Tiếng Việt 5 Tuần 25: Phong cảnh đền Hùng
Tuần 25: Nhớ nguồn
Soạn bài: Tập đọc: Phong cảnh đền Hùng
Nội dung chính
Bài đọc miêu tả phong cảnh đền Hùng, nằm bên núi Thượng. Nơi đây vừa có phong cảnh núi non hùng vĩ, vừa là nơi lưu giữ những câu chuyện cổ về cha ông ta ngày trước.
Câu 1 (trang 69 sgk Tiếng Việt 5): Hãy kể những điều em biết về các vua Hùng.
Trả lời:
Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Triều đình có tướng văn, tướng võ. Con trai của vua gọi là Lang, con gái của vua gọi là Mị Nương. Khi cha chết thì ngôi vua truyền cho con trai trưởng, mười mấy đời nối ngôi đều lấy hiệu là Hùng Vương.
Câu 2 (trang 69 sgk Tiếng Việt 5): Tìm những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đền Hùng.
Trả lời:
- Trước đền, khóm hải đường đâm bông rực rỡ.
- Những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xòe hoa.
- Bên trái là đỉnh Ba Vì vòi vọi.
- Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững.
- Phía xa xa là núi Sóc Sơn…
- Những cánh hoa dại, những gốc thông già… che mát và tỏa hương thơm…
Câu 3 (trang 69 sgk Tiếng Việt 5): Bài văn đã gợi cho em nhớ đến một số truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hãy kể tên các truyền thuyết đó.
Trả lời:
Những cảnh vật ở đền Hùng gợi nhớ truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là :
+ Đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương Ngọc Hoa – con gái Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao.
Cảnh vật nơi này gợi nhớ truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
+ Núi Sóc Sơn, nơi in dấu chân ngựa sắt Phù Đổng, đánh thắng giặc Ân xâm lược.
Cảnh vật này gợi nhớ truyền thuyết Thánh Gióng.
+ Cột đá cao năm gang, rộng khoảng ba tấc. Cột đá đó An Dương Vương dựng và thề với các Vua Hùng giữ vững giang sơn.
Câu 4 (trang 69 sgk Tiếng Việt 5): Em hiểu câu ca dao sau như thế nào ?
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba."
Trả lời:
Câu ca dao trên nói đến một tục truyền tốt đẹp của dân tộc ta : Ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Và ngày trẩy hội đền Hùng cũng trở thành ngày hội chung đông vui của cả nước. Từ đó, câu ca dao còn nhắc mọi người hãy nhớ tổ tiên, nguồn cội của mình, biết ơn người dựng nước.
Cùng mang ý nghĩa đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắn nhủ đồng bào nhớ :
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu nằm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Hằng năm ăn đâu nằm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Soạn bài: Chính tả (Nghe - viết): Ai là thủy tổ loài người?
Câu 1 (trang 70 sgk Tiếng Việt 5): Nghe – viết : Ai là thủy tổ loài người ?
Theo một truyền thuyết, Chúa Trời đã dành ra bảy ngày để sáng tạo muôn loài, trong đó có thủy tổ loài người là ông A-đam và bà Ê-va. Ở Trung Quốc cũng có chuyện Nữ Oa dùng đất thó nặn thành người. Còn đối với người Ấn Độ, vị thần tạo ra con người là thần Bra-hma. Đến giữa thế kỉ XIX, nhờ công trình nghiên cứu của nhà bác học thiên tài Sác-lơ Đác-uyn, người ta mới biết rằng loài người được hình thành dần qua hàng triệu năm từ loài vượn cổ.
Câu 2 (trang 70 sgk Tiếng Việt 5): Tìm các tên riêng trong mẩu chuyện vui dưới đây và cho biết những tên riêng đó được viết như thế nào.
Dân chơi đồ cổ
Xưa có một anh học trò rất mê đồ cổ. Một hôm, có người đưa đến manh chiếu rách bảo là chiếu Khổng Tử đã ngồi dạy học. Anh chàng hết sức mừng rỡ, đem hết ruộng ra đổi.
Chẳng bao lâu, lại có kẻ đem chiếc gậy cũ kĩ đến bảo:
- Đây là cây gậy cụ tổ Chu Văn Vương dùng lúc chạy loạn, còn xưa hơn manh chiếu của Khổng Tử mấy trăm năm.
Quá đỗi ngưỡng mộ, anh ta bèn bán hết đồ đạc trong nhà để mua gậy.
Sau đó, lại có kẻ mang đến một chiếc bát gỗ, nói :
- Bát này được làm từ thời Ngũ Đế. So với nó, cái gậy đời nhà Chu ăn thua gì ?
Chẳng thèm suy tính, anh học trò bán cả nhà đi để mua cái bát nọ.
Thế là trắng tay phải đi ăn mày, nhưng anh ta không bao giờ xin cơm xin gạo mà chỉ gào lên:
- Ới các ông các bà, ai có tiền Cửu Phủ của Khương Thái Công cho tôi xin một đồng.
Theo BÍ QUYẾT SỐNG LÂU
Trả lời:
* Các tên riêng trong mẩu truyện vui:
- Khổng Tử, Chu Văn Vương, Ngũ Đế, (nhà) Chu, Cửu Phủ, Khương Thái Công.
* Các tên riêng đó là danh từ riêng ghi tên riêng đọc theo âm Hán Vệt. Khi viết: Viết hoa chữ cái đầu ở mỗi tiếng. (Ví dụ: Tên riêng sau có 3 chữ thì phải viết hoa cả 3 chữ cái đầu ở mỗi tiếng: Chu Văn Vương).
Soạn bài: Luyện từ và câu: Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ
Câu 1 (trang 71 sgk Tiếng Việt 5): Trong câu in nghiêng dưới đây, từ nào lặp lại từ đã dùng ở câu trước?
Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xòe hoa.
ĐOÀN MINH TUẤN
Trả lời:
* Nội dung của hai câu có điểm chung là:
- Câu 1: Giới thiệu vị trí của đền Thượng: Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.
- Câu 2: Miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên nơi Đền Thượng.
Vì vậy, cả hai đều có điểm chung là: Miêu tả vẻ đẹp của cảnh sắc Đền Thượng.
* Từ ngữ giúp em nhận ra sự liên kết về nội dung giữa hai câu trên: Đền (cũng là từ lặp lại từ dùng ở câu trước).
Câu 2 (trang 71 sgk Tiếng Việt 5): Nếu ta thay từ được dùng lặp lại bằng một trong các từ nhà, chùa, trường, lớp thì hai câu trên có còn gắn bó với nhau không?
Trả lời:
Nếu ta thay từ được dùng lặp lại bằng một trong các từ nhà, chùa, trường, lớp thì hai câu trên không còn gắn bó với nhau nữa. Bởi vì giữa hai câu không còn điểm chung là miêu tả cảnh thiên nhiên nơi Đền Thượng. Các ý văn ở hai câu không còn liên kết chặt chẽ với nhau. Ở câu thứ hai không còn xuất hiện từ lặp đã có ở câu thứ nhất.
Câu 3 (trang 71 sgk Tiếng Việt 5): Việc lặp lại từ trong trường hợp này có tác dụng gì?
Trả lời:
Việc lặp lại từ đó có tác dụng: Liên kết chặt chẽ các câu văn với nhau.
Câu 1 (trang 72 sgk Tiếng Việt 5): Tìm những từ ngữ được lặp lại để liên kết câu:
a) Niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú. Trống đồng Đông Sơn đa dạng không chỉ về hình dáng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp hoa văn.
NGUYỄN VĂN HUYÊN
Trong một sáng đào công sự, lưỡi xẻng của anh chiến sĩ xúc lên một mảnh đồ gốm có nét hoa văn màu nâu và xanh, hình đuôi rồng. Anh chiến sĩ quả quyết rằng những nét hoa văn này y như hoa văn trên hũ rượu thờ ở đình làng anh.
HÀ ĐÌNH CẨN
Trả lời:
a) Từ ngữ được lặp: Đông Sơn, trống đồng.
b) Từ ngữ được lặp: anh chiến sĩ, nét hoa văn.
Câu 2 (trang 72 sgk Tiếng Việt 5): Chọn từ ngữ trong ngoặc đơn thích hợp với mỗi ô trống để các câu, các đoạn được liên kết với nhau.
Trả lời:
Dọc theo bờ vịnh Hạ Long, trên bến Đoan, bến Tàu hay cảng Mới, những đoàn thuyền đánh cá rẽ màn sương bạc nối đuôi nhau cập bến, những cánh buồm ướt át như cánh chim trong mưa. Thuyền lưới mui bằng. Thuyền giã đôi mui cong. Thuyền khu Bốn buồm chữ nhật. Thuyền Vạn Ninh buồm cánh én. Thuyền nào cũng tôm cá đầy khoang. Người ta khiêng từng sọt cá nặng tươi roi rói lên chợ.
Chợ Hòn Gai buổi sáng la liệt tôm cá. Những con cá song khỏe, vớt lên hàng giờ vẫn còn giẫy đành đạch, vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con cá chim mình dẹt như hình con chim lúc sải cánh bay, thịt ngon vào loại nhất nhì. Những con cá nhụ béo núc, trắng lốp bóng mượt như được quét một lớp mỡ ngoài vảy. Những con tôm tròn, thịt căng lên từng ngấn như cổ tay của trẻ lên ba, da xanh ánh, hàng chân choi choi như muốn bơi.
Theo THI SẢNH
Soạn bài: Kể chuyện: Vì muôn dân
Câu 1 (trang 73 sgk Tiếng Việt 5): Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây, hãy kể lại từng đoạn câu chuyện.
Trả lời:
* Đoạn Một (bức tranh 1):
Ông Trần Liễu biết mình khó qua khỏi cơn bạo bệnh, liền cho gọi con trai Trần Quốc Tuấn để trối lại những lời cuối cùng.
* Đoạn Hai (bức tranh 2):
Cùng thời điểm đó, giặc Nguyên kéo quân sang xâm lược nước ta. Chúng đi đến đâu là giết hại dân lành, cướp bóc tài sản... Lòng dân vô cùng oán hận.
* Đoạn Ba (bức tranh 3):
Trần Quốc Tuấn cùng các chiến sĩ nghênh đón Trần Quang Khải.
* Đoạn Bốn (bức tranh 4):
Trần Quốc Tuấn tự tay mình tắm gội cho Trần Quang Khải.
* Đoạn Năm (bức tranh 5):
Vua Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải cùng các vị bô lão tại hội nghị Diên Hồng luận bàn việc nước.
* Đoạn Sáu (bức tranh 6):
Giặc Nguyên bại trận tháo chạy về nước.
Câu 2 (trang 73 sgk Tiếng Việt 5): Kể lại toàn bộ câu chuyện.
Trả lời:
Năm 1235, ông Trần Liễu lâm bệnh nặng khó qua khỏi nên cho gọi con trai là Trần Quốc Tuấn lúc đó mới năm, sáu tuổi mà dặn rằng: "Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt được". Biết cha mình không quên được mối hiềm khích với vua Trần Nhân Tông, nên Trần Quốc Tuấn đành gật đầu để yên lòng cha. Nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn nghĩ rằng đó là điều phi lí nên tìm mọi cách giảng hòa mối hiềm khích của gia tộc, để đi đến thống nhất mà lo chống giặc ngoại xâm, củng cố, xây dựng đất nước vững bền.
Vào cuối năm 1284, giặc Nguyên kéo hàng chục vạn quân sang xâm lược nước ta. Chúng đi đến đâu là giết hại dân lành đến đó, gây bao cảnh tang tóc, đau thương. Dân tình rất oán hận. Trước tình thế đó, vua Trần Nhân Tông cho mời Trần Quốc Tuấn đến. Tại kinh đô Thăng Long, Trần Quốc Tuấn cho mời tể tướng Trần Quang Khải đến để cùng bàn bạc tìm kế sách đánh giặc Nguyên. Trần Quang Khải vốn dĩ rất ngại tắm, nên Trần Quốc Tuấn sai người nấu nước với các loại hoa thơm và tự tay mình tắm gội cho Trần Quang Khải. Vừa tắm cho vị tể tướng, Trần Quốc Tuấn vừa chuyện trò đùa vui:
- Thật may mắn cho tôi khi được tắm cho tể tướng.
Trần Quang Khải xúc động nói lại với Trần Quốc Tuấn:
- Tôi mới là người may mắn khi được Quốc Công Tiết chế tắm cho.
Việc tắm gội và cuộc nói chuyện chân tình cởi mở đó đã dần xóa đi mối hiềm khích trong gia tộc và những vị trụ cột của triều đình đã sát cánh bên nhau cùng lo việc nước.
Ngày hôm sau, Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn ăn mặc tề chỉnh vào cung yết kiến đức vua. Vua đã chờ sẵn hai người.
Đức vua mở đầu cuộc bàn bạc bằng lời nói chân tình:
- Trước đây, giặc Nguyên đã bị quân và dân ta đánh đại bại. Lần này chúng lại xâm lược nước ta với lực lượng hùng hậu hơn, mạnh hơn trước rất nhiều. Vậy các khanh đã có kế sách gì để đánh tan giặc Nguyên, giữ yên bờ cõi cho trăm họ được nhờ?
Hưng Đạo trình tâu vua kế sách của mình, rồi chốt lại việc phải làm trước mắt là:
- Cần phải triệu tập bô lão cả nước về kinh để bàn bạc, đi đến quyết tâm đánh giặc Nguyên xâm lược. Làm như thế là ta đã tập hợp được ý nguyện trăm họ, quyết tâm của trăm họ, thì thế giặc có mạnh đến đâu cũng bị bại trận.
Nhà vua thuận ý và ra chiếu triệu tập các bô lão từ mọi miền của đất nước về dự hội Diên Hồng bàn bạc việc quốc gia đại sự. Hội Diên Hồng lịch sử đó diễn ra vào sáng đầu xuân năm 1285.
Trước đông đủ bô lão, các tướng sĩ, vua dõng dạc hỏi:
- Sứ nhà Nguyên trình thư, xin mượn đường đi qua nước ta để đánh Chăm Pa, vậy ý các ngươi như thế nào?
Hưng Đạo khẳng khái tâu với vua:
- Cho giặc Nguyên mượn đường là mất nước.
Sau lời tâu của Hưng Đạo, hội Diên Hồng vang lên tiếng nói của các bô lão và tướng sĩ:
- Không cho giặc Nguyên mượn đường.
Vua tỏ ra cảm kích trước khí thế hừng hực đó, nên vua hỏi tiếp:
- Nên hòa hay nên đánh?
Cả hội nghị Diên Hồng vang lên tiếng nói đồng thanh:
- Nên đánh!
- Sát Thát!
Hội nghị Diên Hồng là hội nghị ý nguyện muôn dân và tướng sĩ đồng lòng đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Nhờ vậy mà vua Trần đã lãnh đạo toàn dân đánh tan giặc Minh xâm lược, đem lại cuộc sống bình yên cho trăm họ, giữ yên bờ cõi, giang sơn của đất nước Việt Nam.
Câu 3 (trang 73 sgk Tiếng Việt 5): Trao đổi với các bạn về ý nghĩa câu chuyện.
Trả lời:
Câu chuyện ca ngợi tinh thần đoàn kết của dân tộc ta và ý chí đánh tan kẻ thù xâm lược, giữ yên bờ cõi, giang sơn gấm vóc của đất nước Việt Nam thân yêu.
Soạn bài: Tập đọc: Cửa sông
Nội dung chính
Bài thơ nói về cửa sông, một nơi rất đặc biệt vì có nước từ biển hòa cùng nước sông tạo thành vùng nước lợ, cho tôm cá phong phú, cuộc sống ấm no. Cửa sông là nơi giao lưu giữa đất liền, núi non với biển cả.
Câu 1 (trang 75 sgk Tiếng Việt 5): Trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi sông chảy ra biển? Cách giới thiệu ấy có gì hay?
Trả lời:
* Tác giả sử dụng cách chơi chữ trong khổ thơ đầu, đó là các từ ngữ:
"Là cửa nhưng không then khóa, không khép lại bao giờ". Đó là cửa sông, cùng cách nói chỉ cửa cổng, cửa nhà ở của con người. Cửa sông nơi đây có "mênh mông một vùng sông nước". Nơi ấy con sông chảy vào biển, hồ hay một dòng sông khác.
* Nhờ cách giới thiệu như vậy, tác giả muốn nói cửa sông luôn phải được thông suốt để sông và biển được nối liền nhau phục vụ cho cuộc sống của nhân loại. Cách nói như vậy rất lạ, hấp dẫn người nghe.
Câu 2 (trang 75 sgk Tiếng Việt 5): Theo bài thơ, cửa sông là địa điểm đặc biệt như thế nào?
Trả lời:
Cửa sông là một địa điểm đặc biệt bởi vì là nơi sông gửi phù sa làm nên những bãi bồi, nơi biển tìm về đất liền; nơi đưa tôm cá vào sông; nơi tiễn người ra khơi, nơi con tàu chào mặt đất.
Câu 3 (trang 75 sgk Tiếng Việt 5): Phép nhân hóa ở khổ thơ cuối giúp tác giả nói lên điều gì về "tấm lòng" của cửa sông đối với cội nguồn?
Trả lời:
Biện pháp nhân hóa trong khổ thơ cuối như sau:
- Cửa sông giáp mặt cùng biển rộng. Cửa sông chẳng dứt cội nguồn, bỗng có lúc nhớ một vùng núi non.
- Biện pháp nhân hóa này như ngầm khẳng định tình nghĩa thủy chung của cửa sông. Nó vẫn có một cội nguồn mãi mãi chảy xuống làm thành dòng sông đi qua cửa sông và hòa nhập vào biển, nhưng nó cũng giống như "nước đi ra bể lại mưa về nguồn" sẽ chẳng có nếu không có một cội nguồn từ trên cao.
Câu 4 (trang 75 sgk Tiếng Việt 5): Học thuộc lòng bài thơ.
Soạn bài: Tập làm văn: Tả đồ vật
Câu 1 (trang sgk Tiếng Việt 5): Chọn một trong các đề bài sau:
1. Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em.
2. Tả cái đồng hồ báo thức.
3. Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.
4. Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.
5. Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.
Trả lời:
Đề 3:
Vào năm học được ít ngày, bố mua cho em một chiếc xe đạp mới tinh và đẹp lắm. Em mừng vui vô cùng, gặp bạn nào thân thiết em cũng muốn khoe.
Thật đúng là một chiếc xe còn mới tinh. Em thấy nó còn xinh xắn hơn cả chiếc xe mini Trung Quốc của chị Hai.
Bố chọn chiếc xe có nước sơn màu xanh ngọc dịu dàng, màu sắc mà em yêu thích. Hai vành xe sáng bóng soi được cả ngón tay khi em chùi vào. Những chiếc nan hoa bé nhỏ nhưng thật cứng tỏa ra hết cả vòng tròn bánh xe, trong thật vui mắt. Người thợ khéo tay còn gắn ở một bên tay lái chú Hugô dễ thương làm bằng thiếc mỏng. Cái chuông gắn một bên tay lái kia, thỉnh thoảng kêu "kính coong, kính coong..." thật tinh nghịch và vui tai. Bên phải của bánh xe sau có cái chân chống vững chắc, tiện lợi khi dựng xe mà xe không bị đổ xuống, em thấy thật yên tâm! Khi đạp xe, những tiếng ro ro của chiếc xích xe khiến em cảm thấy con đường đến trường như ngắn lại. Chiếc xe thật khỏe, vì có lúc nó chở cả em và bạn Dương mà vẫn chạy bon bon trên đường làng. Khi gặp nơi đông người, cái phanh xe gắn ngay phía dưới tay em cầm lái giúp em điều khiển xe rất dễ dàng. Em yêu chiếc xe đạp lắm. Em gọi nó là "người bạn tốt".
Hàng ngày, em vẫn dành thời gian để lau chùi chiếc xe đạp thân thiết. Vì thế, hơn một năm trôi qua mà chiếc xe vẫn còn mới lắm. Chiếc xe đã gắn bó với bước chân đến trường của em, vì thế, càng yêu quý chiếc xe bao nhiêu em càng biết ơn tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình dành cho em bấy nhiêu.
Soạn bài: Luyện từ và câu: Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ
Câu 1 (trang 76 sgk Tiếng Việt 5): Các câu trong đoạn văn sau nói về ai? Những từ ngữ nào cho biết điều đó?
Đã mấy năm vào Vương phủ Vạn Kiếp, sống gần Hưng Đạo Vương, chàng thư sinh họ Trương thấy Ông luôn điềm tĩnh. Không điều gì khiến vị Quốc Công Tiết chế có thể rối trí. Vị Chủ tướng tài ba không quên một trong những điều hệ trọng để làm nên chiến thắng là phải cố kết lòng người. Chuyến này, Hưng Đạo Vương lai kinh cùng nhà vua dự Hội nghị Diên Hồng. Từ đấy, Ông sẽ đi thẳng ra chiến trận. Vào chốn gian nguy, trước vận nước ngàn cân treo sợi tóc mà Người vẫn bình thản, tự tin, đĩnh đạc đến lạ lùng.
Theo LÊ VÂN
Trả lời:
- Các câu trong đoạn văn trên nói về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
- Các từ ngữ cho em biết điều đó: Hưng Đạo Vương; Quốc Công Tiết chế; chủ tướng tài ba, ông, Người...
Câu 2 (trang 76 sgk Tiếng Việt 5): Vì sao có thể nói cách diễn đạt trong đoạn văn trên hay hơn cách diễn đạt trong đoạn văn sau đây?
Đã mấy năm vào Vương phủ Vạn Kiếp, sống gần Hưng Đạo Vương, chàng thư sinh họ Trương thấy Hưng Đạo Vương luôn điềm tĩnh. Không điều gì khiến Hưng Đạo Vương có thể rối trí. Hưng Đạo Vương không quên một trong những điều hệ trọng để làm nên chiến thắng là phải cố kết lòng người. Chuyến này, Hưng Đạo Vương lai kinh cùng nhà vua dự Hội nghị Diên Hồng. Từ đấy, Hưng Đạo Vương sẽ đi thẳng ra chiến trận. Vào chốn gian nguy, trước vận nước ngàn cân treo sợi tóc mà Hưng Đạo Vương vẫn bình thản, tự tin, đĩnh đạc đến lạ lùng.
Trả lời:
* Đoạn văn trên của tác giả Lê Vân sử dụng cách diễn đạt tốt hơn. Bởi vì: Nội dung chặt chẽ nhờ sự liên kết bằng phép thế. Tên gọi nhân vật Hưng Đạo Vương được thay đổi nhiều lần, không những tránh được sự lặp từ mà còn thể hiện chức vị của ông và gửi gắm cả tình cảm kính trọng của mọi người đối với vị chủ tướng tài ba ấy.
* Còn đoạn văn thứ hai cách diễn đạt thiếu sinh động và hấp dẫn với người đọc và người nghe. Bởi vì, cả đoạn văn gồm sáu câu những từ Hưng Đạo Vương được lặp lại nhiều lần. Vì vậy, đoạn văn thứ hai này không có được cách diễn đạt có nhiều sáng tạo như đoạn văn thứ nhất.
Câu 1 (trang 77 sgk Tiếng Việt 5): Mỗi từ ngữ in đậm dưới đây thay thế cho từ ngữ nào? Cách thay thế từ ngữ ở đây có tác dụng gì?
Hai Long phóng xe về phía Phú Lâm tìm hộp thư mật.
Người đặt hộp thư lần nào cũng tạo cho anh sự bất ngờ. Bao giờ hộp thư cũng được đặt tại một nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất. Nhiều lúc, người liên lạc còn gửi gắm vào đây một chút tình cảm của mình, thường bằng những vật gợi ra hình chữ V mà chỉ anh mới nhận thấy. Đó là tên Tổ quốc Việt Nam, là lời chào chiến thắng.
HỮU MAI
Trả lời:
* Phép thế được sử dụng trong trường hợp trên được biểu hiện như sau:
- Hai Long được thay thế ở các câu khác là anh.
- Người đặt hộp thư được thay thế ở các câu khác là người liên lạc.
→Cách thay thế có tác dụng: Tránh lặp lại từ ngữ, lời văn trôi chảy hơn.
Câu 2 (trang 77 sgk Tiếng Việt 5): Hãy thay thế những từ ngữ lặp lại trong mỗi câu của đoạn văn sau bằng những từ ngữ có giá trị tương đương để đảm bảo liên kết mà không lặp từ:
Vợ An Tiêm lo sợ vô cùng. Vợ An Tiêm bảo An Tiêm:
- Thế này thì vợ chồng mình chết mất thôi.
An Tiêm lựa lời an ủi vợ:
- Còn hai bàn tay, vợ chồng chúng mình còn sống được.
Trả lời:
* Những từ ngữ thay thế có giá trị tương đương về liên kết là:
Vợ An Tiêm lo sợ vô cùng. Nàng bảo chồng:
- Thế này thì vợ chồng mình chết mất thôi.
An Tiêm lựa lời an ủi vợ:
- Còn hai bàn tay, vợ chồng chúng mình còn sống được.
Soạn bài: Tập làm văn: Tập viết đoạn đối thoại
Câu 1 (trang sgk Tiếng Việt 5): Đọc đoạn trích sau của câu truyện Thái sư Trần Thủ Độ:
Có lần, Linh Từ Quốc Mẫu, vợ ông, muốn xin riêng cho một người làm chức câu đương. Trần Thủ Độ bảo người ấy:
- Ngươi có phu nhân xin cho làm chức câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì vậy, phải chặt một ngón chân để phân biệt.
Người ấy kêu van mãi, ông mới tha cho.
Theo ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ
Câu 2 (trang 78 sgk Tiếng Việt 5): Dựa theo nội dung của đoạn trích trên, em hãy cùng các bạn trong nhóm viết tiếp một số lời đối thoại để hoàn chỉnh màn kịch theo gợi ý.
Trả lời:
Xin Thái sư tha cho!
Tại một công đường có đặt một án thư lớn, trên có hộp bút, vài cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi viết bên án thư. Hai bên có mấy người lính đứng cung kính. Bỗng từ bên ngoài có một người lính nhanh nhẹn đi vào công đường.
(bước vào) Lính: - Bẩm Thái sư, người nhà phu nhân đã tới rồi ạ.
(ngẩng lên, nghiêm nghị) Trần Thủ Độ: - Cho anh ta vào! (lính đi ra, sau đó dẫn vào một người khoảng 30 tuổi, ăn mặc kiểu nhà giàu nhưng hơi quê kệch. Anh ta là một phú nông.)
Phú nông: - Lạy Đức Ông!
Trần Thủ Độ: - Ngươi có phải là Đặng Văn Sửu không?
Phú nông: - Lạy Đức Ông, thưa phải ạ!
Trần Thủ Độ: - Năm nay nhà ngươi được bao nhiêu tuổi?
Phú nông: - Dạ! Thưa lạy Đức Ông, con năm nay đã ngoài 30 tuổi rồi ạ!
Trần Thủ Độ: - Vậy nhà ngươi tìm đến ta có việc gì?
Phú nông: - Trăm nghìn lạy Đức Ông, hôm nay con đến xin được trình bày cùng Đức Ông cho con làm chức câu đương.
Trần Thủ Độ: - Ngươi xin là chức câu đương? Vậy, nhà ngươi hiểu được những gì về chức câu đương?
Phú nông: (Lúng túng trả lời qua loa) - Dạ, thưa... chức câu đương... là chức... chức lớn để cai quản nhiều người ạ!
Trần Thử Độ: (Cau mày, nghiêm mặt, nói chậm rãi) - Ngươi có phu nhân xin cho làm chức câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì vậy, phải chặt một ngón chân để phân biệt.
Phú nông: (Sợ hãi kêu van không ngớt) - Lạy Đức Ông... Lạy Đức Ông... xin tha cho, xin tha cho... xin không làm chức câu đương nữa ạ... không dám nữa ạ?
Trần Thủ Độ: (vẫn nói từ tốn) - Vậy ngươi hiểu rồi chứ? Ngươi về đi. Ta tha cho!
Phú nông: (vừa lạy vừa đi lui ra).
Câu 3 (trang 78 sgk Tiếng Việt 5): Phân vai đọc lại (hoặc diễn thử) màn kịch trên.