Ngữ văn 6 Bài 4 Thực hành tiếng Việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ - Kết nối tri thức
Thực hành tiếng Việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ
1. Các từ ngữ in đậm trong những câu sau có ý nghĩa hoán dụ. Em hãy giải thích nghĩa của các từ ngữ đó.
a) Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên chiếc giường tre, tre với mình sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.
Nhắm mắt xuôi tay: lìa đời, chết đi, về cõi vĩnh hằng.
b) Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.
Mái nhà tranh, đồng lúa chín: hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam.
c) Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà.
Áo cơm cửa nhà: cuộc sống chân chất, giản đơn, giản dị của con người Việt Nam.
2. Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu sau và nêu tác dụng của chúng.
a) Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa.
Phép tu từ so sánh: đời cha ông với đời tôi - con sông với chân trời đã xa. Tác giả đã làm cho sự xa lìa của đời cha ông với đời tôi trong tiềm thức mỗi con người như dậy lên sâu đậm, làm cho người đọc nhớ nhung những ngày xưa đã qua giờ chỉ còn giống "con sông" cùng "chân trời".
b) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác.
Phép tu từ điệp ngữ "tre", nhân hóa: Tạo ra cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, nhấn mạnh công dụng của cây tre. Tre mang tầm vóc dũng sĩ, xả thân để bảo vệ quê hương, đất nước. Tre sừng sững như một tượng đài được tôn vinh và ngưỡng mộ.
3. Những dòng thơ Đẽo cày theo ý người ta/ Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì gợi ý cho em liên tưởng đến thành ngữ nào? Giải thích ý nghĩa ngắn gọn của từ ngữ đó.
Những dòng thơ Đẽo cày theo ý người ta/ Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì gợi ý cho em liên tưởng đến thành ngữ Đẽo cày giữa đường. Câu thành ngữ này hàm ý chỉ kẻ hành động ngu ngốc, không có chủ kiến, luôn bị động nên hay thay đổi theo ý kiến người khác, cuối cùng chẳng đạt được kết quả gì.
4. Tre già măng mọc là một thành ngữ quen thuộc. Dựa vào bài Cây tre Việt Nam, hãy nêu cách hiểu của em về thành ngữ này.
Tre - Măng: Loại cây thường được dùng người việt nam để làm những vật dụng trong cuộc sống.
Già - Mọc: Ở đây có nghĩa là những cây già sẽ chết để làm chất dinh dưỡng nuôi cây non mọc lên.
Ý nghĩa thành ngữ Tre già măng mọc có nghĩa là: Thế hệ trước sẽ đào tạo thể hệ sau để thế hệ sau có kinh nghiệm và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo ra và sau đó sẽ truyền lại cho thế hệ sau nữa, cứ thế cứ thế mà thế hệ trẻ luôn kế thừa và sẽ phát huy nó. Tre và măng luôn mọc gần nhau vì thế tre già luôn che chở và bảo vệ măng tránh ánh nắng mặt trời để cho măng lớn và phát triển. Hình ảnh tre và măng tựa vào nhau và cứ thế cứ thế thế hệ này sẽ tiếp nối thế hệ trước để phát huy.