Cảm nghĩ về người thân trong gia đình em Cảm nghĩ về cha của em
Bài viết tham khảo:
Tình mẫu tử, tình phụ tử là mối quan hệ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất trong cuộc đời mỗi con người chúng ta. Người cha, người mẹ luôn được các thi sĩ, nhà thơ dành tặng những ca từ cao quý:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Công lao người cha,sự hi sinh của người cha không gì có thể đo đếm được tựa như núi Thái Sơn ngàn năm hùng vĩ. Trái tim của người mẹ luôn đằm thắm ngọt ngào và chảy dài bất tận tưa dòng nước ngọt trong nguồn ngàn năm vẫn chảy. Với đề tài” Cảm nghĩ về người thân trong gia đình em“. Con xin được viết về người cha vĩ đại của con. Người đã một đời thầm lặng để đổi lấy cuộc sống đầy ắp tiếng cười cho con cho gia đình.
Cha con với dáng người tầm thước. Làn da ngăm đen chai sạn vì nắng gió. Cha rất ít cười nhưng mỗi khi cha cười thì nụ cười như vỡ òa bao điều hạnh phúc. Ánh lên nơi khóe mắt bao niềm vui.Nhưng…cha ít cười. Đứa con gái ngây thơ hồn nhiên chưa đủ lớn để hiểu được những nhọc nhằn âu lo mà cha phải gánh vác từng giờ. Gia đình đông con, mẹ phải gác chuyện cơm áo gạo tiền ở nhà nội trợ chăm bẵm năm chị em. Chỉ mỗi cha, đôi vai gầy lắc lư trong nắng gió, trong mưa sa gánh cả cuộc đời của bảy miệng ăn.
Nghe nội kể ngày xưa cha học giỏi lắm. Đặc biệt là môn toán. Nhưng vì cha là con trưởng, dưới cha còn 7 em. Cũng như bao người hiếu học cha thèm được đi học lắm. Nhưng nội bảo con đi học cũng được nhưng bảy em con sẽ không có ăn có mặc. Cha run lên bần bật trong tiếng nấc chạy ù ra góc sông. Độ vài ba tiếng cha trở về dõng dạc với nội rằng con không học nữa, con đi đốn củi kiêm tiền phụ mẹ thôi. Nghe nội thuật lại mà nước mắt con lã chã. Thương cha vô cùng. Dường như kiếp khổ kiếp nghèo đeo bám cha suốt quãng đời còn lại. Vì không có bằng cấp như bạn bè cha để làm ông to bà lớn. Cha phải vận lên mình bộ áo màu xanh lá úa,đôi ủng cao su sờn màu, chiếc ba lô con cóc… Cha trồng rừng (trồng keo lấy gỗ) nuôi năm chị em con ăn học.
Ở cái miền quê lam lũ ấy, con trai con gái chỉ học hết cấp 2 là quý lắm rồi. Ấy nhưng năm đứa con của cha, đều học đại học, học nghề. Cha bảo cha đã khổ rồi, cha muốn được học nhưng vì hoàn cảnh. Nay cha không muốn con năm con phải lầm lũi suốt đời như cha. Cha hay gõ đầu con và đùa:” Lo học đi con gái rượu, mai nay có nghề nghiệp rồi chỉ ngồi gõ gõ bàn phím, ăn vận đồ sạch sẽ như mấy chị trên thành phố kia kìa” Rồi cha lại lấy chiếc khăn màu bộ đội lau vội những giọt mồ hôi còn vương lại trên má. Giọt mồ hôi trên gương mặt cha dường như nó còn len vào cả giấc ngủ của con nữa đấy. Bởi cha con có bao giờ được thảnh thơi đâu. Cha con quần quật suốt ngày. Sáng con thức giấc đã không thấy cha đâu rồi. Như một thói quen con luôn hỏi mẹ:
– Cha đâu rồi mẹ? Hỏi vậy thôi nhưng thừa biết câu trả lời là cha đã lên rừng từ tờ mờ sáng.
Và khi con đã yên vị trên bàn ghế học bài thì mới thấy cha về. Mẹ vội đỡ chiếc ba lô con cóc. Cha nhìn con gái ra hiệu học bài đi cha ăn tối đây. Nhìn dáng cha gầy gầy xương xương hốc hác. Nhìn đôi mắt cha trũng sâu vì thiếu giấc. Mà con lại nhói đau nơi lồng ngực. Có lẽ đó là động lực để năm chị em con học nên người bù đắp cho cha.
Con nhớ có hôm, cha nằm mãi không dậy. Thấy mẹ lo lắng chạy vào chạy ra. Mấy đứa em hốt hoảng khóc lóc. Cha liền thều thào dậy và nói:” Cha giả vờ ốm thôi mà, nín đi,giả vờ ốm để làm biếng ngủ không dậy đó…” Vâng. Cha vờ ốm! Đôi lúc con lại dại dột nghĩ hay cha cứ ốm đi một tuần để không phải đi rừng nữa. Đêm đó đợi năm chị em con ngủ say. Mẹ khẽ nói cha:
– Mai em đưa anh lên thị trấn khám coi sao? Chứ nằm nhà thế này em và con lo lắm anh à. Cha gạt đi:
– Anh sốt nhẹ thôi. Cuống lên làm con lo. Anh không đi đâu.
– Anh lại tiếc tiền phải không?…
Cha im lặng không nói gì. Cố quay người một góc thở đều đều. Con thương cha lắm. Thương mà không làm được gì. Thương nên bảo ban em cùng nhau cố gắng mai này bù đắp cho cha.
Thời gian ì ạch trôi qua. Ngày con tốt nghiệp cũng đến. Cha háo hức lắm. Cha cười. cười rất tươi, khóe mắt nhăn nhúm lại vẫn cố ánh lên tia sáng ấm áp đến lạ thường. Hai cha con rong ruổi trên đường Nguyễn Chí Thanh ngắm thành phố diễm lệ cờ hoa. Con tủm tỉm bảo cha ngày con đi làm tháng lương đầu sẽ dẫn cha đi ăn những món cha thích, mua những bộ đồ mà cha chưa dám nghĩ tới…
Tháng lương đầu của con và em trai. Thay vì mua bộ áo mới, mua món ăn ngon. Chúng con thay bằng nén nhang, gói bánh…Và là sự câm lặng đến nghẹn lòng! Cha đi rồi. Vĩnh viễn không trở về nữa. Cha vĩnh biệt cõi trần gian đầy khổ ải để về thế giới bên kia. Thương cha, nhớ cha mà thắt đau ở trong lòng. Mà xé nát ruột gan. 6 vành khăn tang trắng xõa dật dờ…khói hương nghi ngút…Giấy bút nào viết được hết nỗi đau…
Cha ơi!
Cứ mỗi lần về thăm lại quê nhà. Ký ức về một mái nhà tranh, về bữa ăn đạm bạc cũng nhường nhau lại ùa về. Nhưng có lẽ đó là khoảng thời gian đẹp nhất của con. Ấm áp nhất của con. Đôi lúc con người ta sống trong vòng tay của cha của mẹ chúng ta không biết trân quý niềm hạnh phúc lớn lao đó. Nhưng các bạn biết không? Trên đời này cái gì bạn cố gắng bạn cũng có thể có. Nhưng bố, mẹ đã mất đi rồi thì có vàng chôn ngọc cất cũng không bao giờ đổi lại được.
Bỗng dưng con chợt nhớ đến câu nói của một nhà văn nước ngoài Edward Young: “ Ngôi nhà nhiều tiếng cười cũng là ngôi nhà nhiều phiền muộn”. Ngày bé thơ con không hiểu ý nghĩa câu nói này. Cảm thấy nó vô lý hết sức. Nhưng giờ đây con vô cùng thấm thía câu nói bất hủ đó. Suốt cuộc đời cha. Cha mang lại niềm vui, cha mang lại sự đủ đầy cho các con. Nhưng các con đâu hiểu được rằng phía sau nụ cười của con là tiếng thở dài mệt mỏi. Là những đắng cay chất chồng…