Phân tích bài thơ Lượm của Tố Hữu.


Đề bài: Phân tích bài thơ Lượm của Tố Hữu.

Bài làm:

   Nhà thơ Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông thường tập trung miêu tả quần chúng lao khổ thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi. Và trong tập thể quần chúng ấy có không ít bài thơ là hình ảnh về các em bé hồn nhiên, trong sáng mà anh dũng kiên cường, Lượm là một trong những bài thơ như vậy.

   Bài thơ là một câu chuyện ngắn về chú bé mang tên Lượm. Lượm làm công việc đưa thư, em là một đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng vô cùng dũng cảm, kiên cường. Trong một lần chuyển thư Lượm đã anh dũng hi sinh. Lượm là một hình ảnh đẹp để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

   Tác phẩm mở ra bằng cuộc gặp gỡ thật tình cờ giữa người chiến sĩ và chú bé liên lạc: “Tình cờ chú cháu/ Gặp nhau Hàng Bè” . Hình ảnh Lượm qua mắt người chiến sĩ hiện lên thật hồn nhiên, yêu đời từ ngoại hình cho đến cử chỉ dáng điệu. Để miêu tả ngoại hình của chú tác giả đã sử dụng hàng loạt các từ láy giàu giá trị tạo hình: loắt choắt, chân thoăn thoắt, đầu nghênh nghênh, cùng đôi má đỏ bồ quân ửng hồng, cái mắt híp lại sau nụ cười rạng rỡ, tươi vui. Trang phục của chú bé cũng hết sức đơn giản chỉ là “cái xắc xinh xinh” chuyên để đựng những văn kiện, giấy tờ quan trọng và chiếc “ca lô đội lệch” đầy tinh nghịch. Sự đáng yêu của em còn được thể hiện qua hình ảnh so sánh đẹp đẽ “Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng” , có lẽ không còn hình ảnh nào phù hợp hơn hình ảnh những chú chim chích bé nhỏ để ví von với chú bé Lượm hồn nhiên, yêu đời. Một hình ảnh so sánh vừa chính xác, tinh tế nhưng đồng thời còn thể hiện được tình cảm yêu mến của tác giả đối em. Để nhấn mạnh hơn nữa vào nét ngây thơ của em, tác giả còn dẫn trực tiếp lời nói hết sức chân thật, đáng yêu: “Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/ Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà” . Niềm vui, sự hân hoan của Lượm chính là niềm vui khi được hoạt động cách mạng, khi được cống hiến cho đất nước, đây cũng là niềm vui chung của thế hệ trẻ trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc gặp gỡ diễn ra hết sức ngắn ngủi, nhưng cho đã phần nào cho người đọc thấy những nét tính cách tốt đẹp của Lượm: vừa tinh nghịch, hồn nhiên nhưng cũng hết sức nhiệt huyết với cách mạng.

   Giây phút hồi tưởng bỗng chùng xuống, khi nghe tin cháu đã hi sinh trên đường đi làm nhiệm vụ: Đến ngày tháng sáu/ Chợt nghe tin nhà. Câu thơ là nỗi niềm nghẹn ngào, bàng hoàng, chẳng thể nói nên lời của tác giả:
Ra thế
Lượm ơi!...
   Hình thức câu thơ vô cùng đặc biệt, được ngắt làm đôi, như tiếng nấc nghẹn của tác giả trước tin Lượm đã hi sinh khi trên đường đi làm nhiệm vụ. Đồng thời câu thơ còn thể hiện sự bàng hoàng, không tin rằng Lượm hi sinh là sự thật. Sau phút nghẹn ngào, tác giả nói về quá trình làm việc và sự hi sinh anh dũng của chú bé. Hình ảnh của Lượm được khắc họa là một chú bé gan góc, kiên cường dũng cảm. Chú bé làm nhiệm vụ đưa thư, phải di chuyển qua những nơi vô cùng nguy hiểm và phải đối mặt với thần chết bất cứ lúc nào: “Vụt qua mặt trận/ Đạn bay vèo vèo/ Thư đề thượng khẩn/ Sợ chi hiểm nghèo?” . Mặc dù luôn ý thức được sự nguy hiểm rình rập khi “đạn bay vèo vèo” xung quanh nhưng chú bé không hề sợ hãi vẫn “vụt qua mặt trận” bằng tinh thần dũng cảm, đầy trách nhiệm. Chú bé không bao giờ lùi bước trước những khó khăn, nguy hiểm.

   Nỗi đau đớn càng được nhân lên gấp đôi khi tác giả tái hiện chân thực sự hi sinh của người đồng chí nhỏ: Bỗng lòe chớp đỏ/ Thôi rồi Lượm ơi!/ Chú đồng chí nhỏ/ Một dòng máu tươi!” . Trong một khổ thơ bốn câu tác giả đã sử dụng liên tiếp hai câu cảm thán, cho thấy sự ngỡ ngàng, đau đớn đến tột cùng khi Lượm đã hi sinh, câu thơ vang lên thật đau xót biết nhường nào: “Thôi rồi, Lượm ơi!” . Làm sao có thể tin nổi, đứa bé hồn nhiên, tinh nghịch, người đồng chí giàu lòng dũng cảm và trách nhiệm ấy lại hi sinh khi còn quá nhỏ. Tác giả không tin rằng đó là sự thật, câu thơ buông xuống thể hiện nỗi đau đớn đến tột cùng. Lượm hi sinh, trở về với đất mẹ, tay em vẫn nắm chặt bông, phảng phất xung quanh là hương lúa, hương của đất mẹ, tuy em đã chết nhưng linh hồn, tinh thần yêu nước của em vẫn còn sống mãi với mọi người, với quê hương đất nước.

   Hai khổ thơ cuối khép lại bài thơ không buồn thảm, bi ai mà thay vào đó là hình ảnh em bé với sự hồn nhiên, tinh nghịch được tái hiện lại một lần nữa. Dù em có hi sinh nhưng tinh thần anh dũng, sự hồn nhiên đáng yêu của em sẽ mãi được mọi người nhớ đến, em sẽ sống mãi với non sông, đất nước.

   Tác phẩm sử dụng thể thơ bốn chữ, dùng linh hoạt các từ láy giàu giá trị tạo hình, giàu tính nhạc, ngôn ngữ miêu tả phù hợp tính cách, ngoại hình của nhân vật. Không chỉ vậy sử dụng những hình thức câu thơ đặc biệt đã giúp tác giả biểu lộ một cách chân thật những cung bậc cảm xúc khác nhau trước nhân vật trữ tình. Ngoài ra cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc tác giả thay đổi cách xưng hô với nhân vật trữ tình trong các khổ thơ: chú bé, cháu, Lượm, chú đồng chí nhỏ bởi quan hệ giữa họ vừa là quan hệ chú cháu, vừa là một người đồng chí. Sau cái chết của Lượm, tác giả đã gọi là “chú bé” bởi lúc này Lượm và tác giả không chỉ nằm trong mối quan hệ riêng giữa hai người, mà Lượm đã trở thành người cháu chung của nhân dân Việt Nam, một người trẻ dũng cảm. Sự thay đổi linh hoạt các đại từ xưng hô như vậy khiến Tố Hữu thể hiện được đa dạng các cung bậc cảm xúc. Tất cả những yếu tố trên cùng với nội dung đã tạo nên thành công cho tác phẩm.

   Với sự kết hợp hài hòa về nhịp điệu, ngôn ngữ sử dụng linh hoạt, Tố Hữu đã xây dựng thành công chân dung của chú bé Lượm hồn nhiên, nhí nhánh mà vô cùng kiên cường, anh dũng. Qua đó tác giả thể hiện niềm yêu quý, cũng như sự xót xa trước sự hi sinh của Lượm.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức