Thuyết minh về cái quạt máy

Thuyết minh về cái quạt máy  

Bài viết tham khảo:

    Ngày xưa, muốn xua tan đi cái nóng, người ta sử dụng các loại quạt bằng tay. Trừ vua chúa và các người giàu có là có người đứng hầu quạt, đa số người dân phải chịu sự bất tiện là quạt mỏi tay và không thể quạt những lúc ngủ! Do đó, quạt máy ra đời đã được chào đón nồng nhiệt và nhanh chóng phổ biến trong cuộc sống thường ngày.

  Vào năm 1832, Omar-Rajeen Jumala đã phát minh ra chiếc quạt máy đầu tiên. Nó hoạt động giống chiếc máy bơm không khí. Đến cuối thế kỷ XIX, khi Edison và Tesla phát hiện nguồn năng lượng điện, quạt chạy bằng cơ đã được cải tiến thành quạt chạy bằng điện. Sau đó, tiến sĩ Schuyler Skaats Wheeler phát triển thành loại quạt bàn và quạt điện cá nhân. Công ty động cơ điện ở Mỹ Crocker & Curtis đã mua lại sản phẩm này và đưa ra thị trường cho người sử dụng. Đến năm 1882 thì Philip Diehl giới thiệu quạt trần. Ông được xem là cha đẻ của quạt hiện đại.

Cái quạt điện thực chất là một động cơ điện. Chuyển động xoay của các cánh quạt đã tạo ra luồng gió làm mát. Tuy quạt điện không làm thay đổi nhiệt độ môi trường xung quanh (như máy điều hòa nhiệt độ), nhưng nhờ tạo ra sự luân chuyển không khí, mà con người cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hơn.
Cấu tạo cơ bản của quạt điện gồm 4 phần: động cơ điện, cánh quạt, vỏ quạt và bộ điều khiển. Động cơ điện là phần cốt lõi quyết định chất lượng của chiếc quạt. Quạt chạy có êm ái, bền bỉ hay không phụ thuộc vào chất lượng của động cơ. Khi động cơ hoạt động, trục xoay của nó sẽ làm quay cánh quạt. Cánh quạt có thể có từ 3 – 5 cánh, đôi khi có dạng lồng sóc, cung cấp luồng không khí làm mát. Vỏ quạt thường được làm bằng chất liệu nhựa để bảo vệ thân quạt. Vỏ quạt cũng bao gồm cả lồng quạt để che chắn, không cho tay người va vào cánh quạt. Thành phần cuối cùng là bộ điều khiển. Đó là các nút bấm để tắt, mở hoặc thay đổi tốc độ quay của quạt. Ngoài ra, một số loại quạt hiện đại còn có thêm đèn, cảm biến nhiệt độ, bộ tạo khí ô-zôn…

Trên thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất uy tín như Asia, Senko, Thống Nhất… đã đưa ra nhiều loại quạt treo tường, để bàn, quạt đứng, quạt trần, quạt âm trần, quạt hút… Kích thước của quạt cũng rất phong phú: từ loại nhỏ xíu gắn trong máy tính, cho đến những chiếc quạt công nghiệp có đường kính cả mét. Mô tơ để chạy quạt cũng có nhiều chủng loại: một pha, ba pha; công suất vài Watt đến hàng chục kW.

Quạt máy là thiết bị được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là vào những ngày hè nóng nực. Nó dễ dùng, giá cả lại rẻ nên được ưa chuộng và có mặt ở hầu như tất cả các gia đình. Ngoài chức năng cơ bản để chống nóng, nhiều người thường sử dụng quạt điện để thổi khô quần áo, tóc tai… Đó là chưa tính đến việc có nhiều thiết bị gia dụng khác có gắn một cái quạt điện bên trong như máy điều hòa không khí, máy hút bụi, hệ thống thông gió…

Tuy quạt máy là thiết bị dễ dùng, ngay cả với một em bé, nhưng ta cũng cần lưu ý đến một số vấn đề khi sử dụng quạt.
Trước tiên, không nên ngồi trước quạt máy quá lâu. Nhiệt độ cơ thể bị giảm theo sự bốc hơi của mồ hôi, khiến ta dễ bị cảm gió, khô da. Thời gian hợp lý để sử dụng quạt máy là không quá một tiếng. Ngoài ra, ta nên để quạt ở chế độ xoay, luồng gió sẽ phát tán đi nhiều hướng nên không làm giảm quá nhiều nhiệt độ bề mặt da người. Từ đó tránh được việc bị đau lưng, mệt mỏi. Với một số quạt có chế độ hẹn giờ, ta nên cho quạt tự động giảm tốc độ hoặc tắt đi khi gần về sáng.

Bên cạnh đó, khoảng cách hợp lý để đặt quạt là phải cách xa trên 2 m. Nhiều người có thói quen khi thấy nóng là ngồi thật gần quạt. Điều đó có hại cho sức khỏe. Bởi vì trên cơ thể chúng ta, về phía quạt thổi tới, mồ hôi trên da bốc nhanh; trong khi phía bên kia, mồ hôi bốc chậm khiến sự bài tiết mồ hôi và tuần hoàn máu ở hai phía cơ thể có sự chênh lệnh, gây ra mệt mỏi, khó chịu.

Bên cạnh việc sử dụng đúng cách, ta cũng phải lưu ý việc bảo quản quạt máy. Ta không nên để quạt quay ở tốc độ tối đa trong một thời gian dài. Định kỳ sáu tháng, ta châm dầu nhớt vào trục xoay và các bạc đạn. Thường xuyên lau chùi quạt sạch sẽ, rửa cánh quạt khi nó đóng bụi quá nhiều. Nếu phát hiện những bất thường khi quạt hoạt động như có tiếng kêu lọc cọc, cánh quạt bị lỏng, vỏ quạt bị nứt… thì ta phải nhanh chóng đem đi sửa chữa.

Có những thứ âm thầm hiện diện trong cuộc sống thường ngày mà ta không thấy hết tầm quan trọng của nó. Chỉ đến khi không có, ta mới hiểu ra nó cần thiết như thế nào. Quạt máy là một thiết bị như vậy. Thử tưởng tượng một ngày bị mất điện, ta có thể tạm thời không nghe nhạc, không xem ti-vi, không truy cập internet… nhưng không thể để cơ thể vã mồ hôi như tắm được. Thế là mọi người phải dùng đủ mọi thứ, từ quạt giấy cho đến tờ báo, để phe phẩy tự làm mát. Lúc đó mới thấy quạt máy đã đi vào cuộc sống như một tiện ích cần thiết cho mỗi người.

    Quạt máy đã trở thành người bạn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Bất chấp tình hình kinh tế có thể có lúc lên lúc xuống, cứ vào mỗi mùa hè, các cửa hàng điện máy lại tấp nập người ra vào mua quạt phục vụ cho nhu cầu làm mát của gia đình mình.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức