Tiếng Việt 5 Tuần 24 Vì cuộc sống thanh bình


TIẾNG VIỆT 5
TUẦN 24: Vì cuộc sống thanh bình
Soạn bài: Tập đọc: Luật tục xưa của người Ê-đê

Nội dung chính

Bài đọc nói về luật lệ, tập tục cổ xưa của người Ê-đê. Các luật lệ rất công bằng, nghiêm khắc, xử phạt và răn đe nghiêm minh, quy định về các tội, các hình thức xử phạt, quy định về tang chứng vật chứng.

Câu 1 (trang 57 SGK Tiếng Việt 5): Người xưa đặt ra luật tục để làm gì?

Trả lời:

Người xưa đặt xa luật tục để mọi người tuân theo mà sống cho đúng; nhằm giữ gìn và bảo vệ cuộc sống thanh bình cho cộng đồng.

Câu 2 (trang 57 SGK Tiếng Việt 5): Kể những việc mà người Ê- đê xem là có tội?

Trả lời:

Những việc mà người Ê- đê xem là có tội: Tội không hỏi cha mẹ, tội ăn cắp, tội giúp kẻ có tội, tội dẫn đường cho giặc.

Câu 3 (trang 57 SGK Tiếng Việt 5): Tìm những chi tiết trong bài thơ cho thấy đồng bào Ê- đê quy định xử phạt rất công bằng.

Trả lời:

Những chi tiết trong bài thơ cho thấy đồng bào Ê- đê quy định xử phạt rất công bằng:

- Chuyện nhỏ thì xử nhỏ, phạt tiền một song.

- Chuyện lớn thì xử nặng, phạt tiền một co.

- Chuyện quá sức con người, gánh không nổi, vác không kham thì xử tội chết.

- Chuyện nội bộ trong gia đình, dòng tộc cũng xử như vậy.

- Tang chứng phải đầy đủ, chắc chắn, có nhiều người chứng kiến sự việc.

Câu 4 (trang 57 SGK Tiếng Việt 5): Hãy kể tên một số luật của nước ta hiện nay mà em biết.

Trả lời:

Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Lao động, luật Báo chí, luật Bảo vệ môi trường, luật Giáo dục, luật Hôn nhân và gia đình.


Soạn bài: Chính tả (Nghe - viết): Núi non hùng vĩ

Câu 1 (trang 58 SGK Tiếng Việt 5): Nghe – viết: Núi non hùng vĩ.

Trả lời:

Em nhờ người thân hoặc bạn đọc, em viết và ngược lại em đọc bạn viết, kiểm tra cho nhau.

Câu 2 (trang 58 SGK Tiếng Việt 5): Tìm các tên riêng trong đoạn thơ sau :

Tại đây, các con
Tại đất Tây Nguyên ông bà mình này
Nơi mẹ đã đẻ ra ta và cắt rốn ta bằng cây nứa
Chỗ tuổi nhỏ ta nằm nước bò qua bụng đỏ
Và gió cao nguyên thổi nhột lỗ tai non.
Chính nơi đây các con
Xưa Đăm Săn, Y Sun, ông nội ta và lũ làng
Đã rèn dao và mài gươm dưới trăng trong suốt
Trong rừng già Mơ – nông, mặt trời không xuống đất
Vẫn thanh đoản kiếm xưa Đăm Săn đuổi giặc
Nơ Trang Long, A-ma Dơ-hao, cha ta và lũ làng mài gấp
Hai mươi năm cạn nước sông Ba.

                                     Theo PRÊ KI MA LA MÁC

Trả lời:

Các tên riêng trong đoạn thơ là : Tây Nguyên, Đăm Săn, Y Sun, Mơ-nông, Nơ Trang Long, A-ma Dơ-hao, Ba.

Câu 3 (trang 58 SGK Tiếng Việt 5): Giải câu đố và viết đúng tên các anh hùng lịch sử trong câu đố sau :

Ai từng đóng cọc trên sông

Đánh tan thuyền giặc, nhuộm hồng sóng xanh?

Vua nào thần tốc quân hành

Mùa xuân đại phá quân Thanh tơi bời?

Vua nào tập trận đùa chơi

Cờ lau phất trận một thời ấu thơ?

Vua nào thảo Chiếu dời đô?

Vua nào chủ xướng Hội thơ Tao Đàn?

                  Theo TRẦN LIÊN NGUYỄN


Trả lời:

- Câu đố 1: Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo

- Câu đố 2: Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ)

- Câu đố 3: Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh)

- Câu đố 4: Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn)

- Câu đố 5: Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành)


Soạn bài: Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Trật tự - an ninh

Câu 1 (trang 59 SGK Tiếng Việt 5): Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ an ninh?

a) Yên ổn hẳn, tránh được tai nạn, tránh được thiệt hại.

b) Yên ổn về chính trị và trật tự xã hội.

c) Không có chiến tranh và thiên tai.

Trả lời:

b) Yên ổn về chính trị và trật tự xã hội.

Câu 2 (trang 59 SGK Tiếng Việt 5): Tìm những danh từ và động từ có thể kết hợp với từ an ninh.

Trả lời:

- Cơ quan an ninh, chiến sĩ an ninh, an ninh nội bộ, an ninh quốc phòng.

- Giữ gìn an ninh, bảo vệ an ninh, thiết lập an ninh, củng cố an ninh.

Câu 3 (trang 59 SGK Tiếng Việt 5): Hãy sắp xếp những từ sau đây vào nhóm thích hợp: công an, đồn biên phòng, tòa án, xét xử, bảo mật, cảnh giác, cơ quan an ninh, giữ bí mật, thẩm phán.

a) Chỉ người, cơ quan, tổ chức thực hiện công việc bảo vệ trật tự, an ninh.

b) Chỉ hoạt động bảo vệ trật tự, an ninh hoặc yêu cầu của việc bảo vệ trật tự, an ninh.

Trả lời:

a) Công an, đồn biên phòng, tòa án, cơ quan an ninh, thẩm phán.

b) Xét xử, bảo mật, cảnh giác, giữ bí mật.

Câu 4 (trang 59 SGK Tiếng Việt 5): Đọc bản hướng dẫn sau và tìm các từ ngữ chỉ các việc làm, các cơ quan, tổ chức và những người có thể giúp em tự bảo vệ khi cha mạ em không có ở bên.

a) Để bảo vệ an toàn cho mình, em cần nhớ số điện thoại của cha mẹ và địa chỉ, số điện thoại của ông bà, chú bác, người thân để báo tin.

b) Nếu thấy kẻ khác đe dọa, hành hung hoặc thấy cháy nhà, tai nạn em cần phải:

- Khẩn cấp gọi số điện thoại 113 hoặc 114, 115 để báo tin.

- Kêu lớn để những người xung quanh biết.

- Nhanh chóng chạy đến nhà hàng xóm, bạn bè, nhà hàng, cửa hiệu, trường học, đồn công an.

c) Khi đi chơi, đi học, em cần:

- Đi theo nhóm, tránh chỗ tối, tránh nơi vắng vẻ, để ý nhìn xung quanh.

- Không mang đồ đạc trang sức hoặc vật đắt tiền.

d) Khi ở nhà một mình, em phải khóa cửa, không cho người lạ biết em chỉ có một mình và không để người lạ vào nhà.

                                                       Theo GIA KÍNH

Trả lời:

a) Nhớ số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ, số điện thoại của người thân để báo tin.

b) - Khẩn cấp gọi 113, 114, 115.

- Kêu lớn báo cho mọi người xung quanh.

- Nhanh chóng chạy đến nhà hàng xóm, bạn bè,… đồn công an.

c) - Đi theo nhóm, tránh chỗ tối, nơi vắng vẻ.

- Không mang đồ trang sức.

d) - Ở nhà một mình phải khóa cửa, không cho người lạ vào nhà.



Soạn bài: Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia

Câu 1 (trang 60 SGK Tiếng Việt 5): Hãy kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường mà em biết hoặc được tham gia.

Trả lời:

Gợi ý:

1. Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ trật tự, an ninh:

Tuần tra, bắt trộm, cướp.

- Giữ gìn trật tự giao thông.

- Bảo vệ cầu, đường.

- Dẫn cụ già và em nhỏ qua đường.

- Tổ chức tuyên truyền về bảo vệ trật tự, an ninh.

- Tổ chức tuyên truyền về giữ gìn an toàn giao thông.

- Thăm các đơn vị bộ đội, công an.

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

- Trong gia đình (ông bà, cha mẹ, cô bác, anh em,...).

- Ở trường (thầy cô, bạn bè, anh chị phụ trách).

- Ở làng xóm, khu phố.

- Ở nơi công cộng (trên đường, cửa hàng, bến xe, bưu điện,...).

- Hoặc ở việc làm của chính em.

3. Kể như thế nào?

a) Yêu cầu: Kể một câu chuyện cụ thể (diễn ra trong một thời gian xác định, ở một địa điểm xác định).

b) Trình tự kể:

- Giới thiệu câu chuyện.

- Thuật lại nội dung câu chuyện:

+ Câu chuyện bắt đầu như thế nào?

+ Diễn biến câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến nội dung bảo vệ trật tự, an ninh.)

4. Nêu suy nghĩ của em về hành động của nhân vật trong câu chuyện.




Soạn bài: Tập đọc: Hộp thư mật

Nội dung chính

Bài đọc nói về câu chuyện hộp thư mật, một cách liên lạc giữa các cán bộ, bộ đội của ta thời xưa. Hộp thư được giấu cẩn thận, luôn đánh dấu bằng chữ V, cho thấy lòng yêu nước, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ.

Câu 1 (trang 63 SGK Tiếng Việt 5): Người liên lạc ngụy trang hộp thư mật khéo léo như thế nào?

Trả lời:

Người liên lạc ngụy trang hộp thư mật trong hộp thuốc đánh răng, đặt dưới một hòn đá đẹp được chỉ dẫn bởi một hòn đá có hình chữ V, theo hướng mũi tên nằm sau cột cây số ven đường, giữa cánh đồng vắng.

Câu 2 (trang 63 SGK Tiếng Việt 5): Qua những vật có hình chữ V, người liên lạc muốn nhắn nhủ chú Hai Long điều gì ?

Trả lời:

Người liên lạc muốn nhắn gửi chú Hai Long tình yêu Tổ quốc và lời chúc mừng thắng lợi.

Câu 3 (trang 63 SGK Tiếng Việt 5): Nêu cách lấy thư và gửi báo cáo của chú Hai Long. Vì sao chú làm như vậy ?

Trả lời:

Chú Hai Long lấy thư và gửi báo cáo rất kín đáo. Nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người khác, chú vờ như xe bị hư phải tháo bu-gi, quan sát trước sau, một tay cầm bu-gi, một tay bẩy nhẹ hòn đá lấy thông tin và gửi báo cáo vào hộp thuốc đánh răng rồi đặt lại chỗ cũ, lắp bu-gi, khởi động xe làm như vừa sửa xong.

Câu 4 (trang 63 SGK Tiếng Việt 5): Hoạt động trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ?

Trả lời:

Hoạt động trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ta có được những thông tin mật của giặc để kịp thời ngăn chặn, đối phó và nhanh chóng giành thắng lợi.



Soạn bài: Tập làm văn: Ôn tập về tả đồ vật

Câu 1 (trang 63 SGK Tiếng Việt 5): Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới :

Cái áo của ba

Tôi có một người bạn đồng hành quý báu từ ngày tôi còn là đứa bé 11 tuổi. Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa.

Chiếc áo sờn vai của ba dưới bàn tay vén khéo của mẹ đã trở thành cái áo xinh xinh, trông rất oách của tôi. Những đường khâu đều đặn như khâu máy, thoáng nhìn qua khó mà biết được đó chỉ là một cái áo may tay. Hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh. Cái cổ áo như hai cái lá non trông thật dễ thương. Mẹ còn may cả cái cầu vai y hệt như chiếc áo quân phục thực sự. Cái măng sét ôm khít lấy cổ tay tôi. Khi cần tôi có thể mở khuy và xắn tay áo lên gọn gàng. Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba… Lúc tôi mặc đến trường, các bạn và cô giáo đều gọi tôi là "chú bộ đội". Có bạn hỏi: "Cậu có cái áo thích thật! Mua ở đâu thế?" "Mẹ tớ may đấy!" - Tôi hãnh diện trả lời.

Ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới, chưa kịp thấy tôi chững chạc như một anh lính tí hon trong cái áo mẹ chữa lại từ chiếc áo quân phục cũ của ba.

Mấy chục năm đã qua, chiếc áo còn nguyên như ngày nào mặc dù cuộc sống của chúng tôi đã có nhiều thay đổi. Chiếc áo đã trở thành kỉ vật thiêng liêng của tôi và cả gia đình tôi.

                                                  PHẠM HẢI LÊ CHÂU

a) Tìm các phần mở bài, thân bài, kết bài.

b) Tìm các hình ảnh so sánh và nhân hóa trong bài văn.

Trả lời:

a) - Mở bài: Tôi có một… màu cỏ úa.

- Thân bài: Chiếc áo sờn vai… quân phục cũ của ba.

- Kết bài: Mấy chục năm… cả gia đình tôi.

b) Các hình ảnh so sánh và nhân hóa trong bài văn:

- Hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh. Cái cổ áo như hai cái lá non.

- Mẹ còn may cả cái cầu vai y hệt như chiếc áo quân phục.

- Gọn gàng như một chú bộ đội.

- Chững chạc như một anh lính tí hon.

- Như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi.

- Như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba.

Câu 2 (trang 64 SGK Tiếng Việt 5): Viết một đoạn văn khoảng 5 câu tả hình dáng hoặc công dụng của một đồ vật gần gũi với em.

Trả lời:

Từ ba năm nay, cây bút máy Hồng Hà đã trở thành người bạn thân thiết với em. Vỏ bút màu nâu bóng, được làm bằng nhựa và có viền các khoen kim loại. Nắp bút bằng kim loại mạ kền bóng loáng. Lấy nắp bút ra là thấy ngay ngòi bút nhọn hoắt bằng kim loại sáng trắng nhưng viết rất êm tay. Cây bút của em thật là đẹp.



Soạn bài: Luyện từ và câu: Nối các vế câu ghép bằng cặp từ hô ứng

Câu 1 (trang 64 SGK Tiếng Việt 5): Tìm các vế câu trong mỗi câu ghép dưới đây. Xác định chủ ngữ, vị ngữ của mỗi vế câu:

a) Buổi chiều, nắng vừa nhạt, sương đã buông nhanh xuống mặt biển.

                                       THI SẢNH

b) Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy.

                            NGUYỄN PHAN HÁCH

Trả lời:

a) Vế 1: Nắng (chủ ngữ), vừa nhạt (vị ngữ).

Vế 2: Sương (chủ ngữ), đã buông nhanh xuống mặt biển (vị ngữ).

b) Vế 1: Chúng tôi (chủ ngữ), đi đến đâu (vị ngữ).

Vế 2: Rừng (chủ ngữ), rào rào chuyển động đến đấy (vị ngữ).

Câu 2 - Nhận xét (trang 65 SGK Tiếng Việt 5): Các từ in đậm trong hai câu ghép trên được dùng làm gì? Nếu lược bỏ những từ ấy thì quan hệ giữa các vế câu có gì thay đổi?

Trả lời:

Các từ in đậm được dùng để nối hai vế trong câu ghép. Nếu lược bỏ những từ ấy thì quan hệ giữa các vế câu không chặt chẽ; đôi khi câu văn trở nên không hoàn chỉnh.

Câu 3 (trang 65 SGK Tiếng Việt 5):Tìm những từ có thể thay thế cho các từ in đậm trong hai câu ghép đã dẫn.

Trả lời:

a. mới... đã..., chưa... đã..., vừa... vừa..., càng... càng...

b. chỗ nào... chỗ ấy...

Câu 1 (trang 65 SGK Tiếng Việt 5): Trong những câu ghép dưới đây, các vế câu được nối với nhau bằng những từ nào?

a) Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi.

                                THẠCH LAM

b) Chiếc xe ngựa vừa đậu lại, tôi đã nghe tiếng ông từ trong nhà vọng ra.

                             NGUYỄN QUANG SÁNG

c) Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ.

                                  TRẦN HOÀI DƯƠNG

Trả lời:

Các vế câu được nối với nhau bằng những từ:

a) …chưa… đã…

b) …vừa… đã…

c) …càng… càng…

Câu 2 - Luyện tập (trang 65 SGK Tiếng Việt 5): Tìm các cặp từ hô ứng thích hợp với mỗi chỗ trống:

Trả lời:

a) Mưa càng to, gió càng thổi mạnh.

b) Trời vừa hửng sáng, nông dân đã ra đồng.

c) Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu.



Soạn bài: Tập làm văn: Ôn tập về tả đồ vật

Câu 1 (trang 66 SGK Tiếng Việt 5): Lập dàn ý miêu tả một trong các đồ vật sau đây:

a) Quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai.

b) Cái đồng hồ báo thức.

c) Một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.

d) Một đồ vật hoặc một món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

e) Một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.

Trả lời:

Dàn bài: Tả quyển sách Tiếng Việt 5 tập hai.

a) Mở bài:

- Giới thiệu quyển sách Tiếng Việt 5 tập 2.

- Trong bộ sách giáo khoa lớp 5 của em.

b) Thân bài:

- Tả bao quát:

+ Sách hình chữ nhật, kích thước 18cm x 24 cm, dày 176 trang.

- Tả từng bộ phận:

+ Bìa làm bằng giấy cứng, láng, in hình các bạn đội viên với chiếc khăn quàng đỏ thắm và bộ đồng phục học sinh đang ngồi cùng nhau tìm hiểu về quê hương đẹp xinh.

+ Bên trong các bài học sắp xếp theo tuần, xoay quanh năm chủ điểm: Người nông dân, Vì cuộc sống thanh bình, Nhớ nguồn, Nam và nữ, Những chủ nhân tương lai.

+ Các môn học trong tuần gồm Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện và Tập làm văn. Các phần ghi nhớ được đóng khung với nền màu xanh biển gây được sự chú ý nhất định.

+ Trước mỗi chủ điểm đều giành hẳn một trang minh họa cho chủ điểm đó. Mỗi bài học lại thường có hình minh họa rõ ràng, màu sắc đẹp, hấp dẫn, thu hút sự chú ý, làm cho bài học dễ hiểu hơn.

- Công dụng:

+ Quyển sách Tiếng Việt 5 tập hai sẽ theo em suốt học kì cuối của năm học, những kiến thức mới trong đó sẽ mở mang thêm trí óc non nớt của chúng em.

+ Mỗi bài tập đọc, mỗi bài kể chuyện… lại đem đến cho chúng em những bài học bổ ích, dạy chúng em cách sống sao cho hữu ích.

+ Không chỉ quyển sách Tiếng Việt 5 tập hai, cả bộ sách giáo khoa lớp Năm, rất cần thiết và quan trọng đối với chúng em. Chúng không những hỗ trợ nhau trong việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức toàn diện cho chúng em mà còn góp phần khơi gợi, hình thành ở chúng em nhân cách tốt.

Câu 2 (trang 66 SGK Tiếng Việt 5): Tập nói trong nhóm, nói trước lớp theo dàn ý đã lập:

Trả lời:

- Giới thiệu đồ vật.

- Miêu tả đồ vật.

- Nêu cảm nghĩ đối với đồ vật.


Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức