Thuyết Minh Về Chè Thái Nguyên

 

Dàn Ý Thuyết Minh Về Chè Thái Nguyên

I. Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu về đối tượng thuyết minh – cây chè Thái Nguyên.

II. Thân bài:

- Nguồn gốc và xuất xứ của cây chè Thái Nguyên:

  • Về nguồn gốc của cây chè, theo truyền thuyết thì loại cây này có nguồn gốc từ Trung Hoa xưa. Người đã phát hiện ra loại cây này chính là Viêm Đế, hay còn gọi là vua Thần Nông – một trong Tam hoàng, vào khoảng năm 2730 TCN. Khi đó đang cùng đoàn tùy tùng của mình nghỉ chân dưới một gốc cây thì có một cơn gió cuốn vài chiếc lá lạ vào trong siêu nước đang sôi. Ngay lập tức, nước trong siêu chuyển sang màu xanh ngả vàng và hương thơm từ trong siêu tỏa ra đã khiến nhà vua yêu thích. Sau đó nhà vua đã mang về nghiên cứu và phát hiện ra tác dụng to lớn của chè.

  • Theo thư tịch cổ Việt Nam thì cây chè từ lâu đã có hai loại: một là được trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng, một là ở vùng núi phía Bắc. Như vậy, chè là một loại cây vô cùng phổ biến và đã có từ rất lâu đời, trở thành một thức uống, một phương thuốc hữu hiệu được nhiều người ưa chuộng.

-Hình dáng và các bộ phận của cây chè Thái Nguyên:

  • Rễ chè: Là dạng rễ chùm, thường ăn sâu xuống lòng đất khoảng hơn 1m. Nếu đất là đất tơi xốp thì rễ sẽ ăn sâu hơn rất nhiều.

  • Lá chè: Các lá mọc ở trên cành, mọc cách nhau một khoảng đều đặn gọi là đốt. Cứ mỗi đốt là sẽ có một lá. Gân lá thường nổi lên rất rõ, màu sắc của lá phụ thuộc vào loại chè mà có màu đậm hay nhạt. Rìa lá có hình răng cưa, sờ vào hơi ngứa.

  • Hoa chè: Hoa chè rất đẹp, có 5 hoặc 7 cánh. Cánh hoa màu trắng cong cong, bao bọc lấy nhuỵ hoa màu vàng sáng ở bên trong. Cây thường ra nụ vào tháng 6 nhưng lại phải đến tháng 11 hoặc tháng 12 mới nở hoa. Nụ hoa màu xanh, be bé như hạt ngọc sáng ẩn giấu dưới chiếc lá. Một cây chè thường có rất nhiều hoa, trung bình khoảng từ 100 đến 200 bông.

  • Búp chè: Đây là đoạn non nhất của cành chè. Bao gồm có một vài lá non và tôm chè – Phần non tận cùng của cành chè, chưa xoè ra lá. Đây cũng chính là phần người ta thu hoạch để chế biến và sản xuất ra nhiều loại chè khác nhau. Vì vậy nên đây là phần quan trọng nhất và có giá trị nhất.

  • Quả chè: Thuộc dạng quả nang. Mỗi quả gồm khá nhiều ngăn, bên trong có khá nhiều hạt. Quả có màu xanh đậm. Bên trong là hạt chè rất cứng, có màu nâu sẫm.

-Giá trị về dinh dưỡng, về văn hóa của cây chè Thái Nguyên:

  • Trước hết phải nói đến giá trị tuyệt vời của các chất có trong chè giúp chống ung thư, ngăn ngừa béo phì.

  • Chè thúc đẩy quá trình trao đổi chất, được cho vào nhiều thực đơn ăn kiêng.

  • Ngoài ra bã chè phơi khô còn giúp vệ sinh khử mùi hôi, khi đốt có thể đuổi được các loài sinh vật như gián, kiến…

  • Caffeine có trong chè giúp chúng ta tỉnh táo vào mỗi sớm. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều.

  • Thói quen dùng trà là nét nổi bật được gìn giữ của người Việt…, trà đạo là một nét giá trị trong văn hóa nhiều nước phương Đông.

-Giá trị kinh tế của cây chè Thái Nguyên:

  • Chè là loại cây có giá trị xuất khẩu khá lớn, mang lại nguồn lợi không nhỏ dành cho người dân.

  • Sản xuất và chế biến chè là một ngành có triển vọng và được đầu tư khá nhiều.

  • Với thói quen dùng chè và việc các quán đồ uống xuất hiện ngày càng nhiều, cây chè ngày càng có giá trị và được chú trọng phát triển.

-Cách chăm sóc và gieo trồng:

  • Cần phải chú ý nhiều đến mật độ gieo trồng, đất và khí hậu khi lựa chọn trồng chè.

  • Không chỉ vậy, cần chú ý quá trình chăm sóc, phân bón…

III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của bản thân về cây chè cũng như về giá trị của loại cây này.

Thuyết Minh Về Chè Thái Nguyên Ngắn Gọn

Đến Tân Cương, Thái Nguyên, du khách không chỉ ấn tượng trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình, được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa và tín ngưỡng tâm linh phong phú tại một số điểm đến trên địa bàn tỉnh mà còn bị cuốn hút bởi những đồi chè hình bát úp trải rộng bát ngát, xanh mướt, căng tràn sức sống của mùa xuân khiến người lữ khách không khỏi say mê.

Bạn có thể thực hiện hành trình khám phá, chinh phục mảnh đất xứ trà tất cả các mùa trong năm. Thế nhưng mùa xuân và mùa hè là thời điểm thích hợp nhất. Đặc biệt là dịp xuân về, khi đến tham quan và trải nghiệm tại các vùng chè, nổi danh là đồi chè Tân Cương du khách sẽ có những trải nghiệm rất mới lạ mà ở thời điểm khác trong năm không có.

Vùng chè Tân Cương cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10 km về phía tây nam. Đến đây, du khách sẽ được về với thủ phủ chè của Thái Nguyên để được chiêm ngưỡng những hình ảnh thơ mộng, những sóng trà xanh tít tắp mang lại cảm giác bình yên khó tả .

Nếu có thời gian lưu trú tại một số điểm phục vụ du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương, vào buổi sáng khi thức dậy bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh mộc mạc và cuộc sống bình dị của người dân. Người hái chè, người tưới cây, người cắt tỉa cành chè nhộn nhịp một vùng. Từng đôi tay cứ thoăn thoắt thu về những búp chè mập mạp, xanh tươi. Không khí nơi đây mát mẻ và trong lành, đó cũng là lý do tại sao mà vùng đất này lại có sức hấp dẫn đến vậy.

Còn nếu không có thời gian lưu trú tại đây thì bạn nên lựa chọn thời điểm đến với vùng chè vào buổi sáng. Hình ảnh đồi chè xanh mướt chạy thẳng tắp, vào buổi sớm mai từng hạt sương lắng đọng trên những búp chè tạo nên bức tranh thiên nhiên lãng mạn và thơ mộng.

Đến với Tân Cương du khách đừng quên ghé thăm Không gian văn hóa Trà Tân Cương, thuộc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Công trình được xây dựng, khánh thành và đi vào hoạt động nhân dịp Thái Nguyên tổ chức Festival trà quốc tế đầu tiên năm 2011. Tại đây có nhiều nhóm tài liệu, hiện vật quý được trưng bày như: Nhóm tài liệu và hiện vật về trồng, chăm sóc, chế biến chè; nhóm hiện vật ấm trà cổ… Thông qua những tài liệu, hiện vật này, du khách sẽ cảm nhận được sự độc đáo của điều kiện tự nhiên cho cây chè phát triển, thấy được những giá trị lịch sử, văn hóa trà và đồng thời cũng cảm nhận được sự vất vả, chịu thương chịu khó của người dân vùng chè.

Sẽ là một trải nghiệm thú vị nếu được tự tay hái những búp chè xanh mơn mởn và còn tuyệt vời hơn thế nữa khi bạn được hóa thân thành một nghệ nhân chế biến trà thực thụ. Khi đó bạn sẽ thấy để có được sản phẩm trà với hương vị tuyệt vời khó lẫn, những búp chè xanh phải trải qua khá nhiều công đoạn chế biến công phu mới cho ra thành phẩm, bạn sẽ thấu hiểu được sự vất vả của người dân vùng trà và thêm trân quý những sản phẩm mà họ đã làm ra hơn bao giờ hết.

Trước khi chia tay cơ sở chè, du khách đừng quên mua về làm quà cho người thân những sản phẩm kết tinh từ đất, trí tuệ và kinh nghiệm của người Tân Cương như: Trà búp, bột trà xanh và kẹo lạc trà xanh…

Cùng những điểm du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái khác tại Thái Nguyên, du khách sẽ không khó để lên cho mình và người thân một chuyến du lịch khám phá, thưởng ngoạn đầy ý nghĩa và trải nghiệm. Xách balo lên và đi đến với các địa điểm du lịch tươi đẹp ở Thái Nguyên ngay thôi!

Thuyết Minh Về Cây Chè Thái Nguyên

Chè xanh là một loại cây rất gần gũi trong đời sống con người. Đã từ lâu lắm rồi, nước chè trở thành một phần không thể thiếu trong những cuộc trò chuyện của người Việt, trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta.

Lịch sử cây chè Thái Nguyên được trồng từ giống chè Phú Thọ cách đây hơn 1 thế kỷ. Cây chè đầu tiên được trồng ở Tân Cương. Vùng Tân Cương có các con suối chảy róc rách men theo những chân đồi chảy về tưới mát cho cả vùng chè Tân Cương. Ai đến cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ, xanh mướt một màu của những nương chè. Khi mùa xuân đến thì miền đất trung du Thái Nguyên lại như nở hoa xuân với những búp chè xanh mơn mởn và căng tròn nhựa sống.

Cây chè chỉ có một thân chính, từ thân chính đó phân ra các cành nhánh. Người ta chia thân chè ra làm 3 loại: thân gỗ, thân nhỡ và thân bụi. Thân và cành chè tạo nên khung tán của cây chè. Trên cây chè có hai loại mầm: mầm sinh dưỡng và mầm sinh thực, mầm sinh dưỡng phát triển thành cành lá, mầm sinh thực phát triển thành nụ hoa và quả. Búp chè là đoạn non của một cành chè, gồm có tôm và hai hoặc ba lá non. Lá chè mọc cách trên cành, mỗi đốt có một lá, gân lá nổi lên rất rõ. Lá chè lúc mới mọc có màu xanh non, khi già hơn thì có màu xanh đậm. Rễ chè thuộc họ rễ cọc.

Chè là loại cây có rất nhiều công dụng. Chè thường được hái vào lúc sáng sớm, cả lá chè tươi hoặc xao khô đều có thể làm nước uống rất tốt. Uống chè giúp kích khích hệ thần kinh, giảm buồn ngủ, mát tim bổ phổi nên được rất nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra, chè còn rất hữu dụng trong việc làm giảm bệnh ung thư, huyết áp, làm đẹp da, giảm stress. Trà là thủ tục trong nhiều nghi lễ truyền thống, trà đạo là nét đẹp văn hóa ở nhiều quốc gia.

Chè cũng là một mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị. Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý khi uống trà. Người cao tuổi chỉ nên uống trà ở mức độ vừa phải. Người ăn chay và người gầy không nên thường xuyên uống trà. Đặc biệt, chúng ta không nên uống trà lúc đói. Với những người thần kinh nhạy cảm, khó ngủ thì không nên uống trà vào buổi tối, vì chất cafein trong chè xanh sẽ gây kích thích làm mất ngủ.

Chè thường được trồng ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Khí hậu ẩm ướt và nhiều nắng ấm là hai yếu tố chính. Chè đặc biệt phù hợp với loại đất tốt, sâu chua và thóa nước nên hay được trồng nhiều ở những vùng trung du hoặc miền núi. Vùng chè đặc sản và nổi tiếng nhất nước ta là chè Thái Nguyên, đây là nơi trồng chè cho năng suất cao trong cả nước, không những thế, nó còn thu hút khách du lịch đến thăm quan, chụp ảnh vì cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ.

Mùa hè là thời điểm tốt và thuận lợi để cây chè sinh trưởng và phát triển. Đây cũng là thời điểm cây chè ra búp nhiều nhất, vì vậy cần thu hái kịp thời cho đúng thời vụ, nếu không chè sẽ bị quá lứa dẫn đến giảm chất lượng. Chè thường được thu hoạch vào sáng sớm, lúc này, những tia nắng mặt trời mới bắt đầu ló rạng, những búp chè còn đọng nguyên sương đêm trong lành, tinh khiết của đất trời. Những đồi chè Thái Nguyên trải dài bát ngát đến tận chân trời còn tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ, đi vào thơ ca nhạc họa.

Cây chè đã có nguồn gốc từ lâu đời và sẽ còn nguyên giá trị dù hôm nay hay mai sau. Chè sẽ mãi đóng một vị trí đặc biệt trong cuộc sống tinh thần của người Việt.

Thuyết Minh Về Đồi Chè Tân Cương Thái Nguyên

Ở Việt Nam, mỗi vùng miền lại gắn liền với những đặc sản khác nhau: “Nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Hải Dương…”. Còn khi nhắc đến Thái Nguyên thì không thể nào không nhắc đến chè. Chè Thái Nguyên nổi tiếng với mùi vị đặc trưng, không thể lẫn với chè ở các vùng miền khác. Theo những người “sành” chè, chè Thái Nguyên ngon nhất là chè được trồng ở Tân Cương.

Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km về phía Tây Nam, Tân Cương được thiên nhiên ban tặng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Những gốc chè được trồng trên những ngọn đồi thoai thoải, hướng về phía mặt trời mọc để có thể hấp thụ những tinh hoa của khí trời. Nhìn từ xa, những đồi chè như những con thằn lằn khổng lồ, hiền lành đang phơi mình dưới cái nắng vàng của vùng trung du – đồng bằng Bắc Bộ.

Có lẽ vì thế mà những ngọn đồi ở đây được người dân đặt tên là đồi Thằn Lằn. Thổ nhưỡng ở đây giàu chất dinh dưỡng rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, nguồn nước tinh khiết bắt nguồn từ những cánh rừng trên núi men theo các con suối róc rách chảy về tưới mát cho cả một vùng chè đặc sản. Đến với Tân Cương, tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình làm chè, chúng ta mới thấm thía được nỗi vất vả của người dân ở đây. Từ công đoạn chăm sóc cây chè, hái chè, sao, vò chè, lên hương cho đến công đoạn đóng gói đều đòi hỏi sự tỉ mẩn và những kinh nghiệm nhất định của người làm.

Chè Tân Cương hội tụ đủ 4 tiêu chuẩn: thanh, sắc, vị, thần. Chè có màu xanh vàng óng, cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh, uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, lúc mới uống có vị chát êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu, hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác. Con người Tân Cương rất thân thiện và mến khách. Vì vậy, Bạn có thể bắt chuyện với họ dễ dàng để có thể tìm hiều thêm về công việc làm chè và cuộc sống của họ.

Năm 2011, Tân Cương là địa điểm chính tổ chức các hoạt động của festival trà quốc tế lần thứ nhất. Nhân sự kiện này, có nhiều công trình hạ tầng được xây dựng tại Tân Cương như: Đường Tân Cương, Không gian văn hóa trà, Chợ chè Tân Cương… Cho đến nay, sản phẩm chè Tân Cương đã được xuất khẩu đi nhiều nước như : Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ…và các nước khác.

Đồi chè Tân Cương ngày nay không chỉ là nơi du khách ghé qua như một điểm du lịch phụ khi thăm quan Hồ Núi Cốc. Tân Cương đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của những ngươi đam mê du lịch, yêu thiên nhiên, sành trà và cả những nhiếp ảnh gia chuyên hoặc không chuyên.

Vì Tân Cương trồng chè quanh năm nên bạn có thể đi vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên nếu muốn tận hưởng không khí mát mẻ trong lành, trốn cái nóng của đô thị thì bạn nên đi vào mùa hè. Mùa hè cũng là chính vụ của mùa chè, nên bạn có thể ngắm nhìn những đồi chè bạt ngàn xanh mướt.

Thuyết Minh Về Đặc Sản Chè Thái Nguyên

Chè Tân Cương, hay Trà Tân Cương, là một thương hiệu trà nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam. Thương hiệu trà Tân Cương đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2007. Theo đó, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” không chỉ bao gồm phạm vi xã Tân Cương mà còn gồm cả hai xã lân cận là Phúc Xuân và Phúc Trìu.

Về vẻ bề ngoài, chè Tân Cương có màu xanh đen, xám bạc, cánh chè sau khi chế biến có dặng xoắn, gọn nhỏ, và giòn. Trên bề mặt cánh chè có nhiều phấn trắng. Nước chè rất trong, xanh ngả vàng nhạt như màu cốm non, sánh. Nước chè có vị chát ngọt, dễ chịu, hài hòa, có hậu, gần như không cảm nhận có vị đắng. Mùi chè thơm ngọt, dễ chịu. Chất lượng bao gồm các chỉ tiêu về ngoại hình, màu nước, vị và đặc biệt về mùi thơm của chè Tân Cương không phải xuất phát từ đặc điểm của giống chè mà là kết quả của quá trình chế biến rất tỷ mỷ, công phu. Mùi thơm đặc trưng của chè Tân Cương chủ yếu là mùi thơm do xử lý nhiệt tạo ra.

Theo kinh nghiệm truyền thống mà các cụ cao niên xứ trà truyền lại, trà ngon hay không được đánh giá theo bốn tiêu chuẩn gồm: Thanh, Sắc, Vị, Thần. Trà ngon là loại trà có màu nước xanh ánh vàng mật ong (Thanh); cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh (Sắc); uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, lúc mới uống có vị chat êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu (Vị); hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác, đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng trà (Thần).

Sau một ấm trà, người thưởng trà thấy ấm áp trong lòng, tình người thăng hoa, tinh thần sảng khoái, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Ba xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu có tổng diện tích 48,618 km², nằm ở vùng ngoại thành phía tây của thành phố Thái Nguyên, là các xã thuộc vùng trung du bán sơn địa, xen kẽ có nhiều thung lũng hẹp, bằng phẳng; có sông Công chảy qua địa bàn. Ba xã giáp hoặc nằm gần hồ Núi Cốc và nằm ở phía đông của dãy núi Tam Đảo.

Về đất đai, đất ở Tân Cương được cho là có chứa những nguyên tố vi lượng với tỷ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè, được hình thành chủ yếu trên nền Feralitic, macma axít hoặc phù sa cổ, đá cát; có độ pH phổ biến từ 5,5 đến dưới 7,0, thuộc loại đất hơi bị chua. Về khí hậu, vùng tiểu khí hậu phía Đông dãy núi Tam Đảo cao trên dưới 1.000m so với mực nước biển được cho là điều kiện lý tưởng cho phẩm chất chè được hoàn thiện.

Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến yếu tố bức xạ nhiệt tại khu vực, tổng bức xạ nhiệt là 122,4 kcal/cm2/năm, trong đó lượng bức xạ hữu hiệu là 61,2 kcal/cm2/năm đếu thấp hơn so với chè khác, và đây chính là yếu tố quyết định đến chất lượng trà Tân Cương Thái Nguyên. Người trồng chè tại Tân Cương thói quen sử dụng phân hữu cơ chăm bón cho cây chè. Họ hái chè rất non, phần lớn hái búp chè một tôm 2 lá, cả khi hái đến lá thứ 3, lá chè cũng rất non nhưng khi mang về đề chế biến, họ vẫn tách riêng lá thứ 3 để chọn lấy búp 1 tôm 2 lá nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

Trà Thái Nguyên nói chung và trà Tân Cương nói riêng chủ yếu vẫn được chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống theo quy mô hộ gia đình. Sau khi được hái, chè sẽ được bảo quản tốt và không để dập nát rồi được đưa ngay vào xưởng hay nhà máy để chế biến. Trong thời gian chờ đợi, búp chè sẽ được rũ tơi và rải đều trên các nong bằng tre, quá trình này được gọi là “quá trình héo lá chè”.

Sau đó chè sẽ được đưa đi xào diệt men, và trong quá trình này, phải có sự đồng đều giữa lượng nhiệt ở đáy chảo và lượng nguyên liệu, đảo đều và nhịp nhàng. Nếu thực hiện quá trình xáo diệt men đúng quy trình, nước sẽ thoát ra khỏi lá chè đều và toàn bộ lá chè trở nên mềm dẻo và không bị quá khô hay quá ướt, là chè vẫn giữ được màu xanh.

Sau đó, chè sẽ lại được tại ra nong thành lớp mỏng để làm nguội và sau đó lại tiếp tục đến công đoạn vò. Quá trình vò được thực hiện rất cẩn thận để lá chè xuăn chặt mà các tế bào ít bị dập. Sau khi vò xong, chè được đưa đi sao để làm khô, số lần sao và thời gian sao tùy thuộc yêu cầu của chất lượng chè sản phẩm. Thông thường chè được sao từ 2 đến 4 lần.

Tại lễ hội Văn hóa trà Ðà Lạt, Lâm Ðồng 2006, có năm mẫu trà nhãn hiệu Tân Cương của Thái Nguyên đứng ở Top 10 và được trao cúp vàng chất lượng. Ngoài việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, chính quyền Thái Nguyên cũng đã thúc đẩy ngành trà trong tỉnh nói chung và trà Tân Cương nói riêng thông qua việc tổ chức Festival trà Quốc tế lần đầu tiên tại Thái Nguyên vào năm 2011, trong đó có riêng một “không gian văn hóa Trà Tân Cương”.

Thuyết Minh Về Cây Chè Thái Nguyên

Chè Thái Nguyên được xem là một trong những đặc sản của nước ta khi nhắc đến chè Việt Nam thì đây chính là cái tên được nhiều người nhớ đến. Giữa bao nhiêu hương vị chè xanh thì có lẽ, phần lớn người Việt đều ưng và dễ nhận ra hương Thái Nguyên nhất bởi sự tinh tế cũng như thơm ngon đặc trưng của chúng. Việc sở hữu nhiều giá trị to lớn cho sức khỏe cũng là lý do khiến người dùng càng thêm trân quý thức uống này hơn.

Nếu ai hỏi bạn đâu là thức uống thường thấy nhất trên bàn khách của mỗi gia đình Việt Nam thì hẳn câu trả lời sẽ là chè. Thế nhưng chè ở đây lại phải là những búp chè khô đến từ Thái Nguyên. Những lá chè màu đen bạc còn lông mao, từ lá đến búp đều khô giòn, uốn thành hình móc câu, chỉ cần tác động lực mạnh một chút là vỡ vụn.

Chè Thái Nguyên (hay còn gọi trà Thái Nguyên) rất đặc biệt, khi pha, nước trà có màu xanh non, trong vắt và không vướng cặn. Đặc biệt, khi đưa tách trà lên gần miệng, bạn sẽ thoang thoảng ngửi thấy mùi cốm non đặc trưng, vốn không thể thấy ở những loại chè khô khác. Cái tinh tế của chè Thái Nguyên chính là nằm ở mùi vị. Mới đầu chạm lưỡi, vị trà có chút chát dịu, không gắt. Vậy nhưng hậu vị để lại là cảm giác ngọt thanh, hương thơm tràn đầy cuống họng.

Mặc dù đã có hàng chục năm nhưng chè Thái Nguyên chưa bao giờ “cũ” với nhiều gia đình Việt hiện nay. Nét đặc trưng từ hình dáng, mùi hương cho đến vị trà đã khiến chúng trở nên độc nhất vô nhị. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, muốn biết vị chè Việt thì chỉ có Thái Nguyên mới đủ khả năng để lột tả hết mọi tầng bậc hương vị tinh túy ấy. Vậy nên không khó hiểu khi chè Thái Nguyên lại xuất hiện mọi lúc trong cuộc sống đời thường của chúng ta.

Chè Thái Nguyên quen thuộc với người Việt Nam đến mức ngay cả với những người không uống chè cũng dễ nhớ tên đến chúng. Nhắc chè là nhắc Thái Nguyên dường như trở thành suy nghĩ mặc định trong tâm trí mỗi người. Từ những cửa hàng nhỏ, trong siêu thị hay trên bàn khách gia đình, bàn thờ tổ tiên. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng sự xuất hiện của chúng là hiển nhiên và không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.

Người Việt ta luôn có thói quen cả nhà quây quần uống chè, nói chuyện sau mỗi bữa cơm tối. Hay khi khách đến chơi nhà, việc làm đầu tiên bao giờ cũng là pha một tách chè ấm để cùng nhâm nhi thưởng thức, đối đáp câu chuyện. Cứ như thế, mỗi tách trà được rót ra đều khởi nguồn cho mọi câu chuyện mới, giữa những người trong gia đình, giữa họ hàng, bạn bè hay bà con lối xóm. Vì thế chè không thể thiếu trên bàn khách gia đình ngày nay.

Chè Thái Nguyên là loại chè được sử dụng nhiều nhất vì chúng hợp với khẩu vị của người Việt. Từ chát dịu đến ngọt thanh, sự biến chuyển linh hoạt trong hương vị chè khiến tâm trạng người uống vì thế cũng trở nên thoải mái và vui vẻ hơn. Từ đó, câu chuyện giữa mọi người cũng vì thế mà hấp dẫn, vui vẻ và hứng khởi hơn rất nhiều. Vậy nên dù có không ít các loại chè mới trên thị trường nhưng Thái Nguyên vẫn là cái tên được ưu ái nhất.

Giới Thiệu Về Chè Thái Nguyên

Trong mỗi giỏ quà Tết bên cạnh bánh kẹo thì bao giờ cũng có một hộp trà, thường là trà Thái Nguyên. Điều này bắt nguồn từ thói quen uống trà của người Việt. Sở dĩ nhiều nơi thường đặt chè Thái Nguyên là bởi đây là dòng sản phẩm có tuổi đời lâu bậc nhất, là biểu tượng chè của Việt Nam. Không chỉ vậy chúng cũng sở hữu rất nhiều những lợi ích to lớn cho sức khỏe mà không phải loại chè nào cũng có được.

Lấy chè Thái Nguyên làm quà biếu như là một cách thể hiện sự chu toàn, suy nghĩ sâu xa và sự trân trọng đối với gia chủ. Vì chè Thái Nguyên được tinh lọc rất kỹ, hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe nên chúng luôn được ưu ái hơn những dòng sản phẩm chỉ có bao bì đẹp. Vậy nhưng không chỉ mê hoặc người dùng bởi hương vị tinh tế, biến chuyển, những giá trị sức khỏe mà chè Thái Nguyên mang lại cũng là điều nhiều người muốn khám phá.

Uống chè nhiều mất ngủ và có hại có sức khỏe có lẽ là điều ngay cả những đứa trẻ cũng vô thức in sâu vào trí nhớ khi đây luôn là câu nói quen thuộc của người lớn. Vậy nhưng chính điều này đã khiến những người không thường uống hay hiểu rõ về chè có những suy nghĩ sai lệch về thức uống tinh túy này. Có thể không phải mọi loại chè đều tốt cho sức khỏe nhưng với Thái Nguyên lại khác. Thậm chí, những giá trị chúng mang lại sẽ khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng nữa đấy!

Trong chè Thái Nguyên được nghiên cứu và chỉ ra có chứa tối đa 30% Phenol, một loại chất có khả năng làm giảm nồng độ mỡ trong máu cực kỳ tốt. Theo đó, đây vốn là một loại oxi tự do đi với các hợp chất trong cơ thể, có thể linh hoạt tác động đến nhiều vị trí. Do đó, bên cạnh khả năng duy trì nồng độ máu ổn định, chúng còn điều hòa lại huyết áp, nồng độ đường trong máu cũng như khả năng diệt khuẩn, giảm đờm của cơ thể người uống.

Một lá chè Thái Nguyên có thể chứa tới 25 các loại axit amin khác nhau cùng hơn 30 các loại nguyên tố vi – đại lượng. Như vật, với một tách trà, bạn có thể đưa vào cơ thể hàng loạt các dưỡng chất có khả năng tham gia vào hoạt động trao đổi, chuyển hóa năng lượng ở người. Đặc biệt chúng cũng góp phần điều hòa và ổn định hoạt động của nhiều cơ quan khác. Vậy nên người khỏe mạnh thường có thói quen uống chè Thái Nguyên mỗi ngày.

Trà xanh tươi thường được điều chế tinh chất trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm vậy nên đối với loại chè khô Thái Nguyên, chúng cũng có những giá trị làm đẹp nhất định. Tiêu biểu nhất chính là khả năng làm chậm lại quá trình lão hóa ở người nhờ sở hữu khoảng 300ppm đến 800ppm vitamin E trong mỗi lá trà. Dưới tác động của Vitamin E, quá trình oxy chất béo bị ngưng trệ, căn cản những ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Một trong những giá trị tuyệt vời của chè Thái Nguyên được nhiều người trân quý chính là khả năng nâng cao đề kháng cơ thể nhờ vitamin C. Khi sức đề kháng tốt, bản thân người uống có thể chủ động phòng tránh được nhiều loại bệnh nguy hiểm, thậm chí là các chứng bệnh liên quan đến chất phóng xạ. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều người xây dựng cho bản thân thói quen uống chè Thái Nguyên mỗi ngày một cách điều độ.

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức