Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình. Hãy viết bài văn miêu tả trận bão lụt khủng khiếp ấy.


Đề bài: Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình. Hãy viết bài văn miêu tả trận bão lụt khủng khiếp ấy.

Bài làm:

   Đồng Tháp là một trong những vùng đất trũng của đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Năm nào cũng cứ đến khoảng tháng bảy, tháng tám Âm lịch là lũ từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về, biến nơi đây thành một biển nước mênh mông. Dân gian có câu: Tháng bảy nước nhảy lên bờ là thế.

   Mưa kéo dài nhiều ngày không dứt khiến mực nước ngày càng dâng cao. Gió lốc xoáy từng cơn hợp với sóng lớn giật sập những căn nhà đứng chơi vơi giữa đồng không mông quạnh. Làng mạc, trường học, bệnh xá cùng hàng ngàn hécta lúa sắp chín, những rừng tràm, những đầm sen, vườn cây... bị nhấn chìm dưới nước sâu. Bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt của bà con nông dân quê em đã bị thiên tai cướp trắng.

   Trong những ngày này, hàng ngàn người phải sống trong cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn. Đáng thương nhất là những em thơ không được vui đùa chạy nhảy. Chúng ngồi co ro trong căn lều tạm, mắt nhìn dõi ra bốn phía, vẻ mặt buồn hiu. Có những bé chừng một hai tuổi cha mẹ phải buộc vào chân giường hay cột lều vì sợ các em rơi xuống nước. Cha mẹ các em đang dầm mình ngoài ruộng để cố gặt những đám lúa chín non. Bao nguy hiểm đang vây bủa cuộc sống con người.

   Nhưng quê em đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của nhân dân cả nước. Những chuyến xe tải chở lương thực, thuốc men, quần áo, lưới đánh cá và xuồng nối nhau trên con đường lớn. Hàng cứu trợ được chuyển bằng thuyền, bằng ca nô đến từng gia đình.

   Đáng nhớ nhất là ngày đoàn nghệ sĩ cải lương thành phố đem hàng về cứu trợ. Lần đầu tiên người dân quê em được nhìn tận mắt những nghệ sĩ nổi tiếng mà bà con hằng mến mộ qua tivi, băng đĩa. Bà trưởng đoàn thay mặt đoàn phát biểu, chia sẻ nỗi bất hạnh và động viên mọi người cố gắng vượt khó khăn. Bà nói rằng những món quà của giới nghệ sĩ tuy ít nhưng tình cảm chân thành thì không sao kể xiết. Quả là Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

   Nhờ nhiều năm phải "sống chung với lũ" nên chính quyền và nhân dân địa phương đã có kinh nghiệm đối phó như mở rộng kênh mương, đắp đê bao, bờ bao giữ lúa và chuẩn bị sẵn những khu vực cao ráo, an toàn để dựng lán trại cho bà con tránh lũ. Do đó cũng giảm bớt được phần nào thiệt hại do lũ lụt gây ra.

   Lũ lụt kéo dài hàng mấy tháng trời, gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho đời sống sinh hoạt của người dân. Chúng em, những học sinh vùng lũ chỉ mơ ước được tung tăng cắp sách đến trường vào đúng ngày khai giảng đầu tháng 9 như bao bạn bè cùng trang lứa trong cả nước.

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức