Hãy tưởng tượng mình là chiếc bàn trong lớp học bị dây bẩn Hãy viết tâm sự của chiếc bàn học đó

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu thời gian , hoàn cảnh.

2. Thân bài:

Ngày hôm đó , tôi ra đời ở một trong những nhà máy gỗ lớn nhất Việt Nam.

 Những tuần đầu tiên, tôi hạnh phúc biết bao khi là cái bàn được các học trò yêu quý nhất. 

Những hôm đầu, cậu chủ đã làm đổ một lọ mực lên người tôi, làm tôi bị nhoe nhoét như là đồ phế thải vậy. 

Đã nhiều lần tôi tủi thân, khóc một mình trong đêm tối lạnh lẽo ở trường. 

Xin cậu chủ hãy đừng hành hạ tôi nữa, hãy đừng làm mất nhân cách của một con người. 

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em.

 Bài làm:

    Hàng ngày, hàng giờ, tôi cố gắng đem tới sự thoải mái cho cậu chủ. Tôi không muốn gì hơn, chỉ muốn đem lại hạnh phúc cho cậu. Nhưng bây giờ, tôi chỉ là đống gỗ vụn đầy vết xước và vết mực loang lổ đang phải cố gắng sinh tồn. Gần đây, dường như hôm nào tôi cũng cứ mải miết theo dòng suy tưởng về quá khứ, về số phận của một chiếc bàn như tôi.

      Ngày hôm đó , tôi ra đời ở một trong những nhà máy gỗ lớn nhất Việt Nam. Tôi hãnh diện vì mình là sản phẩm đẹp nhất mà con người từng làm ra. Trải qua bao lần vận chuyển, cuối cùng tôi cũng được đưa vào một ngôi trường lớn ở Hà Nội. Lúc đầu, tôi cảm thấy thật may mắn khi được sử dụng tại đây, và tôi đã có thể giúp đỡ học sinh học giỏi hơn. Những tuần đầu tiên, tôi hạnh phúc biết bao khi là cái bàn được các học trò yêu quý nhất. Qua bốn năm rưỡi chung sống với các cô, cậu chủ, tôi dù có bị trầy xước một ít, nhưng vẫn là thứ được yêu thích nhất. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, có một học sinh mới rất ngỗ nghịch đã được cho ngồi ở bàn tôi. Những hôm đầu, cậu chủ đã làm đổ một lọ mực lên người tôi, làm tôi bị nhoe nhoét như là đồ phế thải vậy. Có lẽ cậu chủ cũng nghĩ vậy nên suốt cả năm học, hôm nào cậu ấy cũng làm dây mực lên trên tôi, thậm chí có những lần cậu còn dùng dao để rạch lên tôi. Những lúc đó, tôi đau buốt đến tận tâm can. Cô giáo đã nhiều lần nhắc nhở cậu chủ nhưng cậu vẫn chứng nào tật nấy.

 Đã nhiều lần tôi tủi thân, khóc một mình trong đêm tối lạnh lẽo ở trường. Nhưng biết làm sao được, tôi chỉ là một cái bàn được dùng như món đồ chơi của một cậu bé. Tôi không thể thay đổi số phận. Đằng nào thì tôi cũng sẽ bị nghiền nát thành bụi cám và chết. Giá như cậu chủ biết được điều đó. Tôi có thể làm bất cứ điều gì cho cậu chủ, dù có phải tan nát thân mình, để đem lại niềm vui cho cậu. Tôi đã làm gì để bị con người đối xử như vậy? Tôi chỉ mong ước một điều, đó là xin cậu chủ hãy đừng hành hạ tôi nữa, hãy đừng làm mất nhân cách của một con người. Tôi không hiểu gì cả, tôi chỉ là một cái bàn, cái bàn quá đỗi bình thường. Nên nếu tôi có chết, tôi mong một lần nữa, xin đừng hành hạ tôi nữa. Cứ mỗi lần cánh cửa khép lại, bóng tối bao phủ, tôi lại bị kéo vào sự ám ảnh ấy.

     Đúng. Một cái bàn, một cái bàn thì làm được gì? Có lẽ nhiều người có chung ý kiến như vậy, nhưng tôi thì không. Tôi đã đồng hành cùng các bạn trên cả quãng đường chinh phục tri thức gian nan. Vậy mà, có một số người đã đối xử tàn nhẫn với chúng tôi - những cái bàn như một sự vong ơn. Vì thế, tôi mong các bạn đừng đối xử tàn ác như thế nữa với chúng tôi.

Bài mẫu 2:

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu thời gian , hoàn cảnh.

2. Thân bài:

Mới năm ngoái kia thôi, tôi còn nguyên lành, trơn tru và đẹp đẽ.

Thì ra cái bàn nằm chỏng chơ ở góc phòng đang nói chuyện với cái ghế đứng xiêu xọ ở bên cạnh. 

Bàn buông lời oán thán và kể lể.

Cái chân tôi bị ba tên sát nhân ấy bẻ mất và không biết nó vứt chân ấy ở đâu.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em.

Bài làm:

     Ánh bình minh đã ló dạng từ lúc nào, tôi cuống cuồng chạy đến trường. Nhưng đến nơi, các dãy lớp học vẫn còn tờ mờ ngái ngủ. Thì ra lo lắng về bài kiểm tra toán hôm nay mà tôi đến sớm hơn lệ thường.

     Đi dọc theo hành lang trên dãy lầu hai, tôi lẩm nhẩm những công thức, mường tượng những bài giải… Và cuối cùng mải mê ngắm những bông phượng nở từ lúc nào cũng không biết nữa. Sau lưng nghe có tiếng người nói bằng một cái giọng kì kì, ảo ảo, là lạ. Tôi quay lại, nhìn vào lớp học trống trơn. Không một bóng người. Vậy mà tiếng thì thầm to nhỏ vẫn cứ đến tai tôi. Dường như ai đó không hề chú ý đến xung quanh, và cũng chẳng hề bận tâm đến sự hiện diện của một kẻ khác đang nghe câu chuyện của họ.

– Tôi không ngờ số phận của tôi lại run rủi như thế này. Ôi, mới năm ngoái kia thôi, tôi còn nguyên lành, trơn tru và đẹp đẽ, chân cẳng tôi… Ôi, giờ không biết nó đã ở đâu rồi?… Tiếng của ai thều thào rên rỉ như nói một mình cho mình nghe vậy.

– Đừng buồn nữa Bàn à, có buồn thì sự cũng đã rồi. Tôi mới được chuyển từ dãy ghế bên kia sang, nên tình hình ở đây cũng còn lạ lẫm lắm. Mà cậu chắc còn có nhiều tâm sự đau khổ hơn tôi. Không biết rồi ngày mai đời tôi ở đây sẽ ra sao?

Thì ra cái bàn nằm chỏng chơ ở góc phòng đang nói chuyện với cái ghế đứng xiêu xọ ở bên cạnh. Cả hai đang than ngắn thở dài. Tôi đã nghĩ rằng mình nên rút lui vì nghe trộm là điều xấu hổ. Nhưng lời của bàn ghế khiến tôi tò mò và muốn hiểu cho ra chuyện.

Bàn và ghế tâm sự với nhau về hoàn cảnh khốn khổ của mình

– "Coi bộ mấy "ông tướng" ở lớp này quậy phá nhiều hơn ở lớp bên kia. Anh Bàn ạ, anh cứ dòm kĩ chiếc chân bên phải của tôi mà coi. Cả hai năm liền ở bên lớp kia tôi không hề bị một vết thương nào. Thế mà vừa được chuyển sang đây là các ông trời con này đã cầm lấy tôi một đầu mà kéo lê tôi trên sàn nhà bằng xi măng có nhiều hố lồi lõm. Đến sắt thép còn chẳng chịu nổi huống hồ chân cẳng nhà tụi mình chỉ làm bàng gỗ!

– Ôi, đừng nói nữa chị Ghế à, nhớ đến cái hôm đó, tôi vẫn còn rợn gai ốc. Chân tôi bị gãy rồi mà tôi vẫn như thấy điều kinh khủng ấy diễn ra lần thứ hai. Ôi, chị kể mới khiếp chứ. Tôi nhìn chân chị cố nhón lên và thân chị run bần bật cùng với tiếng lồ rồ, kèn kẹt, tôi cũng muốn như ngất lịm.
Bàn hồi tưởng những giây phút kinh hoàng và xót xa cho bạn mình… Ghế trầm ngâm một lúc rồi chua chát nói:
 - "Cứ nhìn cái cách chúng xếp tôi không ngay hàng thẳng lối thế này, cứ nhìn đôi chân hụt hẫng của tôi trên sàn nhà lỗ chỗ này… Tôi nghĩ đến một ngày mai chẳng có gì sáng sủa hơn anh đâu, Bàn ạ. Anh nghĩ coi, chỉ cần một chút nữa, cái cậu bé mập đùng và hay nô giỡn ngồi ở đây nó đứng một đầu và phía kia một kẻ khác nhảy lên mình tôi thì… Ôi, tôi không dám nghĩ tiếp nữa đâu…
Tiếng thở dài thườn thượt không biết là của Bàn hay Ghế. Chỉ nghe Bàn nói một câu gọn lỏn nhưng tuyệt vọng.
– Số phận chúng mình cũng tiêu đời thôi…
Rồi Bàn buông lời oán thán và kể lể, trong lúc Ghế chừng như rất muốn theo dõi câu chuyện:
– Tôi nghĩ từ lúc tôi còn là một cây xanh trên rừng với muôn tiếng chim ca, rồi sau đó chấp nhận vui vẻ cái nghĩa vụ phục vụ mọi người, tôi đã bị đốn để đưa về nhà máy gỗ. Chúng tôi được xẻ ra thành bao nhiêu là phiến. Anh em chúng tôi chia tay nhau. Phiêu dạt mãi mới đến xưởng mộc. Thấy bác thợ bào đục và trau chuốt cho tôi thành Bàn tôi đã rất mừng. Mừng hơn là được về với các bạn nhỏ và công việc học hành. Năm đầu những cô bé chào đón tôi bằng những bàn tay thon và với lời khen nức nở – "Ôi bàn mới quá, thơm mùi gỗ quá". Các cô dường như không bao giờ động mạnh đến tôi. Mỗi lúc trực nhật để quét rác dưới chân, tôi cũng được khiêng nhẹ nhàng.
Vậy mà năm sau những cô bạn thân thiết ấy chuyển sang học phòng khác, tôi được giao phó cho một lũ quậy phá nghịch ngợm. Chúng viết lên mặt tôi chi chít những câu tục tĩu, rồi chúng cự nhau, lấy dao sắc rạch chàng chịt vào mặt tôi những hình vẽ lố bịch. Đến giờ ra chơi chúng ngồi lên tôi đến bốn năm đứa xô đẩy nhau, đập ầm ầm vào mặt tôi và hát những bài hát không phách điệu gì cả. Tôi đau đớn, căm giận và lo sợ vô cùng. Tôi linh cảm mình sẽ bị trọng thương. Và quả thực, trong một lần đuổi bắt nhau, mấy ông trời con ấy nhảy rầm rầm trên mặt tôi. Tôi cố gắng giữ bốn chân mình cho vững đề phòng thảm họa. Nhưng rồi chịu không nổi, tôi ngã rầm đập cạnh mặt xuống nền nhà. Và ngay lúc đó một sức nặng ghê gớm nhảy lên thanh ngang nối hai chân trước và chân sau của tôi. Thanh ngang gãy rắc và tôi nhói đau khắp cả bốn chân. Khi tỉnh lại thì đã thấy mình nằm một xó, buổi học đã tan và một chân tôi bị téc ra như muốn rời khỏi thân. Nghe nói rằng tụi chúng cũng có kiểm điểm nhau. Nhưng rồi đâu lại vào đó. Ngày hôm kia một đứa bỗng đề nghị: "Cái chân Bàn này hay làm tụi mình bị vướng, hãy bẻ nó đi". Tưởng là một lời đùa tinh quái, ai ngờ buổi học tan, phòng vắng, cái chân tôi bị ba tên sát nhân ấy bẻ mất và không biết nó vứt chân ấy ở đâu. ?

   Tiếng bước chân rầm rập lên cầu thang của học sinh đã náo động sự yên tĩnh. Tôi xuống lầu, còn nghe tiếng la hốt hoảng của Ghế: – "Anh Bàn ơi, làm sao bây giờ?".

Bài mẫu 3:

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu thời gian , hoàn cảnh.

2. Thân bài:

Tôi cùng các bạn bàn ghế khác được chuyển từ kho của nhà trường lên lớp 6A.

Tôi vô cùng hãnh diện về vẻ bề ngoài của mình.

Chủ nhân đầu tiên của tôi là Lan Anh, cô bạn dễ thương trong lớp nhưng cô bạn này rất thích ăn quà vặt.

Và chủ nhân mới của tôi lúc này là Khánh, cậu bé học rất giỏi toán ở lớp.

Tôi càng ngày càng bẩn, xấu xí đi mà chẳng một ai thèm quan tâm.

Các bạn học sinh ở lớp hàng ngày vẫn hồn nhiên, vô tư xô bàn kéo ghế nô đùa vui vẻ.

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em.

Bài làm:

  Học kì I đã kết thúc. Các bạn trong lớp 6A, được cô chủ nhiệm sắp xếp lại chỗ ngồi. Tôi hồi hộp chờ đợi xem, ai sẽ là chủ nhân mới của mình, vì giờ đây trông tôi rất bẩn và xấu xí. Liệu các bạn học sinh trong lớp có ghét bỏ tôi không. Càng nghĩ, lòng tôi lại càng trĩu nặng.

  Còn nhớ hồi đầu năm học, tôi cùng các bạn bàn ghế khác được chuyển từ kho của nhà trường lên lớp 6A. Chúng tôi ai nấy đều vui vẻ, vì sau một thời gian dài, nằm chờ đợi trong kho thì cuối cùng chúng tôi cũng được mang ra sử dụng. Những lớp sơn trên cơ thể tôi sáng bóng, các đường viền quanh mép cứng cáp. Tôi vô cùng hãnh diện về vẻ bề ngoài của mình. Không những thế, tôi được sinh ra từ loại gỗ tự nhiên, nên khả năng chống mối mọt rất tốt. Ngày đầu tiên được đặt trong lớp, tôi vui lắm vì chỗ tôi gần cửa sổ hằng ngày tôi có thể tắm nắng mặt trời mỗi sáng. Nhưng tất cả mọi thứ diễn ra sau đó đều không giống như những gì tôi đã suy nghĩ.

Chủ nhân đầu tiên của tôi là Lan Anh, cô bạn dễ thương trong lớp nhưng cô bạn này rất thích ăn quà vặt. Vậy là trong ngăn kéo của tôi lúc nào cũng đầy ắp những kẹo, ổi, nước ngọt. Tôi cũng chẳng có thời gian làm bạn với những món đồ ấy lâu, mà thay vào đó tôi phải chịu đựng những vỏ đồ ăn mà cô bạn Lan Anh ăn xong bỏ lại. Chao ôi! Cái cảm giác ấy khiến tôi sợ hãi vô cùng. Các bạn có biết không, lúc ấy tôi nghĩ mình chẳng khác gì một chiếc thùng rác. Nhưng rồi Lan Anh không ngồi với tôi lâu nữa bạn được chuyển chỗ khác. Và chủ nhân mới của tôi lúc này là Khánh, cậu bé học rất giỏi toán ở lớp. Trong giờ học Khánh rất chăm chú ghi bài, nhưng mỗi khi cô đưa ra câu hỏi nhanh cần sự tính toán thì Khánh chẳng bao giờ lấy giấy nháp để làm bài. Thay vào đó, cậu tiện tay ghi lên khuôn mặt sáng sủa của tôi. Thế là từ đó về sau, mặt tôi chi chít những con số, phép tính của Khánh.

Tôi buồn lắm, vì biết mình bây giờ vô cùng xấu xí. Một hôm, trong giờ nghỉ trưa, chị quạt trần mới gọi tôi: “ Cậu bàn một ơi, sao mặt em chi chít những chữ số thế kia”. Tôi buồn quá, bèn kể lại câu chuyện cho chị nghe. Vậy là số phận của tôi chẳng có gì tốt đẹp, tưởng như được đem ra cho các bạn học sinh sử dụng, tôi phải vui lắm chứ. Nhưng tôi càng ngày càng bẩn, xấu xí đi mà chẳng một ai thèm quan tâm. Hằng ngày, tôi cũng như biết bao bạn bàn ghế khác trong lớp, chúng tôi phải chị những cú va đập vô tội vạ của các bạn học sinh. Xô đẩy, giẫm chân lên tôi rồi kéo lê tôi đi nữa, nhiều khi tôi cảm giác cơ thể mình sắp vỡ vụn ra vì những lực tác động quá mạnh của những cậu học trò nghịch ngợm. Dường như tôi cảm giác mình chịu đủ mọi cảm giác đau đớn của sự tra tấn, và tôi sắp tan nát đến nơi rồi chỉ chờ một ngày nào đó tôi thành củi đun trong lò nữa thôi. Tôi chỉ mong sao mình có được một ngày bình yên mà dường như nó là điều hiếm lắm vào những ngày các bạn học sinh tới trường. Tôi buồn quá, nhìn hình dạng xấu xí của tôi hiện tại tôi chẳng biết mình có thể làm gì để trở lại được như ngày xưa. Các bạn học sinh ở lớp hàng ngày vẫn hồn nhiên, vô tư xô bàn kéo ghế nô đùa vui vẻ, nhưng các bạn ấy có biết chính điều đó khiến cuộc đời của tôi ngắn ngủi hơn.

  Sang kì học mới, tôi chỉ mong các bạn quan tâm đến tôi rồi lau đi hết vết mực trên mặt bàn, trả lại cho tôi khuôn mặt bạn đầu. Và các bạn hãy nhớ sử dụng tôi một cách cẩn thận thì tôi mới luôn bền đẹp để có thể đồng hành cùng các bạn.

Bài đăng

Thuyết Minh Về Nhà Tù Sơn La

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Món quà sinh nhật

Ngữ văn 6 Bài 3 Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm của em - Kết nối tri thức

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Ngữ văn 6 Bài 3 Thực hành đọc: Lắc-ki thực sự may mắn - Kết nối tri thức

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 2 Về thăm mẹ - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thạch Sanh - Cánh Diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức