Tả ông bà nội

Đề bài: Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em... của em) 

 Tả bà nội.

“Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm!” Em thích nhất là câu hát này trong bài hát “Cháu yêu bà”. Bà em là một người phụ nữ tần tảo, đầy nghị lực. Bà luôn phải chống chọi với căn bệnh cao huyết áp, thế mà chẳng bao giờ em thấy bà chịu nghỉ ngơi. Bà làm việc luôn chân luôn tay. Từ lúc trời còn tờ mờ sáng, bà đã thức dậy để giặt quần áo. Còn mùa đông, bà dậy sớm đun nước để khi cả nhà thức dậy đã có ngay nước ấm đánh răng, rửa mặt. Dáng người của bà em hơi thấp, bà thường bước đi một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Bà luôn nhìn em bằng ánh mắt trìu mến, đầy tình thương yêu. Tóc của bà bạc đi rất nhiều. Em thường hay nhổ tóc sâu cho bà. Vuốt nhẹ mái tóc bạc trắng của bà, em càng cảm nhận rõ những vất vả, nhọc nhằn mà bà đã phải chịu. Trên khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn lắm rồi ,nhưng bà vẫn có những nét đẹp của thời con gái. Đó là khuôn mặt trái xoan, sống mũi cao và miệng cười rất hiền từ. Em nghe mọi người kể hồi còn trẻ bà đẹp nhất làng .
Bà thích ăn trầu. Lúc nhai trầu, môi bà đỏ tươi như là thoa son vậy. Tối thứ bảy, chủ nhật nào em cũng đấm lưng, bóp chân, bóp tay cho bà và em lại được nghe bà kể chuyện cổ tích. Trong thế giới của những câu chuyện cổ tích ấy, có nàng Bạch Tuyết xinh đẹp, bảy chú lùn tốt bụng, dễ thương và cô Tấm dịu hiền... Thế rồi, điều em không mong muốn đã xảy ra, bà em bị ốm nặng. Hôm ấy, mẹ cho em vào nằm với bà một lúc. Em chườm khăn cho bà. Nghe tiếng bà ho mà em rơm rớm nước mắt. Em thấy thương bà quá. Nếu lúc này có một điều ước, em sẽ ước bà chóng khỏe để em được sà vào lòng bà, nghe bà kể chuyện cổ tích. 

Em rất yêu qúy, kính trọng bà bởi em luôn hiểu: tình thương yêu bà dành cho em là vô tận.



Tả Ông Nội      

 Trong gia đình, ai cũng yêu thương em hết mực nhưng người đã cưng chiều,  em nhiều nhất chính là ông nội. Lúc nào cũng vậy, hình ảnh ông nội luôn là một ông tiên hiền hậu trong câu chuyện cổ tích.      

 Ông nội em nay đã ngoài tám mươi tuổi. So với ông của các bạn đồng trang lứa thì ông em là người lớn tuổi nhất. Vóc người gầy gầy, cao cao nói lên nỗi vất vả, nhọc nhằn của ông – một người nông dân cần cù thời trẻ. Khuôn mặt hiền từ, lấm tấm những nếp nhăn theo thời gian như thể nói lên một quãng đời chịu sương, chịu gió của ông. Mái tóc ông bạc phơ như sợi cước, hệt như ông tiên hiền dịu hay giúp những em bé ngoan ngoãn trong truyện cổ tích. Làn da ông nhăn nheo, hằn những vết chân chim như in dấu theo năm tháng của cuộc đời. Đôi bàn tay run run, gầy guộc vậy mà có thể làm được mọi điều tựa cây đũa thần mầu nhiệm. Lưng ông nay đã còng để hi sinh cho con cháu có thể cao lớn, mạnh mẽ hơn. Tuy đã già nhưng dáng đi và đôi mắt ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm.       

Ông sống rất giản dị. Ngày ngày, cứ đôi dép cao su đã mòn và bộ áo mỏng mà ông đội nắng để làm việc. Cũng như các bác hàng xóm, ông nội em rất thích đi tập dưỡng sinh. Ông hay nói với em: “Ông tham gia tập thể dục cho khỏe mạnh để sống với các cháu. Ông được gặp và sinh hoạt với mọi người, ông cũng cảm thấy rất vui”. Trà là thức uống không thể thiếu của ông em. Sau khi đi tập thể dục, ông thường ngồi nhâm nhi vài tách trà với các bác gần nhà. Chiều chiều, hễ em đi học về là ông nội luôn thủ sẵn hai cây kẹo mút cho hai chị em. Em cảm thấy trong con người ông là một kho tàng truyện cổ tích và các câu ca dao, tục ngữ nghe thấm thía tình người. Mỗi buổi tối thứ bảy là thời khắc sum họp cả gia đình, ông thường dành 15 phút để kể chuyện cổ tích cho hai chị em. Đôi khi ông còn giảng về những câu ca dao sâu sắc như giúp cho chúng em cảm nhận về cái đẹp, cái hay trong từng lời văn, câu thơ của con người Việt Nam. Khác với bà, ông lại có một lối kể chuyện chững chạc nhưng vẫn giữ được những chi tiết sống động, lôi cuốn làm hấp dẫn người nghe. Những ngày chủ nhật là hai ông cháu lại ra vườn làm “công tác trồng cây”. Mới đấy mà vườn nhà em đã như một thiên đường xanh khiến bao người phải mơ ước. Ông đã cho em hiểu thế nào là lao động, nó mệt mỏi, vất vả thế nào và niềm hạnh phúc khi ta đã hoàn thành ra sao và nó là những trải nghiệm bổ ích cho con đường đời của em sau này.  
 Ông với mọi người tình nghĩa như bát nước đầy, không bao giờ ông để tiền bạc che mất tình nghĩa. Ông là một tấm gương sáng để con cháu chúng em noi theo.       
   
 Nhìn ông ngày càng tuổi cao sức yếu mà vẫn phải đỡ đần những công việc nặng nhọc, em càng thấy thương ông nhiều hơn. Em chỉ biết ngày ngày gắng công học thật giỏi để ông vui và hạnh phúc lúc còn sống trên cõi đời này.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức