Tóm tắt truyện Vợ chồng A Phủ

VỢ CHỒNG A PHỦ (TRÍCH)
Hướng dẫn
 Năm 1952, Tô Hoài đi cùng bộ đội vào giải phóng vùng Tây Bắc. Với chuyến đi dài tám tháng ấy, nhà văn đã sống cùng đồng bào các dân tộc Mèo, Dao, Thái, Mường ở nhiều vùng nơi đây. Chuyến đi thực tế sáng tác ấy giúp ông hiểu biết rõ ràng, sâu sắc về cuộc sống và con người miền núi. Nó đã để lại cho ông những kỉ niệm khó quên và tình cảm thắm thiết đối với đất nước và con người Tây Bắc.

 Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ trích từ tập truyện trên có thể tóm tắt như sau:

 Mị là một thiếu nữ xinh đẹp. Do gia đình thiếu nợ thống lí Pá Tra và không trả nổi nên cô bị bắt về làm dâu nhà thống lí, làm vợ của A Sử để trừ nợ. Tuy danh nghĩa là vợ, là dâu nhưng thực chất cô chỉ là người ở đợ không công trong nhà ấy. Cô rất đau khổ trong cuộc đời buồn rầu u tối. Vào một đêm xuân đẹp, Mị muốn đi chơi nhưng đã bị A Sử bắt gặp, trói cô vào góc cột. Đêm đó, A Sử đi chơi, chọc phá dân làng bị A Phủ đánh bể đầu. Nhờ đó, Mị được thả ra để chăm sóc thuốc thang cho hắn.

 A Phủ bị bắt về nhà thống lí và bị phạt phải ở đợ trọn đời để trả món nợ một trăm đồng mà thống lí đã buộc anh phải vay để làm bữa tiệc đãi mọi người.

 Một lần A Phủ đi chăn bò làm lạc mất một con. Thông lí Pá Tra cho trói anh vào gốc cây. Đêm đêm, Mị thổi lửa hơ tay gần đó mà không để ý. Một hôm, Mị chợt thấy dòng nước mắt lăn dài trên má A Phủ và bỗng quan tâm. Nghĩ lại đời mình, cô cảm thông và thương xót cho A Phủ nên cắt dây mây, cởi trói cho anh. A Phủ chạy đi, Mị cũng vụt chạy theo anh vì không còn con đường nào khác.

 Hai người ra khỏi Hồng Ngài tới Phiềng Sa rồi kết nghĩa thành vợ chồng.
 Gặp cán bộ A Châu, A Phủ được giác ngộ cách mạng và trở thành đội trưởng du kích.
 Thông qua việc miêu tả cuộc sống nhọc nhằn, khổ ải dưới ách thống trị của thống lí Pá Tra và cuộc đổi đời lớn lao khi cách mạng về của vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã phản ánh cuộc sống bị bóc lột tàn tệ của người dân tộc, đặc biệt là phụ nữ dưới chế độ thực dân phong kiến, sự quật khởi mạnh mẽ của họ, đồng thời nói lên công ơn to lớn, bản chất nhân đạo tốt đẹp của cách mạng, tình đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng.

 Đoạn văn trích giảng trong Sách giáo khoa có ba phần:

 Phần 1: Tình cảnh Mị làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.

 Phần 2: Tình cảnh của A Phủ, cảnh A Phủ đánh A Sử và cuộc xử kiện kì quặc trong nhà thống lí.

 Phần 3: Việc Mị và A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài.

1. Tình cảnh Mị làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
Mị là một cô gái xinh đẹp, dù đói nghèo nhưng vẫn hạnh phúc. Vốn giàu sức sống lại có đời sống tinh thần phong phú, chị hát hay và thổi sáo giỏi. Tuổi yêu đương, những đêm tình mùa xuân con trai đến thổi sáo đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Chị có biết bao người say mê, ngày đêm thổi sáo theo chị hết núi này sang núi khác. Và chị cũng có một tình yêu gõ vách hẹn hò. Nhưng rồi tất cả đều chấm dứt kể từ cái đêm Mị bị bắt cóc về nhà thống lí Pá Tra làm con dâu gạt nợ.

 Từ đó, Mị bị đối xử hết sức tàn tệ chẳng khác chi một công cụ biết nói. Quanh năm suốt tháng, chị phải làm lụng quần quật, khổ cực quá chừng: Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày. Sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, lúc nào Mị cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi, chị không mong đợi bất kì cái gì và cũng chẳng còn có khái niệm gì về không gian hay thời gian nữa. Mị tin rằng mình đã bị trình ma nhà thống lí chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi.

 Tuy vậy, trong tâm thức của cô gái Hmông đau khổ này vẫn âm ỉ khôn nguôi lòng ham sống, một khát vọng tự do, hạnh phúc mãnh liệt không có sự bạo tàn nào dập vùi trói buộc nổi. Gặp cơ hội thuận lợi là lòng ham sống, khát vọng đó lại trỗi dậy mãnh liệt.

 Còn nhớ lúc đầu bị bắt về làm dâu nhà Pá Tra, đêm nào Mị cũng khóc. Chị phản kháng quyết liệt, định ăn lá ngón tự tử. Nhưng rồi lòng hiếu thảo không cho phép Mị làm việc đó. Ách áp bức nặng nề của thế lực phong kiến và thần quyền ở miền núi đã buộc chị phải tiếp tục sống mà như đã chết.

 Nhưng Mị phải đâu đã an phận chấp nhận cuộc sống đọa đày đen tối. Khi đêm tình mùa xuân đến, lòng ham sống, niềm khát khao hạnh phúc tình yêu ở cô gái khốn khổ này lại một lần nữa trỗi dậy. Bất chợt, cô nhớ đến những ngày tươi đẹp trong quá khứ. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp lửa và thối sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Thế là chị bước đến góc nhà “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi”. Nhưng lập tức, chị đã bị A Sử trói vào cột nhà. Lúc ấy tuy đau đớn, nhưng Mị vẫn thả hồn mình theo những đám chơi xuân với những tiếng hát xuân tình tứ. Sau cùng chị nhận ra số phận mình hiện tại “không bằng con ngựa”.

 Sức sống mãnh liệt của Mị lại trỗi dậy lần thứ ba khi bên bếp lửa, chị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ khi anh bị cha con thống lí Pá Tra hành hạ, có nguy cơ mất mạng trong nay mai. Mị cảm thấy người này cùng cảnh ngộ với mình, quyết định cởi trói cho A Phủ và sau đó chị chạy theo anh trốn khỏi cái nhà ngục của thống lí Pá Tra tại Hồng Ngài.

2. A Phủ . Kẻ nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra

A Phủ là một chàng trai mồ côi khỏe mạnh, lao động giỏi, thạo công việc, lại cần cù, chịu khó, nhưng không thể lấy nổi vợ vì không có ruộng, không có bạc. Là một thanh niên dũng cảm cương nghị, A Phủ xông thẳng vào đánh ngã A Sử, con quan thống lí khi tên này cùng bọn tay chân đến phá đám hội. Nhưng cũng do việc làm đó mà A Phủ bị thống lí Pá Tra bắt phạt vạ. Cảnh xử kiện hết sức quái gở là một biểu hiện đậm nét của tập tục dã man của chế độ phong kiến miền núi. Bị cáo là A Phủ không được trình bày thanh minh gì cả. Quá trình xét xử diễn ra trong khói thuốc phiện, trong mưa đòn và ồn ào tiếng chửi rủa. Cuối cùng làng xử phạt A Phủ một trăm đồng bạc trắng. Không có tiền nộp, anh phải làm con trâu, con ngựa cho
nhà Pá Tra để trừ nợ.

Từ đó, A Phủ trở thành kẻ nô lệ của nhà thống lí. Anh phải lao động nặng nhọc vất vả đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng. Nhưng chẳng may một hôm, hổ vồ mất con bò. Thế là A Phủ bị thống lí trói vào cọc. Chúng dùng một sợi dây mây trói anh từ chân lên vai chỉ còn cổ và đầu là hơi lúc lắc được. Pá Tra bảo: Bao giờ chúng nó bắt được hổ về tao cho mày khỏi chết. Nếu không được hổ thì cho mày chết ở đấy. Suốt mấy ngày liền A Phủ bị trói ở góc nhà như thế.

3. Mị cởi trói cho A Phủ

Lúc đầu Mị dửng dưng khi thấy A Phủ bị trói. Chị thản nhiên đốt lửa hơ tay. Lúc này, đúng là Mị đã trở lại tâm trạng ê chề sống mà như chết. Nhưng sau đó khi thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại, Mị chợt hồi
tưởng mình cũng từng bị trói như thế. Tìm thấy sự đồng cảnh ngộ với A Phủ và chị liên tưởng tới lúc A Phủ sẽ chết: Chết đau, chét đói, chết rét, phải chết. Chị lại tưởng tượng có khi A Phủ trốn được, chị phải bị trói thay vào chỗ ấy. Thế là Mị đã hành động táo bạo và quyết liệt. Chị rút con dao nhỏ cắt lúa cắt dứt dây mây để cởi trói cho A Phủ. Đây là một hành vi nổi loạn của Mị. Cắt dây trói của
A Phủ cũng chính là chị đã cắt cái dây trói vô hình trói chị vào gia đình thống lí Pá Tra. Liền đó, hai người cùng trốn hỏi Hồng Ngài, cùng kết thúc cuộc đời trâu ngựa tôi đòi. Giây phút này chính là cái bản lề khép lại một chuỗi ngày quá khứ đau thương tăm tối và hé mở ra tương lai tươi sáng cho lứa đôi này. Mị và A Phủ thành vợ chồng. Sống ở khu du kích Phiềng Sa, xây dựng hạnh phúc và hăng hái tham gia kháng chiến.

GỢI Ý TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Trong Vợ chồng A Phủ, Mị là hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ nghèo khổ ở miền núi thời thực dân phong kiến. Vốn là một cô gái trẻ đẹp, yêu đời, lại chăm chỉ và hiếu thảo nhưng số phận Mị lại vô cùng bất hạnh. Để gạt món nợ của
cha mẹ, chị bị bắt về làm con dâu cho nhà thống lí Pá Tra. Vị trí của chị ở đây là ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cùng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lén, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Với ngoại hình và chân dung ấy đủ thấy một số phận éo le, một cuộc đời đau khổ. Danh nghĩa là con dâu nhưng thực chất Mị là nô lệ. Cha con tên thống lí không những chiếm đoạt sức lao động, nhan sắc và cả cuộc đời chị, mà chúng còn đầu độc, áp chế về mặt tinh thần với chị. Chúng làm cho Mị tin rằng nó đã bắt mình vào trình ma nhà nó rồi thì chỉ đợi ngày chết ở đây thôi. Chính vì vậy, chị đã sống cam chịu, nhẫn nhục, tăm tối tưởng như không còn chút gì hi vọng có sự đổi thay. Mị sống mà như đã chết, lúc nào chị cũng lầm lủi như con rùa nuôi trong xó cửa và tưởng mình là con trâu, con ngựa.

Nhưng thực ra trong chiều sâu, tâm hồn Mị không hoàn toàn giá lạnh mà vẫn tiềm tàng một sức sống bền bỉ, dai dẳng mãnh liệt. Hễ có dịp là sức sống đó lại trỗi dậy, chẳng khác gì hòn than hồng bị tro bụi phủ đầy, nhưng khi được ngoại cảnh tác động nó lại mạnh mẽ bùng lên. Sức sống đó chính là niềm khát khao hạnh phúc và tình yêu, là thái độ không cam chịu thân phận nô lệ, là tinh thần phản kháng chống áp bức bóc lột.

 Đã có ít nhất ba lần sức sống tiềm tàng ở cô gái Mèo này trỗi dậy, kể từ khi bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra:
 Lần đầu, Mị định tìm đến cái chết (chị cầm nắm lá ngón về nhà lạy chào vĩnh biệt cha). Trong hoàn cảnh của chị lúc này, tự tử là một thái độ phản kháng, không chấp nhận số phận, thà chết còn hơn sống nô lệ.
 Lần thứ hai một đêm tình  mùa xuân, Mị uống rượu thấy phơi phới trở lại, chị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng (Mị không chịu được bóng tối của kiếp đời nô lệ). Chị lấy váy áo định đi chơi (A Sử ở liền đó đã trói chị lại một cách tàn nhẫn).
   Lần thứ ba, Mị cởi trói cho A Phủ và hai người cùng trốn khỏi Hồng Ngài.

Như vậy, tính cách Mị có hai mặt mâu thuẫn: cam chịu và phản kháng, chấp nhận cuộc sống lầm lũi trâu ngựa nhưng vẫn khao khát được sống như một con người. Sau cùng, tinh thần phản kháng và khát vọng hạnh phúc tình yêu đã chiến thắng ở Mị, dẫn tới sự bùng nổ ở hành vi chị tự giải phóng cho mình.

 Mị và A Phủ, cả hai đều là nạn nhân của một chế độ thống trị hung ác, cũng là những kẻ nô lệ trong nhà Pá Tra. Cả hai đều tiềm tàng một sức phản kháng mãnh liệt. Nhưng Mị là một phụ nữ, lại bị đày đọa giam hãm lâu ngày trong nhà thống lí. Còn A Phủ là một thanh niên quen sống tự lập từ nhỏ. Tinh thần phản kháng của anh vì vậy mạnh mẽ, táo bạo hơn nhiều.

Đặc biệt, tính cách của A Phủ bộc lộ rõ nét qua cảnh đánh A Sử và cảnh xử kiện, ở cảnh đầu, thái độ của chàng trai nghèo miền núi này thật mạnh mẽ và quyết liệt: Một người to lớn vụt chạy ra vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sử.Nó vừa kịp bưng tay lên, A Phủ đã xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo đập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp. Còn trong cảnh xử kiện kì quặc ở nhà Pá Tra, dẫu phải chịu trận mưa đòn dữ dội, A Phủ vẫn gan lì chịu đựng, không chút kêu rên mà chỉ im lìm như cái tượng đá.

 Chính tính cách đậm chất nam tính đó là cơ sở để sau này khi gặp A Châu, anh nhanh chóng giác ngộ cách mạng.

 2. Thật ra, Mị đã thấy A Phủ bị trói từ mấy đêm hôm trước. Nhưng chị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Một câu văn nói thêm của tác giả nhằm cực tả sự lạnh lẽo, tê dại trong tâm hồn của Mị.

 Thế mà đêm mùa đông ấy, cả con người với nỗi đau riêng quá lớn không còn khả năng quan tâm đến người khác ấy bỗng đổi thay. Đêm ấy A Phủ khóc. Sức sống mãnh liệt, tinh thần phản kháng kiên cường cộng với nỗi đau xót vì bất lực đã khiến gã thanh niên vốn cứng rắn ấy phải rơi nước mắt, một dòng nước mắt lắp lánh bò xuống hai lõm má đã xám đen. Dòng nước mắt đó như giọt nước cuối cùng làm tràn li nước đầy. Dòng nước mắt đó đủ sức đưa Mị ra khỏi cõi u mê để trở về cuộc đời
thực: Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Dòng nước mắt của A Phủ đã giúp Mị nhớ ra mình, tự xót thương mình.

 Từ chỗ tự xót thương mình, chị dần dần có sự xót thương đối với A Phủ, một người cùng cảnh ngộ. Từ ý nghĩ về mình, Mị chuyển ý nghĩ sang A Phủ: Ta là thân đàn bà. chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi nhưng còn Người kia việc gì phải chết thế. Tình thương lan tỏa dần. Đến lúc Mị nghĩ giá như có phải trói vào cọc thay cho A Phủ . Giả như A Phủ đã trốn đi thì làm sao Mị cũng không thấy sợ cũng là lúc chị có một hành động táo bạo: cắt dây trói cứu A Phủ và đó cũng là hành động tự cứu mình thoát ra khỏi địa ngục nhà thống lí Pá Tra.

3. Truyện Vợ chồng A Phủ thể hiện một tư tưởng nhân đạo tích cực thấm nhuần quan điểm giai cấp và tinh thần cách mạng. Truyện phản ánh cuộc sống cơ cực, bị đè nén áp bức nặng nề của người dân miền núi vùng Tây Bắc dưới ách thống trị của
bọn phong kiến cấu kết với thực dân Pháp. Đại diện cho bọn thống trị hung bạo là cha con nhà thống lí Pá Tra. Đại diện cho dân nghèo miền núi bị đày đọa tàn nhẫn là Mị và A Phủ. Không chỉ tố cáo bọn phong kiến thực dân tàn bạo, hung ác mà
truyện còn khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt, khát vọng tự do, hạnh phúc tình yêu và đặc biệt ca ngợi sự đồng cảm giai cấp, tình hữu ái của những người lao động nghèo khổ và tính tích cực cách mạng của họ.

Truyện Vợ chồng A Phủ có nghệ thuật miêu tả, trần thuật và dựng đối thoại khá đặc sắc.

 Về nghệ thuật miêu tả trước tiên là nghệ thuật miêu tả nhân vật, khắc họa chân dung và tính cách của các nhân vật Mị và A Phủ. Hai nhân vật trung tâm này có nhiều nét gần gũi nhau về hoàn cảnh và số phận, nhưng vẫn là những tính cách có những nét riêng biệt rất rõ. Nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài miêu tả và khám phá trong chiều sâu nội tâm, trong những đổi thay thăng trầm của tâm trạng mà phát triển tính cách. Điều này thể hiện rõ nhất trong đoạn diễn tả khát vọng hạnh phúc của Mị trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân và đoạn Mị cởi trói cho A Phủ. 
Trong khi đó, tính cách gan góc, bộc trực của A Phủ lại được nhà văn thể hiện qua nhiều hành động và những lời đối thoại rất ngắn gọn, đơn giản. Kế tiếp là nghệ thuật tả cảnh cũng rất đặc sắc. Bằng khả năng quan sát sắc sảo tinh tế, bằng năng lực dựng cảnh, dựng người đầy màu sắc miền núi và giàu chất thơ, Tô Hoài đã khắc họa được nhiều bức tranh về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, nhiều phong tục độc đáo, và hình ảnh con người Hmông hồn nhiên ngay thẳng. Đặc sắc nhất là đoạn tả cảnh mùa xuân, những đêm tình mùa xuân.

 Về nghệ thuật trần thuật, cách dắt dẫn các tình tiết xây dựng cốt truyện rất gần gũi với truyện kể dân gian, nhưng vẫn hấp dẫn nhờ sự sắp xếp tự nhiên, chuyển cảnh hợp lí, các đoạn nói về lai lịch nhân vật tuy ngắn gọn nhưng đủ để thể hiện số phận và tính cách của từng nhân vật.

Bài đăng

Thuyết Minh Về Nhà Tù Sơn La

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Ngữ văn 6 Bài 3 Thực hành đọc: Lắc-ki thực sự may mắn - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 3 Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm của em - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thạch Sanh - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức