo thống
kê của Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường
để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy
trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống
các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn
định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi,
bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các
cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.
Quyền hạn pháp lí của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh
sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình
hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ
môi trường. Các cở sở pháp lí, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô
nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh,
dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm
hại môi trường. Rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lí hình sự; còn
các biện pháp xử lí khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đóng
cửa và đình chỉnh hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được
áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết,
doanh nghiệp trây ỳ nên cũng không có hiệu quả.
Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác
bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm
tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các
cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức,
hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến. Công tác thẩm định và đánh giá tác động
môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi
trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa đại
khái cho đủ thủ tục, dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn
hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức,
cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Để ngăn chặn, khắc phục và xử lí
có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số
giải pháp chủ yếu sau đây:
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế
tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lí hình) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức
răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản
lí môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế,
đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và
thân thiện hơn với con người.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường
(thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên
môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường
các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi
gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường;
trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của
các lực lượng này.
Chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các
làng nghề, các đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng,
toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng
quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian
vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lí nói chung, quản lí môi trường nói
riêng. Đối với các khu công nghiệp, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư
hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải tập trung hoàn chỉnh mới
được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử
lí nước thải, rác thải tại đó.
Cần chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động
môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu
chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy
phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi
ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực
hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi
tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của
những quy hoạch và dự án đó.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường
trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp
hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp
trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi
người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa
tự nhiên - con người - xã hội.
Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau.