Thuyết Minh Về Yên Bái

 

Bài Viết Giới Thiệu Về Yên Bái

  Nằm ở cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái là tỉnh miền núi, có vị trí phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La.

  Với vị trí địa lý nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

Yên Bái là một tỉnh miền núi, có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng cho việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú như: động Thủy Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, núi Cao Biền, núi Chàng Rể và được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi”. Nơi đây có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn.

Khu vực Miền Tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò – vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Các danh lam thắng cảnh và điểm du lịch độc đáo như Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400m – nơi có chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, suối nước nóng Bản Bon – nguồn nước nóng thiên nhiên tinh khiết.

Cùng với đó là lùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và được báo chí Mỹ ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu huyện Văn Yên; hồ Đầm Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải… rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh…

  Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ cho du lịch văn hóa – tâm linh như: Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Khu chùa – Đền Hắc Y – Đại Cại, Đền Thác Bà, Động Hương Thảo, Chùa Ngọc Am… cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên… là yếu tố thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước.

Thuyết Minh Về Quê Hương Yên Bái Của Em

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có tới 30 dân tộc anh em cùng chung sống và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là “cửa ngõ phên dậu” vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc – Tây Bắc, của những nền văn hoá đa sắc tộc, hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Thiên phú và sự sáng tạo lao động của cộng đồng các dân tộc Yên Bái đã tạo nên một vùng đất nhiều tiềm năng. Cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Sự hấp dẫn của vùng đất này là hình sông thế núi, được kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh, với những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non ngoạn mục vươn sát bờ sông tạo thành những lát cắt phóng khoáng, trùng điệp, đó là tặng vật của thiên nhiên để con người gây dựng nên những xóm làng trù mật và thanh bình. Từ đây, những khát vọng về sự yên ấm thơ mộng được đặt cho các tên làng, trở thành dấu ấn không thể phai nhạt như Châu Quế, Yên Hưng, Lan Đình, Cổ Phúc, Yên Lương, Âu Lâu, Bình Phương, Linh Thông, Minh Quân, Nga Quán…Những tên làng nhắc tới là biết ngay đất Yên Bái.

Dải đất này trầm tích bao bí mật của quá khứ, từ thủa xa xưa. Những kết quả khảo cổ học cho thấy đây là vùng đất có lịch kỳ từ thời đá mới trải dài tới đồ đồng, đồ sắt. Tiêu biểu nhất tương ứng với thời kỳ đá Sơn Vi tìm thấy ở Mậu A, được các nhà khảo cổ đánh giá là di chỉ có những đặc trưng nổi trội nhất. Dọc lưu vực sông là quê hương của thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh nổi tiếng quốc gia cùng vô số đồ đồng phát lộ, được người xưa chôn dấu dọc dải đất hai bên bờ sông. Vùng đất này cũng là vùng còn chứa nhiều bí ẩn đầy ký ức của cư dân cổ xưa, đang rất cần được các nhà khoa học khám phá.

Cùng với trí tuệ và bàn tay tạo dựng của con người, nhiều nơi ngoài việc trồng lúa nước còn phát triển các làng nghề: trồng dâu nuôi tằm, đan lát thủ công làm miến, kéo mật, cùng với những rừng quế bạt ngàn, những nương chè ngút ngát xanh tươi. Các làng văn hóa được tạo dựng, chính là nơi giữ gìn cảnh quản môi trường thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian được bao thế hệ lưu truyền.

Ở đây có thể bắt gặp cái lạ và độc đáo của khèn “ma nhí”, sáo “cúc kẹ” dân tộc Xa Phó, cũng như sự huyên linh trong “tết nhẩy” của dân tộc Dao và các giá trị phi vật thể khác đang tiềm ẩn trong nhân dân. Đó là kết quả của lao động sản xuất và nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân các dân tộc sáng tạo nên.

Đồng hành cùng với lịch sử, các giá trị văn hóa tinh thần được xác lập cùng với tín ngưỡng bản địa, các đình đền miếu mạo được nhân dân tôn ái xây dựng. Những đền chùa nổi tiếng trong vùng như đền Đông Cuông, Tuần Quán, Nhược Sơn, chùa Bách Lẫm, Ngọc Am được tu bổ, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và cũng là các di tích văn hóa gắn với các truyền tích được người dân lưu giữ.

Các dấu tích đình đền còn gắn với các sự kiện lịch sử từng xẩy ra trên mảnh đất này đó là, đền Nhược Sơn gắn với tên tuổi Hà Bổng, Hà Chương thời kỳ chống Nguyên Mông; Đền Đông Cuông (còn gọi là đền Thần Vệ Quốc) gắn với khởi nghĩa Giáp Dần (1914) của đồng bào Tày, Dao địa phương chống thực dân Pháp, đền Tuần Quán gắn với khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930 của các chí sĩ yêu nước tụ họp ở đây trước khi khởi sự.

Thành phố Yên Bái còn nổi bật di tích lịch sử văn hóa Lễ đài nơi Bác Hồ nói chuyện với các nhân dân các dân tộc Yên Bái (ngày 24/9/1958) giữa trung tâm thành phố,một địa chỉ quen thuộc với cả nước là di tích lịch sử văn hóa: Lăng mộ Nguyễn Thái Học và các nhà yêu nước hy sinh năm 1930 trong khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp nổi tiếng đương thời, được tọa lạc trong công viên Yên Hòa khoáng đạt.

Trung tâm Yên Bái còn là nơi cửa ngõ nối giữa Đông Bắc với Tây Bắc của Tổ quốc, có đường sắt và đường bộ nối Hà Nội và các tỉnh đồng bằng trung du với Vân Nam – Trung Quốc. Nơi đây còn có chiến khu Vần Dọc của thời kháng chiến chống Pháp, có bến phà Âu Lâu đã trở thành di tích lịch sử văn hóa của địa phương.

“Lịch sử là dòng chảy, truyền thống là hành trang”, chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh những năm qua là niềm tự hào về những chiến công, những thành tích đã đạt được, đồng thời cũng nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, mục tiêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.​

Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Yên Bái

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải có diện tích khoảng 2.200 ha thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Năm 2007, 330 ha diện tích ruộng bậc thang của 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được Bộ VHTTDL xếp hạng là Di tích quốc gia và đến năm 2019 danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2018, một tờ báo nổi tiếng của Anh (Telegraph) đã công bố 12 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Trong đó, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong hai đại diện của Việt Nam được lọt vào danh sách này.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với đời sống, tập tục của người Mông. Do thiếu những mảnh ruộng bằng phẳng để canh tác, đồng bào Mông đã tận dụng từng mảnh ruộng nhỏ được vỡ ra ở từng ngọn núi có độ cao từ 800-1.700 mét, cùng với việc thu phục thiên nhiên để sinh tồn nhưng vô tình đồng bào ở đây lại trở thành những “người nghệ sĩ” tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn.

Với địa hình đồi núi cao và đặc thù của khí hậu nên một năm đồng bào Mông ở Mù Cang Chải chỉ gieo trồng một vụ lúa duy nhất, tháng 5- 6 là thời gian đắp đập be bờ, lấy nước vào ruộng từ những cơn mưa đầu mùa hạ hoặc những con suối đầu nguồn để phục vụ cho việc cày ải, gieo mạ, cấy lúa (mùa nước đổ), tháng 9-10 là vào vụ thu hoạch (mùa lúa chín). Chính vì thế, mùa nước đổ và mùa lúa chín là thời gian đẹp nhất ở đây.

Mù Cang Chải vào mùa nước đổ (tháng 5 – 6) có một vẻ đẹp thuần chất mà quyến rũ không kém mùa thu sang. Mùa nước đổ, ruộng bậc thang mang vẻ đẹp hoang sơ, bình dị với gam màu trầm chủ đạo, đúng chất của miền sơn cước vùng Tây Bắc. Mù Cang Chải lúc này được pha trộn bởi màu nâu của đất hòa quyện cùng mây trắng, trời xanh và mặt nước lấp lánh, phán chiếu lên nhiều cung bậc của ánh sáng.

Nếu ban ngày, những thửa ruộng bậc thang lung linh như dát vàng dưới ánh mặt trời thì về đêm lại huyền bí dưới mầu bạc của ánh trăng, phủ trên từng lớp nước tạo thành những mảng sáng tối kỳ ảo, làm cho những thửa ruộng nơi đây trở thành bức tranh thủy mặc khổng lồ khó có nơi nào sánh được.

Vào mùa thu (tháng 9, tháng 10) hằng năm, đến hẹn lại lên hàng đoàn du khách lại rủ nhau về đây để chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang như những “nấc thang vàng” lấp lánh. Đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng đang vào mùa lúa chín được xếp thành từng tầng, từng lớp trải rộng khắp các quả đồi, lớp nọ lại nối với lớp kia như đang vươn cao lên trời.

Mỗi thửa ruộng được gieo cấy vào một thời điểm khác nhau lại tạo nên một mầu sắc khác nhau, có nơi sóng sánh ánh vàng, có nơi thửa xanh thửa vàng. Cứ thế, những cánh đồng đầy sắc mầu ở Mù Cang Chải trải dài trên những triền núi hùng vĩ, khoảnh khắc ấy đẹp như bức tranh mùa thu khổng lồ, chiếm trọn trái tim của những du khách may mắn được một lần chiêm ngưỡng.

Nhằm tôn vinh danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch, từ năm 2015 tỉnh Yên Bái đã cho tổ chức nhiều hoạt động gồm chọi dê, hội giã cốm, hội chợ ẩm thực, dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ” tại đỉnh Khau Phạ, đồi Mâm Xôi cùng nhiều hoạt động văn hóa khác.

Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung không chỉ là một vựa lúa, một một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn trở thành một bản anh hùng ca về sức mạnh đoàn kết, là tinh thần dân tộc và sự sáng tạo độc đáo của những người con vùng cao trong quá trình cải tạo thiên nhiên, phục vụ cuộc sống từ bao đời nay.

Thuyết Minh Về Một Di Tích Lịch Sử Ở Yên Bái

Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã trở thành tượng đài chiến thắng với hình tượng ngôi sao 9 cánh ghi danh 9 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc nổi dậy, trong đó, có cố nhạc sĩ Đinh Nhu – tác giả bài hát “Cùng nhau đi hồng binh”… Mỗi năm, Khu Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ đón thêm nhiều du khách khắp nơi trong cả nước đến tham quan, tìm hiểu.

Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ. Khu di tích Căng – Đồn nằm trên trục chính đường Điện Biên (Quốc lộ 32). Đây là điểm trung tâm của thị xã Nghĩa Lộ và vùng lòng chảo cánh đồng Mường Lò.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ, ngay khi bị thực dân Pháp áp giải đến Căng và Đồn, Chi bộ nhà tù đã được thành lập và đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư. Chi bộ chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cách mạng; cử một số đồng chí được ra ngoài lao động trực tiếp tiếp xúc lính gác làm công tác binh vận và phối hợp với nhân dân bắt mối liên lạc giữa nhà tù và các gia đình ngoài phố.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các đồng chí: Trần Huy Liệu, Trần Đức Sắc đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự giúp đỡ của nhân dân. Sau khi được tuyên truyền và giác ngộ, nhiều người dân đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ về thuốc men, lương thực, thực phẩm, quần áo, giấy, bút, mực và trao đổi tin tức thường xuyên với các đồng chí trong Căng và Đồn.

Trong nhà tù, Chi bộ đã quyết định ra Báo Đường Nghĩa để tuyên truyền cách mạng và hướng dẫn công tác cho cán bộ, đảng viên, phát hành tới từng tổ Đảng và quần chúng do đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút. Nội dung của các số báo tập trung vào vạch tội ác của Nhật – Pháp; thông báo tin tức, phổ biến một số kinh nghiệm xây dựng và phát triển cơ sở Đảng.

Nhờ có tờ báo này, tình hình trong nước, thế giới, kinh nghiệm tổ chức đấu tranh những gương chiến đấu vì dân, vì nước, sự phát triển phong trào cách mạng của các địa phương đã được truyền đạt tới cơ sở, góp phần quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Thông qua đó, đường lối của Đảng được phổ biến và thấm sâu vào quần chúng, góp phần củng cố các cơ sở Đảng ngày thêm vững chắc. Ngoài việc tuyên truyền đường lối chính sách, Chi bộ còn tổ chức nhiều hình thức đấu tranh trực tiếp như đưa yêu sách với phủ, đồn làm lễ truy điệu cho một số đồng chí đã hy sinh, tạo điều kiện cho tù nhân của các trại thăm hỏi, gặp gỡ nhau.

Nhân dịp tết Nguyên đán, Chi bộ đã đấu tranh với thực dân Pháp đòi tổ chức đón tết chu đáo và anh em tù chính trị được treo cờ Tổ quốc ở vị trí cao, trang trọng; làm kỳ đài, căng khẩu hiệu; treo đèn lồng, kết hoa; tổ chức diễn kịch, triển lãm Báo Đường Nghĩa, mời đồng bào tới xem… Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp đã tạo một thời cơ mới cho cách mạng nước ta. Tại Căng và Đồn Nghĩa Lộ, đại diện tù chính trị đã thuyết phục quân Pháp phải thả tù chính trị và trang bị vũ khí để cùng chống Nhật nhưng không được chấp nhận. Cuộc thương thuyết không đạt kết quả, Chi bộ đã họp bàn và quyết định phá Căng và Đồn để tự giải thoát.

Cơ hội đến vào ngày 17/3/1945 khi Pháp định chuyển tù chính trị ở Căng và Đồn đi nơi khác nhưng vấp phải sự phản đối của tù chính trị và đây cũng là cơ hội để tổ chức bạo động cướp Căng và Đồn. Thực dân Pháp nổ súng làm 9 đồng chí hy sinh tại chỗ, trong đó có nhạc sĩ Đinh Nhu, 11 đồng chí còn lại thoát khỏi nhà tù và được các cơ sở của ta đón đưa, che chở và là lực lượng nòng cốt chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh Yên Bái.

Trang vàng trong lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ còn được biết đến với quyết định của Trung ương đánh Căng và Đồn để giải phóng Nghĩa Lộ, mở cánh cửa sang phòng tuyến sông Đà, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với những quyết sách đúng đắn, vào 8 giờ sáng ngày 18/10/1952, quân ta nổi dậy đấu tranh tiêu diệt được 45 tên và bắt sống 235 tên địch, Căng và Đồn Nghĩa Lộ được giải phóng hoàn toàn.

Cho đến nay thời gian đã trôi qua, chiến trường của trận đánh ác liệt năm xưa trên Căng và Đồn Nghĩa Lộ nay đã hoàn toàn thay đổi. Nơi đây đã trở thành một công trình được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tưởng nhớ đến khí phách của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất. Với nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ, đây chính là biểu tượng của đoàn kết, gắn bó các dân tộc.

Thuyết Minh Về Hồ Thác Bà Ở Yên Bái

Trong hành trình khám phá du lịch vùng Tây Bắc của Tổ quốc, hồ Thác Bà nằm trên địa bàn huyện Yên Bình là một trong những điểm dừng chân không thể bỏ lỡ của du khách. Nơi đây được ví như một viên ngọc quý, một “Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc.

Nhắc đến hồ Thác Bà là người ta nghĩ ngay tới công trình thủy điện đầu tiên của nước Việt Nam. Phong cảnh hữu tình, ven hồ Thác còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… Đó là một hồ nước mênh mông với trên 1.300 hòn đảo lớn nhỏ phủ đầy trên mình màu xanh của những rừng cây với hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hồ Thác Bà còn lưu giữ trong mình nhiều dấu tích của chiến tranh. Nó là nơi làm việc của cơ quan đầu não tỉnh, nơi che giấu, bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ của ta trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Hòa bình trên miền Bắc, hồ Thác Bà lại lần nữa “trở mình” sẵn sàng làm nhiệm vụ thủy điện cung cấp cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Hồ Thác Bà vừa là kỷ niệm vừa là “bầu sữa” cung cấp nguồn thực phẩm chính nuôi dưỡng những người con sinh ra lớn lên ở đây rồi tỏa đi xây dựng khắp mọi miền đất nước. Nó là niềm tự hào của người dân Yên Bái, không chỉ là “lá phổi xanh” của một miền quê núi mà từ đây, hồ Thác mang lại đời sống ấm no cho bao người dân sống quanh vùng hồ.

Hồ Thác Bà hôm nay, với những chính sách và quy hoạch của tỉnh, đã trở thành một điểm du lịch sinh thái và khám phá hấp dẫn. Từ đây, nhiều tour, tuyến du lịch mở ra đón hàng nghìn lượt khách gần xa trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm mang về nguồn thu nhập lớn cho tỉnh và doanh nghiệp, người dân nơi đây.

Thuyết Minh Về Suối Giàng Yên Bái 

Yên Bái là tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh. Một trong những nơi có vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa đã thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương, đó chính là địa danh Suối Giàng.

Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 12 km về phía Bắc, với diện tích tự nhiên là 5.922 héc-ta, bao gồm 4 tộc người cùng cư trú là người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm 98,5%, còn lại các dân tộc khác chiếm gần 2%. Do vậy, các giá trị văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ truyền độc đáo. Đây chính là sự khác biệt, tạo cho Suối Giàng có tiềm năng để trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái của vùng phía Tây nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Suối Giàng nằm ở độ cao trên 1.371 mét so với mực nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn khu vực huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ từ 80C – 90C. Một ngày ở Suối Giàng, ta có thể cảm nhận rõ được bốn mùa trong năm. Ban đêm, trời se lạnh; sáng ra, mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng, sườn núi; buổi trưa, trời trong xanh, lộng gió và buổi chiều, nắng vàng trải mượt như rót mật. Bởi thế, khí hậu ở Suối Giàng có thể sánh với Sa Pa, Đà Lạt.

Không chỉ có khí hậu mát mẻ, Suối Giàng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những ruộng lúa bậc thang cong cong theo vạt núi, phóng tầm mắt xuống biển lúa vàng óng vùng Mường Lò, vựa lúa lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc và một thị xã Nghĩa Lộ đầy năng động. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên là những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái còn được bảo tồn ở Văn Chấn.

Du khách đến đây không chỉ phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể được cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách, hoặc cùng chiêm nghiệm và hòa vào không khí bí ẩn, linh thiêng trong Lễ cấp sắc của người Dao, rộn ràng trong những ngày hội xuân, ấm áp trong Lễ mừng cơm mới của người Thái… Đi ngược lên khu rừng nguyên sinh Tập Lăng còn khá nguyên vẹn với nhiều thảm thực vật, động vật phong phú; hoặc phiêu du cùng thác Tập Lăng nước chảy trắng xóa. Xa xa, rừng thông mã vĩ bồng bềnh mây trắng, thấp thoáng như một Đà Lạt mộng mơ.

Đến Suối Giàng, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những rừng chè đến cả trăm năm tuổi, hương thơm nổi tiếng cả trong và ngoài nước, thực sự có sức hút mãnh liệt với du khách gần xa. Thân cây chè Shan tuyết Suối Giàng già đến trắng phau, sừng sững và hiên ngang trước sóng gió, nắng mưa, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Có nhà khoa học đã phải thốt lên rằng: “Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm và to như cây chè ở Suối Giàng. Có lẽ đây là cái nôi của loài chè”.

Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng sống ở độ cao 1.400 mét, cây có tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì, trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo không thể quên. Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông, phủ một lớp áo trắng mờ trên búp chè săn chắc nên được gọi là chè tuyết.

Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”: “cực khổ” – khi trồng và thu hái; “cực sạch” – vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” – vì sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” – với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén nước trà phải có: Hương thơm, vị đậm, nước xanh và vì thế nên “cực đắt”…

Chè Shan tuyết Suối Giàng rất độc đáo. Trong bát nước chè xanh có đủ mười tám vị ngon hàng đầu của các loại chè đẳng cấp trên thế giới: Có hương thơm thanh khiết, có cái thanh tao của văn nhân, nghệ sĩ nhưng lại có nét dân dã, bình dị của người dân miền sơn cước chất phác, đôn hậu và mến khách. Chính từ những rừng chè độc nhất vô nhị ấy đã tỏa một sức hấp dẫn đặc biệt với du khách và là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho giới văn nghệ sĩ cả nước.

Đặc biệt, Suối Giàng còn nổi tiếng về các loại đá cảnh (vân hoa tím, vân hoa xanh) được phân bố chủ yếu ở dãy núi Khỉ thuộc địa phận Giàng A, vách đá Vàng và thôn Suối Lóp. Loại đá này chỉ có ở Suối Giàng, nó không những mang vẻ đẹp về thẩm mỹ mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Chính từ những đặc điểm lợi thế đó, mỗi năm Suối Giàng vẫn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Suối Giàng – vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa. Khu du lịch Suối Giàng với bốn mùa bồng bềnh mây trắng, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè Shan tuyết cổ thụ và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng tiếng hát trao duyên của các chàng trai, cô gái Mông căng tràn sức sống, réo rắt gọi mời du khách và các nhà đầu tư.

Đến với Suối Giàng, du khách sẽ có những phút giây thư giãn cực kỳ lý tưởng. Cùng với những trải nghiệm về cuộc sống dân cư và sự phát triển của sinh vật nơi đây sẽ khiến cho mọi du khách cảm thấy hài lòng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Thuyết Minh Về Đặc Sản Yên Bái

Yên Bái là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc nước ta, tại đây có nhiều điểm du lịch, tìm hiểu bản sắc các dân tộc như Mù Cang Chải, Mường Lò… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để khám phá những món đặc sản nổi danh của các dân tộc Thái, Tày…

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Từ miếng thịt trâu bình dị với cách chế biến tinh tế độc đáo, dẫu là thực khách kén ăn cũng dễ dàng bị chinh phục để rồi không khỏi lưu luyến, nhớ về ẩm thực riêng có của người Thái đen Yên Bái.

Ở Mường Lò cứ đến cuối mùa gặt là muồm muỗm lại xuất hiện rất nhiều, muồm muỗm bay rào rào thành từng đàn, từng đàn, con nào con nấy to đều như ngón tay áp út. Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản của Mường Lò vùng Tây Bắc. Món muồm muỗm rang có thêm chén rượu ngô của đồng bào Mường Lò Yên Bái thì mới cảm nhận hết được hương vị của đặc sản núi rừng Tây Bắc.

Lên vùng cao vào mùa lạnh, nếu được hơ mình bên bếp lửa hồng, nhấm nháp chút rượu ngô với lạp xưởng chấm tương ớt cay xè thì thật là tuyệt vời biết bao. Đây cũng chính là một trong nhiều món ăn đặc sản khá phổ biến ở tỉnh Yên Bái. Mỗi hương vị Lạp xưởng của vùng Tây Bắc đều có hương vị riêng biệt, tuy nhiên, Lạp xưởng ở Yên Bái có màu sẫm hơn, khô hơn vì được hun kỹ, khi ăn bạn sẽ thấy có mùi thơm đặc biệt của mía hun cùng vị khói của củi, than rừng, đó là điều tuyệt vời mà bất cứ du khách nào khi đến Yên Bái cũng không thể bỏ qua được món ăn này.

Nếp tan Tú Lệ là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được, bởi thế nên dù có chế biến thành món ăn nào đi chăng nữa thì nó cũng vô cùng thơm ngon, một trong những món ngon ấy là cốm. Hiện tại, cốm Tú Lệ đã trở thành một mặt hàng thương phẩm được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà quê để mọi người gửi biếu bạn bè, người thân. Hy vọng rằng, trong một tương lai không xa cốm Tú Lệ sẽ sớm có được một thương hiệu và trở thành phong vị không thể thiếu của quê hương Yên Bái.

Mường Lò – mảnh đất của “gạo trắng, nước trong”, nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng. Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của những người gói bánh. Bánh chưng đen giờ không chỉ được thưởng thức trong ngày tết, ngày hội của bản mà đã trở thành món ăn giàu bản sắc văn hóa của người dân và là món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách khi đến Mường Lò, miền Tây Yên Bái.

Măng sặt được mùa nhất là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thời gian vụ măng ngắn chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Loại măng này thuộc họ tre, thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Loại măng này có nhiều tại các vùng đồi thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, nhưng nhiều nhất là ở Thị xã Nghĩa Lộ. Món ăn tuy giản dị nhưng hội tụ đầy đủ sự tinh túy của núi rừng Tây Bắc với vị thơm ngon, ngọt đã tạo nên một thương hiệu riêng cho măng sặt – món đặc sản của Yên Bái.

Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng. Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc. Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được.

Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.

Yên Bái là vùng đất mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có, mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng.

Giới Thiệu Về Yên Bái Bằng Tiếng Anh

Tiếng Anh

Yen Bai is a mountainous province in the North, located in the center of the Northern mountainous and midland region of Vietnam, to the Northwest bordering Lao Cai and Lai Chau provinces; The East and Northeast borders Ha Giang and Tuyen Quang provinces; The Southeast borders Phu Tho province and the West borders Son La province.

Yen Bai has diverse natural landscapes with many beautiful places: Tham Le cave (Van Chan), Xuan Long cave, Thuy Tien cave (Yen Binh), Thac Ba lake, Suoi Giang eco-tourism, Muong Lo field ; revolutionary relics, temples of Nguyen Thai Hoc, Cang Don, Nghia Lo… Yen Bai province has many ethnic minorities and each ethnic group has its own cultural identity, which is a condition for combining the development of ecotourism.

Yen Bai has a fresh ecological environment with many famous scenic spots, which is a potential for attracting domestic and foreign tourists.

Tiếng Việt:

Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La.

Yên Bái có phong cảnh thiên nhiên đa dạng với nhiều địa điểm đẹp: hang Thẩm Lé (Văn Chấn), động Xuân Long, động Thuỷ Tiên (Yên Bình), hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò; di tích cách mạng, đền thờ Nguyễn Thái Học, Căng Đồn, Nghĩa Lộ… Tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số và mỗi dân tộc mang đậm một bản sắc văn hoá riêng, là điều kiện để kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Yên Bái có môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng cho việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức