Ngữ văn 6 Bài 2 Viết: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả - Kết nối tri thức

 Viết: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả

Tình cảm, cảm xúc là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu của thơ. Để thể hiện tình cảm, cảm xúc, các nhà thơ đã chọn nhiều cách khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiều khi các yếu tố tự sự và miêu tả đã được đưa vào thơ một cách đầy nghệ thuật, cho phép tác giả ẩn mình, nhường chỗ cho câu chuyện, sự việc, cảnh vật tự nói lên những điều cần thiết. Em hãy viết đoạn văn ghi lại cảm xúc, ấn tượng của mình về một bài thơ thuộc loại này để hiểu thêm về một hình thức nghệ thuật độc đáo của thơ ca nói chung.

Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả.

  • Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả.
  • Thể hiện được cảm xúc chung về bài thơ.
  • Nêu các chi tiết mang tính tự sự và miêu tả trong bài thơ, đánh giá ý nghĩa của chúng trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
  • Chỉ ra được nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ.

Phân tích bài viết tham khảo: Cảm xúc khi đọc bài thơ Mây và sóng của Ta-go.

- Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả: "Nhan đề bài thơ... thiêng liêng bất diệt.".

- Thể hiện cảm xúc chung về bài thơ: "Đi theo câu chuyện... cho mẹ của mình.".

- Nêu các chi tiết mang tính tự sự, miêu tả trong bài thơ và đánh giá ý nghĩa của chúng: "Em bé được mời gọi đến... bình yên vĩnh cửu.".

- Chỉ ra nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ: "Qua những lời thoại... dành cho mẹ của mình.".

- Khái quát lại cảm xúc chung của người viết về bài thơ trong hình thức kể chuyện độc đáo của nó: "Nói chung, bài thơ... yêu thương mẹ.".

Thực hành viết theo các bước 

1. Trước khi viết

a) Lựa chọn bài thơ

Bài thơ được em chọn phải là bài thơ có yếu tố kể chuyện (xuất hiện câu chuyện, nhân vật, dù nhân vật có thể chỉ mang một cái tên chung chung), có các chi tiết miêu tả bối cảnh không gian, con người,... Các bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng đều thuộc loại này.

b) Tìm ý

Để tìm ý, em hãy nêu các câu hỏi và tự trả lời: Bài thơ gợi lên câu chuyện gì? Đâu là các chi tiết tự sự và miêu tả nổi bật? Các chi tiết ấy sống động, thú vị như thế nào? Chúng đã góp phần thể hiện ấn tượng điều nhà thơ muốn bày tỏ ra sao?...

c) Lập dàn ý

Từ các ý đã được hình thành qua cách nêu và trả lời câu hỏi, em hãy sắp xếp thành một dàn ý:

- Mở đoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.

- Thân đoạn:

+ Nêu ấn tượng, cảm xúc của em về câu chuyện được kể hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ.

+ Làm rõ nghệ thuật kể chuyện và miêu tả của tác giả.

+ Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong đoạn thơ.

- Kết đoạn: Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ đã được phân tích ở trên).

2. Viết bài

Khi viết bài, các em cần lưu ý:

- Bám sát dàn ý đề viết đoạn.

- Thể hiện được cảm xúc chân thành của em về nội dung và hình thức trữ tình độc đáo của bài thơ.

- Trình bày đúng hình thức của đoạn văn: viết lùi đầu dòng từ đầu tiên của đoạn văn và chữ cái đầu của từ đó phải viết hoa; kết thúc đoạn văn bằng một dấu chấm câu. Các câu trong đoạn cần tập trung vào chủ đề chung, giữa các câu có sự liên kết. Đoạn văn khoảng 7 - 10 câu.

3. Chỉnh sửa bài viết

Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầuGợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được nhan đề bài thơ, tên tác giả (nếu có) và cảm nhận chung của người viết.Nếu còn thiếu so với yêu cầu, hãy bổ sung.
Nêu được cảm xúc và ý kiến đánh giá về nét đặc sắc của bài thơ có sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả.Sử dụng lại các câu hỏi ở mục tìm ý để biết được nội dung đoạn văn của em còn thiếu ý gì. Hãy bổ sung nếu có câu hỏi bị bỏ quên, chưa được trả lời.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu, sử dụng từ ngữ liên kết câu,...). Chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi.

Gợi ý

Nhan đề bài thơ là Chuyện cổ tích về loài người như lời gợi dẫn của tác giả Xuân Quỳnh về việc sẽ đưa chúng ta đến những vùng đất sơ khai nơi loài người được sinh ra và trưởng thành cho tới khi cuộc sống phát triển văn minh từng ngày. Đi theo những dòng thơ, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, êm dịu với những từ ngữ, hình ảnh đắt giá, người đọc hiểu biết thêm về khởi nguồn của loài người, về sự phát triển của cuộc sống đến mức văn minh như hiện tại. Mọi vật sinh ra trên trái đất là vì con người, vì trẻ em: hãy chăm sóc, thương yêu, dạy dỗ trẻ em và dành cho thế giới tuổi thơ mọi điều tốt đẹp nhất. Qua khổ thơ đầu, ta hình dung cuộc sống trên trái đất khi mới có loài người "chỉ toàn là trẻ con", vạn vật còn phôi thai, còn rất trẻ, sự sống chỉ mới bắt đầu; trái đất còn hoang sơ "trụi trần", chưa có màu xanh, "không dáng cây ngọn cỏ". Ở các khổ thơ tiếp theo, ta thấy từ khi có loài người cuộc sống trên trái đất thay đổi ngày một tiến bộ, ngày một văn minh. Mặt trời chiếu rọi ánh sáng khắp trái đất, đem lại sự sống cho muôn loài. Loài người ngày một "sinh ra" đông đúc dần lên, trẻ em được nuôi dưỡng, được chăm sóc, được bế bồng trong lời ru và tình thương của người mẹ. Có mẹ và có bố, có gia đình. Trí tuệ, sự hiểu biết của loài người, của thế giới "trẻ em" ngày một phát triển. Nhờ "bố bảo", "bố dạy" mà trẻ em “biết ngoan”, "biết nghĩ". Con người mở rộng tầm hiểu biết, ngày một khám phá mọi sự vật, mọi hiện tượng xung quanh. Cuộc sống con người ngày một phát triển, ngày một đi lên. Có tiếng nói, rồi có chữ viết, có nền giáo dục. Con người được học hành và cuộc sống con người ngày một văn minh: biết mở trường dạy trẻ em học, biết đào tạo, biết "sinh ra thầy giáo" để dạy dỗ trẻ em. Lớp, trường, bàn, ghế, cái bảng, cục phấn, chữ viết, ông thầy... là những biểu tượng thể hiện sự thay đổi kì diệu cuộc sống loài người trên trái đất ngày một văn minh. Dưới ánh sáng mặt trời, loài người được sống trong ánh sáng của khoa học, của giáo dục, ánh sáng của văn minh. Lòng yêu trẻ của tác giả được thể hiện trong bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" hết sức đằm thắm, nồng hậu. Trẻ em được mẹ sinh ra trong "tình yêu và lời ru", được "bế bồng chăm sóc". Trẻ em được "bố bảo cho biết ngoan - bố dạy cho biết nghĩ". Trẻ em được đến trường học tập. Tình thương dành cho trẻ em, mọi cái tốt đẹp nhất đều dành cho trẻ em. Nói chung, bài thơ đã kể câu chuyện về sự ra đời, phát triển của loài người.

Bài đăng

Thuyết Minh Về Nhà Tù Sơn La

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Ngữ văn 6 Bài 3 Thực hành đọc: Lắc-ki thực sự may mắn - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 3 Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm của em - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thạch Sanh - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức