Kể Về Một Lần Em Mắc Khuyết Điểm Khiến Bố Mẹ Buồn

Dàn Ý Kể Về Một Lần Em Mắc Khuyết Điểm Khiến Bố Mẹ Buồn

Mở Bài: Giới thiệu về khuyết điểm mà em mãi không quên khi lỡ gây ra điều sai trái.
  • Cho biết thời gian xảy ra sự việc.
  • Sự việc đó là gì và em cảm thấy như thế nào?
Thân Bài
  • Đó là lỗi lầm gì?
  • Hoàn cảnh khiến em gây ra lỗi lầm.
  • Vì sao em lại gây ra lỗi lầm đó?
  • Lỗi lầm đó để lại hậu quả ra sao?
  • Bố mẹ có trách mắng em không?
  • Em có suy nghĩ gì về những hành động sai trái đó?
Kết Bài: Bài học em rút ra từ lỗi lầm đó. Viết ra những cảm nghĩ của em về những lỗi lầm mắc phải và quyết tâm sửa chữa để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mẫu 1

      Từ trước đến nay bố mẹ vẫn luôn hài lòng vì những gì mà mà em làm. Nhưng có một lần, em đã khiến cho bố mẹ buồn lòng và lo lắng. Mỗi khi nhớ đến việc làm đó, em lại cảm thấy xấu hổ và tự hứa với bản thân mình rằng sẽ cố gắng không để bố mẹ phải buồn phiền khi nghĩ về mình nữa.

      Hôm đó, vào một buổi trưa hè oi bức, cái nắng miền Trung như đổ lửa khiến cho gương mặt ai cũng mệt mỏi. Bố mẹ và em gái đều đi nghỉ ngơi, chiều bố mẹ còn đi làm, và nhiệm vụ của em là trông chừng em gái. Em gái em mới được 3 tuổi nên phải có người trông, vì chẳng may em đi lạc đâu không ai biết.
Em đã nhận trách nhiệm trông chừng em gái nhưng trưa hôm đó thằng Tý ở lớp đã rủ em đi bắn chim. Em quên mất trách nhiệm mà bố mẹ đã giao, nên hí hửng nhận lời thằng Tý đi bắn chim. Trong đầu chẳng mảy may nghĩ đến lời bố mẹ đã nói. Có lẽ đứa bé lớp 6 lúc ấy còn mải chơi hơn là nghe theo lời của bố mẹ.
Em ngồi sau xe đạp của thằng Tý sang làng bên cạnh, ở bên đó có một cái đồi lớn, rất nhiều cây và nhiều chim. Em đã bị hút hồn với khung cảnh nơi đây và say mê với trò bắn chim cùng thằng Tý. Hai đứa hì hục, rượt đuổi nhau trên đồi để bắn chim. Em bắn trượt mấy phát nhưng cũng bắn được mấy con chim. Thằng Tý bảo chim này mà nướng với lá bưởi thì thơm ngon lắm. Chỉ nghĩ đến được ăn thịt chim nướng lá bưởi do bố làm mà em đã thấy thích thú.
Bống nhớ đến bố, em mới cuồng cuồng nhớ ra việc bố mẹ giao trọng trách trông em. Em cuống quýt nói với thằng Tý và hai thằng hồng hộc đạp xe về nhà. Về tới nhà thì đã 3h chiều. Em thấy bố mẹ ngồi ở cửa, gương mặt vừa lo lắng, vừa tức giận. Khi thấy em và thằng Tý đứng trước cổng, mẹ em quát “Đi đâu mà bây giờ mới về, không nghe bố mẹ dặn gì sao”. Trong lúc mẹ nói thì bố vẫn im lặng. Em sợ nhất những lúc bố im lặng.
Thằng Tý thấy không khí căng thẳng nên đã bỏ mấy con chim bắn được vào đạp xe nhanh về nhà. Em vẫn đứng trơ ra đó, rồi chầm chậm bước vào nhà.
Bố vẫn giữ gương mặt đó, bố tức giận vì những gì bố mẹ dặn mà em lại không nhớ đến, chỉ mải chơi. Vì em mải chơi mà bố mẹ đã lỡ mất việc quan trọng. Mẹ cứ quát em mãi, cuối cùng bố cũng cất tiếng, rất nhẹ nhưng lại có sức nặng “Lần sau bố mẹ dặn gì thì nhớ lấy, con đi thế lỡ có chuyện gì thì làm sao. Con cũng lớn rồi, đừng để bố mẹ lo lắng như thế nữa”.
Nghe lời bố nói, em chỉ cúi mặt, nước mắt ngắn dài cứ chảy ròng ròng trên má. Mẹ bảo nín đi, bố cũng bảo đừng khóc nữa. Lần sau đừng làm bố mẹ phiền lòng và lo lắng như thế nữa.

       Em biết bố mẹ đã không còn giận nữa nhưng em rất xấu hổ và tự vấn lương tâm trong suốt buổi tối hôm đó. Em hứa từ nay sẽ không mải chơi, không làm phiền lòng bố mẹ nhiều như vậy nữa. Vì em yêu bố mẹ.

Mẫu 2

      Tuổi thơ của tôi được lớn lên từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ, từ lời ru tha thiết của bà và từ những câu chuyện cổ tích li kì của ông… Thời thơ ấu ấy còn được đong đầy bằng những kỉ niệm khó phai mờ. Trong đó, kỉ niệm về một lần mắc lỗi với mẹ khiến tôi nhớ mãi và đọng lại nhiều bài học sâu sắc.

      Hồi ấy, tôi là một đứa bé lớp năm và cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác tôi rất thích đọc truyện tranh. Đó không chỉ là sở thích mà đã trở thành lạc thú của bản thân, tôi có thể ngồi “ghiền” truyện từ sáng đến chiếu thậm chí là quên ăn, quên ngủ. Những bộ truyện kinh điển của tuổi thiếu nhi như “Doreamon”, “Shin- cậu bé bút chì”, “Tí quậy”, … luôn hấp dẫn tôi một cách lạ kì. Bởi lẽ quá say mê với thế giới nhân vật kì ảo và thú vị mà việc học tập của tôi sa sút trông thấy, lười làm và ôn bài. Mặc dù bố mẹ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng tôi vẫn cứng đầu không nghe, đâu lại đóng đấy.
Buổi sáng thứ hai đẹp trời, tôi cùng đứa bạn thân tung tăng đến trường. Những tia nắng sáng sớm vàng như rót mật lên cành lá, như những đứa trẻ tinh nghịch nhảy nhót khắp nơi. Hít thở khí trời thanh khiết, tôi cảm thấy thoải mái và sảng khoái. Bỗng nhiên Lan quay sang hỏi tôi:
- Vy ơi, ở siêu thị đang mở hội sách đấy. tớ thấy họ quảng cáo rất nhiều, đặc biệt là truyện tranh.
Tôi quay sang, mắt bừng sáng và đầy ngạc nhiên:
- Thật á cậu. vậy thì chắc chắn tớ phải mua hết bộ Tí Quậy. Tớ ước mơ có nó từ lâu rồi.
Thế nhưng tôi lại không đủ tiền mua. Sau một hồi vò đầu bứt tai suy nghĩ, tôi quyết định sẽ xin tiền mẹ. Trưa hôm ấy tôi về nhà từ rất sớm để giúp mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Trong bữa cơm, mẹ rất vui vẻ và hài lòng về tôi, khuôn mặt đã có vài nếp nhăn vì cuộc sống bươn trải nở nụ cười tươi như hoa. Tôi ngập ngừng nói:
- Mẹ… mẹ ơi… mẹ cho con hai trăm nghìn để mua truyện Tí Quậy với ạ. ở hội sách đang có khuyến mại nên phải tranh thủ cơ hội có một không hai này mẹ ạ.
Mặt mẹ nhăn lại, mẹ nhẹ nhàng nói:
- Bây giờ con nên hạn chế đọc truyện để tập trung học tập đi, dạo này con sa sút lắm đấy. Hơn nữa con cũng có nhiều truyện rồi mà, cuối cấp nên chăm chỉ học tập Vy ạ.
Năn nỉ mãi mẹ cũng không đồng ý cho, tôi phũng phịu bỏ cơm, vào phòng đóng rầm cửa lại. Tôi thầm nghĩ “Nhất định mình phải sở hữu bộ truyện này. Và đây là cơ hội ngàn năm có một nên phải tranh thủ chứ”. Nghĩ vậy nhưng một câu hỏi khác lại choáng ngợp suy nghĩ: “Nhưng bây giờ lấy tiền đâu để mua nhỉ. Mình thì không có còn mẹ thì không cho”. Sau một hồi dằn vặt tôi quyết định lấy tiền của mẹ và tự an ủi: “Thôi mình lấy tiền rồi tết trả có sao đâu”. Buổi chiều hôm ấy chờ mẹ đi làm, tôi rón rén xuống nhà mở tủ, nhẹ nhàng rút lấy tờ hai trăm nghìn và đi khuôn một đống truyện về trong niềm thèm khát bấy lâu được thỏa mãn.
Buổi tối, đang say sưa đọc truyện với những tình huống hài hước thì mẹ cất tiếng gọi vọng lên phòng tôi:
- Vy ơi, xuống đây mẹ hỏi một tẹo nào.
Tôi cảm thấy hơi chột dạ và lo lắng nhưng lại tự an ủi: “chắc không phải việc đấy đâu. Mẹ làm gì có nhìn thấy mẹ lấy tiền”. Tôi chạy xuống thấy phòng mẹ bừa bộn, đồ đạc lật tung, vứt lộn xộn. Nhìn mẹ có vẻ đang tức giận, mẹ quay sang hỏi:
- Con có lấy tiền của mẹ để trong tủ không. Hôm nọ mẹ bỏ vào đủ mà giờ lại bị mất hai trăm nghìn. Tiền này bây giờ mẹ đang cần gấp.
Chân tay tôi bắt đầu run run, tim đập nhanh hơn nhưng cố lấy lại bình tĩnh, tôi đáp:
- Con làm gì có biết tiền nào của mẹ. Chiều qua con sang nhà cái Lan chơi cơ mà.
Mẹ quay đi thở dài, nét mặt tỏ rõ sự buồn bã. Thấy mẹ không nói gì, tôi cũng nhanh chóng đi lên phòng. Cầm quyển truyện yêu thích trên tay nhưng tôi không thể nào đọc được. Hiển hiện trước mắt là ánh mắt ngập tràn thất vọng và buồn rầu của mẹ. Tôi lên giường, đắp chăn, trằn trọc không sao ngủ được. Tâm trí tôi diễn ra một cuộc dằn vặt lương tâm. Thiết nghĩ việc lấy tiền của mẹ mà không xin phép đã là sai rồi. Hơn nữa, cô giáo và bố mẹ cũng đã nhắc nhở về việc học mà tôi vẫn cứ cố tình đọc truyện.
Ánh mắt mẹ cứ trở đi trở lại, sự im lặng của mẹ làm tôi thấy ăn năn, hối hận về việc làm của mình. Giờ đây, tôi muốn chạy xuống ôm trầm lấy mẹ và nói lời xin lỗi. Nhưng tôi lại sợ, sợ mẹ mắng, mẹ đánh rồi mẹ mách với cả cô giáo thì tôi rất xấu hổ. Bỗng dưng có tiếng bước chân, mẹ lên phòng đưa sữa cho tôi. Không ngần ngại, tôi chạy đến ôm trầm lấy mẹ, ngập ngừng nói:
- Con… con chính là người đã lấy tiền của mẹ để đi mua truyện. Con xin lỗi mẹ ạ
Xoa đầu và vỗ về tôi, mẹ cất giọng:
- Ban đầu mẹ cũng đoán là con vì bác Thái hàng xóm nói gặp con mua cả một tập truyện ở siêu thị. Nhưng hồi nãy mẹ buồn vì con làm mà không dám nhận, lại nói dối mẹ nữa. Song trong cuộc đời ai cũng từng ít nhất một lần sai lầm nhưng điều quan trọng là phải biết nhận lỗi và sửa sai. Và con của mẹ đã làm được, con lớn rồi và mẹ không có cớ gì trách con.
Lòng tôi nhẹ nhõm hẳn lên như vừa cởi bỏ được một gánh nặng. Tôi chiêm nghiệm được rằng: truyện dù có hay đến mấy cũng chỉ là giá trị tầm thường, hãy luôn trân trọng, yêu quý những người thân quanh ta, những điều nhỏ bé, thân thuộc.

      Mẹ là thế đấy, luôn luôn bao dung và vị tha, luôn luôn chở che và bao bọc, luôn luôn dạy tôi làm người tử tế. Kỉ niệm hồi lớp năm ấy đã để lại cho tôi nhiều bài học quý giá mà đi hết đời sẽ chẳng thể nào quên.

Mẫu 3

        Nhà tôi có hai chị em, tôi là chị còn em trai kém tôi ba tuổi. Bố mẹ rất chiều em trai tôi, và nhiều lần thiên vị cho em tôi mà trách mắng tôi. Cũng chính vì điều đó mà tôi đâm ra đố kỵ và hay tranh giành với em, và đã có lần tôi làm bố mẹ đau lòng vì chuyện của hai chị em.

     Hàng ngày nếu hai chị em tôi cùng ở nhà thì kiểu gì cũng xảy ra chuyện tranh cãi nhau. Nếu hai chi em tranh nhau đồ gì mẹ tôi sẽ bảo:
- Con là con gái, lại là chị thì cần phải nhường nhịn, chứ ai lại chấp với em từng li từng tí vậy. Với lại em nó vẫn còn bé, tính nó trẻ con hay trêu chọc, con đừng chấp.
Mẹ nói thế làm tôi bực hơn, lúc đó tôi chỉ nghĩ được là mẹ quá thiên vị cho em, không thương tôi bằng em. Cho tới một hôm, có một chuyện xảy ra. Sáng sớm hôm ấy, tôi moi tiền ở con lợn ra 10.000 đồng, định bụng chiều sẽ khao lũ bạn vì tôi vừa được điểm cao trong kì thi tám tuần. Tôi cẩn thận cất tiền vào một chỗ rồi vội vã đi học bài.
Đến trưa, trước khi đi nấu cơm, tôi kiểm lại tiền để chốc nữa sẽ đi qua chợ mua các thứ mang tới lớp. Nhưng tiền tôi để ở bao kiểm tra đã không cánh mà bay. Tôi sửng sốt dốc cả bao kiểm tra ra, cẩn thận tìm lại một lần nữa, rồi tôi tìm khắp cả trong cặp vẫn chẳng thấy đâu. Rõ ràng tôi đã bỏ tiền vào trong cặp mà, hay là… hay là em tôi nó đã lấy. Đúng rồi, nhà chỉ có hai chị em mà nó thì học ở trên gác xép, nơi tôi để cặp, còn tôi học ở dưới nhà. Vậy không nó thì còn ai vào đây, với lại chẳng lẽ tiền nó có cánh mà bay ra khỏi túi tôi à?
Nghĩ thế, tôi vội vã chạy lên, tức tối quát:
- Hùng! Em lấy tiền của chị phải không?
- Không… em… em…
- Mày nói dối. Gớm, là một lớp trưởng ở trường tỏ vẻ gương mẫu mà không ngờ về nhà mày lại thế. Xấu ơi là xấu. Tao tưởng bố mẹ chiều mày vì mày ngoan, học giỏi. Ngoan mà đi lấy trộm tiền của người khác.
Tôi mắng như tát nước vào mặt nó, mắng nó với tất cả sự bực tức, ghen tị bấy lâu nay. Còn nó, nó chợt cúi xuống bàn bật khóc, mắt đỏ hoe. Mặc kệ, tôi vẫn nói, lòng tôi thầm nghĩ: “Nước mắt cá sấu ấy mà”.
- Tiền đâu, đưa đây cho tao!
Trưa hôm ấy, khi bố tôi về tôi đã ấm ức kể hết với bố: Nào là nó đã lấy tiền của tôi, tôi bảo nó còn chối và không đưa cho tôi. Bố tôi nghe vậy chắc giận lắm vì lâu nay bố vẫn nghiêm khắc với khuyết điểm. Bố gọi nó xuống rồi hỏi nó, vẻ giận dữ:
- Hùng! Tại sao con lại lấy tiền của chị?
- Con không lấy… không lấy mà bố – Nó lấm lét nhìn bố giọng có vẻ oan ức lắm.
- Không lấy thì ai vào đấy?
Đứng ở trong bếp tôi cũng thấy thương nó một ít nhưng vì sự ghen tức với nó bấy lâu nên tội lại thấy rất hả hê. Vừa lúc ấy mẹ tôi đi làm về, mẹ khẽ hỏi tôi:
- Có chuyện gì mà bố con có vẻ mặt không vui vậy.
- Dạ, bởi em Hùng lấy tiền của con, bố giận nên đánh cho em một trận. – Vậy à?
Thế rồi mẹ vội vã dựa xe ngoài sân để vào nhà. Mẹ bỗng gọi tôi:
- Thanh ơi có phải tiền của con đây không? Tờ 10.000 đồng mới cứng rơi ở ngoài sân đây này. Mẹ vừa về thì nhìn thấy.
Tôi giật mình và chợt nhớ lại: “Ừ nhỉ! Bây giờ mình mới nhớ ra, lúc đó mình kẹp tiền vào quyển vở rồi ra sân học bài đã đánh rơi, thế mà mình cứ đinh ninh rằng ở trong bao kiểm tra”. Và tôi chợt nhớ lại mình đã nói với em thế nào, đã hả hê vô cùng khi em bị đánh. Một sự hối hận dâng lên trong tôi. Tôi vội vã chạy lên nhìn đứa em trai bé bỏng của tôi và nói lời xin lỗi. Em tôi đã không những trách mắng gì tôi mà còn chạy lại ôm lấy tôi. Tôi cảm thấy ăn năn vô cùng, xấu hổ với em vô cùng.

       Kể từ lần đó tôi đã thay đổi thái độ đối với em tôi. Hai chị em chúng tôi rất yêu thương nhau, tôi nào cũng nô đùa với nhau một lúc rồi mỗi đứa lại ngồi vào bàn học riêng. Cũng từ lần đó mà tôi lại nhận ra em trai tôi tuy nhỏ nhưng đã có tấm lòng cao thượng, tôi lại càng xấu hổ và từ đó tôi đã thay đổi để làm một người chị gương mẫu, yêu thương em hơn.

Mẫu 4

       Bố mẹ là người yêu thương ta nhất, dẫu cho bao lỗi lầm, bao thất bại của chúng ta đều được bố mẹ bao dung tha thứ. Em còn nhớ như in cái lần phạm lỗi của mình khiến ba mẹ buồn lòng, đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy cay cay ở khoé mắt.

       Hôm đó là ngày lễ, em được nghỉ. Bố mẹ em làm công nhân nên làm cả tháng không có ngày nghỉ. Mẹ giao cho em trách nhiệm ở nhà chăm em. Mẹ dặn:
- Cháo mẹ có nấu sẵn trên bếp rồi, em ngủ dậy thì con lấy cho em ăn. Bữa trưa mẹ cũng đã chuẩn bị rồi, con xem hâm đồ ăn lại rồi hai anh em cùng ăn.
Em vâng lời mẹ. Rồi bố chở mẹ đi làm. Nhân lúc em chưa ngủ dậy, cả nhà đi vắng nên em trộm mở máy tính của bố và ngồi chơi điện tử. Vì trò chơi hấp dẫn quá nên em quên khuấy luôn việc trông em. Khi nhỏ em tỉnh dậy, nó khóc quấy cả lên, em xuống dỗ rồi lấy cháo cho nó tự ăn, xong nhanh chóng lên chơi tiếp ván điện tử.
Đang chơi say sưa thì tiếng “xoảng ..xoảng” dưới nhà vọng lên, em hoảng hồn bật dậy, hớt hải chạy xuống nhà thì thấy em khóc bù lu bù loa, nước chảy loang khắp nhà, hơi nghi ngút, chân trái của nó đang nằm trong vũng nước sôi. Em hoảng loạn, nhanh chóng tới bế nó ra nhưng không kịp, vì nước nóng quá nên chân em bị bỏng nặng. Em chạy qua nhà bác hàng xóm nhờ bác chở đi bệnh viện rồi gọi bố mẹ vào.
Nghe tin, mẹ vội vàng vào viện. Sau khi được bác sĩ khám và tiêm thuốc, em đỡ đau hơn, thấy mẹ miệng nó cười toe toét như không có chuyện gì:
- Con không sao đâu mẹ
Nhìn nhỏ em mà em vừa thương vừa ân hận. Mẹ đưa mắt nhìn em bằng ánh mắt đầy thất vọng:
- Mẹ dặn con thế nào mà giờ còn để em bị bỏng như thế này hả Huy? Em cúi gằm mặt xuống, nước mắt chảy ròng:
- Con xin lỗi mẹ, xin lỗi em, con sai rồi, là con sai rồi
Mẹ thở dài, suy nghĩ còn bố xoa đầu em, ân cần bảo:
- Thôi, ai mà chẳng có lỗi lầm, quan trọng là biết mình sai thì phải biết cách sửa lỗi, con ạ.
Em gối đầu vào vai bố, tiếng “dạ” sụt sùi trong dòng nước mắt.

      Đó là kí ức mà em nhớ mãi, từ đó về sau em luôn dặn mình phải luôn nhớ lời bà mẹ và không bao giờ chơi trò chơi ấy một lần nào nữa.

Mẫu 5

        Mỗi ngày tan học trở về nhà, tôi thường bắt gặp những giọt mồ hôi nóng hổi trên gương mặt mẹ. Khi ấy, lòng tôi xót xa, dằn vặt mãi bởi tôi đã từng mắc lỗi khiến mẹ ưu phiền.

        Bố tôi đi làm xa vì cảnh nhà thiếu thốn, lâu lâu bố mới ghé về thăm nhà. Ngôi nhà bé nhỏ chỉ có hai mẹ con nhưng luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Cho tới mùa hè năm trước, ở trường học, cái Vân lớp tôi khoe bố mẹ mua cho chiếc xe đạp mới. Chiếc xe màu hồng lấp lánh lại có chiếc nhỏ kêu “ Reng…Reng”, trông thật thú vị. Nhỏ kiêu ngạo, tiến về phía tôi, vênh mặt nói:
  - Cậu thấy chiếc xe của tớ thế nào? Muốn đi thử không?…À quên, cậu có đi xe bao giờ đâu!
  Nỗi hổ thẹn dồn lên đỉnh điểm, lời khích bác của nó làm tổn thương lòng tự trọng của tôi. Vốn rụt rè, tôi đỏ mặt, im lặng mà lòng tấm tức. Tôi mang nỗi buồn bực ấy về nhà, giọng phụng phịu nói với mẹ:
 - Mẹ ơi. Con muốn có một chiếc xe đạp mới.
  Ánh nhìn của mẹ thoáng ngạc nhiên trước yêu cầu của tôi. Mẹ ân cần đáp:
- Trường học gần nhà mình, con chịu khó đi học…
 Nhưng mẹ nào biết nỗi tủi nhục tôi phải trải qua. Không để mẹ nói hết lời, tôi gắt lên:
-Nhưng con mỏi chân lắm rồi, ngày nào cũng phải đi bộ đến trường. Trong khi bạn bè con thì được đi xe mới!
Nói rồi tôi vụt chạy vào phòng, để mẹ ở đó một mình. Giá như lúc đó, tôi nhận ra ánh mắt buồn đau của mẹ. Giá như tôi để tâm tới lời nói ngập ngừng của mẹ. Vậy mà đứa con gái mẹ yêu thương nhất lại nỡ nói ra những lời vô tâm như thế. Thử hỏi trái tim nào không đau nhói? Nắng mùa hạ vẫn vàng tươi như rót mật. Tiếng ve vẫn dắng dỏi mãi mà sao ngôi nhà thân yêu của tôi trầm lặng đến thế?
Mấy ngày hôm sau, tôi thấy mẹ thường vắng mặt ở nhà. Lòng bồn chồn nhưng tôi đâu dám nói chuyện với mẹ. Cho tới chiều thứ sáu, giữa mùa hè năm ấy, bác Nga- hàng xóm của gia đình tôi hớt hải chạy qua, nói rằng:
- Mẹ con đang nằm bệnh viện do làm việc quá sức. Con theo bác vào thăm mẹ, có người báo với bác như vậy.
Tin đó đến với tôi như tiếng sét, đầu óc tôi tối sầm. Cổ họng nghẹn ứ lại, khẽ gật đầu, tôi liền đi cùng bác. Trên đường đi, bác nói tôi nghe, mẹ đã tâm sự mọi nỗi buồn phiền với bác. Suốt mấy ngày qua, mẹ phải đi cấy thuê cho người ta, dưới cái nắng đổ lửa làm mẹ ngã bệnh. Tới bệnh viện, mẹ tôi đang nằm nghỉ. Nét mặt mẹ xanh xao, hao gầy đi nhiều. Bàn tay mẹ gầy gầy, xương xương. Làn da mỏng manh, làm nổi lên những đường gân ngoằn ngoèo, in dấu cuộc sống lam lũ vất vả của mẹ. Bất giác tôi ôm chầm lấy mẹ, nức nở. Mẹ choàng tỉnh dậy, trông thấy tôi, mẹ gắng nở một nụ cười yếu ớt. Mẹ khẽ nói:
- Trang đi học về rồi à con? Con ăn cơm chưa?
Ngay lúc ốm, mẹ vẫn quan tâm tới tôi sao? Mẹ không giận thái độ ương bướng của tôi sao?
- Con xin lỗi mẹ…Giờ con chỉ cần mẹ khỏi bệnh thôi.- tôi mếu máo
Mẹ nhẹ nhàng vuốt tôi như ngày tôi còn thơ bé.

      Chuyện xảy ra đã lâu, mỗi lần nhắc lại là một lần tôi thấy con người nông nổi của mình và tự nhủ: không để buồn lên đôi mắt mẹ một lần nào nữa.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Bài Thơ Bếp Lửa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức