Hướng dẫn viết thư UPU lần thứ 49

Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in).

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 thông điệp gửi người lớn là bố em

Hà Nội ngày 21/12/2020       

Gửi bố thân yêu!

  Bố luôn mong rằng con sẽ được học ở một ngôi trường tuyệt nhất, con sẽ có những kỉ niệm tuổi thơ lấp lánh như ánh nắng mặt trời, nhưng bố biết không, con sẽ chỉ nhớ nhất nụ cười rạng rỡ của bố mỗi buổi chiều khi đón con ở cửa lớp học.
Bố lúc nào cũng bận rộn lao vào công việc, nỗ lực hết sức để đủ tiền mua cho con những bộ quần áo đẹp hơn, đồ chơi thông minh hơn, căn hộ rộng rãi hơn… nhưng bố biết không, con chỉ cần “được ở bên bố mẹ nhiều hơn”, để khoe bố mẹ chiếc răng đầu tiên vừa rụng, để được mẹ đính thêm một chiếc nơ thật xinh mẹ tự làm lên chiếc áo cũ, để được ăn món trứng luộc “nhà hàng” của bố, hay đơn giản chỉ là để có thể rúc ngay vào lòng bố mẹ mỗi khi buồn.

Con biết bố luôn kì vọng ở con những điều lớn lao, mong con nói tiếng Anh trôi chảy, mong con luôn đứng đầu lớp, mong con vào trường Đại học danh tiếng… nhưng bố biết không tất cả những gì con muốn, có khi đơn giản chỉ là “làm bố mẹ vui” mà thôi.
Bố luôn nghĩ rằng mình là người hiểu con nhất và cố gắng bao bọc con trong vòng tròn an toàn mà bố nghĩ là tốt nhất cho con. Bố nghĩ rằng, thế giới của con là trong vòng tay bố mẹ, tất cả những điều tiêu cực, những câu chuyện u ám, những điều “trẻ con không cần biết” sẽ ở ngoài vòng an toàn đó. Nhưng thực sự những gì con hiểu và con biết có nằm trong vòng tròn an toàn của bố mẹ?

Bố có xót xa khi nhận thấy, người mà con gắn bó, chia sẻ nhiều nhất lại là những thiết bị thông minh, điện thoại, máy tính bảng hoặc người giúp việc… mà không phải bố mẹ.
Cuộc sống hiện đại gấp gáp và bận rộn cuốn bố mẹ vào những mục tiêu và ước mơ to tát, khiến chúng ta để vụt qua hoặc quên đi những niềm vui nhỏ bé, những niềm hạnh phúc giản dị ở xung quanh mình, bố mẹ cũng không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những chia sẻ vụn vặn bé xinh của con, để sự vội vã cuốn phăng mình đi khỏi những phút giây ấm áp, bình dị trong tổ ấm của chúng mình. Điều con muốn gửi thông điệp tới một người lớn đó là con mơ hạnh phúc giản dị nhất.
Con chào bố!     
Con gái của bố   

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về chất lượng không khí AQI

.........,Ngày ....tháng .... năm.......     
Gửi thầy giáo Tiếng Anh!

Đã lâu không gặp thầy giáo rồi. Dạo này thầy có khỏe không ạ? Thầy về nước một thời gian liệu có nhớ Việt Nam và cập nhật tin tức về Việt Nam thường xuyên không nhỉ?
Em chắc là có vì từ xưa đến nay thầy như có một sợi dây tình cảm với Việt Nam vậy. Trong các bài luận thầy giao thường đề cập tới những mặt văn hóa, đời sống, xã hội rất cụ thể của Việt Nam.

Nếu thầy đang dạy học ở Việt Nam em đoán thầy sẽ giao các bài luận về tình trạng chỉ số chất lượng không khí lên mức báo động nguy hiểm, vì thường thầy rất quan tâm đến vấn đề môi trường.

Mấy ngày gần đây nếu thầy check trên mạng thì sẽ thấy chỉ số chất lượng không khí ở Việt Nam thường xuyên lên mức báo động tím, mức ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Thực ra trước hết phải nói rằng em vẫn cảm thấy may khi ngày nay có nhiều hệ thống quan trắc chất lượng không khí để chúng ta biết được thực trạng và có biện pháp đối phó tức thời.
Ví dụ như chúng ta có thể chuẩn bị sẵn khẩu trang chống bụi mịn để đeo khi thấy chỉ số chất lượng không khí lên mức báo động, hay hạn chế ra ngoài những lúc ấy.

Tuy nhiên về căn bản Việt Nam và các thành phố hứng chịu không khí ô nhiễm thường xuyên cần có những giải pháp căn cơ để hạn chế sự nguy hại này.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí. AQI cao là do sự gia tăng khí thải, ví dụ như vào giờ cao điểm, phương tiện giao thông đi lại nhiều, hoặc khi có cháy rừng, hoặc không khí ô nhiễm không thoát ra khỏi một vị trí xác định nào đó.

Đó còn là do không khí ứ đọng gây ra bởi hiện tượng xoáy nghịch, nghịch nhiệt, hay gió thổi chậm...
Trong những thời kỳ mà tình trạng không khí cực kì kém, khi AQI cao đến mức phơi nhiễm cấp tính có thể gây ra tác hại nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, nhất là những người thuộc nhóm nhạy cảm chẳng hạn như người già, trẻ em và những người có tiền sử hô hấp hoặc tim mạch...

Vậy nên em nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cần có những kế hoạch cụ thể, chẳng hạn như giảm thiểu nguồn phát khí thải lớn như các nhà máy, công xưởng, công trường xây dựng để giảm lượng khí thải cho đến khi sự độc hại giảm bớt.
Hoặc chúng ta sẽ cần một phong trào kêu gọi và tạo điều kiện cho mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn...

Khi nào trở lại Việt Nam hy vọng thầy sẽ lại cùng tham gia các phong trào vì môi trường xanh, và chủ đề thời gian tới chắc hẳn sẽ tập trung một chút vào chất lượng không khí.
Ở Việt Nam cũng cần kinh nghiệm của các nước đã làm những gì nữa thầy giáo ạ.
Hẹn sớm gặp lại thầy.

Học trò            
Nguyễn Quang Hải   

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về an toàn giao thông ứng dụng công nghệ

.........,Ngày ....tháng .... năm.......   

Gửi chú cảnh sát giao thông mà cháu vô tình gặp

Hôm nọ cháu là đứa học sinh bị chú giữ lại vì đi ngược chiều trên con đường về nhà quen thuộc. Bình thường cháu vẫn đi như vậy nên rất bất ngờ vì bị "bắt". Nhưng cuối cùng chú chỉ giải thích đúng sai và thả về, cháu rất cảm kích vì điều đó.

Thực ra chương trình giáo dục về an toàn giao thông ở trường cháu cũng thỉnh thoảng diễn ra, và cháu cũng là đứa ham tìm hiểu. Vì thế mà cháu hiểu là tình hình giao thông ở nước ta vẫn rất phức tạp, ý thức người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đau lòng hoặc nếu không thì là tình trạng ùn tắc giao thông.

Năm 2019 có một tín hiệu tương đối tích cực, đó là số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 8.000, trong khi 10 năm trước số người thiệt mạng hàng năm là 12.000. Tuy nhiên như vậy bình quân mỗi ngày vẫn có 20 người chết và 50 người bị thương; trong khi việc chấp hành luật giao thông đường bộ dường như vẫn còn lạ lẫm với nhiều người.

Như cháu biết thì Việt Nam ta đang thí điểm xử lý vi phạm giao thông phạt nguội qua camera, và cháu thấy chuyện này rất hữu ích. Thay vì các chú cảnh sát giao thông phải túc trực nắng gió mưa bão ngoài đường mà vẫn không xử lý hết được vi phạm, thì nay camera có thể xử lý thay rất nhiều trường hợp.

Không chỉ vậy xu hướng công nghệ sắp tới còn là ứng dụng AI để nhận biết người lái xe sử dụng điện thoại, hoặc lái xe trong tình trạng say xỉn, buồn ngủ, để lực lượng cảnh sát giao thông ngăn chặn kịp thời.

Một ứng dụng nữa mà cháu thấy rất thiết thực đó là phạt nguội sử dụng hình ảnh quay phim do người dân cung cấp, hoặc do thu thập trên mạng xã hội. Nếu làm triệt để được biện pháp này thì chắc chắn ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông sẽ được cải thiện.
Bản thân hiện nay khi các clip hình ảnh vi phạm luật giao thông được chia sẻ trên mạng xã hội thì cháu có cảm giác nhiều người đã có ý thức tốt hơn. Và các chú cũng không cần phải lo lắng về những người quay clip cãi vã với cảnh sát giao thông, vì cư dân mạng nhìn chung đều có nhận định phán xét đúng đắn.

Đó là những chia sẻ của cháu để hy vọng các chú cảnh sát giao thông luôn yên tâm trong công tác, mang lại sự bình yên trên mỗi tuyến đường.

Thân gửi             
Nguyễn Trần Khánh Vân  

Bài đăng

Thuyết Minh Về Nhà Tù Sơn La

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Ngữ văn 6 Bài 3 Thực hành đọc: Lắc-ki thực sự may mắn - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 3 Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm của em - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thạch Sanh - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức