“Thơ là hùng biện du dương” hãy chứng minh điều đó qua tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
Đề bài: “Thơ là hùng biện du dương” hãy chứng minh điều đó qua tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
Bài làm:
Voltaired đã từng nhận định rằng: “Thơ là hùng biện du dương”, quả đúng như vậy. Thơ phải vừa có lí lẽ thuyết phục lại vừa phải sâu sắc, đi vào lòng người. Một bài thơ phải đáp ứng được hai điều kiện ấy mới trở thành một tác phẩm thực thụ và sống mãi với thời gian. Mùa xuân nho nhỏ được Thanh Hải sáng tác vào những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, tác phẩm là tâm huyết là kết tinh tài năng nghệ thuật của ông. Tác phẩm vừa sâu sắc, lập luận rõ ràng, lại vừa sâu lắng, tha thiết, tràn ngập tình cảm.
Để có thể hiểu tính hùng biện và du dương trong tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải chúng ta trước hết cần hiểu nhận định của Voltaired có nghĩa là gì. Trước hết hùng biện là những lí lẽ, dẫn chứng, cách lập luận thuyết phục với người nghe; còn du dương có nghĩa là sự mềm mại của tính nhạc, vần điệu trong một tác phẩm. Như vậy, đối với một bài thơ không chỉ cần nội dung thuyết phục mà còn cần cả sự hấp dẫn trong câu chữ. Tác giả đã đề cập đến hai yếu tố của tác phẩm thơ là đặc sắc về nội dung và đẹp đẽ về nghệ thuật. Và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã đáp ứng đầy đủ hai yêu cầu này của nhà phê bình Voltaired.
Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm được viết một tháng trước khi nhà thơ qua đời. Vậy nhưng, trong bài thơ ta không hề thấy màu sắc bi quan, chán chường mà lại là một trái tim yêu cuộc sống tha thiết và khát vọng, nguyện ước cống hiến cho đời tha thiết, mãnh liệt. Tính hùng biện trong thơ ông chính là ở chỗ đó.
Lòng yêu cuộc sống của Thanh Hải trước hết là niềm say mê, háo hức trước bức tranh thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bong hoa tím biếc/ Ôi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng”. Bức tranh mở ra với không gian cao rộng của bầu trời và chiều dài của dòng sông. Màu tím biếc đặc trưng của xứ Huế khiến cho bức tranh thêm phần mơ mộng, lãng mạn . Và trên bầu trời cao rộng kia xuất hiện tiếng chim chiền chiện vui tươi, rộn ràng, như một lời hoan ca, chào đón mùa xuân. Một cách rất tự nhiên, nhà thơ đưa tay hứng lấy những “giọt long lanh rơi”. Giọt này là giọt gì, giọt sương, giọt mùa xuân, hay giọng hót của chim chiền chiện đã ngưng đọng thành từng giọt. Dù hiểu theo cách nào ta cũng đều thấy được sự trân trọng, nâng niu của tác giả trong từng hành động. Câu thơ đã cho thấy cảm xúc say sưa, ngây ngất, của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Huế.
Từ cảm xúc của mùa xuân xứ Huế, Thanh Hải nâng lên thành niềm tự hào trước mùa xuân của đất nước:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Những hình ảnh thơ thật đẹp, đã khái quát được hai lực lượng chính của đất nước ta. Hình ảnh người cầm súng gợi liên tưởng đến những chiến sĩ ngày đêm chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh người ra đồng lại là những hậu phương vững chắc, sản xuất phục vụ tiền tuyến. Giữa họ là những thực thể không thể tách rời, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Trong câu thơ xuất hiên hai từ “lộc”, nhưng mỗi từ lộc lại đem đến cho người đọc những liên tưởng khác nhau. Từ lộc thứ nhất gợi cho chúng ta nhớ đến những nhành cây trên ba lô ngụy trang người chiến sĩ, như vậy người lính khi ra trận đem theo cả sức sống mãnh liệt của dân tộc. Còn chữ “lộc” thứ hai lại gợi cho ta nhớ đến hình ảnh của những cánh đồng xanh rì, bát ngát, tràn đầy sự sống. Chính con người đã đem đến sức sống cho thiên nhiên đất nước. Và trong công cuộc đấy, con người trở nên hối hả, gấp gáp, vội vã hơn. Đây cũng như là tiếng reo vui trong trong tâm hồn của tinh thần lao động khẩn trương, hăng say.
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.
Khổ thơ vừa nói về hành trình đầy gian lao, vất vả của đất nước trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trong bốn ngàn năm ấy, chúng ta đã phải đối mặt với biết bao kẻ thù nguy hiểm, biết bao người đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. Nhưng dù gian lao, vất vả, đất nước vẫn tiếp tục tiến về tương lai tươi sáng. Đất nước được tác giả ví như một ngôi sao, ngôi sao vĩnh cửu trong vũ trụ, trường tồn với thời gian, cũng như sự tồn tại tất yếu của dân tộc. Bên cạnh đó phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện niềm tin, sự quyết tâm cao độ của tác giả vào sức sống của quê hương, đất nước.
Những vần thơ cuối cùng của bài là nguyện ước chân thành, mãnh liệt cống hiến cho đời, cho đất nước:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Tác giả ước mình là một con chim đem lại tiếng hót cho đời, ước làm một cành hoa tươi thắm làm cho bức tranh cuộc đời thêm tươi tắn sắc màu. Và đặc biệt tác giả muốn làm một nốt trầm lặng lẽ cống hiến cho bản nhạc cuộc đời. Một ước nguyện thật khiêm nhường, đẹp đẽ. Đặc biệt ở đây có sự chuyển đổi đại từ, từ “tôi” ở đầu tác phẩm đến đây là “ta” như một lần nữa khẳng định, đây không chỉ là nguyện ước của riêng cá nhân ông, mà là nguyện ước chung của rất nhiều người. Họ cống hiến cả tuổi trẻ, cả thanh xuân “Dù là tuổi hai mươi” hay khi “dù là khi tóc bạc” nguyện ước ấy vẫn chân thành tha thiết và không hề thay đổi. Đây là một lẽ sống đẹp đẽ và đáng trân trọng và đáng trân trọng hơn khi bài thơ được sáng tác vào những ngày tháng cuối cùng của tác giả.
Bài thơ không chỉ có tính “hùng biện” mà trong nó còn dạt dào tính “du dương”. Tính du dương của bài thơ được thể hiện trong nhạc điệu vô cùng trong sáng, thiết tha. Bài thơ được viết bằng thể thơ năm chữ, thể thơ ngũ ngôn vốn giàu nhịp điệu, biến đổi linh hoạt cùng với đó là sự kết hợp hài hòa điệp từ, điệp ngữ đã khiến cho nhịp điều bài thơ càng trở nên linh hoạt, tựa như một bản nhạc. Không chỉ vậy, Thanh Hải còn sử dụng ngôn từ hết sức tài tình, ngôn ngữ trong thơ ông giản dị, dễ hiểu nhưng vẫn rất giàu ý nghĩa biểu tượng: cành hoa, con chim, mùa xuân,… gửi gắm những thông điệp đẽ của tác giả. Ngoài ra cũng không thể không kể đến cấu tứ thơ chặt chẽ, đi từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân đất nước và cuối cùng là con người, mạch thơ logic, hợp lí. Cuối cùng là giọng thơ cũng có sự biến đổi linh hoạt: mở đầu bài thơ giọng điệu say sưa, vui tươi, háo hức, phần cuối lại trầm lắng, nghiêm trang bộc lộ những tâm nguyện của ông.
Mùa xuân nho nhỏ là tuyệt phẩm của nhà thơ Thanh Hải, gửi gắm đến bạn đọc những thông điệp ý nghĩa về lối sống cống hiến cho cuộc đời. Đồng thời bài thơ cũng là minh chứng cho nhận định “thơ là hùng biện du dương”. Bên cạnh đó, bài thơ cũng đến cho người đọc nhận thức, sáng tạo nghệ thuật phải luôn gắn bó và phục vụ cuộc sống.