Hãy chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống

Hãy chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống 

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu vai trò của môi trường sống đối với đời sống con người; vai trò quan trọng, giành được nhiều sự quan tâm của con người.

2. Thân bài

  • Môi trường sống là gì? (những điều kiện vật chất bao quanh sự sống của con người: đất, nước, không khí...)
  • Vai trò của môi trường sống đối với đời sống con người:
    • Tạo điều kiện vật chất cho cuộc sống con người: không khí để thở, nước để uống, cây xanh cung cấp oxy.
    • Bảo vệ sức khỏe con người: Môi trường trong lành ngăn cản sự phát triển của các vi sinh vật có hại (không khí sạch ngăn cản vi khuẩn, virus, nước sạch ngăn cản của bọ gậy, muỗi...)
  • Những hành động thiếu ý thức của con người làm tổn hại đến môi trường sống và tác hại của chúng:
  • Xả rác bừa bãi làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí.
  • Rác thải công nghiệp làm ô nhiễm không khí, thủng tầng ôzôn, xói mòn đất...
  • Tính cấp thiết của việc bảo vệ, gìn giữ môi trường sống trong lành: môi trường sống trong nhiều năm trở lại đây bị ô nhiễm và tổn hại nghiêm trọng vì vậy đòi hỏi con người phải có những biện pháp cấp thiết bảo vệ môi trường sống.

3. Kết bài

  • Bài học rút ra cho bản thân, những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống: không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng và cây xanh.

Bài làm

      Môi trường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống của chúng ta. Một môi trường tốt sẽ tạo nên một cuộc sống tốt, con người có thể thỏa sức làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi, phát triển. Còn ngược lại, một môi trường xấu, môi trường bị ô nhiễm, sẽ tạo nên một cuộc sống đầy rẫy bệnh tật và khó khăn, trở ngại.

      Vậy môi trường sống là gì? Môi trường sống chính là những gì bao quanh chúng ta, đó là không khí, là đất, nước, là cả những sinh vật nhỏ bé như những loài côn trùng, bò sát… tất cả đều gọi là môi trường sống. Ở những môi trường sống ấy, con người có không khí để hít thở, có nước sạch để sử dụng, có cây xanh tỏa bóng mát, có đất đai để trồng trọt và chăn nuôi. Một môi trường trong lành sẽ ngăn ngừa sự phát triển của các loài vi khuẩn có hại, không khí sạch sẽ không để vi khuẩn, virus sinh sôi, nước sạch sẽ không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, đất đai sạch sẽ không thể có các mầm mống gây bệnh. Đó chính là những ích lợi mà môi trường sống trong lành mang lại cho chúng ta. Được sống trong môi trường ấy, con người sẽ khỏe mạnh, sống vui, sống khỏe và làm được nhiều điều có ích.

Thế nhưng, đời sống ngày càng phát triển, con người ngày càng được hỗ trợ bởi những thiết bị tiện nghi, hiện đại nên quên mất đi nhiệm vụ quan trọng nhất đó chính là bảo vệ môi trường. Cách sống ích kỷ trong xã hội hiện đại đã khiến chúng ta vô tình làm tổn hại đến môi trường sống. Tất cả mọi người, ngay cả những người lớn tuổi, vẫn hồn nhiên xả rác bừa bãi ra môi trường, rác thải theo mưa đi đến cống rãnh, làm tắc cống rãnh, đi đến sông suối làm ô nhiễm nguồn nước. Không khó để chúng ta bắt gặp trên mạng xã hội hình ảnh những loài động vật phải ngập ngụa trong rác thải của con người. Chưa kể là những rác thải hữu cơ rất có ích nếu dùng để ủ thành phân, bón cho cây trồng thế nhưng chúng ta không làm vậy, chúng ta thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sinh sống của chính chúng ta. Đó là chưa nói đến các nhà máy công nghiệp, lúc nào cũng ngùn ngụt khói trắng, khói đen tỏa ra trên bầu trời. Những thứ đó sẽ làm thủng tầng ozon, tạo mưa gió, lũ lụt, làm đời sống con người vô cùng cực khổ. Thêm nữa, chúng ta chặt phá rừng, gây đồi trọc, đất trống, mỗi khi mưa về sức nước lớn mà không có cây xanh giữ lại sẽ gây ra sạt lở, xói mòn.

Những dẫn chứng nêu trên đã giúp chúng ta thấy được phần nào tác hại mà môi trường sống ô nhiễm gây ra. Thực tế đã có những vụ việc hết sức đau lòng trên đất nước Việt Nam. Đó là thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung, là những dòng sông độc ở Thanh Hóa, là những vụ sạt lở chôn vùi nhà cửa thậm chí là sinh mạng con người. Tất cả chính là hệ quả của ô nhiễm môi trường. Như một vòng tròn nhân quả, con người gây ra ô nhiễm và cũng chính con người phải chịu đựng những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Trước những vấn đề cấp thiết như thế, giữ gìn môi trường sống không bị ô nhiễm chính là nhiệm vụ không chỉ của các nhà lãnh đạo mà còn là vai trò, trách nhiệm của mỗi người. Chúng ta cần góp sức lực vào việc bảo vệ môi trường, dù chỉ là những hành động đơn giản, nhỏ bé như nhặt rác, dọn vệ sinh trường, lớp, giữ vệ sinh đường phố sạch đẹp…

      Tóm lại, môi trường chính là nơi chúng ta được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Một môi trường trong lành sẽ là điều kiện thuận lợi để giúp chúng ta có thể học tập và phát triển. Còn ngược lại, nếu môi trường bị ô nhiễm thì cuộc sống chắc chắn sẽ bị tổn hại rất to lớn.

Bài mẫu 2: 

Bài làm

        Trái Đất chúng ta là một tạo vật kì diệu. Địa Cầu như người mẹ nuôi chúng ta, luôn chiều chuộng cung cấp cho hàng tỷ đứa con bé nhỏ những điều tuyệt vời nhất. Nơi chúng ta sống, mọi thứ xung quanh đều được dùng 1 từ để diễn tả: “Môi trường” – không phải là một vật thể sống nhưng với tầm vóc của nó, nó có sức ảnh hưởng hết sức lớn lao đối với chúng ta. Môi trường, khi hiền hòa, khi dễ chịu, khi lại phẫn nộ, giận dữ - nó dựa vào những hành động chúng ta làm với nó và trả lại đủ - môi trường sẽ cuốn phăng đi mọi thứ đang hiện hữu, để chúng biến mất vào hư vô nếu chúng ta không quan tâm bảo vệ nó.

        Môi trường sống là gì? Môi trường sống xung quanh ta là những điều kì diệu, là những điều kiện tự nhiên về vật chất, tinh thần, bao gồm: nhà cửa, đất, nước, không khí, cây cối, bầu trời. Thời gian trôi qua, khi công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, những mẩu sắt thép đã dần thay thế cho những khúc gỗ đơn sơ, và những ánh đèn dầu mập mờ đã không còn nữa, nhường chỗ cho những bóng đèn điện quang sáng rực giữa màn đêm. Mọi người cứ nghĩ thiên nhiên đã không còn vĩ đại như xưa, đều có thể thế bởi những thứ tạo ra từ đôi bàn tay đầy kĩ thuật của con người, rằng gỗ chẳng thể nào sánh được với sắt, hay bóng cây so với quạt máy vẫn còn kém xa. Nhưng, đã có ai từng tự hỏi kim loại từ đâu mà ra, hay chiếc quạt tiện dụng ấy được cấu tạo từ thứ gì? Câu trả lời lại đơn giản lắm: những thứ ta sử dụng hôm nay, đều có nguồn gốc xuất xứ từ môi trường đó thôi!

Đất đai? Đất là một tài nguyên vô cùng quý giá, là mầm móng cho tất cả mọi thứ, là điểm khởi đầu cho những sự vật chúng ta gây dựng nên, là nơi chôn cất bao nhiêu bí mật, là nơi cất giữ thật nhiều khoáng sản. Cao ốc, trường học, nhà cửa. Nơi ta đang sống, gắn bó, nơi bảo vệ ta, nơi ta chơi đùa và nghỉ ngơi phải chăng đều được xây dựng bằng gạch, bằng cát, bằng cốt thép xi măng hay tự mọc lên? Đất còn là nguồn tài nguyên khoáng sản. Vòng vàng, trang sức, dầu mỏ, hay các vũ khí chiến tranh đều từ dưới lòng đất mà lên cả thôi đấy chứ! Có đất, cây cối, rau củ, động vật, mới có thể sống và phục vụ con người chứ nhỉ?

Chúng ta cũng không thể sống nếu thiếu không khí. Không khí là yếu tố sống của nhân loại. Không có không khí, không có khí O2 và khí CO2, liệu con người và các loài động, thực vật có thể sống và làm việc như thế này? Không chỉ những nguyên tố ấy, nước cũng là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống. Nước dùng để uống, để sinh hoạt và phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp.

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết, môi trường sống tạo nên hạnh phúc, niềm vui một bầu trời trong xanh cho chúng ta. Nó cung cấp ô-xi, mang lại không khí trong lành, dễ chịu. Môi trường sống trong sạch bảo vệ sức khỏe con người, ngăn cản các vi sinh vật có hại, nước sạch ngăn cản bọ gậy, ruồi muỗi. Mang lại cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, là nguồn giải trí của con người. Có cây cối, thì sẽ có rừng, rừng ngăn chặn lũ lụt, sóng thần. Tất cả đều thật quý giá biết bao. Thật sung sướng khi được sống trong một môi trường như vậy. Quả thật không sai khi nói thiên nhiên, môi trường sống của ta là “rừng vàng biển bạc” mà!

Cuộc sống ấy quá đỗi yên bình và tràn ngập hạnh phúc. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, môi trường sống đang là chủ đề được nhắc đến như “điểm nóng” của tình hình thế giới. Các hội thảo, các hội nghị quốc tế đều xoay quanh một bức thông điệp thiết tha: Hãy cứu lấy môi trường! Vì sao vậy? Vì khi môi trường sống xanh, sạch, đẹp này biến mất đi, loài người cũng sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt, đời sống chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn. Nên mỗi người chúng ta phải có ý thức bảo vệ nó vậy mà không biết bao nhiêu người thiếu ý thức đang nhúng bàn tay của mình vào phá hoại thiên nhiên - phá hoại môi trường sống.

Con người - một động vật thông minh nhất hành tinh. Họ đã làm gì vậy, có ai thấy được không? Xả rác bừa bãi, rác thải công nghiệp, xả rác ra kênh rạch ao hồ. Chẳng hạn như việc rác thải bị xả ra sông Thị Vải, sông Tô Lịch năm 2008, hay ở khu công nghiệp Vedan thải ra sông Đồng Nai làm chết biết bao nhiêu sinh vật dưới nước, làm cho biết bao nhiêu người dân ở khu đó phải khổ sở. Hay là phá rừng xây dựng công trình và đem bán như các vụ lâm tặc ở Nghệ An, Đắc Lắc. Ngoài ra, còn có các vụ cháy rừng ở Ấn Độ, Malaysia, hoặc vụ cháy rừng U Minh ở Việt Nam năm 2003. Đào xới đất bừa bãi, phá vỡ đê điều, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay phân bón hóa học, đổ dầu ra biển cũng không ngoại lệ. Làm Trái Đất nóng lên, tạo ra hiện tượng nhà kính khiến băng tan hay chế tạo vũ khí chiến tranh hạt nhân một cách bừa bãi cũng là một hành động tàn ác trong danh sách phá hoại của con người.

Để rồi ta thấy được rằng không khí bị ô nhiễm do không có cây cối và do khí thải. Con người mất nơi giải trí, vui chơi. Tầng ozôn bị thủng, tia cực tím chiếu thẳng xuống mặt đất làm hại làn da của con người. Đất bị xói mòn, đồi trọc, nông nghiệp sa sút. Triệu triệu cây gỗ, màu xanh của Trái Đất dần mất đi và không khí không còn được điều hòa, mất cân bằng sinh thái. Tạo ra bệnh tật (ung thư, dị biến lâu dài của chất độc màu da cam…) chưa hết mà bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán còn xảy ra liên tiếp khiến các sinh vật trên cạn và dưới nước bị diệt vong, khiến hàng ngàn loài vật bị tuyệt chủng. Không chỉ dừng lại như vậy mà họ còn phá hoại nền kinh tế trầm trọng, gây ra khủng hoảng kinh tế cả thế giới.

Hãy tưởng tượng xem, lỡ như một lúc nào đó ta không còn được nhìn thấy những cánh chim sải cánh bay lượn tự do nữa, không còn được bước đi trên bãi cát trắng mịn và nghe tiếng hát du dương, vỗ về của biển, không còn con thuyền êm đềm sông nước, không còn dòng suối róc rách hay cá bơi lội tung tăng, không còn những ngày hạnh phúc và yên bình… nữa. Mà thay vào đó là bầu trời tối đen không ánh nắng, mặt biển bập bềnh những rác, cá chết trôi, dòng nước sạch bị đục ngầu, hay các hiện tượng sạt lở đất, sóng thần, băng tan, động đất, hạn hán xảy ra thường xuyên. Liệu con người có thể sống chứ? Liệu rằng lúc đó, con người có thể an nhàn khi sống trong một hành tinh như vậy chứ? Hãy tự hỏi mình và suy nghĩ đến điều đó đi nhé.

Biết rằng con người ai cũng sợ hãi cảnh đó nhưng sao cứ phá hoại thiên nhiên, phá hoại môi trường sống và phá hoại nhà ở của động, thực vật? Chúng ta có thể biết chắc rằng vì họ cần tiền để mưu sinh, nhưng vấn đề đang nói đến là họ chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt mà không biết suy nghĩ đến cái xã hội tương lai về sau này, vì họ nghĩ thiên nhiên là của chung nên họ không cần phải bảo vệ. Họ luôn tàn khốc mọi thứ, kể cả nhà ở của những loài động, thực vật hay những sinh vật vô tội. Con người thật đáng sợ!

Năm 1992, Severn, cô gái Canada 12 tuổi và những người bạn của mình đã đến với Hội thảo vì môi trường (Rio) bằng chính tiền của cô và các bạn dành dụm được. Severn đã chỉ cho những con người được gọi là thông minh, những đất nước được cho là văn minh, phát triển về những gì họ đã và đang gây ra cho thế hệ tương lai những lời hứa hẹn mà chưa một lần hành động của họ. Giờ đây, Severn đã 31 tuổi nhưng bài diễn văn của cô cách đây gần 20 năm vẫn sống mãi với thời gian bởi những lời lẽ và lập luận sắc bén, đanh thép của mình, cũng như phản ánh rất đúng thực tại cuộc sống xã hội của ngày ấy và bây giờ.

Như chúng ta thấy đó, khi chỉ là một đứa trẻ, cô đã mạnh dạn đứng lên bày tỏ suy nghĩ của mình một cách đúng đắn nhất. Vậy tại sao chúng ta, những người học sinh đang ở độ tuổi này, hay những con người đã thành đạt, không biết suy nghĩ đến cái tương lai của xã hội, đến một lúc nào đó nhân loại ta sẽ bị diệt vong? Hãy nhắm mắt lại và suy nghĩ đến điều đó, bạn nhé!

Môi trường sống rất quan trọng, hơn bất cứ thứ gì. Khi còn là một học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy biết nhận thức điều đó và hãy biết hành động. Ta có thể: thường xuyên dọn vệ sinh khu phố, xóm làng, nhà cửa, nơi mình ở, không xả rác bừa bãi hay ném rác ra kênh rạch, ao hồ, tích cực trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, không đốn cây, tuyên truyền cho mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường, cứu lấy lá phổi xanh của chúng ta. Nếu mỗi nhóm, mỗi đơn vị, mỗi người đều hành động, thương yêu chăm sóc cho thiên nhiên thì có lẽ thế giới của chúng ta sẽ khác. Mỗi hành động của chúng ta đều mang một ý nghĩa tiêu biểu. Khi chúng ta làm việc gì đó với ý định muốn bảo tồn, lực lượng đầy lòng thương yêu quan tâm này sẽ truyền ra từ một góc của chúng ta trên thế giới tới toàn thể tinh cầu. Địa cầu sẽ được bảo toàn, gìn giữ; mùa màng sẽ được bảo vệ, kinh tế toàn cầu sẽ được duy trì, và mọi người sẽ có thức ăn. Thế giới sẽ có đủ tài nguyên và đủ thực phẩm cho tất cả mọi người. Chúng ta làm như vậy không phải vì tiền, mà là để chúng ta được sống, tiếp tục làm việc, tiếp tục cảm nhận sự trong xanh của thiên nhiên mà thôi. Đó! Bạn thấy đó, thay vì ngồi một chỗ thì sao ta không bắt đầu hành động ngay trước khi quá muộn, hãy nhớ lấy điều này nhé!

      Môi trường sống quanh ta, người bạn thân thiết của ta đang bị đe dọa. Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu môi trường sống bị phá hoại, do chính bàn ta chúng ta. Thiên nhiên mang đến mọi điều tuyệt vời nhưng có thể lấy đi tất cả nếu chúng ta làm nó nổi giận, dù rằng trước đó nó không hề đòi hỏi gì, hãy nhớ điều này! Vì thế nên hãy dừng bàn tay độc ác đó lại, tôi cầu xin các bạn, và hãy hành động để bảo vệ môi trường sống của chúng ta đi nhé!

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức