Kể về một người có ảnh hưởng nhất với em

 Kể về một người có ảnh hưởng nhất với em

Bài mẫu 1

Bài làm:

       Mỗi người xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta đều mang giá trị và ảnh hưởng ít nhiều đến chúng ta. Có người ảnh hưởng ít, có người ảnh hưởng nhiều, cũng có người ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Trong số rất nhiều người xuất hiện trong cuộc đời của em, bố chính là người ảnh hưởng lớn nhất đến em. 

       Từ ngày còn bé xíu, bố đã là thần tượng của em. Bố em là một thầy giáo tiểu học bình thường, dạy môn toán học. Dáng người bố cao gầy nhưng bờ vai lại rất vững chắc, là điểm dựa cho mẹ con em. Bố dạy học đã hơn 15 năm, năm nay bố đã 42 tuổi. Khuôn mặt hiền lành, chính trực. Mái đầu lấm tấm hoa râm, tuy không rõ nhưng vẫn có một vài sợi tóc bạc. Đôi tay cầm phấn và bút nhiều đã dần trở nên thô ráp, nhiều vết trai sạn. 

  

     Ngày xưa, ông bà không quản ngại khó khăn, quyết tâm nuôi bố ăn học nên bố rất cố gắng và trân trọng công việc hiện tại của mình. Bố là thầy giáo mà tất cả học sinh và thầy cô kính trọng, yêu quý. Bố dạy toán nhưng môn nào bố cũng giỏi, nhiều câu ca dao, tục ngữ em hỏi mẹ mẹ cũng lắc đầu không biết mà bố đều hiểu và giải thích tường tận cho em. Mẹ bảo bố viết văn cũng hay lắm khiến chị em em ngạc nhiên vô cùng. Bố nấu ăn cũng rất ngon, mẹ có thể thoải mái vắng nhà mà không cần lo lắng, bố sẽ lo cơm nước chu đáo cho chúng em.

Có lần em tò mò hỏi bố: “Bố ơi, tại sao bố cái gì cũng giỏi ạ. Con thấy việc nào khó, bố cũng làm được hết. Vậy mà con thì vụng về.” Bố cười và xoa đầu em: “ Không phải, có rất nhiều việc bố cũng không biết làm, ví dụ như việc cấy lúa này, việc may quần áo cho các con. Con có thể vẽ những bức tranh rất đẹp nhưng bố thì không. Ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm của mình, đừng vội nhìn nhận ưu điểm của người khác mà thấy tự ti nha con gái.”

Mỗi ngày bố đều dậy sớm, nhẹ nhàng bật đèn để chuẩn bị giáo án hoặc chấm bài cho học sinh. Bố đến trường và trở về vào buổi trưa, chiều muộn. Ăn cơm xong, bố không bao giờ quên giúp em dọn dẹp, hỏi thăm tình hình của cả gia đình trong một ngày, chờ đợi xem hai chị em có bài tập cần giúp đỡ không. Xong xuôi bố mới về lại bàn, miệt mài bên trang giáo án. Thời gian rảnh rỗi bố vẫn sang đánh cờ với bác hàng xóm, chăm xong mấy cây cảnh trước nhà, và thỉnh thoảng nấu những món ăn ngon cho cả nhà. Có những đêm em giật mình tỉnh giấc, nhìn sang phòng bố mẹ vẫn thấy ánh đèn vàng mờ mờ, bố vẫn ngồi trên bàn, tay cầm bút soát trên trang giấy. Em chỉ học có mấy tiếng một ngày, làm bài tập xong đã thấy thật mệt, than thở với chị gái mãi. Vậy mà từ bé em chưa bao giờ nghe thấy bố kêu mệt một lần nào cả. Bố nghe em hỏi vẫn chỉ cười hiền: ‘Nếu chuyện gì than thở cũng giải quyết được thì mọi người ai cũng than thở mất thôi. Cuộc sống ngập tràn tiếng than thở thật đáng sợ đúng không? Bố còn là chỗ dựa của ba mẹ con, bố mà kêu mệt thì mẹ con sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Bố chỉ mong mình ảnh hưởng tốt đến các con và mẹ mà thôi.” Câu nói ấy sau này trở thành động lực rất lớn cho em mỗi khi chán nản, mệt mỏi.

Đối với học sinh ở lớp của mình, bố luôn quan tâm và thông cảm. Có học sinh mắc lỗi, bố đều dễ dàng tha thứ và động viên, dùng lời khuyên nhẹ nhàng để thay đổi các bạn ấy. Các anh chị là học trò của bố, ai cũng kích trọng bố. Có những người hàng năm đều nhớ ghé nhà em thăm hỏi và trò chuyện với bố về những khó khăn, những câu chuyện trong cuộc đời của họ. Lúc đầu, em rất tò mò, sao bố có thể khiến nhiều người tin tưởng như vậy. Mẹ giải thích rằng bố sống tình cảm và chân thành, với người chân thành đối đãi, ai cũng tin tưởng và yêu quý.

       Em luôn ghi nhớ và làm theo những lời dạy của bố, cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức, sống tích cực hơn. Trước mỗi khó khăn, hình ảnh bố luôn hiện lên tiếp thêm sức mạnh cho em. Được sinh ra và trở thành con gái của bố với em là một niềm hạnh phúc và may mắn. Em sẽ luôn trân trọng và cố gắng từng ngày để không phụ tình yêu thương của bố mẹ.

Bài mẫu 2

Bài làm:

       Trong cuộc sống, chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người xung quanh. Và cha tôi chính là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi.

       Lúc nhỏ tôi thường mặc cảm về xuất thân của mình, về người cha của tôi. Đám bạn thường xuyên trêu chọc tôi về cái việc mà tôi chẳng thể nào quyết định được, đó là bàn tay bị tật của cha tôi. Chính nguyên nhân đó đã khiến tôi từ một đứa trẻ yêu thương, kính trọng cha mình hết mực thành một người trầm cảm, thụ động. Ngoài giờ học trên lớp, tôi hầu như không ra ngoài, không nói chuyện với ai. Cha tôi chẳng thể nào hiểu được việc gì đang xảy ra với tôi lúc ấy. Để giúp đứa con gái bé bỏng của mình, cha đã luôn cố gắng nói chuyện với tôi, mua cho tôi những thứ đồ chơi mà trẻ con thường thích. Nhưng đáp lại thái độ yêu thương của cha là sự lạnh nhạt và ánh mắt hờn dỗi của một đứa trẻ chưa hiểu chuyện đã vội kết tội cha mình như tôi. Trong đầu óc thơ dại của tôi lúc đó luôn văng vẳng câu nói của đám bạn: “Cha mày làm việc xấu nên tay cha mày mới như vậy, cha mày là người xấu, mày cũng là người xấu”.

Trong một lần làm bài tập làm văn, khi được yêu cầu miêu tả về người cha của mình, tôi đã viết rất hăng say. Nhưng người cha mà tôi miêu tả trong bài văn của mình không phải là người cha hiện tại của tôi mà là một người cha hoàn toàn xa lạ do tôi tưởng tượng nên. Người cha ấy là một người khỏe mạnh với đôi bàn tay cứng cỏi chứ không phải một người với đôi bàn tay bị tật như cha tôi. Bài văn ấy tôi được điểm rất cao và tôi luôn nâng niu nó, xem nó như là một lời động viên, một mẫu người cha lý tưởng của mình.

Một buổi chiều, sau khi từ trường trở về, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cha ở trong phòng mình, trên tay là bài văn được điểm 9 của tôi. Tôi cứ tưởng cha sẽ rất vui vì tôi, vì bài văn đạt điểm cao này. Thế nhưng sự việc lại hoàn toàn không như tôi tưởng tượng. Cha không nói gì, cha bước ra ngoài với vẻ mặt đượm buồn, để lại mình tôi trong phòng với những suy nghĩ khó hiểu. Buổi tối hôm đó, khi mọi người đã đi ngủ, tôi thì vẫn không thể nào ngủ được với những suy nghĩ về thái độ lúc chiều của cha tôi, thì bỗng có tiếng chân khe khẽ bước vào phòng tôi, từ từ tiến đến giường tôi, tôi vội nhắm mắt giả vờ như đã ngủ, nhưng dù thế thì tôi vẫn có thể nhận ra người đó chính là cha.

Cha tôi vẫn thường làm thế, sửa lại chăn cho tôi, đóng lại cánh cửa sổ để tôi không bị lạnh. Dù với đôi tay bị tật, rất khó để làm những việc đó nhưng cha tôi cố gắng làm chúng vì tôi. Nhìn dáng dấp cha tôi lúc đó mà nước mắt tôi rơi từ khi nào không hay, tôi đã cố gắng không khóc ra tiếng nhưng hình như cha vẫn có thể cảm nhận được đứa con gái bé bỏng của ông đang khóc. Lại một lần nữa cha bước đến giường tôi, nhưng lần này không phải để kéo chăn cho tôi mà là lau nước mắt cho tôi. Cha bắt đầu nói. Tiếng của cha rất nhỏ chỉ đủ để tôi và cha có thể nghe thấy, tránh làm mọi người trong nhà thức giấc. “Con khóc vì nhận ra cha không phải là một người xấu phải không con gái ?”, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài việc gật đầu.

Cha lại nói tiếp: “Cha đã hiểu tất cả khi một lần tình cờ đến trường con, nhìn thấy thái độ của các bạn đối với con và sau khi đọc bài văn của con thì cha càng thấu hiểu con hơn bao giờ hết. Thật ra tay cha không phải do tật bẩm sinh. Nó là di chứng của vụ tai nạn khi ba cố gắng cứu một cậu bé trên đường.

        Từ đó về sau, tôi không còn mặc cảm về người cha của mình mà thay vào đó là niềm tự hào vô bờ, tự hào về cha, tự hào về đôi bàn tay tuyệt vời ấy. Đám bạn của tôi họ cũng nhận ra được rằng đã là bạn bè phải thấu hiểu hoàn cảnh của nhau và không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài và xuất thân của họ.

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức