Em hãy kể về một người có ảnh hưởng với em nhất

 

Bài mẫu 1: văn tự sự kể về mẹ - người ảnh hưởng nhất với em

      Nếu có ai đó hỏi tôi rằng đối với tôi ai là người quan trọng, có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi thì câu trả lời sẽ là: Mẹ. Dù không phải là người đẹp nhất nhưng trong mắt tôi, mẹ thật hoàn hảo.

     ​Qua bao thời gian, giờ đây, mẹ đã ngoài 30 tuổi nhưng hình như vẫn còn rất trẻ. Mẹ không cao lắm. Dáng người đầy đặn. Cái dáng của mẹ là dáng của người phụ nữ đã qua tuổi đôi mươi, trải qua nhiều năm tháng vất vả. Thời gian thật tốt bụng. Nó đã giữ cho tóc mẹ một màu hạt dẻ, trông rất trẻ trung, năng động. Mái tóc được uốn xoăn gọn gàng, phù hợp với gương mặt mẹ. Da mẹ không trắng nhưng rất ưa nhìn. Chẳng hiểu sao, khuôn mặt trái xoan của mẹ luôn tạo nên sự gần gũi, thân thiện. Bởi vậy, trong công việc, hầu như ai cũng yêu quý mẹ. Nét mặt của mẹ rất hài hòa. Ngay từ lần đầu gặp mặt, bố đã bị thu hút bởi đôi mắt long lanh như biết nói của mẹ. Với đôi lông mày rậm, mẹ thật cá tính, mạnh mẽ. Cùng với đó là đôi mắt to, đen láy như chứa bao điều tâm sự luôn nhìn đàn con với vẻ trìu mến, đầy yêu thương. Đôi môi dày, đỏ thắm lúc nào cũng cười tươi để lộ hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp. Cũng không thể quên được đôi bàn tay đầy vết chai sạn; đã dạy cho tôi những nét chữ đầu tiên, dìu dắt tôi bước đầu trên đường đời.

 Với gia đình, mẹ luôn quan tâm, chia sẻ vui buồn với mọi người. Khi con ốm, mẹ là bác sĩ. Khi con học, mẹ là cô giáo. Nhiều lúc, con mắc lỗi không những mẹ không quát nạt, mẹ chỉ dạy bảo nhẹ nhàng để tôi dần hiểu ra. Thường ngày, mẹ ăn mặc giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng vốn có. Dù gia đình không giàu sang nhưng mẹ vẫn tạo điều kiện cho tôi bằng bè bằng bạn.

        Tôi ước gì, thời gian quay lại để tôi không bao giờ mắc sai lầm, để lỗi buồn không còn hiện trên đôi mắt mẹ yêu. Tôi ước gì, thời gian ngừng lại để mẹ không bao giờ già đi, tôi luôn bé bỏng trong vòng tay đầy tình yêu của mẹ. Tôi ước gì, tôi có đủ sự mạnh mẽ như mẹ để vượt qua mọi chông gai phía trước. Nhưng ước chỉ là ước. Ngay bây giờ, hành động thiết thực để mẹ tự hào về tôi là tôi cố gắng học giỏi, chăm ngoan.

Bài mẫu 2: Bài văn kể về bố là người ảnh hưởng nhất

      Ai đó đã từng nói với em “Con gái là tình nhân kiếp trước của bố” nên kiếp này bố dành tất cả yêu thương cho con gái của mình. Có lẽ vì lí do ấy, tình cảm của bố dành cho em đặc biệt sâu đậm. Trong cuộc đời của mình, bố chính là người có ảnh hưởng nhất với em.

     Một đứa trẻ chào đời, thuở ban đầu sẽ quấn quýt lấy mẹ. Nhưng càng lớn, những đứa trẻ sẽ trở nên thân thiết với bố hơn. Đó là điều mẹ đã thủ thỉ với em vào sinh nhật 10 tuổi. Với em, bố cũng chính là người bố như vậy. Thời gian trôi qua, bố dần ảnh hưởng đến em nhiều hơn trước. Bố của em năm nay đã 40 tuổi, là một tài xế xe buýt giữa lòng thành phố. Dáng người bố cao gầy, nhưng bờ vai rộng và vô cùng vững chắc. Khuôn mặt bố tạo cho người ta cảm giác hiền lành, chính trực với đôi mắt sáng, thân thiện. Mái đầu đã lấm tấm hoa râm và những nếp nhăn mờ mờ nơi khóe mắt chính là nhân chứng cho gần nửa cuộc đời vất vả bố đã trải qua để gánh vác gia đình.

 Bố không phải người thuộc tầng lớp trí thức được học hành nhiều. Việc học của bố chỉ dừng ở cấp bậc tiểu học, trong những ngày đầu nước nhà còn nghèo khó. Thế nhưng những điều mà bố có được trong cuộc sống lại nhiều hơn thế. Đôi tay ngày ngày cầm lái của bố có đến mười hoa tay, chữ viết của bố rắn rỏi và rất đẹp. Mẹ thường nói nét chữ của em là được thừa hưởng từ bố. Bố học không giỏi Toán nhưng tính nhẩm rất nhanh, có lần bố nhẩm còn nhanh hơn tốc độ bấm máy tính của anh trai em. Những lần như thế, em lại tò mò hỏi bố “Bố ơi, bố nói bố không giỏi Toán sao bố lại tính nhanh hơn anh nữa ạ?” Đáp lại ánh mắt ngây thơ của em, bố sẽ nhẹ nhàng xoa đầu và bảo “Có rất nhiều thứ bố không giỏi, thậm chí không biết. Nhưng khi đối mặt với nó nhiều, lâu dần con sẽ quen với nó. Vậy nên, con gái của bố không được chùn bước trước những khó khăn nhé”

 Một ngày của bố trôi qua rất bận rộn. Vì yêu cầu công việc, khi trời chỉ tờ mờ 3,4 giờ sáng bố đã nhẹ nhàng dậy chuẩn bị đồ ra khỏi nhà. Bố đi hết sức cẩn thận, nhận hộp cơm từ tay mẹ rồi đi ngay, lo sợ đánh thức em và anh trai. Bố đi làm đến tận 10h30 tối mới trở về, có khi em đã đi ngủ, cũng có khi em đang học bài. Gần hai mươi giờ cầm lái, chạy xe buýt đến khắp nẻo đường trong thành phố, mệt mỏi như vậy mà bố chưa bao giờ than thở một lời. Đã nhiều lần em hỏi bố. Em chỉ đi học 7 giờ một ngày thôi, về nhà làm bài tập xong đã thấy thật mệt mỏi, tại sao bố lại không bao giờ than thở, dù chỉ là một chút. Câu tả lời em nhận được lúc đó chính là động lực theo em đến mãi sau này. Bố nói: “Nếu mệt mỏi mà than thở ra miệng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Làm vậy chỉ khiến anh em con và mẹ thêm lo lắng. Bố là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho anh em con và mẹ. Với quyền lợi và nghĩa vụ của người cha, bố chưa bao giờ nghĩ đến mệt mỏi.”

 Trên mỗi chuyến xe mà bố chạy luôn có một câu chuyện của cuộc sống mà bố nhìn thấy. Có khi là câu chuyện về một anh thanh niên vui tính, có khi là chuyện bạn nhỏ ít tuổi hơn em sẵn sàng nhường chỗ cho một bác lớn tuổi trong khi các anh chị thanh niên vẫn thờ ơ vờ như không để ý. Khi khác lại là chuyện anh phụ xe tự bỏ tiền vé cho một người cha lặn lội từ quê lên thành phố thăm con gái mà bị mất trộm. Rất nhiều, rất nhiều câu chuyện bố mang về, gửi gắm cho em những bài học quý giá về những điều đã và đang xảy ra từng ngày xung quanh.

 Em luôn ghi nhớ từng lời dạy của bố, lấy cách sống của bố để rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Bố bận bịu như vậy nhưng luôn dành thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình để quan tâm đến gia đình. Có một thời gian, việc học tập trên lớp và các kỳ thi khiến em vô cùng mệt mỏi. Em nhờ lời nói của bố khi trước, không thở than một lời. Đêm đó, trên bàn học chất đầy bài tập, nhân lúc mọi người đã đi ngủ, em úp mặt lặng lẽ khóc. Bố bất ngờ xuất hiện và lay em, bố quở trách: “Con vẫn còn rất nhỏ, ấm ức phải nói cho bố mẹ. Con gái dù có lớn thế nào vẫn là con của bố mẹ.”

       Bố – tiếng gọi thân thương trong cuộc đời em. Tình yêu thương và hình ảnh của bố thực sự ảnh hưởng sâu sắc đến em. Được trở thành con gái của bố là may mắn lớn nhất trong cuộc đời.

Bài mẫu 3: văn tự sự kể về cha - người ảnh hưởng nhất đối với em

      Trong cuộc sống, chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người xung quanh. Và cha tôi chính là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi.

     Lúc nhỏ tôi thường mặc cảm về xuất thân của mình, về người cha của tôi. Đám bạn thường xuyên trêu chọc tôi về cái việc mà tôi chẳng thể nào quyết định được, đó là bàn tay bị tật của cha tôi. Chính nguyên nhân đó đã khiến tôi từ một đứa trẻ yêu thương, kính trọng cha mình hết mực thành một người trầm cảm, thụ động. Ngoài giờ học trên lớp, tôi hầu như không ra ngoài, không nói chuyện với ai. Cha tôi chẳng thể nào hiểu được việc gì đang xảy ra với tôi lúc ấy. Để giúp đứa con gái bé bỏng của mình, cha đã luôn cố gắng nói chuyện với tôi, mua cho tôi những thứ đồ chơi mà trẻ con thường thích. Nhưng đáp lại thái độ yêu thương của cha là sự lạnh nhạt và ánh mắt hờn dỗi của một đứa trẻ chưa hiểu chuyện đã vội kết tội cha mình như tôi. Trong đầu óc thơ dại của tôi lúc đó luôn văng vẳng câu nói của đám bạn: “Cha mày làm việc xấu nên tay cha mày mới như vậy, cha mày là người xấu, mày cũng là người xấu”.

 Trong một lần làm bài tập làm văn, khi được yêu cầu miêu tả về người cha của mình, tôi đã viết rất hăng say. Nhưng người cha mà tôi miêu tả trong bài văn của mình không phải là người cha hiện tại của tôi mà là một người cha hoàn toàn xa lạ do tôi tưởng tượng nên. Người cha ấy là một người khỏe mạnh với đôi bàn tay cứng cỏi chứ không phải một người với đôi bàn tay bị tật như cha tôi. Bài văn ấy tôi được điểm rất cao và tôi luôn nâng niu nó, xem nó như là một lời động viên, một mẫu người cha lý tưởng của mình.

 Một buổi chiều, sau khi từ trường trở về, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cha ở trong phòng mình, trên tay là bài văn được điểm 9 của tôi. Tôi cứ tưởng cha sẽ rất vui vì tôi, vì bài văn đạt điểm cao này. Thế nhưng sự việc lại hoàn toàn không như tôi tưởng tượng. Cha không nói gì, cha bước ra ngoài với vẻ mặt đượm buồn, để lại mình tôi trong phòng với những suy nghĩ khó hiểu. Buổi tối hôm đó, khi mọi người đã đi ngủ, tôi thì vẫn không thể nào ngủ được với những suy nghĩ về thái độ lúc chiều của cha tôi, thì bỗng có tiếng chân khe khẽ bước vào phòng tôi, từ từ tiến đến giường tôi, tôi vội nhắm mắt giả vờ như đã ngủ, nhưng dù thế thì tôi vẫn có thể nhận ra người đó chính là cha.

 Cha tôi vẫn thường làm thế, sửa lại chăn cho tôi, đóng lại cánh cửa sổ để tôi không bị lạnh. Dù với đôi tay bị tật, rất khó để làm những việc đó nhưng cha tôi cố gắng làm chúng vì tôi. Nhìn dáng dấp cha tôi lúc đó mà nước mắt tôi rơi từ khi nào không hay, tôi đã cố gắng không khóc ra tiếng nhưng hình như cha vẫn có thể cảm nhận được đứa con gái bé bỏng của ông đang khóc. Lại một lần nữa cha bước đến giường tôi, nhưng lần này không phải để kéo chăn cho tôi mà là lau nước mắt cho tôi. Cha bắt đầu nói. Tiếng của cha rất nhỏ chỉ đủ để tôi và cha có thể nghe thấy, tránh làm mọi người trong nhà thức giấc. “Con khóc vì nhận ra cha không phải là một người xấu phải không con gái ?”, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài việc gật đầu.

 Cha lại nói tiếp: “Cha đã hiểu tất cả khi một lần tình cờ đến trường con, nhìn thấy thái độ của các bạn đối với con và sau khi đọc bài văn của con thì cha càng thấu hiểu con hơn bao giờ hết. Thật ra tay cha không phải do tật bẩm sinh. Nó là di chứng của vụ tai nạn khi ba cố gắng cứu một cậu bé trên đường.

      Từ đó về sau, tôi không còn mặc cảm về người cha của mình mà thay vào đó là niềm tự hào vô bờ, tự hào về cha, tự hào về đôi bàn tay tuyệt vời ấy. Đám bạn của tôi họ cũng nhận ra được rằng đã là bạn bè phải thấu hiểu hoàn cảnh của nhau và không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài và xuất thân của họ

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Tả lại lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ở trường em

Cảm nhận về bài kí Cha tôi của Đặng Huy Trứ

Biểu Cảm Về Mái Trường, Ngôi Trường Em Đang Học

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức