Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi

  Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi

Bài mẫu 1

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt câu nói.

2. Thân bài:

  • Giải thích:
    • Học là một cách trau dồi kiến thức để chúng ta biết được những gì diễn ra.
  • Dẫn chứng:
    • Nhà bác học Đác-Uyn và cậu con trai của ông
    • Ông Đoàn Tử Quang – một con người có nghị lực phi thường
  • “Bể học’’ đó mênh mông rộng lớn, chưa một ai đã chinh phục được.
  • Trong thời đại hiện đại như ngày nay, đã có rất nhiều công cụ, thiết bị điện tử được ra đời, đó là kết quả, là những gì mà học hỏi đã tạo nên.

3. Kết bài: Khẳng định lại vẫn đề.

Bài văn

      Ai cũng biết, việc học là việc rất quan trọng và nó quyết định cuộc đời của mỗi con người chúng ta, đó là một con đường gian khổ và khó khăn nhất để dẫn đến thành công. Học không phải ngày một ngày hai mà vội vàng được, học là học suốt đời, cũng giống như Lê-Nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi.”

       Theo thời gian, câu nói đó vẫn giữ nguyên giá trị và cũng đã khiến cho con người hiểu được phần nào. Phải khẳng định rằng không có con đường nào mà luôn trải đầy hoa hồng. Học là một cách trau dồi kiến thức để chúng ta biết được những gì diễn ra trong xã hội đời thường, những gì ông cha đã đã nghiên cứu và gây dựng nên. Mọi người ai cũng biết, nguồn kiến thức là vô tận, nó không bao giờ có giới hạn vậy hằng ngày, khi chúng ta cắp sách tới trường học thì đó chính là những bước khởi đầu để đi đến con đường học vấn. Thử so sánh, học như một cánh cửa kì diệu nhưng không có chiếc chìa khóa nào để mở nó ra, vậy chúng ta học đó cũng là chúng ta đang dần dần chế tạo ra chiếc “chìa khóa” đó và khám phá mọi điều ở bên trong cánh cửa, đó là kiến thức và sự thành công. Giống như một câu truyện mà tôi đã từng học về cuộc nói chuyện của nhà bác học Đác-Uyn và cậu con trai của ông, khi đó ông đã nói: "Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Hay như ông Đoàn Tử Quang – một con người có nghị lực phi thường. Sau nhiều lần đi thi không đỗ, ông vẫn tu dưỡng dùi mài kinh sử đèn sách, tiếp tục đi thi nhiều lần và đến năm 81 tuổi, ông đỗ Trạng Nguyên. Thật là một tấm gương sáng để khẳng định giá trị: “Học mãi ”. Có rất nhiều bạn học tốt, nhưng chỉ vì chủ quan rằng học như thế thì đã đủ, đã hơn rất nhiều người rồi nên không cần học thêm nữa, đó là một suy nghĩ tiêu cực, có khi nó sẽ khiến việc học trở nên sa sút.

“Bể học mênh mông tựa đất trời

Khuyên con gắng học chớ ham chơi”

Vâng, “bể học’’ đó mênh mông rộng lớn, chưa một ai đã chinh phục được “bể học” đó, cho dù con người có đã thành công, đã có sự hiểu biết cao đến mấy nhưng họ vẫn đều phải tiếp tục học và đó là “Học nữa, học mãi”. Trong thời đại hiện đại như ngày nay, đã có rất nhiều công cụ, thiết bị điện tử được ra đời, đó là kết quả, là những gì mà học hỏi đã tạo nên. Thử hỏi tại sao thời xưa, thời của ông cha ta có rất nhiều người tài giỏi và họ đã khám phá ra biết bao nhiêu điều, còn bây giờ: “Nhân tài như lá mùa thu”, không phải bây giờ không có người tài giỏi nhưng rất hiếm, bởi vì họ không biết “Học nữa”. Vậy giá trị của sự “Học nữa, học mãi “đã vậy, cứ mỗi giờ trôi qua, mỗi ngày trôi qua thì lượng kiến thức lại càng nhiều, do đó chúng ta cần phải luôn luôn học hỏi.

     Câu nói của Lê-Nin: “Học, học nữa, học mãi’’- một câu nói hay và ẩn chứa rất nhiều lời khuyên ý nghĩa và rất thấm thía, vậy chúng ta hãy cố gắng học và tiếp tục học học cho đúng, học, học nữa học mãi, chúng ta là những thành phần của xã hội vậy hãy là những con người có ích, hãy chính là tâm điểm sáng suốt trong mọi thời đại.

Bài mẫu 2: 

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt câu nói.

2. Thân bài:

  • Giải thích:
    • Học là tìm hiểu, khám phá những điều mình chưa biết, tích lũy kiến thức, rèn luyện bản thân.
    • Học rất đa dạng, học ở khắp mọi nơi, học bất kì lúc nào. 
    • Học nữa là học thêm tới mức cao hơn nữa.
    • Học mãi có nghĩa là học liên tục, học đến suốt đời, học cả khi về già.
    • Luôn luôn học hỏi những điều chưa biết để mở rộng thêm con đường dẫn đến thành công.
  • Tại sao phải học?
    • Học lễ phép, cách cư xử với xã hội, đạo đức. 
    • " Người có tài mà không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm gì cũng khó".
    • Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển trên đà hiện đại hóa của thế giới.
  • Làm sao để luôn có ý chí trong học tập? 
    • Chúng ta phải xác định mục đích học, ước mơ trong tương lai, …
    • Làm việc gì cũng phải có niềm đam mê, lòng nghị lực, quyết tâm thành công.
  • Dẫn chứng:
    • Anh Nguyễn Đôn Phú Lộc,...

3. Kết bài: Khẳng định lại vẫn đề.

Bài văn

       Con người ai cũng cần phải học. Từ lâu việc học là vấn đề cần thiết, nó đào tạo chúng ta thành người có kiến thức để giúp ích cho cuộc sống văn minh, tiến bộ. Xã hội ngày một đi lên theo thời gian, đất nước ngày càng cần nhiều nhân tài có trình độ cao, hiểu biết rộng xây dựng đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng khuyên dạy. Học không phải là học cho đủ lớp để đi làm mà học còn có nghĩa là học mãi đến già, học những cái mình chưa biết. Vị lãnh tụ vĩ đại Lê-nin đã từng khuyên con cháu rằng: “Học, học nữa, học mãi”. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa sâu xa trong câu nói đó của ông.

     Học là gì? Học là tìm hiểu, khám phá những điều mình chưa biết, tích lũy kiến thức, rèn luyện bản thân để tăng hiểu biết, trình độ về mọi mặt. Học không chỉ trong trường lớp mà chúng ta còn phải học ở ngoài đời. Ngoài học những kiến thức văn hóa mà chúng ta còn phải học cách làm người. Học rất đa dạng, học ở khắp mọi nơi, học bất kì lúc nào. Học nữa là học thêm tới mức cao hơn nữa, học hết trình độ này đến trình độ khác, học từ thấp tới cao. Như những người đã đi làm cần phải học thêm cao học, tiến sĩ, …Thế nào là học mãi. Học mãi có nghĩa là học liên tục, học đến suốt đời, học cả khi về già. Câu: “Học, học nữa, học mãi ” khuyên ta phải dốc hết sức mình vào việc học. Luôn luôn học hỏi những điều chưa biết để mở rộng thêm con đường dẫn đến thành công.

Tại sao phải học? Trên đời, ai cũng phải học, ngay cả tổng thống hay người hành khất đều phải được giáo dục từ nhỏ. Trường học nào cũng dạy học sinh: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học lễ phép, cách cư xử với xã hội, đạo đức. Từ nhỏ, chúng ta đã học đi, học nói, học gói, học mở. Còn khi đã đến tuổi đi học, chúng ta học thêm văn hóa. Môn học nào cũng vậy, ta phải học từ cái cơ bản nhất đến nâng cao. Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng:" Người có tài mà không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm gì cũng khó". Nếu như ta học được đức tình tốt của mọi người mà không đến trường để trau dồi kiến thức thì không thể làm được việc gì lớn lao giúp ích cho xã hội. Như chúng ta muốn sang nước ngoài làm việc mà không biết tiếng Anh thì không thể nói chuyện để hiểu ý nhau được. Còn những người có hiểu biết cao mà không có nhân đức thì không giúp ích được gì cho đời. Họ chỉ biết làm giàu cho bản thân mình, bất chấp lời chê trách, phê phán của mọi người. Từ thời xưa đến nay, đất nước ta đã có biết bao nhiêu nhân tài, gương hiếu học đáng được khâm phục. Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển trên đà hiện đại hóa của thế giới. Giờ đây, con người phát minh ra nhiều vật dụng, khám phá ra nhiều điều bí ẩn mà xưa nay nhân dân chỉ có thể giải thích hiện tượng đó qua những chuyện cổ tích. Vì thế, chúng ta cần phải trau dồi thêm kiến thức để theo kịp thời đại, không lạc hậu để mọi người không xem thường mình. Việc học không tùy vào tuổi tác, công danh mà tùy vào sự cầu tiến, muốn làm giàu kho tàng kiến thức của mỗi người. Nhà bác học Dariwin đã nói với con trai của ông rằng: ‘Bác học không có nghĩa là ngừng học”.

Làm sao để luôn có ý chí trong học tập? Chúng ta phải xác định mục đích học, ước mơ trong tương lai, ….để cố gắng đạt được ước mơ, nghề nghiệp mình yêu thích. Học không những giúp ích cho đất nước mà còn giúp ích cho bản thân chúng ta. Học để làm việc, kiếm sống cho bản thân mỗi người. Khi chúng ta đã xác định mục đích học tập thì bằng mọi giá chúng ta phải thành công dù có thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa. Kẻ thất bại là kẻ không dám thực hiện ước mơ của mình. Làm việc gì cũng phải có niềm đam mê, lòng nghị lực, quyết tâm thành công thì chúng ta mới làm nên những việc lớn. Anh Nguyễn Đôn Phú Lộc là một gương điển hình đáng để mọi người noi theo. Anh vẫn tiếp tục đến trường, mỉm cười với mọi người mặc cho căn bệnh ung thư xương dày vò thể xác anh. Nhưng tinh thần và lòng nghị lực cao đã chiến thắng những nỗi đau về thể xác của anh. Thầy cô, bạn bè trong trường ai cũng yêu quý, nể phục anh. Học phải học từ từ không nên gấp vội. Trong lớp phải nghe cô giảng bài kĩ và về nhà phải học thuộc bài để áp dụng, thực hành vào thực tế. Khi đọc sách phải đọc kĩ từng câu chữ rồi xem qua một lượt. Đọc phần nào thấu triệt phần ấy. Học cũng như ăn cơm, cần phải nhai kỹ trước khi nuốt mới có lợi cho thân thể. Học tập phải kết hợp với suy nghĩ. Học tập gồm hai phương diện: lí thuyết, thực hành. Học lí thuyết mà không suy nghĩ tất hồ đồ không rõ. Còn thực hành không suy nghĩ tất thực hành không đúng. Trái lại, chỉ suy nghĩ mà không học tập và thực hành thì trống rỗng chẳng tăng trưởng được chút bản lĩnh nào. Ngoài ra, cần phải đọc thêm nhiều tài liệu, báo chí để mở mang thêm kiến thức của mình.

      Tóm lại, lời khuyên của vị lãnh tụ Lê–nin có ý nghĩa rất sâu xa nhằm khuyên nhủ mọi người phải học mãi cả đời. Bản thân mỗi người phải cố gắng hết sức để xây dựng đất nước ngày càng đi lên trên nền kinh tế phát triển. Chúng ta hãy làm theo mong ước của Bác Hồ là: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không? Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức