Tiếng Việt 4 tuần 22 vẻ đẹp muôn màu

TIẾNG VIỆT LỚP 4

Tuần 22: Vẻ đẹp muôn màu
Soạn bài: Tập đọc: Sầu riêng
Bài đọc
Sầu riêng

Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kì lạ.

Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy, li ti giữa những cánh hoa. Mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến. Mùa trái rộ vào tháng tư, tháng năm ta.

Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại, tưởng như lá héo. Vậy mà khi trái chín, hương tỏa ngạt ngào, vị ngọt đến đam mê.

MAI VĂN TẠO
Nội dung chính

Bài đọc giới thiệu về trái sầu riêng. Đây là một trái cây quý của miền Nam, có hương vị đặc biệt. Sầu riêng ra hoa vào cuối năm, đậu quả vào tháng năm âm lịch năm sau. Cây sầu riêng khẳng khiu, lá nhỏ như lá héo, nhưng quả thì thơm ngon hấp dẫn lạ kì.

Câu 1 (trang 35 SGK Tiếng Việt 4) : Sầu riêng là đặc sản của vùng nào?

Trả lời:

Sầu riêng là một loại trái cây quý hiếm, đặc sản của miền Nam. Nhiều nhất là vùng miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Câu 2 (trang 35 sgk Tiếng Việt 4) : Dựa vào bài văn hãy miêu tả những nét đặc sắc của: Hoa sầu riêng, quả sầu riêng, dáng cây sầu riêng.

Trả lời:

Những nét đặc sắc của:

+ Hoa sầu riêng: Trổ vào cuối năm, hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi, hoa kết từng chùm, màu tím ngắt, cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa.

+ Quả sầu riêng: lủng lẳng dưới cành trông như tổ kiến, mùi thơm đậm, bay xa, lan tỏa trong không khí. Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng đã ngửi thấy mùi hương ngào ngạt. Thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn, vị ngọt đến đam mê.

+ Dáng cây sầu riêng: Thân khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột. Lá nhỏ xanh vàng hơi khép lại tưởng như lá héo.

Câu 3 (trang 35 sgk Tiếng Việt 4) : Tìm những câu văn thể hiện tình cảm của tác giả đối với cây sầu riêng.

Trả lời:

- Đó là những câu: "Sầu riêng là loại trái quý. Hương vị quyến rũ đến kì lạ". Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về dáng cây kì lạ này". "Vậy mà khi trái chín, hương tỏa ngạt ngào, vị ngọt đến đam mê."

Soạn bài: Chính tả (Nghe - viết): Sầu riêng

Câu 1 (trang 35 sgk Tiếng Việt 4) : Nghe - viết bài "Sầu riêng" (từ "Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm... tháng năm ta").

Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa. Mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến. Mùa trái rộ vào dạo tháng tư, tháng năm ta.

Câu 2 (trang 35 sgk Tiếng Việt 4) :
Điền vào chỗ trống.

a) l hay n?

Bé Minh ngã sóng soài
    Đứng dậy nhìn sau trước
Có ai mà hay biết
       ......ên bé ........ào thấy đau!
Tối mẹ về xuýt xoa
       Bé òa ......ên ........ức .........ở
Vết ngã giờ sực nhớ
       Mẹ thương thì mới đau.

Theo Vũ Duy Chu


Trả lời:
Em điền như sau:

a)                    Bé Minh ngã sóng soài
    Đứng dậy nhìn sau trước
Có ai mà hay biết
       Nên bé nào thấy đau!
Tối mẹ về xuýt xoa
       Bé òa lên nức n
Vết ngã giờ sực nhớ
       Mẹ thương thì mới đau.

Theo Vũ Duy Chu




b) Út hay úc?

Con đò lá tr..... qua sông
Trái mơ tròn trĩnh, quả bòng đung đưa
B....... nghiêng, lất phất hạt mưa
B.... chao, gợn nước Tây Hồ lăn tăn.

Theo Hồ Minh Hà

b)
- Con đò lá trúc qua sông.
Trái mơ tròn trĩnh, quả bòng đung đưa.
- Bút nghiêng, lất phất hạt mưa

- Bút chao gợn nước Tây Hồ lăn tăn.

Câu 3 (trang 36 sgk Tiếng Việt 4) : Chọn tiếng thích hợp trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh đoạn văn đã cho.

Cuộc sống quanh ta thật đẹp. Có cái đẹp của đất trời: (Nắng/lắng) chan hòa như rót mật xuống quê hương, khóm (trúc/trút) xanh rì rào trong gió sớm, những bông (cúc/cút) vàng (lóng lánh/nóng nánh) sương mai. Có cái đẹp do bàn tay con người tạo (nên/lên) : những mái chùa cong (vút/vúc), những bức tranh rực rỡ sắc màu, những bài ca (láo lức/náo nức) lòng người,... Nhưng đẹp nhất vẫn là vẻ đẹp của tâm hồn. Chỉ những người biết sống đẹp mới có khả năng thưởng thức cái đẹp và tô điểm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Trả lời:

Em điền như sau: nắng; trúc; cúc; lóng lánh; nên; vút; náo nức.    

Soạn bài: Luyện từ và câu: Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào?


I. Nhận xét

1. Tìm các câu kể "Ai thế nào?" trong đoạn văn sau:

Ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Cả một vùng bát ngát cờ, đèn và hoa. Những dòng người từ khắp các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình. Các cụ già vẻ mặt nghiêm trang. Những cô gái thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ.

Theo Võ Nguyên Giáp


Trả lời:
Các câu kể Ai thế nào?
-   Hà Nội tưng bừng màu đỏ.
-  Cả một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa.
-   Các cụ già vẻ mặt nghiêm trang.
-  Những cô gái thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ.

2. Xác định chủ ngữ của những câu vừa làm:

Trả lời:
-  Hà Nội             -  Cả một vùng trời
-  Các cụ già      -  Những cô gái thủ đô

3. Chủ ngữ trong các câu trên biểu thị nội dung gì? Chúng do các từ ngữ nào tạo thành?

Trả lời:
Chủ ngữ trong các câu trên chỉ những sự vật có đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái được nêu ở vị ngữ.

Chúng do danh từ riêng và các cụm danh từ tạo thành. 

II. Luyện tập

1. Tìm chủ ngữ của các câu kể "Ai thế nào?" trong đoạn văn dưới đây.

  Ôi chào! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như sợi giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cánh khẽ rung rung như còn đang phân vân.
Nguyễn Thế Hội

Trả lời:
Ghi lại những câu kể Ai thế nào? có trong đoạn văn. Gạch dưới chủ ngữ của từng câu :
 -  Màu vàng trên lưng chú lấp lánh.
 -  Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng.
 - Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh.
 - Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu.
 - Bốn cánh khẽ rung rung như còn đang phân vân.

2. Viết một đoạn độ 5 câu về một loại trái cây mà em thích, trong đoạn văn có dùng một số câu kể Ai thế nào?

Trả lời: 
Vải thiều là một loại trái cây ngon. Quả vải sai từng chùm. Khi chín, vỏ có màu vàng pha đỏ. Vỏ quả vải xù xì. Cơm vải trong và dày. Cái hột vải thiều bé như hạt đậu phộng. Vải thiều có vị ngọt sắc như có pha mật ong, ai ăn cũng phải khen ngon.


Soạn bài: Kể chuyện: Con vịt xấu xí

Câu 1 (trang 37 sgk Tiếng Việt 4) : Sắp xếp lại các tranh vẽ cho đúng với cốt truyện Con vịt xấu xí.

Trả lời:

Thứ tự sắp xếp tranh theo đúng câu chuyện là: Tranh 2 - Tranh 1 - Tranh 3 - Tranh 4

Câu 2 (trang 37 sgk Tiếng Việt 4) : Dựa vào tranh kể lại từng đoạn câu chuyện:

Trả lời:

       1. Sắp đến mùa đông, vợ chồng thiên nga đưa con tới phương Nam tránh rét, nhưng vì một đứa con quá nhỏ khiến họ phải dừng chân nghỉ lại ven đường. Hai vợ chồng nhờ cô vịt chăm sóc giùm thiên nga con và hứa sang năm sẽ quay lại đón con.

       2. Cô vịt đồng ý để thiên nga con ở lại cùng đàn vịt. Vịt mẹ bận rộn với việc kiếm ăn, thiên nga con chỉ có thể chơi cùng với những chú vịt con nhưng điều đó khiến chú thật sự buồn. Bởi hình dáng không giống những chú vịt nên thiên nga bị các bạn hắt hủi, bắt nạt, chúng cho rằng thiên nga là một con vịt xấu xí và vô tích sự.

       3. Một năm sau thiên nga được bố mẹ quay lại đón. Gia đình đoàn tụ trong niềm hạnh phúc mừng rỡ. Thiên nga con đã quên hết mọi chuyện buồn tủi trước kia, nó chạy đến cảm ơn vịt mẹ và bịn rịn chia tay với các bạn vịt con để cùng bố mẹ bay tới những chân trời tươi đẹp.

      4. Lúc ấy, đàn vịt con mới hiểu con vịt xấu xí mà chúng thường ghét bỏ chính là thiên nga, loài chim đẹp nhất trong vương quốc họ nhà chim. Chúng đã hối hận về cách cư xử của mình.


Câu 3 (trang 37 sgk Tiếng Việt 4) : 
Kể lại toàn bộ câu chuyện

Bài làm:
     Sắp đến mùa đông lạnh giá, vợ chồng thiên nga cùng đứa con bé bỏng bay về phương Nam tránh rét. Vì đứa con quá nhỏ và yếu ớt nên chúng phải dừng chân nghỉ ở dọc đường, ở chỗ nghỉ chân ấy, chúng gặp một cô vịt chuẩn bị cho đàn con xuống ổ. Hai vợ chồng nhờ cô vịt chăm sóc giùm thiên nga con và hứa sang năm sẽ quay lại đón con.

       Cô vịt đồng ý, thiên nga con ở lại cùng đàn vịt. Nó buồn lắm vì không có ai bầu bạn. Vịt mẹ thì bận bịu suốt ngày vì phải kiếm ăn, chăm cả đàn vịt con cùng thiên nga bé bỏng. Đàn vịt con ấy, luôn tìm cách chành chọc, hắt hủi, bắt nạt thiên nga. Trong mắt chúng, thiên nga con là một con vịt xấu xí, vô tích sự. Chúng nhìn cái cổ dài ngoẵng và thân hình gầy guộc của thiên nga tỏ vẻ xem thường.

        Một năm sau, thiên nga được bố và mẹ quay lại đón tìm. Gặp lại con, cả bố và mẹ thiên nga vô cùng sung sướng vì con mình đã lớn khôn. Thiên nga gặp lại bố mẹ cũng vô cùng mừng rỡ. Nó đã quên những ngày tháng cô đơn, buồn tẻ, quên cả cách cư xử không mấy thân thiện của đàn vịt con. Nó chạy đến cảm ơn vịt mẹ và bịn rịn chia tay cùng các bạn vịt con để lên đường cùng bố mẹ. Thiên nga đã cùng bố mẹ bay đến những chân trời xa tươi đẹp.

       Lúc ấy, đàn vịt con đã hiểu được con vịt xấu xí mà chúng thường ghét bỏ chính là thiên nga, loài chim đẹp nhất trong vương quốc họ nhà chim. Chúng đã hối hận về cách cư xử của mình.

Câu 4 (trang 37 sgk Tiếng Việt 4) : Câu chuyện này khuyên em điều gì?

Trả lời

  Mỗi người đều có giá trị của riêng mình thay vì bắt nạt, hắt hủi người khác thì nên biết sống yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh mình.

Soạn bài: Tập đọc: Chợ Tết


Chợ Tết
  (trích)
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Đoàn Văn Cừ

Nội dung chính

Bài thơ miêu tả cảnh chợ Tết ngày xưa. Người đi chợ Tết ai cũng vui vẻ, từ cụ già cho tới các cô thiếu nữ, trẻ con, người mua kẻ bán tấp nập trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đậm sắc xuân.

Câu 1 (trang 39 sgk Tiếng Việt 4) : Người các ấp đi chợ Tết trong khung cảnh đẹp như thế nào?

Trả lời:

Người các ấp đi chợ Tết trong một khung cảnh thật đẹp, thật tươi vui: Mặt trời lên làm ửng hồng những dải mây trắng và những làn sương sớm. Đồi núi cũng làm duyên uốn mình trong chiếc áo the xanh. Những giọt sương đầu cành như những giọt sữa thỉnh thoảng rỏ xuống. Những tia nắng thì nháy hoài trong ruộng lúa. Còn những quả đồi thì như được thoa son phơi mình dưới ánh bình minh.


Câu 2 (trang 39 sgk Tiếng Việt 4) : Mỗi người đến với chợ Tết với dáng vẻ ra sao?

Trả lời:

Mỗi người đến với chợ Tết với những dáng vẻ khác nhau:

- Những thằng cu áo đỏ thì chạy lon xon.

- Các cụ già chống gậy bước lom khom.

- Các cô gái lặng lẽ che môi cười.

- Em bé thì nép đầu bên yếm mẹ.

- Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.

- Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

Câu 3 (trang 39 sgk Tiếng Việt 4) : Bên cạnh dáng vẻ riêng, những người đi chợ Tết có điểm gì chung?

Trả lời:

Đó là: Tâm trạng vui vẻ, náo nức đi chợ Tết.

Câu 4 (trang 39 sgk Tiếng Việt 4) : Bài thơ là một bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết. Em hãy tìm những từ ngữ đã tạo nên bức tranh giàu màu sắc ấy?

Trả lời:

Đó là những từ ngữ: mây trắng, đỏ dần; sương hồng lam, viền trắng, đồi xanh, cỏ biếc, đỏ, yếm thắm, bò vàng, sương trắng, tia nắng tía, áo the xanh, đồi thoa son. 


Câu 2 (trang 40 sgk Tiếng Việt 4) : 
Quan sát một cây mà em thích:

Bài làm:

Trong miếng đất nhỏ ngay trước cửa nhà em, em có trồng một khóm hoa hồng.

   Thân cây hồng nhỏ, thấp, chia làm nhiều cành, nhánh mảnh mai. Lá hồng nhỏ, màu xanh thẫm, có răng cưa viền quanh mép lá. Ở thân và cành mọc ra những chiếc gai ngắn nhưng nhọn sắc. Hồng thường nhú nụ ở đầu cành. Nụ hoa lúc đầu có màu xanh nhạt và chỉ bé bằng cái hạt chanh. Nụ hoa lớn dần lên và hé nở để lộ ra màu đỏ của cánh hoa. Khi hoa đã nở bung, những cánh hoa đỏ thắm xếp chồng lên nhau. Giữa hoa có nhị hoa màu vàng. Buổi sáng sớm, khi ngắm những bông hoa còn long lanh một vài giọt sương đêm, thì em thích thú vô cùng. Từ những cánh hồng, một mùi thơm dịu nhẹ bay ra thơm ngát.

     Em đã chăm sóc cây hồng thật cẩn thận. Em lấy que tre rào gốc lại để gà khỏi phá cây. Hằng ngày em tưới đủ nước mát để cây luôn tươi tốt và cho nhiều hoa đẹp.  

Soạn bài: Tập làm văn: Luyện tập quan sát cây cối

Câu 1 (trang 39 sgk Tiếng Việt 4) : Đọc lại ba bài văn tả cây cối mới học ( Sầu riêng, Bãi ngô, Cây gạo) và nhận xét:

a) Tác giả mỗi bài văn quan sát cây theo trình tự như thế nào ? 

Trả lời:

 Đối với bài "Sầu riêng" tác giả đã tả bao quát cây sầu riêng và những đặc sắc của nó về hương, về vị. Tiếp đó tác giả tả hoa, trái sầu riêng. Cuối cùng mới tả thân, cành, lá sầu riêng.

Đối với bài "Bãi ngô", tác giả quan sát cây gạo vào thời điểm cây ra hoa. Tiếp đó tả cây gạo khi hoa tàn. Cuối cùng, tác giả tả cây gạo vừa lúc quả chín.

Đối với bài Cây gạo, tác giả quan sát mùa cây gạo trổ hoa, rồi các cánh hoa rụng dần và cuối cùng những quả gạo xuất hiện cho tới lúc quả tách vỏ để các múi bông trắng nỗ ra.

b) Các tác giả quan sát cây bằng những giác quan nào?

Trả lời

 Các tác giả quan sát trước hết bằng thị giác (nhìn ngắm).  Quan sát cây cối hoa trái bằng khứu giác (ngửi mùi thơm) và vị giác (cảm nhận vị ngon, bùi, béo khi ăn).

c) Chỉ ra những hình ảnh so sánh và nhân hoá mà em thích. Theo em, các hình ảnh so sánh và nhân hoá này có tác dụng gì ?

Trả lời:

- Các hình ảnh so sánh:

- Mới ngày nào những cây ngô còn lấm tấm như mạ non.

- Hoa ngô xơ xác như cỏ may.

... Những cánh hoa đỏ rực quay tít như chong chóng,...

... Những quả gạo múp míp, hai đầu thon vút như con thoi,… những mảnh vỏ tách ra cho các múi bông nở đều, chín như nồi cơm chín đội vung mà cười,...

Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn.

Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi,...

Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con,...

Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến.

- Các hình ảnh nhân hóa:

- Núp trong cuống lá, những búp ngô non nhú lên và lớn dần. Mình có nhiều khía vàng vàng và những sợi tơ hung hung bọc trong làn áo mỏng óng ánh.

- Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im cao lớn, hiền lành...

Những hình ảnh so sánh và nhân hóa trên đây làm cho cách miêu tả trở nên sinh động hơn, giúp người đọc hình dung ra sự vật một cách cụ thể hơn và lời miêu tả cũng trở nên truyền cảm, hấp dẫn hơn.

Nói tóm lại, các hình ảnh so sánh và nhân hóa làm cho bài văn hay hơn, có giá trị nghệ thuật cao hơn.

d) Trong ba bài trên, bài nào miêu tả một loài cây, bài nào miêu tả một cây cụ thể.

Trả lời:

  Trong ba bài trên, bài Bãi ngô và bài Sầu riêng miêu tả một loài cây. Bài Cây gạo miêu tả một cây cụ thể.

e) Theo em, miêu tả một loài cây có điểm gì giống và khác với miêu tả một cây cụ thể?

Trả lời:

  Miêu tả một loài cây có điểm giống và cũng có điểm khác với miêu tả một cây cụ thể:

- Điểm giống nhau là: Khi tả một cây cụ thể cũng phải nắm vững thời điểm trổ bông, ra trái của các loài cây đó. Một cây cụ thể cũng mang đặc điểm của cả loài cây về hình dáng, kích thước, về màu lá, sắc hoa..

Điểm khác nhau là: Khi tả một loài cây thì người ta thường chú ý đến việc miêu tả giới thiệu sự phát triển của loài cây đó. Người ta cũng cần chú ý đến các đặc điểm chung và lợi ích mà loài cây đó mang lại.

Khi tả một cây cụ thể, người ta đặc biệt chú ý đến vị trí riêng biệt mà nó mọc, hình dáng cụ thể của nó và những nét riêng mà các cây khác cùng loài không hẳn có.


Soạn bài: Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Cái đẹp

Câu 1 (trang 40 sgk Tiếng Việt 4) :

Tìm các từ:


a) Thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người.


b) Thể hiện nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của con người.


Trả lời:

a) Vẻ đẹp bên ngoài của con người: 

- Xinh đẹp, duyên dáng, thon thả, cân đối, lộng lẫy, thướt tha, kiều diễm, xinh xắn, rực rỡ...

b) Vẻ đẹp bên trong của con người: 

- Thùy mị, dịu dàng, nết na, đằm thắm, đôn hậu, tế nhị, lịch sự, chân thành, tình cảm, vị tha, độ lượng, dũng cảm, thẳng thắn...

Câu 2 (trang 40 sgk Tiếng Việt 4) :

Tìm các từ:


a) Chỉ dùng để thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật.


b) Dùng để thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật, con người.


Trả lời:

a) Chỉ dùng để thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật: 

- tươi đẹp, huy hoàng, tráng lệ, diễm lệ, hùng vĩ, kì vĩ, hoành tráng

b) Dùng để thể hiện vẻ đẹp của cả thiên nhiên, cảnh vật và con người:

- xinh xắn, xinh đẹp, lộng lẫy, rực rỡ, duyên dáng, thướt tha


Câu 3 (trang 40 sgk Tiếng Việt 4) : Đặt câu với một từ vừa tìm được ở bài tập 1 hoặc 2:

Trả lời:

Em có thể đặt câu như sau:

- Núi rừng Tây Bắc thật hùng vĩ.

- Chị gái em rất dịu dàng, thùy mị.

- Bạn Nam thật dũng cảm.

- Hoa hướng dương khoe sắc vàng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời.

- Buổi tối, từ trên nóc nhà cao tầng nhìn xuống, quang cảnh Thành phố Hồ Chí Minh thật là tráng lệ.


Câu 4 (trang 40 sgk Tiếng Việt 4) : Điền các thành ngữ hoặc cụm từ ở cột A vào những chỗ thích hợp ở cột B 

Cột A:
- đẹp người, đẹp nết 
- mặt tươi như hoa 
- chữ như gà bới

Cột B
-  ........................., em mỉm cười chào mọi người.

- Ai cũng khen chị Ba.........................

- Ai viết cẩu thả chắc chắn..................


Trả lời:

-  Mặt tươi như hoa, em mỉm cười chào mọi người.

-  Ai cũng khen chị Ba đẹp người, đẹp nết.

-  Ai viết cẩu thả chắc chắn chữ như gà bới.

Soạn bài: Tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối

Câu 1 (trang 41 sgk Tiếng Việt 4) : Đọc và nhận xét các đoạn văn tả thân, gốc một số loài cây. Theo em cách tả của tác giả trong mỗi đoạn văn có gì đáng chú ý.

      a) Tả lá cây
Lá bàng
Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trong như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.
Đoàn Giỏi

Trả lời:

 Đoạn văn tả lá bàng của Đoàn Giỏi Tác giả đã miêu tả màu sắc của lá bằng biến đổi theo từng thời kì: mùa xuân lá bàng mới nảy trông theo như những ngọn lửa xanh. Mùa hè, lá lên thật dày mang màu xanh ngọc bích. Mùa thu lá chuyển sang màu lục. Mùa đông, khi sắp rụng lá bàng chuyển sang màu đồng hun.


Đọc thêm
Bàng thay lá
Chỉ vài hôm, lộc non đã tràn đầy trên bàn tay mùa đông của cây bàng. Dáng mọc  của lộc rất lạ, thẳng đứng trên cành, như thể đêm qua có ai đã thả ngàn vạn búp lá nhỏ xíu từ trên trời, xanh biếc chi chít đầy cành và xoay thành những tán tròn quanh thân cây. Lá non lớn nhanh, đứng thẳng và cao chừng gang tay, cuộn tròn như những chiếc tai thỏ. Khi những tai thỏ xòe ra thành vài ba chiếc lá nhỏ, cây bàng nảy thêm một lứa lộc lần thứ hai màu đỏ đọt giữa những chùm lá; tán bàng bây giờ là một màu áo lục non lỗ đỗ những vệt hoa hồng thắm. Chỉ trong vòng mươi hôm từ khi nảy lộc, nhìn lại thấy lá đã già trên thân cây đầy những hốc bướu cổ quái, tưởng vẫn y như thế từ trăm năm. Ai ngờ trên thân thể đại lão của nó là một linh hồn rất trẻ, bởi không còn một chiếc lá nào năm ngoái còn sót lại trên cây.

Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường

Trả lời
 Đoạn văn: tả bàng thay lá của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tác giả chọn thời kì bàng thay lá với sự xuất hiện của lộc non và phát triển thành búp lá với những giai đoạn phát triển khác nhau. Sau đó lại tả tiếp sự xuất hiện của lứa lộc thứ hai. Lứa lộc này màu đỏ đọt. (Khi miêu tả, tác giả luôn chú trọng sử dụng các từ ngữ so sánh).

b) Tả thân cây và gốc cây

Cây sồi già
Bên vệ đường, sừng sững một cây sồi. Đó là một cây sồi lớn, hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy vết sẹo. Với những cánh tay to xù xì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một con quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười.

Bấy giờ đã đầu tháng sáu. Mới sau có một tháng, cây sồi già đã thay đổi hẳn, tỏa rộng thành vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang say sưa ngây ngất, khẽ đung đưa trong nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu trước kia. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỉ, những khóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được chính cây sồi già cằn cỗi kia đã sinh ra chùm lá non xanh mơn mởn ấy.
Thep Lép Tôn-xtôi


Trả lời:

 Đoạn văn tả cây sồi già của Lép-tôn-xtôi . Tác giả chọn thời điểm từ mùa đông sang mùa hè với sự thay đổi của cây sồi: từ nứt nẻ đầy sẹo, già cỗi chuyển thành một cây sồi có một sức sống mới: vòm lá xum xuê tỏa rộng. Ngoài những hình ảnh so sánh, tác giả còn sử dụng biện pháp nhân hóa tạo cho đoạn văn sinh động cuốn hút người đọc.

Đọc thêm
Cây tre
Thân tre vừa tròn lại vừa gai góc. Trên thân cây tua tủa những vòi xanh ngỡ như những cánh tay vươn dài. Dưới gốc chi chít những búp măng non. Búp thì mới nhô khỏi mặt đất, búp thì cao ngang ngực em, búp vượt quá đầu em… Em cứ nghĩ những búp măng ấy chính là những đứa con thân yêu của tre năm  năm tháng tháng được mẹ chăm chút, ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành trong bóng mát yêu thương.

      BÙI NGỌC SƠN    



Trả lời:

 Đoạn văn tả cây tre của Bùi Ngọc Sơn Tác giả tả cả một bụi tre gồm tre già và búp măng và những đặc điểm của loài tre: rậm rạp, bù xù, gai góc. Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh làm cho lời văn vừa cụ thể vừa có giá trị gợi hình, gợi tả cao.

Câu 2 (trang 42 sgk Tiếng Việt 4): Viết một đoạn văn tả lá, thân hay gốc của một cây mà em yêu thích.

Đoạn văn:

Phượng vĩ là loài cây em yêu nhất. Bởi vậy, cây phượng vĩ ở góc sân trường đã gắn bó thân thiết với em. Phượng vĩ đẹp nhất trong em không chỉ là hoa hay lá, mà phượng còn đẹp ở cái dáng nghiêng nghiêng chiều lượn, chiều quằn. Thân cây to, tỏa nhiều cành. Dưới gốc, một vòng tay em ôm thân cây không xuể. Thời gian đã khoác lên cây chiếc áo nâu sần sùi, sờn bạc. Thế nhưng bên trong lớp áo ấy là dòng nhựa mát lành luôn vận chuyển chất màu. Nhờ dòng nhựa ấy mà cây quanh năm xanh tốt. Và có lẽ vẻ đẹp của cây hội tụ lại ở những chùm hoa đỏ thắm trên cành.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức