Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

 Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt của con người ngày càng cạn kiệt. Do đó, chúng ta cần phải đưa ra những giải pháp hiệu quả để bảo vệ được nguồn nước sạch.

Ô nhiễm môi trường nước có tên gọi bằng tiếng Anh là Water pollution, dùng để chỉ hiện tượng nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) bị nhiễm bẩn, thay đổi thành phần và chất lượng theo chiều hướng xấu, trong nước có các chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người và hệ sinh vật.

Biểu hiện ô nhiễm môi trường nước thường thấy nhất là nước có màu lạ (màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ,…), mùi lạ (mùi tanh hôi, thối nồng nặc, mùi thum thủm,…) và xuất hiện váng, nổi bọt khí, có nhiều sinh vật sống trong nước bị chết. Thực trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới rất đáng báo động.

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước trên thế giới hiện nay không chỉ xảy ra ở đới ôn hòa, mà còn có trên đới nóng, đới lạnh, tức là bao trùm khắp các châu lục. Theo báo cáo ô nhiễm môi trường nước của UNEP, có tới 60% dòng sông của châu Á – Âu – Phi bị ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm hữu cơ. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam cũng không chỉ xảy ra ở nông thôn, mà ô nhiễm nhiễm môi trường nước ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận cũng rất nghiêm trọng.

Tại Thành phố Hà Nội có khoảng 350 – 400 nghìn m3 nước thải và hơn 1.000m3 rác thải xả ra mỗi ngày, nhưng chỉ 10% được xử lý, số còn lại xả trực tiếp vào sông ngòi gây ô nhiễm nước khiến cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, mức độ ô nhiễm rộng khắp 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh tình trạng nhiễm môi trường nước điển hình nhất là ở cụm công nghiệp Thanh Lương, có tới khoảng 500.000m3 nước thải/ngày từ các nhà máy bột giặt, giấy, nhuộm. Những số liệu về ô nhiễm môi trường nước được dẫn chứng ở trên sẽ không ngừng gia tăng mỗi ngày nếu chúng ta không nhanh chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp giảm thiểu, loại trừ.

Dễ hiểu sự bùng nổ dân số trở thành nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước. Khi con người ngày càng nhiều trên trái đất dân số tăng vọt kéo theo rất nhiều hệ lụy liên quan tới nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, đi lại, xây dựng, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tất cả các hoạt động trong đời sống đều không thể thiếu nhân tố nước. Do đó, con người với một loạt các hoạt động phát triển có ảnh hưởng rất lớn tới môi trường tự nhiên nói chung, môi trường nước nói riêng. Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập chi tiết hơn trong nội dung phần tiếp theo của bài viết.

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập ngày càng nhiều tới vấn đề rác thải nhựa trong sinh hoạt. Vấn nạn này đã, đang và không ngừng là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng. Vậy rác thải nhựa là do đâu? Do chính lối sống sinh hoạt, thói quen tiêu thụ quá nhiều đồ nhựa của con người. Nhận thức được việc rác thải nhựa là mối đe dọa của toàn nhân loại, những năm trở lại đây, nhiều người đã có ý thức hơn trong việc sử dụng đồ nhựa và tiết giản đồ đạc.

Ở Việt Nam, các con số thống kê hiện nay cho thấy đa số các bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước đều chưa có được hệ thống xử lý nguồn nước thải đạt yêu cầu. Bạn hãy tưởng tượng rằng: Với lượng bệnh nhân rất lớn được tiếp nhận tại các bệnh viện cùng các biện pháp xử lý khám chữa bệnh và dịch vụ y tế. Nếu các cơ sở này không có phương hướng rác thải dụng cụ, thiết bị y tế đúng cách thì quả là mối nguy với môi trường.

Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước đầu tiên bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi. Theo đó, các loại thức ăn thừa không qua xử lý, phân và nước tiểu của vật nuôi xả trực tiếp ra ngoài chính là những tác nhân dễ dàng nhận thấy nhất. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, việc người sân sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, diệt cỏ,… vượt quá liều lượng được khuyến cáo cũng chính là các yếu tố gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm do hóa chất bị tồn dư.

Thậm chí, một số bà con nông dân còn sử dụng những loại hóa chất bị cấm như thuốc trừ sâu Monitor, Thiodol,… điều này không chỉ dẫn đến ô nhiễm nước mà còn vô cùng độc hại cho người sử dụng, nhất là khi không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động. Ngoài ra, việc cất giữ, bảo quản thuốc không đúng cách, bày ở khắp nơi trong nhà cũng khiến nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc. Hoặc, việc vứt bỏ các vỏ chai đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bừa bãi xuống bờ ruộng, kênh rạch cũng là yếu tố nguy cơ.

Nước thải và rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp phần lớn đều được xả trực tiếp ra ao, hồ, sông suối mà chưa qua xử lý. Do đó, đây cũng chính là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước điển hình nhất. Ô nhiễm môi trường nước nguyên nhân ở khía cạnh công nghiệp còn do sự nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư, một số cơ quan, tổ chức và cộng động dân cư còn hạn chế, chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế trong khi xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường xung quanh, vì thế tình trạng nước nhiễm bẩn là điều đương nhiên.

Lượng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, các hóa chất tồn đọng được xả ra ao, hồ, sông suối, biển cả sẽ làm môi trường sống của các sinh vật dưới nước bị thay đổi theo hướng ngày một tồi tệ hơn. Hậu quả của ô nhiễm môi trường nước đối với sinh vật dưới nước là hàng loạt tôm cá và những sinh vật dưới biển chậm phát triển. Khi mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép, chúng sẽ không thể thích nghi được, dẫn đến cái chết hàng loạt, làm tài nguyên biển, cũng như hệ sinh thái dưới nước bị suy kiệt. Nếu ăn cá bị nhiễm độc, sức khỏe con người cũng bị đe dọa.

Giáo dục ý thức và trách nhiệm của mỗi người đối với các thế hệ tương lai là vấn đề then chốt và cần thiết. Làm sao để người dân thay đổi suy nghĩ đó, thay đổi thói quen đó thì mọi vấn đề liên quan tới môi trường đều có thể được giải quyết. Cần tăng cường tuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường nước từ những hành động đơn giản như vứt rác đúng nơi quy định, lên án với những hành vi xả rác bừa bãi.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Các nhà máy, xí nghiệp cần xây bể xử lý nguồn nước thải thay vì xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài cũng là biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước hiệu quả. Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm những hệ thống xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn. Tích cực đầu tư nghiên cứu để tìm ra các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước hiệu quả hơn.

Khuyến khích người dân vùng nông thôn áp dụng giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách xây dựng hầm cầu tự hoại, hầm biogas cải tiến để xử lý nước thải, tránh xả trực tiếp phân và nước tiểu trong chăn nuôi ra môi trường. Cải tiến công tác sản xuất nông nghiệp bằng cách dùng phương pháp tự nhiên để tạo dinh dưỡng cho đất, kết hợp sử dụng cây trồng kháng sâu bệnh tốt để hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại.

Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách có thể sử dụng các nguồn năng lượng sạch để thay thế và áp dụng trong sản xuất công nghiệp. Ví dụ như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…Đây là một giải pháp an toàn có thể hạn chế được nguồn rác thải và nước thải độc hại.

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước

Hiện nay, môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hoá khá nhanh cùng sự gia tăng dân số là nguyên nhân chính gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước.

Mức độ ô nhiễm nước ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tập trung là rất lớn. Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, hiện tượng ô nhiễm môi trường nước đã làm cho hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại.

Ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ việc các ao, hồ, sông tiếp nhận nhiều loại nguồn thải, môi trường nước mặt đang ở tình trạng ô nhiễm tại nhiều nơi. Tuy nhiên, nguồn thải chính tác động đến môi trường nước mặt ở nước ta là nước thải nông nghiệp, công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Mức độ gia tăng các nguồn nước thải hiện nay ngày càng lớn với quy mô rộng ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều ngành công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất cũng như phạm vi phân bố. Cùng với đó là sự gia tăng lượng nước thải lớn, trong khi đó, mức đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu.

Nước thải sinh hoạt chiếm trên 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ hay kênh rạch dẫn ra sông. Theo số liệu tính toán của cơ quan môi trường cho thấy Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước. Vùng Đông Nam bộ với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung các KCN lớn, là vùng có lượng phát sinh nước thải công nghiệp lớn nhất cả nước. Số lượng KCN có hệ thống xử lý nước thải vẫn đang ở mức trung bình (50-60%), hơn nữa, 50% trong số đó vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Theo các nghiên cứu tác động Môi trường của cơ quan Tổng cục Môi trường cho thấy:

Ở ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải thường có độ pH trung bình từ 9-11; chỉ số nhu cầu ôxy sinh hoá (BOD: Biochemical oxygen Demand – là lượng oxy cần thiết cung cấp cho vi sinh vật để oxi hóa các chất hữu cơ), nhu cầu ôxy hoá học (COD: Chemical oxygen Demand – là khối lượng oxy cần tiêu hao trên 1 lít nước thải) có thể lên đến 700mg/1 và 2.500mg/1; hàm lượng chất rắn lơ lửng… cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Hàm lượng nước thải của các ngành này có chứa xyanua (CN-) vượt đến 84 lần, H2S vượt 4,2 lần, hàm lượng NH3 vượt 84 lần tiêu chuẩn cho phép nên đã gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong vùng dân cư.

Bên cạnh những nguồn thải nêu trên, nước thải nông nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như vùng ĐBSCL. Nước thải từ hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, các khu vực này, đời sống dân cư vẫn gắn với nguồn nước sông, dùng làm nước sinh hoạt hay sử dụng để nuôi trồng thủy sản.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước như sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu: nhận thức của người dân về vấn đề môi trường còn chưa cao… Đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu, cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng. Chưa có chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và các vùng lãnh thổ lớn. Chưa có các quy định hợp lý trong việc đóng góp tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường nước gây nên tình trạng thiếu hụt tài chính, thu không đủ chi cho bảo vệ môi trường nước.

Hiện nay, Việt Nam có gần 76% dân số đang sinh sống ở nông thôn là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khoẻ nhân dân.

Do nuôi trồng thuỷ sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản thì các thức ăn dư lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc, thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thuỷ triều đỏ ở một số vùng ven biển nước ta.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Món quà sinh nhật

Thuyết Trình Về Gia Đình

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức