Cảm nghĩ của em sau khi đọc Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Cảm nghĩ của em sau khi đọc Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Đã rất nhiều thế kỉ đã trôi qua thế nhưng Hịch tướng sĩ vẫn được những thế hệ sau này nhắc tới như một áng văn bất hủ về tinh thần chiến đấu mãnh liệt chống quân xâm lược. Khi đó, đất nước chúng ta phải cùng nhau chống lại quân Mông Nguyên xâm lược, người chỉ huy Trần Quốc Tuấn lúc bấy giờ luôn canh cánh trong lòng quyết tâm giành được chiến thắng và bảo vệ bờ cõi đã viết lên bài Hịch tướng sĩ. Đây chính là cú hích, đã khơi dậy được ngọn lửa chiến đấu chống quân xâm lược và động viên ý chí của những người tham gia chiến đấu. Với lời lẽ đanh thép và những lập luận chặt chẽ, sắc bén đã giúp cho Hịch tướng sĩ trở thành áng văn bất hủ mọi thời đại.
Mở đầu, Trần Quốc Tuấn đã vạch ra những tội ác của quân xâm lược nhằm khơi gợi lên lòng căm thù quân giặc. Hàng loạt những chứng cứ đã được đưa ra với sức thuyết phục lớn để chỉ rõ tội ác của những kẻ tham lam và độc ác. Chúng đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt rể phụ, đòi ngọc lụa thu bạc vàng. Chúng chà đạp và giày xéo lên tự tôn của dân tộc chúng ta một cách thản nhiên. Điều đó càng làm cho lòng căm thù giặc trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Cũng chính bởi vậy mà trong mắt của Trần Quốc Tuấn nói riêng và những người con của đất nước nói chung thì chúng không phải là con người, mà là cú diều, dê chó, hổ đói. Với những kẻ như vậy thì chúng sẽ không bao giờ biết thế nào là đủ, thế nào là giới hạn của mình, bởi vậy, nếu như chúng ta càng nhún nhường thì chúng lại càng lấn tới. Và lúc này, khát vọng chiến thắng quân xâm lược đã trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết bởi khi mặt đất của chúng ta còn bị những kẻ như vậy giẫm đạp lên, bầu không khí của chúng ta còn bị những kẻ như vậy hít thở cùng hay lòng tự tôn dân tộc còn bị chà đạp thì nhân dân chúng ta vẫn còn phải chịu những cảnh khổ cực vô cùng.
Sớm cảnh giác những hành vi của quân giặc, vị tướng nhà Trần đã sớm có sự cảnh giác và lo lắng cho vận mệnh của đất nước. Ông trực tiếp bày tỏ những suy nghĩ cùng quyết tâm chiến thắng quân giặc của mình cho ba quân cùng được nghe. “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”. Với những lời lẽ tha thiết mang đầy tình cảm nhưng cũng hết sức đanh thép, tâm tư của vị tướng ấy cũng được tất cả những người nghe cảm thấy sôi sục ý chí chiến đấu mãnh liệt. Niềm tin ấy đã trở lên kiên quyết hơn bao giờ hết, nó làm cho ông luôn phải suy nghĩ về nó, tới mức quên ăn quên ngủ, nằm gai nếm mật bởi đau lòng trước những nỗi khổ của nhân dân khi phải chịu sự giày xéo của quân xâm lược.
Lời lẽ trong đoạn văn chỉ mang tính chất ước lệ nhưng những khí chất cùng hào sảng trong từng câu, từng chữ như đánh sâu vào lòng của người đọc, người nghe giúp họ hiểu được tình cảm cao đẹp mà ông giành cho đất nước, khơi gợi ý chí chiến đấu của ba quân chống xâm lược, bảo vệ giang san, bở cõi. Đó chính là tiếng chuông ngân vang, dội vào trong lòng của người đọc những tình cảm, những cảm xúc mãnh liệt mà không phải một áng văn nào cũng có thể làm được. Đoạn văn như ngọn lửa bùng cháy cả trái tim của con người, nỗi căm thù giặc sâu sắc, lại lo lắng cho vận mệnh của cả đất nước và số phận của nhân dân đất nước. Thế mới biết, phải là một người có trái tim bao la, rộng lớn, bao trùm lên cả thiên hạ mới có thể suy nghĩ được và làm được những điều to lớn cho nhân dân như vậy.
Cả bài viết là một áng văn bất hủ về tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc mà không phải tác giả nào cũng có thể làm được. Bởi tất cả đều xuất phát từ những tâm tư, tình cảm của chính tác giả- nhà quân sự tài ba, vĩ đại đã khiến cho những lời văn trở nên đanh thép, trong văn có kiếm, đó cũng là một cách chiến đấu chống quân xâm lược tuyệt vời. Nhờ có vậy mà tinh thần của toàn quân và dân nhà Trần đã anh dũng chiến đấu và có chiến thắng vang dội trong lịch sử mà con cháu luôn tự hào để noi theo những tinh thần và ý chí ấy.