Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện tâm sự giữa các đồ dùng học tập

Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện tâm sự giữa các đồ dùng học tập

Bài mẫu 1:

Dàn ý

1. Mở bài

  • Tôi phát hiện ra  cuộc nói chuyện giữa các bạn đồ dùng học tập 
  • Nhờ cuộc trò chuyện đó mà tôi đã hiểu được tâm sự của những người bạn thầm lặng bên mình

2. Thân bài

  • Học xong là sách vở, bút thước của tôi hay bị tôi bày bừa khắp mặt bàn.
  • Chị hộp bút bắt đầu than thở
  • Anh thước kẻ nghe vậy cũng thông cảm cho chị hộp bút và kể lể chuyện của mình
  • Mấy cô cậu sách giáo khoa cũng vào cùng tâm sự

3. Thân bài

  • Tôi cảm thấy rất có lỗi vì đã đối xử không tốt với đồ dùng học tập của mình
  • Rút ra bài học.

Bài làm

Đêm đã khuya, tôi đang nằm đọc truyện thì chợt có tiếng nói khe khẽ. Tôi nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai. Tôi hơi chột dạ vì mình đã khóa cửa kỹ lắm rồi, mà hình như là có trộm. Nhưng rõ ràng tiếng nói ấy vọng ra từ phía bàn học. Tôi để ý và phát hiện ra, đó là cuộc nói chuyện giữa các bạn đồ dùng học tập và cũng nhờ cuộc trò chuyện đó mà tôi đã hiểu được tâm sự của những người bạn thầm lặng bên mình.

Tôi phải tự thú thật rằng tôi là một đứa con gái chẳng mấy nết na, hiền dịu mà ngược lại, rất nghịch ngợm và chẳng gọn gàng. Học xong là sách vở, bút thước của tôi lại bày bừa khắp mặt bàn. Bố mẹ nhắc tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn chưa sửa được cái tính đấy cho đến khi nghe được cuộc nói chuyện này. Đầu tiên là lời than thở của chị hộp bút: "Tôi chẳng biết anh thước kẻ, chị bút chì, mấy cô cậu sách vở sướng hay khổ nhưng tôi thấy mình bị hành hạ ghê quá! Hồi xưa tôi còn là một chiếc hộp bút đẹp đẽ, mới mẻ và trắng trẻo mà giờ đây mặt mũi tôi nhem nhuốc toàn mực là mực, những mảng da thì loang loang lổ lổ. Cô chủ thấy những hình thù nào đẹp là lại dán vào, chán rồi thì lại bóc ra. Những mảng da của tôi cũng dần bị bóc theo. Cái xương sống của tôi giờ cũng sứt mất mấy miếng, đau ơi là đau".

Anh thước kẻ nghe vậy cũng thông cảm cho chị hộp bút và kể lể chuyện của mình:

- Ừ, tôi cũng thấy chị hộp hút khổ thật nhưng tôi nào khác chị. Ngày cô chủ mới mua tôi về, những vạch in số của tôi còn rõ ràng nhưng sau mấy bữa, những con số đó bị cô chủ cậy hết và viết những cái gì linh tinh vào mình tôi. Cô ấy còn lấy dao vạch vạch những hình thù quái dị vào người tôi nữa. Tôi còn là một vũ khí để chiến đấu với mấy thằng con trai hay lấy đồ của cô chủ nên người tôi sứt mấy mảnh liền. Cô chủ thật là…

Mấy cô cậu sách giáo khoa cũng chen ngang vào: "Phải đấy! Phải đấy! Cô chủ thật là vô tâm, chẳng biết thương chúng ta chút nào. Chúng em còn bị dập ghim vào người, cô chủ còn vẽ vời lên người chúng em nữa. Ôi, đau lắm! Đau lắm!". Nghe những lời tâm sự đó, tôi mới ngồi nhớ lại những lần tôi làm chúng bị đau, bị bẩn. Ôi! Các bạn đồ dùng học tập đúng là bị tôi làm xấu, làm hỏng thật nhiều.

Đồ dùng học tập là những người bạn trợ giúp việc học tập của chúng ta thêm tốt hơn. Tôi sẽ và đang cố gắng không bừa bộn và giữ gìn chúng cẩn thận hơn. Nếu bạn nào giống tôi thì cũng phải sửa đấy!

Bài mẫu 2: 

Dàn ý

1. Mở bài

  • Tôi có thói quen xấu là bừa bộn.
  • Một hôm tôi nghe được cuộc trò chuyện giữa các đồ dùng học tập của tôi, tôi thấy xấu hổ và đã thay đổi cách sống của mình.

2. Thân bài

  • Một hôm tôi nghe được tiếng nói chuyện thì thào phát ra từ góc học tập.
  • Đầu tiên là cặp sách tâm sự
  • Hộp bút ở góc bàn cũng bức xúc lên tiếng
  • Mấy quyển sách vừa học xong tôi còn đang để trên bàn, cũng nhao nhao cất tiếng nói
  • Bác tủ đựng sách vở cũng bức xúc không kém, kể mọi chuyện

3. Kết bài

  • Tôi thấy xấu hổ vô cùng
  • Từ hôm đó tôi đã tự có ý thức chăm sóc và bảo vệ đồ dùng của mình hơn.

Bài làm

Một thói quen xấu của tôi bị mọi người phê phán đã nhiều lần đó là bừa bộn. Đi học về tôi thường bỏ cặp sách bừa bộn, tối học xong tôi thường để luôn sách vở trên bàn, nhìn cũng bừa bộn nhưng tôi thấy bình thường. Thế rồi một hôm tôi nghe được cuộc trò chuyện giữa các dồ dung học tập của tôi, tôi thấy xấu hổ và đã thay đổi cách sống của mình.

Đó vào một đêm hè, tôi đang ôn thi, khi ấy đã 1h đêm, tôi để nguyên sách vở trên bàn rồi tắt đèn đi ngủ, mắt đang lim dim thì bỗng có tiếng nói chuyện thì thào phát ra từ góc học tập. Tôi nằm im và lắng nghe, thì ra đó là cuộc tâm sự của các đồ dùng học tập của tôi. Đầu tiên là cặp sách tâm sự:

- Mọi người ơi tôi thấy buồn lắm, trong các thứ của cô chủ, tôi là người khổ nhất. Cặp thì nhét bao nhiêu là thứ sách, sách vở thì không nói làm gì, đằng này có cả truyện tranh, quà vặt. Nhiều lúc mấy thứ quà ấy rơi vãi, cô chủ không lấy ra làm tôi mốc meo cả lên. Hồi xưa tôi đẹp đẽ bao nhiêu thì bây giờ tôi xấu xí, tàn tạ bấy nhiêu. Nhìn cặp của các cô chủ khác mà tôi xấu hổ, thèm được trân trọng giống như họ.

Hộp bút ở góc bàn cũng bức xúc lên tiếng:

- Ối giời, cậu tưởng rằng chỉ có mình cậu bị nản hả? Tôi nói cho các cậu biết nhé: Tôi nè, trong mình nhét bao nhiêu là bút, thước, tẩy, còn cả mấy thứ linh tinh của con gái nữa, làm cho tôi bao giờ cũng căng phồng lên như người béo phì. Có lúc tưởng nứt toác ra rồi ấy chứ!, ngòi bút nhiều khi cô chủ không đóng lại, làm mực giây ra đầy tôi, vừa bẩn vừa xấu, làm tôi mất hết tự tin với mọi người.

Mấy quyển sách vừa học xong tôi còn đang để trên bàn, cũng nhao nhao cất tiếng nói:

- Chúng tôi thì có hơn gì đâu, tối nào học xong cô chủ cũng để nguyên chúng tôi trên bàn, bụi bặm rơi đấy vào. Có khi cô cầm cả chúng tôi lên giường, vừa nằm vừa học, rồi ngủ luôn, sáng dậy thì chúng tôi nhàu nát hết cả. Những cái áo bọc của chúng tôi thì nhàu nát hết, thi thoảng cô chủ còn vẽ lên chúng tôi nữa.

Bác tủ đựng sách vở cũng bức xúc không kém, kể mọi chuyện:

- Ôi thôi, chúng ta gặp cô chủ này thì cùng chung số phận rồi, tôi cũng giống các bạn thôi. Tôi đựng đồ dùng cho cô chủ, nhưng có khi cô mở tủ lấy đồ mà có đóng vào đâu, cứ mở tênh hênh ra, bụi bẩn bay bám đầy lên người tôi mà có bao giờ cô lau đâu. Nhiều khi mở lấy thì cô kéo cánh cửa âm ầm, làm tôi đau đớn.

Tôi thấy trằn trọc không ngủ được, thấy xấu hổ vô cùng. Từ trước đến nay tôi đã không gọn gàng, không biết quý trọng những người bạn thân thiết của mình. Tôi không ngủ nữa mà dậy bật đèn, dọn dẹp sách vở ngăn nắp gọn gàng, lau tủ sạch sẽ. Từ hôm đó tôi đã tự có ý thức chăm sóc và bảo vệ đồ dùng của mình hơn.

Bài mẫu 3:

Dàn ý

1. Mở bài

  • Tôi là một đứa trẻ sống rất bừa bộn.
  • Một lần tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa các đồ dùng học tập.

2. Thân bài

  • Đầu tiên là cặp sách than thở
  • Rồi đến hộp bút góp phần kể lể
  • Anh em sách vở từ trong tủ cũng nói vọng ra
  • Bác tủ cũng góp chuyện. Mọi người có vẻ rất bức xúc vì tôi đã đối xử không tốt với họ.

3. Kết bài

  • Hóa ra chỉ là một giấc mơ.
  • Tôi tự nhủ rằng: “Sẽ đối xử thật tốt với các đồ dùng học tập của mình”. 

Bài làm

Tôi là một đứa trẻ sống rất bừa bộn. Dù mọi người đã nhắc nhở nhưng tôi vẫn chứng nào tật ấy. Tôi sẽ khó mà sửa đổi được nếu không có một lần tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa các đồ dùng học tập.

Cái đêm hôm ấy, khi tôi vừa trèo lên giường và lim dim mắt thì bỗng có tiếng nói chuyện thì thào phát ra từ góc phòng. Tôi bật dậy và lắng nghe, thì ra đó là cuộc tâm sự giữa các đồ dùng học tập của tôi. Đầu tiên là cặp sách than thở:

– Trong các thứ của cô chủ, tôi là người khổ nhất. Cặp thì nhét bao nhiêu là thứ, sách vở thì không nói làm gì, đằng này có cả truyện, quà vặt. Nhiều lúc mấy thứ quà ấy rơi vãi, cô chủ không lấy ra làm cho người tôi mốc meo cả. Hồi đó tôi đẹp đẽ bấy nhiêu thì bây giờ xấu xí bấy nhiêu.

Không chịu thua, hộp bút góp phần kể lể:

– Cậu tưởng rằng chỉ có mình cậu bị nạn hả? Tôi nói cho biết nhé: Tôi nè, trong mình nhét bao nhiêu là bút, thước, tẩy còn cả mấy thứ linh tinh của con gái nữa làm cho tôi bao giờ cũng căng phồng lên. Có khi tưởng nứt toác ra rồi ấy chứ!

Đang thao thao bất tuyệt thì bỗng có tiếng nói của anh em sách vở từ trong tủ vọng ra:

– Các bác ơi, các bác mở cửa cho chúng em với.

Thế là cậu cặp sách và chị hộp bút cố sức kéo cánh cửa tủ ra. Bác tủ nhăn mặt:

– Làm cái gì thế? Làm cái gì thế? Đêm hôm khuya khoắt không ngủ kéo nhau dậy làm gì?

Cặp sách chưa kịp nói gì thì chị hộp bút đã nhanh nhảu nói lại mọi chuyện. Khi đó, bác tủ nói:

– À! Thì ra là thế. Sao không gọi tôi để tôi góp chuyện với. Cô chủ của chúng ta rất nghịch ngợm…

Không để cho bác tủ nói hết, anh em sách vở đã cắt ngang:

– Mấy người làm gì ngoài đó mà lâu thế, mở cửa cho chúng tôi đi chứ. Bác tủ lại nặng nề mở cửa ra:

– Có gì đâu mà gọi ầm lên thế!

– Xin lỗi bác tủ. Chúng cháu thấy mọi người nói chuyện đúng quá nên chúng cháu cũng muốn kể. Vốn trước đây chúng cháu đẹp lắm nhưng tại cô chủ nên cháu mới tàn tạ như thế này. Bộ áo của cháu bị bung hết ra. Đối với cô chủ, chúng cháu không chỉ dùng để học mà còn dùng làm vũ khí nữa. Mỗi lần cô chủ bị mấy đứa con trai trêu thì y như rằng lại lấy chúng cháu ra mà phang, mà ném.

Bỗng tôi giật mình tỉnh dậy, thì ra là một giấc mơ. Tôi bước tới bàn học sắp xếp lại sách vở vương vãi trên mặt bàng, bọc lại cẩn thận. Tôi cũng lấy bớt mấy thứ ra khỏi hộp bút, cặp sách. Tôi tự nhủ rằng: “Sẽ đối xử thật tốt với các đồ dùng học tập của mình”. Thỉnh thoảng trong gió tôi nghe thấy tiếng hò reo đồng tình cặp sách, hộp bút, sách vở và bác tủ.

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Tả lại lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ở trường em

Cảm nhận về bài kí Cha tôi của Đặng Huy Trứ

Biểu Cảm Về Mái Trường, Ngôi Trường Em Đang Học

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức