Ngữ văn 6 bài 4 Kể lại một kỉ niệm của bản thân - Chân trời sáng tạo

Viết: Kể lại một trải nghiệm của bản thân

Nếu việc đọc một câu chuyện về trải nghiệm của người khác có thể giúp em học được kinh nghiệm của họ và hiểu mình thì việc viết về chính những trải nghiệm của bản thân sẽ cho em cơ hội được giãi bày, sẻ chia. Những trải nghiệm của em, vì thế, sẽ càng trở nên có giá trị khi được lan tỏa đến nhiều người. Làm thế nào để kể lại câu chuyện về trải nghiệm của bản thân thật hấp dẫn và lôi cuốn người đọc? Bài học này sẽ giúp em trả lời câu hỏi ấy.

Định nghĩa: Kể lại một trải nghiệm của bản thân là kiểu bài trong đó người viết kể về diễn biến của sự việc mà mình đã trải qua và để lại nhiều ấn tượng cảm xúc.

Yêu cầu đối với kiểu bài:

- Dùng ngôi thứ nhất để chia sẻ trải nghiệm của bản thân.

- Trình bày các sự việc theo trình tự hợp lí.

- Kết hợp kể và tả.

- Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.

- Bài văn đảm bảo bố cục:

Mở bài: Giới thiệu được trải nghiệm.

Thân bài: Trình bày diễn biến sự việc.

Kết bài: Nêu được ý nghĩa của trải nghiệm đối với người viết.

Luyện tập

Đâu không phải yêu cầu bài viết kể lại một trải nghiệm của bản thân?

Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.
Kết hợp kể và tả.
Dùng ngôi thứ nhất để chia sẻ trải nghiệm của bản thân.
Trình bày các sự việc theo trình tự tâm lí.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

- Dùng ngôi thứ nhất để kể.

- Mở bài: Gợi sự tò mò, hấp dẫn "Ai cũng từng có... trải nghiệm đáng nhớ" + Giới thiệu sơ lược về trải nghiệm "Có những trải nghiệm.... tôi năm lên mười.".

- Thân bài: 

+ Trình bày thời gian, không gian và những nhân vật liên quan "Làng tôi vốn rất nhanh.... cùng bọn bạn.".

+ Kể lại đồng thời miêu tả những sự việc đã xảy ra trong câu chuyện "Buổi trưa hôm ấy... thì mất mạng.".

- Kết bài: Thể hiện ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân "Trải nghiệm ấy... của người lớn.".

Hãy xác định đặc điểm của kiểu văn bản kể về một trải nghiệm của bản thân được thể hiện trong bài viết trên:

1. Câu chuyện trên kể bằng ngôi thứ mấy?

Câu chuyện sử dụng ngôi kể thứ nhất.

2. Trải nghiệm của nhân vật “tôi” được kể lại với những sự việc chính nào?

Những sự việc chính:

- Làng tôi có con sông êm đầu chảy qua làng, chúng tôi thường rủ nhau tắm sông.

- Buổi trưa hôm ấy, sau khi đá bóng, đám trẻ rủ nhau ra sông tắm và nảy ra ý định tổ chức cuộc thi bơi giữa đám trẻ trong và ngoài làng.

- Tôi  nhận lời thách đấu, đã bơi nhanh và khi nhận ra đã bơi khá xa bờ.

- Bỗng bắp chân bị chuột rút và đau đớn, tôi sợ hãi tột độ.

- Một người làng đi câu cá gần đấy đã nghe tiếng kêu, nhanh chóng bơi ra và đưa tôi vào bờ.

- Tôi rút ra bài học chỉ nên bơi lội ở nơi an toàn, có sự giám sát của người lớn.

3. Chỉ ra những chi tiết nhân vật “tôi” sử dụng yếu tố miêu tả khi kể lại trải nghiệm. Việc sử dụng những yếu tố đó có tác dụng gì?

Một số chi tiết có sử dụng yếu tố miêu tả:

- Vào mùa hè, nước sông thường cạn nên chúng tôi tung tăng bơi lội, trêu đùa rộn rã cả một góc sông.

- Trận đấu diễn ra vô cùng căng thẳng, gay cấn, quyết liệt.

- Tôi cố ngôi lên mặt nước để kêu cứu nhưng càng vùng vẫy tôi lại càng chìm nhanh hơn và không thể thở được.

Việc sử dụng yếu tố miêu tả giúp cho bài văn thêm sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người đọc.

4, Nhân vật “tôi” đã nhận ra ý nghĩa gì của trải nghiệm? Vì sao ý nghĩa được trình bày trong đoạn cuối của bài văn?

Nhân vật “tôi” đã nhận ra sau trải nghiệm ấy là bài học sâu sắc, cần nghe lời người lớn và chỉ nên bơi lội ở nơi an toàn, có sự giám sát của người lớn.

5. Từ câu chuyện trên, em học được điều gì về cách kể lại một trải nghiệm của bản thân?

Em rút ra được một số kinh nghiệm khi kể lại một trải nghiệm của bản thân:

- Dùng ngôi thứ nhất để kể.

- Kết hợp kể và miêu tả.

- Trình bày các sự việc theo trình tự hợp lí.

- Nêu ý nghĩa của trai nghiệm đối với bản thân.

- Bài văn phải đảm bảo bố cục 3 phần.

Đề bài: Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) kể lại một trải nghiệm của bản thân.

Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.

Xác định đề tài.

Để xác định được đề tài, em có thể hồi tưởng lại những kỉ niệm đáng nhớ. Ví dụ:

- Một kỉ niệm sâu sắc với gia đình, bạn bè.

- Một lỗi lầm của bản thân.

- Khám phá một vùng đất hoặc quyển sách mới.

- Khi chuyển đến một ngôi trường mới, làm quen với bạn mới.

-...

Thu thập tư liệu

Em hãy tìm tư liệu cho bài viết bằng một số cách sau:

- Nhớ lại những sự việc, trải nghiệm đã để lại cho em kỉ niệm sâu sắc.

- Đọc lại câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và bài văn ở mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản để học cách các tác giả kể trải nghiệm của họ.

- Tìm lại những hình ảnh đã lưu giữ có liên quan đến câu chuyện.

Luyện tập

Đâu không phải cách tìm ý bài viết kể lại một trải nghiệm của bản thân?

Đọc lại bài văn ở mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản học cách các tác giả kể trải nghiệm của họ.
Nhớ lại những sự việc, trải nghiệm đã để lại cho em kỉ niệm sâu sắc.
Tìm lại những hình ảnh đã lưu giữ có liên quan đến câu chuyện.
Đọc lại câu chuyện Giọt sương đêm học cách các tác giả kể trải nghiệm của họ.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.

Tìm ý.

Em có thể phác thảo một số ý cho bài viết:

- Không gian, thời gian xảy ra câu chuyện.

- Trình tự các sự việc, kết quả.

- Kết hợp kể và tả.

- Ý nghĩa của trải nghiệm.

Lập dàn ý.

Em hãy sắp xếp những ý trong sơ đồ trên thành dàn ý theo mẫu sau:

Mở bài: Giới thiệu chung về không gian, thời gian xảy ra câu chuyện.

Thân bài:

Không gian, thời gian và những nhân vật có liên quan câu chuyện.

- Kể các sự việc theo trình tự diễn ra chúng, kết hợp kể và tả.

Kết bài: Trình bày ý nghĩa của trải nghiệm.

Lưu ý: Em có thể sử dụng hình ảnh hoặc vẽ tranh để minh họa cho câu chuyện.

Bước 3: Viết bài.

Dựa vào dàn ý trên, em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần bảo đảm các yêu cầu đối với kiểu bài Kể lại một trải nghiệm của bản thân.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

Xem lại và chỉnh sửa.

- Sau khi viết xong, em có thể tự chỉnh sửa bài văn của mình dựa vào bảng kiểm dưới đây:

Bảng kiểm bài viết kể lại trải nghiệm của bản thân

Các phần của bài viếtNội dung kiểm traĐạt/ Chưa đạt
Mở bài

Dùng ngôi thứ nhất để kể.

Giới thiệu sơ lược về trải nghiệm.

Dẫn dắt chuyển ý, gợi sự tò mò, hấp dẫn với người đọc.

 
Thân bài

Trình bày chi tiết về thời gian, không gian, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

Trình bày chi tiết những nhân vật liên quan.

Trình bày các sự việc theo trình tự hợp lí, rõ ràng.

Kết hợp kể và tả.

 
Kết bàiNêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân. 

- Tiếp theo, em hãy chỉnh sửa bài viết theo gợi ý dưới đây:

+ Sắp xếp lại các sự việc nếu cần thiết.

+ Bổ sung những từ ngữ chuyển tiếp giữa các sự việc để thể hiện rõ trình tự xảy ra sự việc.

+ Thay đổi ngôi kể nếu ngôi kể không phải là ngôi thứ nhất.

+ Bổ sung những chi tiết miêu tả về các sự việc, nhân vật và thời gian, không gian diễn ra các sự việc.

+ Chi tiết hóa những thông tin đã có trong câu chuyện bằng những hình ảnh được cảm nhận từ nhiều giác quan hoặc những đoạn đối thoại.

+ Bổ sung những câu văn thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp ý nghĩa của trải nghiệm.

+ Điều chỉnh lỗi chính tả, ngữ pháp và lỗi sử dụng từ ngữ.

Luyện tập

Đâu là cách chỉnh sửa bài viết kể lại một trải nghiệm của bản thân?​

Lược bỏ những từ ngữ chuyển tiếp giữa các sự việc để thể hiện rõ trình tự xảy ra sự việc.
Bổ sung những câu văn thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp ý nghĩa của trải nghiệm.
Thay đổi ngôi kể nếu ngôi kể không phải là ngôi thứ ba.
Khái quát hóa những thông tin đã có trong câu chuyện bằng những hình ảnh được cảm nhận từ nhiều giác quan hoặc những đoạn đối thoại.

Rút kinh nghiệm.

Nếu được viết lại, em sẽ điều chỉnh như thế nào để bài viết tốt hơn?

Gợi ý

Cuộc sống hiện đại cuốn chúng ta vào guồng quay cùng sự phát triển nhộn nhịp khiến ta đôi khi buông lơi những mối quan hệ tưởng chừng như rất quan trọng trong một khoảng thời gian nào đó. Chỉ đến khi gặp lại họ, một cách tình cờ, ta mới thấy bản thân đã mất đi những gì.

Chuyến đi ấy là phần thưởng mà bố mẹ dành cho tôi sau một năm dài nỗ lực học tập khi thành công đỗ vào một trường cấp 2 trọng điểm của tỉnh với điểm số khá cao.

Chuyến đi được diễn ra vào giữa tháng 7, gia đình tôi quyết định trốn ánh nắng chói chang của mùa hè đất Bắc để đến với không khí trong trẻo, mát mẻ của Đà Lạt. Trước khi ghé Đà Lạt, cả gia đình tôi bay đến Nha Trang để thăm một vài người bạn của bố. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cảm giác đi máy bay. Nhìn từ cửa sổ, những đám mây trắng trẻo, bồng bềnh chưa bao giờ gần tôi đến thế. Cứ ngỡ như có thể vươn tay ra mà chạm vào chúng, mà cảm nhận chúng một cách trọn vẹn nhất. Bay đến Nha Trang, chúng tôi được thiết đãi rất nhiều thứ đặc sản miền Trung như bánh canh, hải sản, bánh xèo,… Nha Trang cũng là một vùng đất mới lạ nhưng nó vẫn đem đến cho tôi cảm giác thân thuộc bởi tôi cũng được sinh ra ở vùng biển. Những thứ như hải sản, cát trắng, biển xanh,… đều khá quen thuộc đồi với tôi. Vậy nên điều tôi háo hức nhất vẫn là chuyến đi đến Đà Lạt sau 2 ngày lưu lại nơi này.


Nhà tôi thuê một chiếc taxi để trải nghiệm đường rừng từ Nha Trang đến Đà Lạt. Đường rừng chưa được cải thiện nhiều, đường rất gồ ghề khó đi. Nhưng bỏ qua những trở ngại ấy, tôi đắm chìm vào những cánh rừng bạt ngạt, xanh mướt. Gần đến Đà Lạt rừng càng dày đặc, không khí cũng dễ chịu hơn. Tôi còn nghe thấy cả tiếng chim lảnh lót hót vang khu rừng đem lại cảm giác bình yên chưa từng có. Ở thành phố bây giờ rất khó kiếm tiếng chim hót vì chúng bị chiếm hết những ngôi nhà xanh để xây dựng đô thị, nhà cao tầng, chung cư… Tôi thích Đà Lạt cũng vì cái lẽ đó. Tôi thích khung cảnh bình yên và nhẹ nhàng.

Cả nhà tôi dành 3 ngày để ở lại Đà Lạt và trải nghiệm thành phố của tình yêu này. Chúng tôi đi thăm vườn hoa, trải nghiệm chợ đêm Đà Lạt và thử đi ngựa rồi đi xe đạp quanh thành phố. Đà Lạt yên bình và nhẹ nhàng lắm. Ở Đà Lạt, chúng tôi được trải nghiệm cái mà người ta gọi là “một ngày bốn mùa”. Sáng như mùa xuân, trưa như mùa hè, chiều mang hơi thở mùa thu và tối lạnh như chớm đông. Tối nào tôi cũng đòi bố mẹ đến chợ đêm vì tôi yêu thích trải nghiệm ẩm thực nơi đây với sữa chua dâu, sữa đậu, bánh canh, bánh tráng nướng,… Nhưng có một trải nghiệm mà tôi không thể quên, đó là gặp được bạn cũ của mình ở đó. Ánh là người bạn thân thời câp 2 của tôi. Chúng tôi đã trải qua 4 năm cấp 2 với biết bao trải nghiệm cùng nhau từ vui đến buồn. Chúng tôi đã từng hứa sẽ trở thành bạn thân cho đến mãi về sau. Vậy mà cuối cùng, Ánh lại không đỗ vào ngôi trường mơ ước của chúng tôi. Còn tôi, khi vào môi trường mới và có chút áp lực về việc phải giữ vững phong độ học tập, vô tình đã quên mất người bạn ấu thơ này. Cho đến khi bất ngờ gặp Ánh tại hội chợ, cô bạn cũng đi du lịch ở đây vào dịp này, tôi chợt sững người lại. Chúng tôi nhìn nhau rất lâu trước khi có thể mở lời chào nhau. Mọi thứ trở nên gượng gạo, ngượng ngùng cứ như thể những con người mới quen nhau lần đầu. Cuối cùng, bọn tôi xin phép bố mẹ để cùng đi với nhau một lúc. Chúng tôi ngồi lại, kể cho nhau nghe về cuộc sống trong thời gian vừa rồi. Ánh có nói một câu khiến tôi rất đau lòng “Tớ thấy cậu vui vẻ với những người bạn mới quá nên tớ ngại làm phiền cậu”. Ôi chữ “phiền”! Tôi đâu có ngờ được sự vô tâm của mình đã khiến bạn mình đau lòng như thế. Tôi ân hận vô cùng vì sự việc ấy. Chúng tôi đã ngồi bên nhau rất lâu, nói với nhau những điều giấu trong lòng và quyết định làm hòa. Kết thúc chuyến đi, chúng tôi về cùng nhau và từ đó vẫn giữ mối quan hệ thân thiết đến bây giờ.   


Chuyến đi vừa rồi đã mang lại cho tôi nhiều điều. Nó mang lại những giây phút giải trí thoải mái sau quãng thời gian học tập căng thẳng. Nó mang lại những kiến thức về văn hóa, địa lí,… về vùng đất mới. Nhưng đặc biệt, nó tìm lại cho tôi một tình bạn đẹp. Tôi nhận ra rằng: Không có điều gì có thể phá vỡ tình bạn ngoài sự vô tâm của bản thân. Tôi mong muốn có được nhiều thời gian hơn với Ánh, có thể là trong một chuyến đi mới, để có thể lưu giữ tình bạn này. Mong rằng tất cả mọi người hãy quan tâm hơn đến những người xung quanh mình để không phải hối hận như tôi đã từng.


Bài đăng

Thuyết Minh Về Nhà Tù Sơn La

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Ngữ văn 6 Bài 3 Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm của em - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 3 Thực hành đọc: Lắc-ki thực sự may mắn - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thạch Sanh - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức