Thuyết Minh Về Truyện Ngắn
Dàn Ý Thuyết Minh Về Truyện Ngắn
I. Mở bài :
- Dẫn dắt từ các thể loại của văn học: Sự phong phú, đa dạng của các thể loại văn học, mỗi thể loại có đặc trưng riêng
- Giới thiệu về thể loại truyện ngắn: là một trong những thể loại tiêu biểu
II. Thân bài:
-Giới thiệu định nghĩa truyện ngắn: Truyện ngắn là một thể loại văn học. Nó thường là các câu truyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.
-Giới thiệu đặc điểm của truyện ngắn:
- Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định.
- Truyện ngắn thì gây cho người đọc một nút thắc, một khúc mắc cần giải đáp.
- Truyện ngắn có tính cô đọng và mở rộng, súc tích và ngắn.
- Truyện ngắn cũng chứa đựng tất cả các nguồn lực y như tiểu thuyết: ngôn ngữ, nội dung, nhân vật và phong cách.
III. Kết bài: Khẳng định vai trò, vị trí của thể loại truyện ngắn trong sự phát triển của văn học
Thuyết Minh Truyện Ngắn Hay Nhất – Mẫu 1
Truyện ngắn là một thể loại tự sự nhỏ, tác giả sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nhân vật để kể lại một số phận, một cuộc đời, một biến cố hay sự kiện có vấn đề nào đó, qua đó thể hiện thái độ, góc nhìn và mang đến cho độc giả những chiêm nghiệm, bài học.
Có rất nhiều nhà văn lựa chọn truyện ngắn để ươm mầm cho tài năng, ý tưởng của mình bởi dung lượng của truyện nhỏ, nhân vật ít, thường chỉ tập trung vào một khía cạnh, một vài nhân vật và sự kiện nhỏ. Chẳng hạn như truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao tập trung khắc họa diễn biến tâm trạng của Lão Hạc sau khi bán cậu Vàng, hay trong truyện “Chiếc lá cuối cùng” xoay quanh thái độ của nhân vật Giôn-xi với sự sống qua những chiếc lá thường xuân cuối cùng.
Không gian và thời gian của truyện ngắn không trải dài như tiểu thuyết mà thường hẹp, các tác giả thường lựa chọn một thời điểm, một sự kiện, thậm chí một khoảnh khắc để trình bày những nội dung, ý tưởng. Ví dụ, trong truyện ngắn Tôi đi học, nhà văn Thanh Tịnh đã lựa chọn thời gian là lần đầu tiên đi học, không gian là nhà và trường học.
Truyện ngắn thường tập trung mô tả một khía cạnh của cuộc sống, một biến cố, sự kiện nào đó xảy đến trong cộc đời nhân vật. Qua những hành động, lời nói tác giả truyện ngắn làm nổi bật được tính cách nhân vật mà sâu xa hơn là phản ánh mặt tốt hay cái hạn chế của xã hội đương thời. Ví dụ: Qua cuộc đời bi kịch của Lão Hạc, đặc biệt là hành động ăn bả chó của lão Hạc, tác giả Nam Cao không chỉ đề cao, trân trọng con người giàu nhân cách của Lão Hạc mà còn lên án, phê phán xã hội đương thời đã đẩy con người ta vào bước đường cùng.
Một đặc điểm nổi bật khác của truyện ngắn không thể bỏ qua đó chính là cốt truyện. Cốt truyện ngắn thường tập hợp các tình tiết, sự kiện xảy ra nối tiếp nhau, các này tác động đến cái kia để đẩy mâu thuẫn, bi kịch của nhân vật lên đến cao trào và buộc nhân vật phải lựa chọn, giải quyết. Vẫn là trong truyện ngắn Lão Hạc, đứng trước 2 lựa chọn: Tiếp tục tiêu tiền đề dành cho con để duy trì sự sống hay sống lay lắt, đánh mất chính mình, làm liên lụy đến hàng xóm, lão Hạc đã lựa chọn cái chết để bảo vệ nhân cách, để làm tròn trách nhiệm của một người cha.
Tuy dung lượng truyện ngắn nhỏ, khi kể cũng không kể trọn vẹn quá trình, diễn biến của đời người nhưng lại có khả năng truyền tải lớn. Thông qua một cuộc đời, một bi kịch, một hành động trong truyện ngắn, tác giả đã khái quát được những hiện thực trong xã hội, trong chính cuộc sống của con người, qua đó mang đến cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc.
Truyện ngắn trải qua quá trình phát triển bền bỉ, truyện ngắn xuất hiện từ những ngày con người bắt đầu biết sáng tác văn chương và phải đến cuối thế kỉ XIX thì truyện ngắn mới có cơ sở phát triển mạnh mẽ và tạo nên những tiếng vang lớn. Ở Việt Nam, truyện ngắn bắt đầu phát triển mạnh mẽ nhất trong những năm hai mươi của thế kỉ XX với những đóng góp của các nhà văn lớn như: Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam…
Truyện ngắn là thể loại văn học học tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ngày nay truyện ngắn vẫn không ngừng phát triển với nhiều cây bút tài năng. Từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, truyện ngắn vẫn là thể loại có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà.
Thuyết Minh Về Thể Loại Truyện Ngắn Đạt Điểm Cao – Mẫu 2
Một tác phẩm văn học luôn được các nhà văn đặt trong những hướng đi cụ thể, rõ ràng. Và thể loại luôn là yếu tố rất đáng lưu tâm trong tác phẩm. Một trong số những thể loại văn học được các tác giả lưu tâm hơn cả chính là truyện ngắn. Truyện ngắn mang trong mình nó những đặc điểm rất riêng.
Chúng ta có thể hiểu truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ để tái hiện lại một mảnh nhỏ của cuộc sống, có thể là một biến cố, một hành động, một trạng thái trong cuộc đời của nhân vật. Nó là phương tiện nhằm thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Dung lượng của truyện ngắn thường giới hạn trong vài chục trang hoặc chỉ là vài tờ đối với những truyện cực ngắn.
Đặc điểm nổi bật nhất ở truyện ngắn là nó có rất ít nhân vật và sự kiện. Các truyện ngắn chỉ tập trung tái hiện một khía cạnh của tính cách nhân vật hay một mặt nào đó của đời sống chứ không bao trùm cả một phần đời dài của toàn bộ cuộc đời con người. Những kịch tính, biến cố xảy ra trong truyện ngắn không nhiều mà thông thường là được tập trung thể hiện qua một cảnh, một lời.
Với “Tôi đi học”, cảm xúc của nhân vật tôi trong ngày khai giảng đầu tiên của cuộc đời thì sự kiện rất đơn giản là ngày khai trường, nhân vật là tôi và mẹ. Truyện ngắn Lão Hạc nhân vật trực tiếp xuất hiện là lão Hạc, ông giáo, Binh Tư. Còn cậu con trai, vợ ông giáo chỉ được tác giả điểm qua. Sự kiện để lại đậm nét dấu ấn trong bạn đọc là khi lão Hạc bán cậu Vàng rồi tự tử chết trong đau đớn.
Còn trong Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri, câu chuyện chỉ xoay quanh các nhân vật Giôn-xi, cụ Bơ-men và Xiu và kiệt tác chiếc lá trong đêm mưa của cụ Bơ men. Chỉ rất ít nhân vật, sự kiện nhưng ta hoàn toàn thấy rõ được bức tranh đời sống, bức tranh tâm hồn con người được nhà văn tái hiện.
Yếu tố cốt truyện của truyện ngắn cũng rất đáng lưu tâm. Khi nó chỉ tập trung khai thác sự việc trong một khoảng không gian, thời gian. Thanh Tịnh đã lựa chọn không gian biến đổi của cảnh vật từ nhà tới trường học qua cảm nhận của nhân vật tôi hay Nam Cao lựa chọn khắc họa lão Hạc trong khoảng thời gian lão sống cô đơn, ốm đau bệnh tật và lựa chọn cái chết đau đớn đế giữ lại mảnh vườn cho con trai.
Còn O. Hen-ri nhuốm trong trang văn sự chán nản, tuyệt vọng để rồi người đọc thấy được sự hồi sinh trong tâm hồn cô gái trẻ khi trông thấy chiếc lá cuối cùng sau mưa bão. Tác phẩm truyện ngắn chỉ cho ta thấy một đoạn, một lát cắt, một phần rất nhỏ trong cuộc đời của nhân vật và giúp ta nhận ra, thấu hiểu được bản chất của nhân vật, con người.
Khác với tiểu thuyết, thể loại có thể nói là sinh sau đẻ muộn. Tiểu thuyết dài hơn hơn, sự việc cũng mang nhiều chiều, nhiều vấn đề. Nhưng có lẽ dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, ở đó bạn đọc cũng sẽ tìm thấy cho mình một sự đồng cảm sâu sắc với văn chương nghệ thuật.
Truyện ngắn là một thể loại mang tới cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc và những bài học nhận thức ý nghĩa. Vai trò của truyện ngắn vẫn luôn được định hình trong đời sống và ngày một trở nên thân thuộc hơn với bạn đọc.
Thuyết Minh Về Thể Loại Văn Học Truyện Ngắn Học Sinh Giỏi – Mẫu 3
Mỗi tác phẩm văn học điều mang màu sắc riêng biệt từ hình thức đến nội dung bởi cách tiếp cận vấn đề của mỗi nhà văn là không giống nhau. Nhắc đến hình thức của tác phẩm văn học, chúng ta không thể làm ngơ yếu tố thể loại như là thơ, truyện ngắn, truyện kí, kịch, ca dao,… Trong đó, truyện ngắn là thể loại văn học khá phổ biến và gần gũi, vừa ngắn gọn, súc tích lại mang tính thời sự, gắn với các hoạt động báo chí, bởi thế nó có tác dụng phản ánh một cách chân thực cuộc sống đời thường.
Truyện ngắn là một thể loại văn học tự sự (kể chuyện), tái hiện lại những hành động, sự kiện, biến cố,… thông qua lời kể trực tiếp của người kể chuyện, nhằm miêu tả một số phận, một cuộc đời nhân vật một cách khách quan nhất, đồng thời bày tỏ thái độ và sự đồng cảm nhất định của nhà văn, hơn nữa mang đến một thông điệp ý nghĩa về cuộc sống.
Truyện ngắn đã chập chững những bước đi đầu tiên đến với nền văn học Việt Nam ngay từ buổi sơ khai khi mà con người chỉ mới bắt đầu biết sáng tác văn chương, thế nhưng mãi đến cuối thế kỉ XIX, thuật ngữ “truyện ngắn” mới thực sự xuất hiện và gây được tiếng vang lớn. Trải qua hàng ngàn năm cùng với bao biến cố thăng trầm, truyện ngắn trong kỷ nguyên hiện đại và hậu hiện đại đã chiếm lĩnh được vị thế quan trọng trên diễn đàn văn học.
Tác phẩm truyện ngắn đầu tiên được xuất hiện trên tạp chí xuất bản đầu thế kỉ XIX, và nhờ những sáng tác xuất sắc của văn hào người Nga Chekhov, thể loại văn học này không những đã vươn tới đỉnh cao mà còn trở thành một hình thức nghệ thuật lớn của văn học thế kỉ XX. Con người ngày nay phải chịu đựng sự dồn ép về mặt thời gian hơn bao giờ hết, họ không còn đủ thời gian để sống với những bộ tiểu thuyết đồ sộ như: Tây du ký, Hồng Lâu mộng, Thuỷ hử, Tam quốc diễn nghĩa, Những người khốn khổ, Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình.
Điều này càng làm cho truyện ngắn được ưa chuộng hơn nữa bởi nó được trình bày dưới dạng những tác phẩm tự sự loại nhỏ, cụ thể là lối kể chuyện mà độc giả gần như có thể đọc liền một mạch. Cũng kể về con người và sự việc giống như tiểu thuyết, thế nhưng khác ở chỗ là số trang viết của truyện ngắn không nhiều, chỉ gồm vài trang đến vài chục trang, thậm chí truyện cực ngắn chỉ có vài trăm chữ. Truyện ngắn thường tập trung mô tả một mảng hiện thực cuộc sống, hay một biến cố, sự kiện xảy đến trong cuộc đời nhân vật thông qua một loạt hành động hoặc trạng thái, nhằm làm nổi bật tính cách nhân vật và phản ánh mặt tốt hoặc xấu của xã hội đương thời.
Ở truyện Tôi đi học (Thanh Tịnh), là cảm xúc về kỉ niệm trong sáng của nhà văn trong buổi sáng đến trường đầu tiên. Còn truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao đã lột tả một cách chân thực và xúc động về số phận đau khổ của người nông dân trong xã hội cũ, đồng thời đề cao phẩm chất cao quý vốn có của họ. Độc giả cũng có thể cảm nhận được sự cảm thông sâu sắc, tấm lòng thương yêu, trân trọng của nhà văn đối với người nông dân cùng khổ. Chiếc lá cuối cùng cũng là một truyện ngắn nước ngoài đặc sắc bày tỏ thái độ trân trọng và tin tưởng của nhà văn trước tình yêu thương cao cả giữa những con người cùng cảnh ngộ.
Truyện ngắn đặc biệt ít nhân vật và sự kiện, cốt truyện được giới hạn trong một khoảng thời gian hoặc không gian nhất định. Tác giả không kể lại toàn bộ quá trình diễn biến xảy ra đối với cả một đời người, mà chỉ chọn ra một khoảnh khắc “phát sáng” tiêu biểu , hay một “lát cắt” nào đó của cuộc sống để phát triển trong tác phẩm của mình. Truyện ngắn có kết cấu hết sức đặc biệt đó là sử dụng việc sắp đặt các đối chiếu, tương phản nhằm làm nổi bật chủ đề. Thế nên truyện tuy ngắn nhưng lại nội dung không ngắn, nó đề cập đến những vấn đề lớn, nóng hổi trong xã hội.
Nét đặc sắc của truyện ngắn chính là các chi tiết, bởi mỗi chi tiết đều được nhà văn gọt giũa để làm bật lên một ý nghĩa, thông điệp nào đó. Vì vậy có câu nói “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Còn Poe thì viết: “Trong cấu trúc tổng thể của nó, không có một từ nào mà sự thể hiện khuynh hướng trực tiếp hoặc gián tiếp của nó không được nhà văn sắp đặt trước”.
Như vậy, truyện ngắn là một thứ gì đó tuy hình thức nhỏ bé xinh xinh nhưng lại hàm chứa nhiều điều thú vị mà sâu sắc của cuộc sống, đồng thời truyền dẫn nhanh chóng những thông tin, thông điệp mà nhà văn muốn nói với độc giả một cách truyền cảm nhất. Thông điệp nhanh đến đây cũng chính là thế mạnh trên con đường chinh phục độc giả đương đại của thể loại văn học này.
Đặc điểm nổi bật của truyện ngắn chính là cốt truyện, bao gồm các tình tiết, biến cố, và sự kiện xảy ra tiếp nối nhau, cái này làm nảy sinh cái kia, cái này tiếp sau cái kia, dồn dập đến đỉnh điểm, cao trào của mâu thuẫn, đẩy nhân vật vào một tình thế bắt buộc phải giải quyết vấn đề, truyện kết thúc khi vấn đề giải quyết xong.
Trong truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh, cốt truyện là sự xâu chuỗi những kỉ niệm đẹp đầy ấn tượng về buổi tựu trường đầu tiên; từng khoảnh khắc, hình ảnh hiện lên sống động, tươi mới trong kí ức của nhà văn sau chừng ấy năm: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”.
Cốt truyện của truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao kể về mảnh đời nghèo khổ đầy bất hạnh của một ông lão nông dân dưới thời phong kiến năm 1945. Lão Hạc được miêu tả sống trong cảnh cô đơn, thui thủi một mình dưới mái tranh rách nát bởi lẽ vợ ông mất sớm, con trai thất tình phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su, còn lão thì sớm hôm bầu bạn với con chó Vàng. Thế nhưng, cuối cùng, lão lại chọn cái chết để giữ lại mảnh vườn và để “không ăn lạm” vào số tiền mà lão dành dụm cho con lão. Cái chết cũng chính là một lối thoát cuối cùng cho con người nông dân nghèo khổ khốn cùng đó khỏi mọi bất hạnh trong cuộc sống.
Hơn nữa, thể loại truyện ngắn cho phép tác giả thể hiện thân phận, tính cách của nhân vật trong một phần hoặc cả cuộc đời chỉ qua việc miêu tả tâm trạng, hình dáng, hành động và lời nói hằng ngày gắn với những biến cố, tình huống đặc biệt. Nhân vật có thể được miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ trong cả đời sống tâm lý lẫn đời sống sinh hoạt, thậm chí qua cách sử dụng ngôn ngữ,… điều này phụ thuộc vào cách kể chuyện của tác giả. Vì thế mà nhân vật trong truyện ngắn thường gây ấn tượng sâu sắc cho độc giả.
Hơn nữa, đối với thể loại văn học này, số lượng nhân vật thường rất ít, chỉ vài ba nhân vật và gồm một nhân vật chính, trái với truyện dài có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nhân vật. Trở lại với hình ảnh lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, người ta xót thương cho số phận bất hạnh của nhân vật chính này, tuy nghèo nhưng hết mực yêu thương con và cũng giàu lòng tự trọng.
Nhân vật này không chỉ mang ý nghĩa riêng biệt mà còn mang ý nghĩa khái quát, đại diện cho tầng lớp nông dân sống cuộc đời cơ cực dưới chế độ phong kiến. Một ông lão tuy vẻ ngoài gàn dở nhưng lại chứa đựng bên trong một phẩm chất trong sạch, đẹp đẽ biết bao! Sống một mình với mái tranh xiêu vẹo, dúm dó trong mảnh vườn cằn cỗi, lão già yếu lại ốm đau, chẳng ai dám thuê mướn một người như lão. Vì vậy, lão chẳng thể dựa dẫm vào ai, kiếm được gì thì ăn nấy, lão cố không làm phiền đến ai ngay cả ông Giáo vì lão cũng có lòng tự trọng.
Nhưng sức chịu đựng cũng có giới hạn, lão âm thầm tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi cảnh ngộ túng quẫn này, hay như trong truyện, lão sợ ăn lạm vào số tiền ít ỏi vốn để dành cho con lão? Như vậy, nhờ vào nghệ thuật xây dựng nhân vật, một đặc điểm nổi bật của thể loại truyện ngắn, Nam Cao đã khắc hoạ thành công hình tượng lão Hạc sống mãi trong văn chương.
Truyện ngắn thể hiện sự phong phú, linh hoạt trong ngôn ngữ, gồm nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh ngôn ngữ của người kể còn có ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ nhân vật của hết sức đa dạng. Ngoài lời đối thoại giữa các nhân vật, còn có lời độc thoại nội tâm, lời kể không chỉ là lời của tác giả, có khi lại hoà nhập vào lời độc thoại của nhân vật và ngược lại. Điều này làm nên đặc điểm ngôn ngữ truyện ngắn hết sức đa dạng và sinh động.
Lời độc thoại cuối truyện của nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn của Nam Cao cũng vừa như lời kể của tác giả, gieo vào lòng người đọc sự xót xa cho cái chết tức tưởi của lão Hạc: “Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…””.
Cuối cùng, một lợi thế khác của truyện ngắn chính là sự kết nối với báo chí. Bởi lẽ khi báo chí kể cả báo điện tử đang bùng nổ, độc giả dường như quen và ưa chuộng đọc truyện ngắn trong vài chục phút, nhiều lắm là một vài giờ. Tiểu thuyết dường như đánh mất khả năng đổi mới và hồi sinh thể loại sau nhiều năm chiếm lĩnh diễn đàn văn học.
Thế nhưng truyện ngắn vẫn còn là mảnh đất chưa khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà văn trẻ khẳng định tài nghệ của mình. Tuy nhiên, truyện ngắn là thể loại văn học đòi hỏi người viết có trình độ điêu luyện, có năng khiếu gọt giũa và dồn nén ngôn từ trong khuôn khổ ngắn gọn, một tác phẩm xuất sắc là có thể chứa đựng được những vấn đề xã hội mang tầm khái quát lớn.
Như vậy, thể loại truyện ngắn tuy không dài nhưng rất sâu sắc và ý nghĩa, thường đề cập đến những vấn đề lớn lao trong cuộc sống. Nền văn xuôi hiện đại Việt Nam thêm giàu có và phong phú bởi những bậc thầy truyện ngắn như Nguyễn Tuân với Chữ người tử tù; Kim Lân với Vợ nhặt; Nam Cao với Lão Hạc, Chí Phèo, Trăng sáng, Đời thừa và Đôi mắt; Nguyễn Minh Châu với Mảnh trăng cuối rừng… Dung lượng của mỗi tác phẩm dù không lớn nhưng giá trị của nó thì lớn vô cùng. Không chỉ làm rạng rỡ tên tuổi các nhà văn, truyện ngắn còn làm phong phú thêm diện mạo nền văn học nước nhà.
Thuyết Minh Về Một Thể Loại Văn Học Truyện Ngắn Chọn Lọc – Mẫu 4
Tác phẩm bao giờ cũng tồn tại trong những hình thức thể loại nhất định. Lý luận văn học đã mặc định “không có tác phẩm nào tồn tại ngoài hình thức quen thuộc của thể loại”. Truyện ngắn cũng là một thể loại tác phẩm phổ biến, nên có những đặc trưng riêng của nó.
Truyện ngắn thiên về lối kể kết hợp giữa sự thật đời sống với khả năng hư cấu, tưởng tượng. Khác với tiểu thuyết về dung lượng, truyện ngắn “tập trung mô tả một mảnh đất của cuộc sống, một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của xã hội”.
Một thiên truyện ngắn có thể trở thành một “tòa lầu đài” chứa đựng cả tinh thần thời đại nếu như thực sự nằm dưới ngòi bút có tài. Nhà văn chỉ cần “Vẽ một con báo qua mảng lông mà vẫn biết là con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” (Lỗ Tấn). Trên thế giới, đạt được điều đó, số nhà văn chỉ đếm được trên đầu ngón tay: G.Maupassant, A.Daudet, A.Chekhov, E.Hemingway, J.London, Lỗ Tấn, Nam Cao…
Sức mạnh trong sáng tác của các bậc thầy này phần nhiều ở tính chất điển hình và minh xác một hình tượng, trong đó con người và cuộc sống được bộc lộ. Với điển hình đó, người đọc liên tưởng đến một giai đoạn lịch sử, một thời đại dân tộc. Lúc này, truyện ngắn trở thành “tấm bia kỷ niệm vĩ đại”, trở thành “tòa đại lầu chứa đựng cả tinh thần thời đại” như Lỗ Tấn đã nói.
Đề tài, nội dung truyện ngắn có thể lấy ở nhiều mặt của cuộc sống, nhiều vấn đề có tính chất thời sự xã hội. Phần lớn là vấn đề đời tư cá nhân, có khi chỉ là khoảnh khắc trong đời tư đó. Việc lựa chọn đề tài, phản ánh nội dung trong tác phẩm chịu sự chi phối bởi “nhãn quan” nhà văn, trong đó xác lập “điểm nhìn” riêng cho mình là quan trọng hơn cả. Nhà văn tiến bộ luôn đứng trên mọi quan hệ giai cấp, mọi sự ràng buộc của hệ tư tưởng, nói lên tiếng nói lẽ phải của chân lý, cuộc đời. Cảm hứng thế sự chi phối âm vang, độ lắng đọng của truyện ngắn trong dòng thời gian, trong lòng người đọc.
Ngôn ngữ truyện ngắn thường cô đọng, súc tích. Văn phong trong truyện ngắn đóng vai trò quan trọng, tạo nên phong cách riêng của nhà văn. Giọng văn quyết định hình thức tổ chức kết cấu truyện và nội dung tư tưởng. Thể tài truyện ngắn cũng chịu sự quy định của văn phong.
Lời văn bộc lộ, giải bày, suy ngẫm về thế thái nhân tình thì hình thành truyện ngắn trầm tư, thế sự; lời văn trần thuật, hoạt kê tạo nên thể tài châm biến, đả kích; lời văn phân tích, mổ xẻ về những vấn đề thời sự xã hội thì tính hiện thực cao. Vì vậy, “lời văn là yếu tố quan trọng cho nghệ thuật viết truyện ngắn. Lời kể và cách kể chuyện là những điều người viết truyện ngắn đặc biệt chú ý khai thác và xử lý, nhằm đạt hiệu quả mong muốn”.
Với những đặc trưng trên, truyện ngắn là một thể loại có sức sống bền lâu, được nhiều độc giả yêu chuộng. Nó luôn không ngừng phát triển để càng ngày càng khẳng định giá trị riêng biệt mà không một thể loại nào có được.