Ngữ văn 6 Bài 2 : Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ - Cánh Diều

 Soạn Bài 2: Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ

1. Định hướng

a) Định nghĩa: Kể lại một sự kiện đáng nhớ của em về người thân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ,...) là kể về một sự việc, một hành động,...của người thân mà em đã chứng kiến và có ấn tượng sâu sắc. Trong bài nói, người kể sử dụng ngôi thứ nhất, thường xưng "tôi".

b) Các bước: Để kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình, các em cần

Xác định một sự việc, hành động, tình huống,...của người thân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ,...) mà em đã chứng kiến và để lại ấn tượng sâu sắc.

Xác định đối tượng người nghe và thời gian em sẽ kể để có cách trình bày phù hợp.

Tìm ý và lập dàn ý cho bài nói.

Chuẩn bị các tư liệu, tranh ảnh liên quan đến trải nghiệm sẽ kể (nếu có).

Nêu lên cảm xúc, suy nghĩ hoặc bài học em rút ra từ trải nghiệm đáng nhớ đó.

Sử dụng nét mặt, ánh mắt, hành động,...phù hợp với câu chuyện để tác động đến người nghe.

2. Thực hành

Hãy kể lại cho các bạn nghe câu chuyện mà em đã trải nghiệm và có ấn tượng sâu sắc về một người thân trong gia đình.

a) Chuẩn bị

Đọc và xác định yêu cầu đề bàilựa chọn trải nghiệm mà em có ấn tượng sâu sắc về một người thân (cha, mẹ, ông, bà,...).

Ví dụ: Kể về một lần em bị ốm, mẹ chăm sóc em như thế nào.

Nhớ lại các chi tiết về trải nghiệm và cảm xúc, suy nghĩ của em qua trải nghiệm,

Tìm các tư liệu, tranh, ảnh liên quan để minh họa cho trải nghiệm (nếu thấy cần thiết).

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài kể theo gợi dẫn:

+ Nêu sự việc, hành động, tình huống của người thân để lại ấn tượng sâu sắc trong em.

+ Phát triển các ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi: Sự việc, tình huống đó diễn ra vào thời gian nào, ở đâu? Sự việc, tình huống đó cụ thể như thế nào? Em có cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ gì khi chứng kiến sự việc đó? Em rút ra bài học gì từ sự việc, tình huống đó?;...

- Lập dàn ý cho bài kể (có thể bằng sơ đồ tư duy):

Mở đầu: Chào hỏi, giới thiệu người thân và sự việc, tình huống người thân để lại ấn tượng sâu sắc trong em.

Gợi ý: Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là......................, học lớp......., trường................. Sau đây tôi xin kể lại một trải nghiệm đáng nhớ trong đời của mình. Trước khi bắt đầu bài nói của mình, tôi có một câu hỏi "Các bạn học sinh đã bao giờ dầm mưa rồi cảm lạnh chưa ạ?" (Có thể giao lưu với 1 bạn hỏi lí do, sự việc của buổi cảm lạnh ấy). Bản thân tôi cũng đã từ trải nghiệm cảm giác không mấy dễ chịu ấy. Chuyện là..... (Lời dẫn vào bài nói).

Nội dung chính: Lựa chọn và sắp xếp các ý tìm được theo một trình tự hợp lí.

Ví dụ: Với bài viết kể về trải nghiệm mẹ chăm sóc khi em ốm có thể triển khai theo gợi ý như sau:

  • Nêu lí do xuất hiện trải nghiệm: Em bị mưa ướt, người sốt,...
  • Trình bày diễn biến trải nghiệm. Có thể trình bày theo gợi ý sau.
Thời gian, địa điểm.Suốt đêm mẹ ở trong phòng, chăm sóc cho em.
Ngoại hình, tâm trạng.Gương mặt, ánh mắt mẹ đầy vẻ lo lắng,...
Hành động, cử chỉ.Mẹ chườm khăn lạnh lên trán, nấu cháo, dỗ dành em uống thuốc, liên tục kiểm tra nhiệt độ cho em,...
Ngôn ngữ, thái độ.Mẹ ân cần hỏi han, động viên em,...
Tình cảm, cảm xúc của em khi được mẹ chăm sóc.Xúc động, thấy được tình yêu thương vô bờ của mẹ; sự quan tâm chăm sóc mà mẹ dành cho mình; thấy thương mẹ nhiều hơn; tự nhắc bản thân chú ý giữ gìn sức khỏe và không để mẹ phiền lòng,...

+ Kết thúc:

  • Phát biểu suy nghĩ của mình về tấm lòng người mẹ đối với những người con.
  • Bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ từ người nghe về trải nghiệm.

c) Nói và nghe

Người nói

Người nghe

- Kể về trải nghiệm theo dàn ý.

- Lắng nghe chăm chú để hiểu thông tin được chia sẻ.

- Sử dụng những từ ngữ thể hiện được trình tự thời gian hoặc diễn biến của sự việc; những từ phù hợp để tả các chi tiết về sự vật, hành động;...
 

-  Sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.

- Nói rõ ràng, âm lượng phù hợp, kết hợp lời nói và cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ, hình ảnh (nếu có sử dụng). Đảm bảo thời gian quy định.

 

- Trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có).

- Nêu câu hỏi để được người nói chia sẻ thêm về trải nghiệm (nếu em có mong muốn).

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Người nói:

+ So với yêu cầu mục c), em đã đạt được những gì?

+ Em muốn thay đổi điều gì trong bài nói đó?

- Người nghe:

+ Đối chiếu với yêu cầu ở mục c) để rút kinh nghiệm về kĩ năng nghe.

+ Em thấy bài kể của bạn có thuyết phục không? Vì sao?

Gợi ý:

- Mở bài: Giới thiệu bản thân và sự việc định kể

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là......................, học lớp......., trường................. Sau đây tôi xin kể lại một trải nghiệm đáng nhớ trong đời của mình. Trước khi bắt đầu bài nói của mình, tôi có một câu hỏi "Các bạn học sinh đã bao giờ hối hận vì khiến mẹ buồn chưa ạ?" (Có thể giao lưu với 1 bạn hỏi lí do, sự việc của buổi cảm lạnh ấy). Bản thân tôi cũng đã từ trải nghiệm cảm giác không mấy dễ chịu ấy.

- Thân bài:

+ Trình bày sự việc và cảm xúc bản thân

Chuyện xảy ra khi tôi còn là một học sinh lớp bốn - cái tuổi mà người lớn hay nói là dở dở ương ương, chưa đủ trưởng thành nhưng cũng chẳng còn là trẻ con nữa. Trong một lần nghịch ngợm trêu bạn, mặc dù không cố ý, nhưng tôi đã khiến người bạn của mình ngã đến chảy máu. Tất nhiên sau sự việc đó, tôi bị mời bố mẹ lên nói chuyện. Với đầu óc non nớt của tôi lúc đó, tôi thấy mình chẳng sai điều gì cả. Tôi không hề cố ý muốn bạn như vậy, chỉ là một tai nạn nho nhỏ mà sao người lớn cứ phải làm nghiêm trọng nó lên. Mẹ tôi, người mẹ hiền dịu của tôi, đã phải bỏ cả buổi làm việc của mình để đến gặp cô giáo rồi lại đến nhà người bạn đó xin lỗi. Tất nhiên sau sự việc đó, mẹ không vui vẻ nổi. Cả chặng đường đưa tôi từ trường về nhà, mẹ chỉ im lặng. Vào đến nhà, mẹ mới bắt đầu mắng tôi. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi bị mẹ mắng. Tôi đã rất ấm ức, khóc òa lên và cứ cố cãi rằng mình không sai gì cả. Tôi thậm chí còn không đợi mẹ nói hết câu chuyện, chạy lên phòng khóa trái cửa. Đến bữa ăn, tôi đợi mẹ ăn xong, đi ra ngoài thì mới xuống ăn cùng bố. 

Bố tôi đợi tôi xuống ăn cùng, đợi tôi ăn xong rồi bảo "Ngồi lại đây nói chuyện với bố một chút đã rồi lên học". Tôi nghĩ trong đầu chắc bố sẽ bênh vực mình, sẽ an ủi mình vì chịu nhiều ấm ức. Nhưng không như những gì tôi nghĩ, bố ngồi phân tích điểm sai của tôi một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng. Từ những phân tích ấy, tôi thấy bản thân mình sai và mẹ mắng tôi cũng chẳng phải việc dễ dàng gì. Rồi tôi nhớ lại khoảnh khắc mẹ mắng mình, mẹ đã khóc. Không ai lại khóc vì mắng một người mà trong lòng không đầy đau xót và yêu thương cả. Không một ai! Tôi thấy mình sai rất nhiều, sai vì làm bạn đau, sai vì làm mẹ khóc, vì bố tôi phải đứng ra giải quyết việc này. Vậy là tôi vừa học vừa ngóng giây phút mẹ về. Vừa nghe thấy tiếng cửa, tôi đã chạy ngay xuống và ôm mẹ. Tôi xin lỗi trong những giàn giụa nước mắt vì sai lầm của mình. Mẹ cũng khóc, vừa ôm tôi vừa mắng yêu "Từ sau mà thế nữa mẹ sẽ không yêu con nữa nhé". Nghe được lời ngọt ngào ấy, lòng tôi nhẹ hẳn và càng yêu thương mẹ nhiều hơn. Sáng hôm sau, tôi đã đến lớp xin lỗi người bạn ấy, xin lỗi cả bố mẹ bạn và thầy cô vì đã phải phiền lòng với việc làm của tôi.

+ Qua sự việc đó, em nhận được những gì?

Qua câu chuyện vừa rồi, tôi đã rút ra được nhiều điều. Tôi thấy được tình yêu thương của mẹ dành cho mình và những sai trái của mình trong hành động ấy. Tôi tự nhủ với mình phải không ngừng học tập, rèn luyện để bố mẹ và thầy cô vui lòng. Đừng nên làm những người yêu thương mình phải khóc vì bạn sẽ ân hận suốt đời.

- Kết bài: Chốt lại vấn đề và mong muốn nhận được sự chia sẻ từ người nghe

Trên đây là kỉ niệm đáng nhớ của tôi. Tôi mong rằng qua bài nói này, các bạn sẽ trân trọng người thân của mình hơn để không phải hối hận như tôi. Nếu các bạn có bất cứ điều gì đồng cảm, cần chia sẻ thì tôi sẵn sàng lắng nghe. Xin chân thành cảm ơn!

Bài tập: Hãy kể lại cho các bạn nghe câu chuyện mà em đã trải nghiệm và có ấn tượng sâu sắc về một người thân trong gia đình

Bài Làm:

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào vô tận. Tình mẹ trong suốt như dòng suối ngọt…” Mẹ luôn là người yêu thương, quan tâm lo lắng cho ta trong mọi hoàn cảnh, luôn bên cạnh ta dù trong những phút yếu lòng. Nhất là khi chứng kiến cảnh mẹ chăm sóc tôi ốm, tôi càng thấm thía hơn điều ấy.

Công việc của mẹ tôi bận bịu lại càng bận hơn khi tôi bị ốm. Cơn sốt kéo dài do tôi bị cảm nắng, người mệt lả, toàn thân nóng ran, miệng khô đắng lại…Tôi nằm rên ừ ừ…còn mẹ thì hai chân như đánh ríu vào nhau. Mẹ vo gạo bắc lên bếp chút cháo, rồi chườm túi đá cho tôi. Sau đó mẹ giúp tôi đo nhiệt độ.

Chốc chốc, mẹ lại đến sờ vào trán tôi. Đôi tay nhẹ nhàng và ấm áp. Cái khô ráp chai sạn biến đâu cả rồi, tôi chỉ thấy dường như đôi bàn tay ấy có sức mạnh diệu kỳ khi chạm vào da thịt tôi. Mẹ đỡ tôi ngồi dậy, kê đầu tôi vào cánh tay, mẹ chăm cho tôi từng viên thuốc. Thấy tôi uống có vẻ khó khăn mẹ tôi lại động viên: “Ráng uống cho mau lành bệnh rồi còn đến trường với thầy cô, bạn bè, còn nghe mẹ kể chuyện, dạy con học nữa chứ?”

Dù mệt nhưng tôi vẫn nhìn thấy nếp quầng thâm trên mắt mẹ, tóc lòa xòa dính bết vào trán với những giọt mồ hôi nhễ nhại. Trong đôi mắt dịu hiền ấy như ngân ngấn nước mắt. Mẹ cho tôi nằm xuống gối, vừa thổi cháo, vừa đút cho tôi. Cái hương vị quen thuộc của bàn tay nội trợ thường ngày lại ùa về trong tôi. Tay mẹ luồn chiếc khăn lau mồ hôi dọc sống lưng cho tôi. Gió từ tay mẹ lại làm hạ nhiệt cho tôi.

Lúc này, tôi mong mình chóng khỏe để ánh mắt mẹ lại cười thật vui mỗi khi tôi đi học về, mỗi khi tôi “khoe” với mẹ được thầy cô khen. Nhà tôi nghèo, mẹ lại phải thức khuya dậy sớm tảo tần nên tôi ốm mẹ vất vả nhiều hơn. Mẹ xanh xao và hao gầy nhiều hơn.

Tôi lớn khôn từ đôi tay của mẹ, tấm lòng yêu thương và chở che của mẹ. Sự ấp ủ yêu thương của mẹ để lại cho tôi bao nghĩ suy về cái mênh mông, bao la của tình mẹ! Tôi lại cầu mong mẹ tôi mãi bình an. Và, tôi cũng mong mình khỏe mạnh để mẹ bớt vất vả vì tôi.

Không hẳn ai trong số chúng ta cũng đều được mẹ chăm sóc, đó là một thiệt thòi rất lớn. Vì vậy hãy trân trọng từng khoảnh khắc bên cạnh mẹ khi ta còn có thể bạn nhé.


Bài đăng

Thuyết Minh Về Nhà Tù Sơn La

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 3 Thực hành đọc: Lắc-ki thực sự may mắn - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 3 Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm của em - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thạch Sanh - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức