Ngữ Văn 6 Bài 5 Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt - Chân trời sáng tạo
Ngữ Văn 6 Bài 5 Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt
Tại nơi em đang sống và học tập hằng ngày hẳn là có rất nhiều cảnh sinh hoạt thú vị đang diễn ra với bao nhiêu khoảnh khắc đáng nhớ. Bằng cách nào để em có thể chia sẻ với bạn bè, người thân những khoảnh khắc đáng nhớ mà em từng chứng kiến? Bài học dưới đây sẽ giúp em biết cách tả lại cảnh sinh hoạt.
Định nghĩa: Tả cảnh sinh hoạt là dùng khả năng quan sát và lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh đó.
Yêu cầu đối với kiểu bài
- Giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian và địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.
- Tả lại cảnh sinh hoạt theo một trật tự hợp lí (từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể...).
- Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.
- Gợi tả được cảnh quan, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu, nổi bật của bức tranh sinh hoạt.
- Sử dụng phù hợp các từ ngữ chỉ đặc điểm, tính chất, hoạt động,...
- Nêu được suy nghĩ, cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả.
- Cấu trúc bài văn gồm ba phần:
Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt.
Thân bài: Miêu tả cảnh sinh hoạt theo một trình tự hợp lí,
Kết bài: Phát biểu suy nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.
Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản: Tả một phiên chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ.
Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt chợ nổi Cái Răng "Gia đình tôi.... chợ nổi Cái Răng.".
Thân bài
- Tả quang cảnh, không khí chung của phiên chợ nổi "Cả khu chợ... xuống đáy sông.".
- Tả cảnh mua bán nơi chợ nổi theo trình tự nhất định "Hóa ra... thuận tiện."
- Miêu tả chi tiết, tạo một số điểm nhấn: các mặt hàng, những cách rao hàng để thu hút khách,... "Các chủ hàng ở đây... dưa lê,...".
- Kết hợp thể hiện cảm nhận của bản thân trong khi quan sát, miêu tả "Tất cả... dừa xiêm.".
Kết bài: Phát biểu ấn tượng, cảm xúc sau khi thăm phiên chợ nổi "Trước khi quay... trời xanh...".
Từ bài viết trên, xác định các đặc điểm của kiểu văn bản tả cảnh sinh hoạt bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
1. Đoạn mở bài và kết bài đã đáp ứng được yêu cầu về bài văn tả cảnh sinh hoạt chưa?
Đoạn mở bài và kết bài của bài văn đã đáp ứng yêu cầu của bài văn tả cảnh sinh hoạt.
- Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt chợ nổi Cái Răng.
- Kết bài: Phát biểu ấn tượng, cảm xúc sau khi thăm phiên chợ nổi.
2. Tác giả miêu tả cảnh chợ nổi trên sông theo trình tự nào?
Tác giả miêu tả cảnh chợ nổi trên sông theo trình tự từ bao quát đến cụ thể.
3. Bài văn có gợi tả được cử chỉ, hành động của con người gắn với thời gian, không gian cụ thể? Có sự dụng các biện pháp tu từ khi diễn đạt?
Bài văn gợi tả được cử chỉ, hành động của con người gắn với thời gian, không gian cụ thể: các tiếng rao trên các con thuyền. Tác giả có sử dụng các biện pháp tu từ khi diễn đạt như so sánh, hoán dụ.
4. Người viết có phối hợp các giác quan trong khi quan sát cảnh chợ nổi trên sông?
Người viết có phối hợp các giác quan trong khi quan sát cảnh chợ nổi trên sông gồm: thị giác, thính giác, xúc giác.
5. Người viết đã đứng ở đâu để quan sát? Vị trí ấy là cố định hay có dịch chuyển, thay đổi và có giúp việc quan sát thuận lợi hơn không?
Người viết đã đứng ở trên xuồng máy để quan sát. Xuồng máy đi trên sông nên tác giả có thể dịch chuyển, thay đổi và có thể quan sát khung cảnh chợ nổi rõ ràng, chi tiết.
6. Từ bài văn trên, em học được những gì về cách miêu tả một cảnh sinh hoạt?
Kinh nghiệm:
- Để tả cảnh sinh hoạt cần quan sát và dùng lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh.
- Cần giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian, địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.
- Tả lại cảnh sinh hoạt theo trình tự hợp lí.
- Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.
- Gợi được quang cảnh, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu của bức tranh sinh hoạt.
- Sử dụng từ ngữ phù hợp, nêu được cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả.
- Đảm bảo cấu trúc bài văn ba phần.
Đề bài: Hãy tả lại một cảnh sinh hoạt mà em có dịp quan sát hoặc tham dự.
Hướng dẫn quy trình viết
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.
Xác định đề tài.
Trước khi viết, hãy trả lời câu hỏi: Yêu cầu của đề bài là gì?
Với đề bài nêu trên, em có thể chọn cảnh sinh hoạt để miêu tả, dựa vào những gợi ý sau:
- Cảnh sum họp của gia đình em trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tết.
- Cảnh thu hoạch ngày mùa.
- Cảnh mua bán trong một siêu thị.
- Cảnh sân trường trong giờ ra chơi.
Thu thập tư liệu.
Tư liệu liên quan đến cảnh sinh hoạt mà em miêu tả có thể thu thập từ những nguồn khác nhau, bao gồm tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.
Tìm ý.
Để có ý tưởng, em cần:
- Xác định một số định hướng chung như: quan sát đối tượng miêu tả từ khoảng cách gần hay xa; nên miêu tả theo trình tự nào, cần tập trung khắc họa các hình ảnh nào,...
- Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.
- Quan sát lại không gian nơi diễn ra cảnh sinh hoạt mà em sẽ miêu tả, nếu có điều kiện.
- Đọc lại Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong,... và bài văn ở mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản để tham khảo cách quan sát, tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt.
Lập dàn ý.
Từ những ý đã tìm, lập dàn ý bằng cách chọn lọc, sắp xếp cách ý theo một trình tự hợp lí, ví dụ:
Mở bài | Giới thiệu cảnh sinh hoạt được tả: - Cảnh sinh hoạt. - Thời gian, địa điểm. |
Thân bài | Tả cảnh, sinh hoạt: 1. Tả cảnh sinh hoạt chung bằng một cái nhìn bao quát: - Ý 1. - Ý 2. 2. Tả một số hình ảnh cụ thể, nổi bật ở cự li gần: - Ý 1. - Ý 2. 3. Tả sự thay đổi của sự vật của bức tranh sinh hoạt trong thời gian, không gian: - Ý 1. - Ý 2. |
Kết bài | Phát biểu cảm nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt. |
Bước 3: Viết bài.
Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài. Riêng thân bài nên viết hai đến ba đoạn. Giữa các đoạn nên dùng các từ chuyển tiếp phù hợp để thể hiện được sự thay đổi của cảnh sinh hoạt theo thời gian hoặc theo vị trí, góc độ quan sát. Trong khi tả cảnh, có thể kết hợp thể hiện cảm nhận của bản thân.
Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.
Xem lại và chỉnh sửa.
Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết dựa vào những gợi ý trong bảng sau:
Bảng kiểm bài viết tả lại một cảnh sinh hoạt
Các phần của bài viết | Nội dung kiểm tra | Đạt/ Chưa đạt |
Mở bài | Dùng ngôi xưng hô phù hợp trong khi quan sát, miêu tả. Giới thiệu không gian, thời gian diễn ra cảnh sinh hoạt. | |
Thân bài | Tả bao quát cảnh sinh hoạt. Tái hiện được các sự vật, đường nét, màu sắc, âm thanh cụ thể. Kết hợp các giác quan khi quan sát và miêu tả. Tả cảnh sinh hoạt theo trình tự. Thể hiện suy nghĩ, cảm xúc đối với con người, cuộc sống được miêu tả. | |
Kết bài | Nêu được ấn tượng, tình cảm của người viết đối với cảnh sinh hoạt. |
Tiếp theo, hãy đọc chậm bài viết của mình một lần nữa, bổ sung những nội dung còn thiếu và sửa các lỗi chính tả, dùng từ ngữ, viết câu.
Rút kinh nghiệm.
Hãy sử dụng những câu hỏi sau để tự đánh giá lại những gì mình đã học được sau khi thực hiện bài viết này:
- Việc viết bài văn này giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong cách quan sát cảm nhận cuộc sống con người và cảnh vật?
- Nếu được thực hiện lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh thế nào để bài viết tốt hơn?
Sau khi hoàn thành bài văn, em có thể chia sẻ với bạn bè, người thân.
Đề bài: Hãy tả lại một cảnh sinh hoạt mà em có dịp quan sát hoặc tham dự.
Xem chi tiết bài mẫu tại đây nhé !