NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC NGẮN GỌN
Mẫu 1:
“ Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vonga, con sông Vonga đi ra biển. Tình yêu nhà, yêu miền quê trở thành tình yêu Tổ quốc” (Lòng yêu nước”- Ilia Erenbua). Cuộc sống dẫu có bao biến thân, nhân loại dù có ở thời kì chiến tranh hay thời bình thì trong mỗi chúng ta cũng luôn có tình yêu quê hương, yêu đất nước nồng nàn.
Cuộc đời của mỗi cá nhân vốn là một cuộc trường chinh, chúng ta có thể vì cuộc sống mưu sinh, vì một lý do cá nhân mà dịch chuyển về nhiều nơi khác nhau nhưng quê hương, đất nước thì chỉ có một mà thôi. Ấy là nơi trao cho ta dòng máu luôn chảy trong tim, là nơi trao cho tính cách và tâm hồn.
Tình yêu quê hương, đất nước là yêu cảnh sắc của quê hương mình. Những cảnh sắc ấy không phải là những gì lớn lao, kì vĩ, hào hùng, mà đến từ những gì bình dị và thân thuộc nhất. Ấy là cây đa, mai đinh nơi gắn bao kỉ niệm ấu thơ. Ấy là con đường rợp bóng ta đi hằng ngày. Ấy là dòng sông tắm mát tuổi thơ. Ấy là cảnh sắc núi non hùng vĩ mà thơ mộng trải dọc nam chí bắc. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” hiện lên với cái tôi yêu Huế, yêu sông Hương, vì yêu mà sẵn sàng công phu đi kiếm tìm một huyền thoại về cái tên của nó và yêu Huế, chính là yêu quê hương, yêu đất nước đó thôi.
Tình yêu với quê hương, đất nước, chính là vì đất nước mà hi sinh con người mình. Hầu như mọi dân tộc đều phải trải qua những cuộc chiến tranh trường kì và gian lao, những cuộc chiến ấy đã làm đổ máu không biết bao người con của họ trên mảnh đất mẹ. Trong cuộc chiến tranh trường kì ấy, đất nước phải bảo vệ lãnh thổ của mình thì tình yêu với người mẹ đất nước ấy trước hết là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Từ đời Triệu, đến đời Đinh, đời Lý, đời Trần,.., đời nào cũng vậy, nếu không là chiến tranh ngoại quốc thì là nội tộc. Nếu không nhờ tình yêu nước của bao người thì dân tộc ta có được độc lập như ngày hôm này? Nếu không nhờ những người như bác sĩ Đặng Thùy Trâm, như mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, như anh Nguyễn Văn Thạc,..bỏ lại phía sau cả một thời thanh xuân thì bầu trời xanh, thì một đất nước không có bom rơi, đạn nổ, chúng ta có thấy?
Khi đất nước đi qua thời chiến, trở về với thời bình, mỗi người dân không còn là một chiến sĩ mà trở về là những người bình thường trong cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn. Yêu nước giờ đây là đóng góp một phần sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc. Con người, dù trên mặt trận nào cũng nguyện cống hiến hết sức mình để đưa đất nước ngày càng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi mọi giá trị văn hóa lâu đời của quê hương xứ sở đang ngày càng mai một thì là một người con của đất nước, chúng ta phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị đó. Trong bối cảnh giao lưu giữa Đông- Tây, yêu quê hương, đất nước còn là hiếu khách, là hòa nhập mà không hòa tan, là giữ gìn thể diện, giữ gìn hình ảnh đất nước với bạn bè năm châu.
Tình yêu quê hương, đất nước không phải đến từ những lời nói chung chung, những xáo ngữ mà phải bắt đầu từ hành động, từ trái tim của mỗi chúng ta. Quê hương, đất nước mãi chỉ có một, do đó, hãy luôn hướng về nó như hướng về người mẹ kính yêu…
MẪU SỐ 2
“ Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người. ”
(Quê hương- Đỗ Trung Quân)
Mỗi khi lời bài thơ vang lên trong tôi lại dạt dào tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu quê hương đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng và quý báu nó tồn tại trong mỗi con người chúng ta.
Trước hết chúng ta cần hiểu tình yêu quê hương đất nước là gì? Là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương đất nước nơi mình sinh ra và lớn lên. Sẵn sàng đem hết tài năng và sức lực để phục vụ lợi ích của đất nước. Tình yêu quê hương đất nước được biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau ví dụ như tình yêu đồng bào, giống nòi dân tộc, niềm tự hào chính đáng về dân tộc, đoàn kết, kiên cường, đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc và nền độc lập của Tổ quốc. Cần cù, lao động, sáng tạo để xây dựng đất nước giàu mạnh. Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lòng yêu nước là một thứ tình cảm đẹp, thiêng liêng mà mỗi người cần phải có. Lòng yêu quê hương đất nước là nguồn sức mạnh làm nên mọi thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tình yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam và là phẩm chất cần có ở mỗi người hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “ từ xưa đến nay nhân dân ta đều có một lòng nồng nàn yêu nước”. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm đã có biết bao anh hùng đã phải hi sinh có người ra đi mãi mãi để lại niềm xót thương vô hạn cho người ở lại, còn có những người trở về nhưng phải để lại một phần cơ thể ngoài mặt trận. Trong lao động xây dựng đất nước có những con người ngày đêm hăng say làm việc với một khát vọng đổi mới và làm giàu cho quê hương. Lòng yêu nước của muôn triệu người dân Việt Nam đã từng được khơi dậy mạnh mẽ trước sự kiện Trung Quốc hạ giàn khoan trái phép tại Biển Đông. Chúng ta cần phải phê phán những con người đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của dân tộc, phản bội đất nước, có những hành động xấu làm ảnh hưởng đến hình tượng của dân tộc. Ví dụ như một số người lợi dụng việc thiếu thông tin buôn bán ở những địa điểm du lịch “ bắt chẹt” khách nước ngoài. Gần đây mới dậy sóng lên một hiện trạng có tên gọi “ chảy máu chất xám ” người Việt nhận học bổng đi du học nước ngoài sau khi được học xong thay vì trở về để phục vụ quê hương đất nước thì ở lại nước ngoài làm việc bởi ở bên đó được nhận chế độ đãi ngộ cao hơn.
Với tư cách là một người công dân chúng ta phải ý thức được đúng về tình yêu quê hương đất nước, ý nghĩa của lòng yêu nước. Thể hiện lòng yêu nước thông qua những tình cảm giản dị ví dụ như: tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè, lòng tự tôn dân tộc,…, qua từng hành động từng việc làm hàng ngày. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt, tích cực học tập và rèn luyện để trở thành một người công dân tốt có ích cho xã hội, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước trên mọi phương diện được cho phép.
MẪU SỐ 3
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống đẹp đẽ của nước ta đã được khẳng định một cách dõng dạc và tự hào như thế. Tình yêu quê hương đất nước luôn là câu chuyện kể mãi không hết của mọi thế hệ, và cũng vì thế khi bàn về tình yêu nước có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ nói được toàn bộ những gì cần nói về nó.
Tình yêu nước là một khái niệm khó giải thích, nó không phải là một tình cảm tự nhiên xuất hiện trong con người ta kể từ lúc lọt lòng. Lòng yêu nước rất khó để có thể định hình, nó đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan để hình thành và phát lộ. Có khi cả đời, ta cũng chẳng biết được liệu người này, người kia có yêu nước không hay thậm chi chính mình có lòng yêu nước không nếu không có thời điểm thích hợp để khơi dậy thứ tình cảm phức tạp này. Tuy nhiên, dù không thế cắt nghĩa lí giải cụ thế tình yêu nước là gì, nó như thế nào, thì chúng ta đều có thể khẳng định một sự thật, tình yêu nước là một tình yêu thiêng liêng và cao cả tuyệt đối.
Tuy chính bản thân ta không thể hiểu hết được thế nào mới là yêu nước, nhưng thật thú vị ở chỗ khi được hỏi bạn có biết một người nào nổi tiếng yêu nước không, chúng ta có thể bật ra dễ dàng một hoặc là rất nhiều cái tên đã ăn sâu vào tư tưởng của mình: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh,…Vì sao chúng ta lại có thể biết điều đó? Bởi lẽ những chiến công vẻ vang gây dựng từ lòng dũng cảm hi sinh thân mình, căm thù giặc ngoại xâm là biểu hiện rõ ràng và nổi bật nhất của lòng yêu nước. Ta có thể đánh giá lòng tự tôn, tự hào dân tộc của một đất nước bằng cách nhìn vào cách mà họ đã bảo vệ bờ cõi lãnh thổ, nền văn minh văn hóa của họ mạnh mẽ và kiên trung đến nhường nào. Một dân tộc “thà làm mà nước Nam chứ không làm vương đất Bắc” chắc chắn là một dân tộc có sức mạnh bất diện, vượt lên mọi kẻ thù.
Ấy thế nhưng, nói như vậy chẳng có nhẽ chỉ người xưa mới có tình yêu nước, không còn chiến tranh, ta sao có thể thể hiện lòng dũng cảm hi sinh vì Tổ quốc? Trong thời kì hiện đại, lòng yêu nước của ta không được thể hiện trực tiếp mạnh mẽ, mà nó kín đáo, giản dị nhưng hết sức sâu sắc. Lâm Ngữ Đường từng nói:” Lòng yêu nước còn có thể là gì hơn tình yêu những gì ta ăn khi còn là đứa trẻ?”. Chao ôi, biểu hiện của lòng yêu nước có lẽ thật thiêng liêng và đáng kính qua những sự hi sinh, khí thế hào hùng xông pha trăm trận nhưng cũng lại thật đáng yêu, nhỏ bé gần gũi qua tình yêu làng yêu xóm, yêu cha mẹ hay thậm chí là yêu con đường, ngọn cỏ cành cây mọc trên mảnh đất mình sinh ra. Khi ta yêu những thứ xung quanh ta nghĩa là ta đã quá gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn, tình yêu của ta dành cho chốn quê hưng đã trở thành duyên nợ không thể đứt, ta không chấp nhận việc những điều ta trân trọng yêu quý bị hủy diệt áp bức và ta luôn có một niềm khát vọng được bảo vệ che chở nó. Đó là tiền đề để ta phát triển và nuôi dưỡng tình yêu nước ngày một sâu đậm và mãnh liệt hơn. Anh bộ đội quyết định ra trận chiến đấu chắc hẳn là vì muốn em gái không phải khóc vì bom đạn, căn nhà không bị đổ vì giặc quét, những đóng góp để xây dựng kiến thiết xây dựng đất nước của các nhà khoa học có lẽ cũng xuất phát từ những ngày chăm chỉ học tập với mong muốn giúp cha mẹ gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn…
Là một học sinh, không trực tiếp ra trận chiến đấu, hãy cố gắng học tập chăm chỉ, tu dưỡng đạo đức và tình cảm của mình để sau này có thể góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng tổ quốc ngày một giàu đẹp hơn, vững mạnh hơn. Đặc biệt là luôn giữ bản thân bình tĩnh tỉnh táo trước những tư tưởng sai lệch mang tính chất lợi dụng để thực hiện âm mưu xấu xa, tiêu cực, lòng yêu nước bị thể hiện sai cách sẽ để lại hậu quả khôn lường. Do đó hãy luôn giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hỏi rằng ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay!