Cảm nghĩ về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Cảm nghĩ về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Truyện “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” kể về một bậc lương y tinh thông nghề nghiệp và giàu lòng nhân đạo. Truyện đã ca ngợi phẩm chất cao quý của Thái y lệnh Phạm Bân – một người hết lòng vì dân nghèo, luôn đặt tính mạng con người lên hàng đầu. Ông đã được người đời vô cùng khen ngợi vì vừa có đức vừa có tài, nhưng quan trọng hơn cả chính là tấm lòng của người thầy thuốc.
Người Việt xưa nay vẫn có câu: “Lương y như từ mẫu” dùng để nói về đạo đức của người làm thầy thuốc. Một người thầy thuốc không chỉ giỏi về tay nghề chữa bệnh mà còn phải có lương tâm, yêu thương người bệnh như chính con cái của mình vậy. Trong lịch sử nước ta cũng đã có những danh y nổi tiếng, nêu cao y đức như Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh…
Đọc truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng của tác giả Hồ Nguyên Trừng đã cho em thấy một người thầy thuốc y đức vẹn toàn, không chỉ tinh thông y thuật mà còn hết lòng vì người bệnh. Phạm Bân – người thầy thuốc y đức vẹn toàn ấy đã dốc toàn tâm toàn ý toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân mà không tính toán thiệt hơn. Mặc dù người bệnh máu mủ bẩn thỉu hay mắc dịch bệnh truyền nhiễm, ông đều không chối từ. Những năm đói kém, dịch bệnh triền miên, ông đã bỏ tiền ra để dựng thêm nhà cho những người nghèo khổ và bệnh tật ở. Kết quả là ông đã cứu sống hơn ngàn người. Hành động ấy thật khiến người ta cảm động, liệu rằng trong thời buổi khó khăn ấy mấy ai đã sẵn sàng đưa tay ra để cứu vớt những người lầm than, cực khổ.
Điều làm em cảm động và khâm phục nhất về người thầy thuốc này chính là lòng dũng cảm không màng đến tính mạng của mình để có thể kịp thời cứu chữa cho người đàn bà nghèo trước khi chữa bệnh cho quý nhân trong cung vua. Người xưa vẫn có câu: “Nhà nghèo sổ ruột không bằng công chúa đứt tay” ý muốn nói tính mạng của con nhà quan là cao quý, luôn được đặt lên hàng đầu còn con nhà nghèo thì luôn bị coi thường. Khi đứng trước tình huống éo le, khó xử giữa việc phải lựa chọn cứu dân nghèo hay khám bệnh cho quý nhân thì ông Phạm Bân đã dũng cảm chọn cứu người đàn bà nghèo trước. Mặc dù quan Trung sứ rất tức giận và có những lời nói đe dọa đến tính mạng của thầy Phạm Bân nhưng ông vẫn quyết định đi cứu người nguy kịch trước, sau đó đến thỉnh tội với vua. Ông nhận thức được mức độ nghiêm trọng của từng người bệnh và biết nên cứu ai trước, vì vậy mặc dù bị đe dọa nhưng ông không hề sợ hãi mà vẫn quyết định đi cứu người nguy kịch trước. Ông không sợ mắc tội phạm thượng mà chỉ sợ không làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc, có lỗi với lương tâm của mình.
Lúc đầu, nhà vua tỏ ý không hài lòng và muốn trách phạt ngài, nhưng sau khi nghe ngài dãi bày sự việc thì nhà vua không những không trách phạt mà còn hết mực khen ngợi. Điều này chứng tỏ rằng: Đây cũng là 1 vị vua thanh liêm, biết phân biệt phải trái đúng sai, yêu dân như con.
Kết thúc câu chuyện, tác giả nói về chức danh và bổng lộc mà con cháu của Phạm Bân đã thừa kế và phát huy y đức của ngài. Kết thúc có hậu ấy đã nói lên 1 chân lí rằng: Cha mẹ gieo nhân nào thì con cháu sẽ gặt được quả nấy. Ngài Phạm Bân cả đời làm việc tốt, tích đức cho con cháu, vì vậy con cháu ngài cũng thừa hưởng và phát huy đức tính ấy và được người đời vô cùng khen ngợi.
Thầy thuốc Phạm Bân là một tấm gương sáng cho người hành y noi theo. Câu chuyện mang ý nghĩa giáo huấn rất cao, đề cao trách nhiệm của người thầy thuốc. Cho dù ở hoàn cảnh nào cũng phải đặt trách nhiệm và tính mạng của người bệnh lên hàng đầu, gác lại lợi ích của bản thân. Truyện có bố cục chặt chẽ, phản ánh hiện thực sinh động của đời sống gây hứng thú cho người đọc. Tác giả đã chú trọng vào một số tình huống gay cấn để từ đó khắc họa rõ nét tính cách của nhân vật, gây ấn tượng cho người đọc.
Sau này em cũng sẽ cố gắng để trở thành một người thầy thuốc giỏi, có tấm lòng nhân ái và bao dung để có thể chữa bệnh cho nhiều người.