Vẻ đẹp của đoàn quân ra trận trong hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc

Đề bài: Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng:
    Trong bài “tây Tiến”, Quang Dũng viết:
    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
    (Tây Tiến – Quang Dũng)
    Trong thi phẩm “Việt Bắc”, Tố Hữu viết:
    “Những đường Việt Bắc của ta
    Đêm đêm rầm rập như là đất rung
    Quân đi điệp điệp trùng trùng
    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
    (Việt Bắc – Tố Hữu)
Cảm nhận của anh, chị về hai đoạn thơ trên.

Bài văn 
Đề tài người lính luôn mang lại cảm hứng và tạo nên những đứa con tinh thần xuất sắc của các nhà thơ nổi tiếng trong đó có Quang Dũng và Tố Hữu.Với hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn và hào hoa, Quang Dũng đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Và với tác phẩm Tây Tiến (được in trong tập Mây đầu ô) Quang Dũng thực sự đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc về hình ảnh người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chỉ với bốn câu thơ sau đây trong bài thơ Tây Tiến nhưng Quang Dũng đã khắc họa thành công hình ảnh người lĩnh Tây Tiến trên đường hành quân ra trận :

    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

    Cùng chung đề tài như thế, Tố Hữu –nhà thơ lí tưởng cộng sản và là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam cũng để lại những tập thơ mang dấu ấn riêng như : Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng,... Với bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã khẳng định được vị trí của mình trong nền thơ ca nước nhà khi tái hiện một cách hoàn hảo hình ảnh người lính. Đặc biệt trong bốn câu thơ sau đây Tố Hữu đã khiến cho người đọc không thể quên được hình ảnh đoàn quân :

    “Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung

    Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

    Cả hai đoạn thơ trên của hai tác giả đều phác hoạ lại hình ảnh của đoàn quân khi ra trận nhưng mỗi nhà thơ lại có một cách cảm nhận và chính điều đó đã làm nên nét riêng biệt không thể nhầm lẫn giữa hai hồn thơ đầy tài năng Quang Dũng và Tố Hữu.

    Tây Tiến là một đơn vị bộ đội thành lập 1947. Sau một khoảng thời gian đoàn quân hoạt động ở Lào, đoàn quân Tây Tiến trở về Hoà Bình, thành lập trung đoàn 52. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đó đến cuối năm 1948 thì ông chuyển sang đơn vị khác. Khi đó nhà thơ nhớ về đơn vị nên viết bài thơ này. Bao trùm lên bài thơ là nỗi nhớ da diết của một tâm hồn chứa chan tình cảm. Nỗi nhớ của nhà thơ hiện hữu thành hình ảnh con đường hành quân gian khổ, những kỉ niệm với dân quân trong đêm liên hoan và đặc biệt là hình ảnh của đoàn quân khi ra trận. Chân dung người lính được khắc họa thật đặc biệt bằng những nét vẽ thật khác thường như “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng”. Nhưng tất cả những điều này lại bắt nguồn từ chính đời sống thực tế đầy khắc nghiệt và gian khổ. Trước sự thật đó Quang Dũng không hề né tránh mà tái hiện thật tài tình bằng màu sắc lãng mạn : “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Mới đọc qua thì có thể thấy đây là hình ảnh mang vẻ gì đó li kì, giật gân hay khó hiểu nhưng nhìn vào hiên thực thì có thể nhận thấy rằng những cơn sốt rét rừng liên miên hành hạ con người lại là nguyên nhân chính tạo nên ngoại hình của người lính. Cách nói của Quang Dũng cho thấy khẩu khí ngang tàng, hồn nhiên của người lính trẻ : tóc không thèm mọc chứ không phải tóc không mọc được do sốt rét rừng. Nơi rừng thiêng nước độc thiếu thốn đủ đường không thể có thuốc men đủ đầy nên “quân xanh màu lá” cũng là một điều dễ hiểu. Khi tìm hiểu về chi tiết này có nhiều ý kiến cho rằng “xanh màu lá” là màu của lá ngụy trang mà người lính mang bên mình khi ngụy trang hoặc quân phục mà người lính khoác lên mình. Nhìn chung khi nhìn vào hiện thực cuộc kháng chiến thì cả hai cách hiểu này đều không làm nổi bật được tính chất của cuộc kháng chiến. Cái “xanh màu lá” đó lại đi liền với cái “dữ oai hùm” khiến cho hình ảnh người lính trở nên hùng dũng, hiên ngang đầy ý chí và nghị lực. Vẻ hùng dũng và đầy nghị lực đó của những người lính khiến họ mang vẻ dữ dằn chẳng khác nào những con hổ nơi rừng thiêng nước độc. Quang Dũng đã cho người đọc thấy được sự dũng cảm, dữ dằn của người lính khi vượt lên trên hoàn cảnh và xem thường mọi khổ ải, thiếu thốn. Vẻ dữ dằn ấy còn được thể hiên qua ánh mắt của họ : “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Đôi mắt luôn chứa đựng những điều thật đặc biệt. Qủa thật là như vậy, qua từ “trừng” mà Quang Dũng dùng để diễn tả sự căm phẫn và ý chí luôn hướng về mục đích chiến đấu của cuộc kháng chiến chúng ta thấy được một lần nữa sự quyết tâm của người lính trong cuộc kháng chiến. Giấc mộng ở đây là giấc mộng lập công, giết giặc bảo vệ đất nước. Nếu như ba câu thơ đầu tiên trong đoạn thơ đã làm nổi bật ngoại hình dữ dằn và đầy sự oai hùng của những người lính thì câu thơ cuối tập trung thể hiện tâm hồn của những trái tim rạo rực và khát khao yêu thương của những người lính trẻ : “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. “Dáng kiều thơm” là một cách nói thật đặc biệt gợi lên vẻ đẹp của người con gái yêu kiều và duyên dáng. Có lẽ chính giấc mơ về dáng kiều thơm lại trở thành một trong những nguồn động lực để tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trước những khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến. Nỗi nhớ về “dáng kiều thơm” như một yếu tố để cân bằng lại đời sống nội tâm của người lính sau những tháng ngày hành quân vất vả chứ không phải là sự yếu đuối như một số người vẫn nhầm tưởng. Bằng việc sử dụng những từ ngữ khắc họa tài tình Quang Dũng đã tạc lên bức tượng đài cụ thể về cả vẻ bề ngoài đầy ấn tượng và tâm hồn bên trong với vẻ lãng mạn, hào hoa.

    Dưới ngòi bút của Quang Dũng thì vẻ đẹp của đoàn quân ra trân được thể hiện độc đáo như vậy còn dưới ngòi bút của Tố Hữu thì hình ảnh người lính ra trận hiện lên với một vẻ đẹp cũng không kém phần đặc biệt. Để tái hiện khung cảnh sôi động của Việt Bắc trong những ngày chiến đấu và chiến thắng Tố Hữu đã khắc họa thành công con đường ra trận ở chiến khu Việt Bắc vào ban đêm:

    “Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung”

    Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn nhưng Tố Hữu đã gợi tả được không gian rộng lớn và khoảng thời gian dài của cuộc kháng chiến trường kì và vĩ đại. Đặc biệt khi Tố Hữu sử dụng từ láy “rầm rập” vừa diễn tả được tiếng động mạnh của bước chân người lính vừa tái hiện được nhịp độ khẩn trương, đông đảo của tất cả các lực lượng tham gia kháng chiến. Biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng ở câu thơ thứ hai đã diễn tả được sức mạnh đoàn kết to lớn của dân tộc. Đoàn quân đi đến đâu cũng ngỡ như mặt đất cũng rung chuyển đến đó. Từ việc miêu tả một cách khái quát con đường ra trận đó thì Tố Hữu tiếp tục miêu tả cụ thể hình ảnh bộ đội hành quân ra trận :

    “Quân đi điệp điệp trùng trùng

    “Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” khiến cho người đọc có được một hình dung về sự lớn mạnh của đông đảo của lực lượng quân đội trong cuộc kháng chiến. Nhịp thơ 2/2/2 như nhịp bước hành quân thể hiện sự mạnh mẽ và oai hùng của người chiến sĩ ra trận chiến trong hoàn cảnh thiếu thốn. Mặc dù chiến đấu trong hoàn cảnh như vậy nhưng họ vẫn luôn yêu đời và lạc quan. Chính điều này khiến cho họ như cảm nhận được “ánh sao đầu súng”. Ánh sao như là biểu tượng lí tưởng cách mạng soi sáng, dẫn đường để mỗi bước hành quân của người lính sẽ thêm vững chắc. Với thể thơ lục bát truyền thống mượt mà cùng với việc sử dụng thành công các từ láy thì Tố Hữu đã tái hiện được hình ảnh người lính ra trận đẹp biết bao nhiêu.

    Cả hai đoạn thơ đều đã thể hiện thành công vẻ đẹp của đoàn quân ra trận. Hình ảnh người lính hiện lên ở cả hai đoạn thơ đều mang vẻ đẹp mạnh mẽ, oai hùng đầy tự hào cùng với tinh thần lạc quan yêu đời và niềm tin tưởng vào cuộc kháng chiến trường kì của toàn thể dân tộc. Thông qua hình ảnh người lính chúng ta cũng phần nào cảm nhận được tính chất khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chống lại giặc ngoại xâm, bảo vệ bầu trời hòa bình cho dân tộc. Từ đó chúng ta cũng thấy được sự am hiểu cũng như tình yêu đất nước của cả hai tác giả. Sở dĩ có được những nét tương đồng này là do cả hai nhà thơ đều sáng tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính vì vậy, họ được chứng kiến và trải qua những thời khắc đó. Đối với họ kỉ niệm đó, hình ảnh đó thật đáng trân trọng và tươi dẹp biết bao nhiêu.

    Bên cạnh những điều giống nhau đó thì chúng ta cũng không quá khó để nhận ra sự khác biệt giữa hai đoạn thơ. Với bốn câu thơ của Quang Dũng thì hình ảnh người lính hiện lên rõ ràng về ngoại hình, tâm hồn với vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng. Cách sử dụng từ ngữ của tác giả cũng thật thú vị gân guốc mà vẫn thi vị nên thơ. Còn đối với Tố Hữu hình ảnh đoàn quân ra trận nhấn mạnh sức mạnh của cả vật chất và tinh thần. Đồng thời hình ảnh đó tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh to lớn. Có thể thấy rằng chính phong cách sáng tác và quan điểm của mỗi nhà thơ tạo nên nét riêng biệt như vậy. Nhờ nét riêng biệt này mà mỗi nhà để lại dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc.

    Qua việc tìm hiểu vẻ đẹp của đoàn quân ra trận trong thơ của Quang Dũng và thơ của Tố Hữu, chúng ta đã được trải nghiệm một cuộc hành trình trở về quá khứ, bước vào thế giới đầy gian nan mà hào hùng đó để mà cảm nhận. Hình ảnh đoàn quân ra trận hiện lên thật đẹp và thật đáng tự hào ở cả hai khổ thơ của hai nhà thơ. Cảm nhận về hình ảnh đoàn quân ra trận càng khiến chúng ta thấy biết ơn trước sự hi sinh của biết bao thế hệ đi trước và trân trọng hơn cuộc sống hòa bình hiện nay.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Minh Về Nhà Tù Sơn La

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ văn 6 Bài 4 Đọc hiểu văn bản: Vẻ đẹp của một bài ca dao - Cánh Diều

Món quà sinh nhật

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Ngữ văn 6 Bài 3 Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm của em - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 4 Chùm ca dao về quê hương đất nước - Kết nối tri thức

TẢ QUYỂN SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 5 TẬP 1

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức