Tả cảnh đẹp quê hương em

Bài văn tả dòng sông quê hương

   Đã lâu lắm rồi em không về quê chơi, nhân dịp hè năm vừa rồi, bố mẹ đã dành tặng em một chuyến du lịch tại chính quê nội của em. Ở đó có biết bao nhiêu là cảnh đẹp nhưng đối với em hình ảnh dòng sông quê hương luôn khắc khoải mãi trong tâm trí em.

   Sáng hôm ấy, em đã thức dậy thật sớm và ăn sáng để chuẩn bị ra bến xe đi về quê, suốt dọc đường đi em được ngắm biết bao nhiêu cảnh đẹp, được nhìn thấy rất nhiều thứ mới mẻ và thú vị. Trong lòng em cứ háo hức và hồi hộp mong chờ xe lăn bánh lăn bánh thật nhanh để mau về quê nội. Vừa bước xuống xe, mùi thơm của lúa vàng như mang em vào một thế giới cổ tích, ngọt ngào, một mùi vị của tình quê không ở đâu em cảm nhận được như ở nơi này. Và xen lẫn vào đó là tiếng nước trôi nhẹ nhàng của dòng sông đủ làm nên một bức tranh trọn vẹn.

Dòng sông quê nội được mệnh danh là hơi thở của cánh đồng, nó bao quanh quê hương em, cung cấp nước cho các bác nông dân vào mùa vụ, là tiếng nhạc du dương cổ vũ cho mọi người, tiếng ru trẻ thơ mỗi buổi trưa hè. Trên con sông quê, em không thể quên được những kỉ niệm một thời theo anh đi bắt cá, đi tắm, đi tổ chức những cuộc đua trâu, những trò đánh trận.

Những buổi sáng sớm tinh mơ, dòng sông quê nội càng trở nên thơ mộng bởi làn sương bao phủ, ẩn hiện xa xa là những cành cây trúc, cây liễu rũ xuống, hay trước mặt là cây đa cổ thụ in hình. Ôi, cảnh đẹp biết dường nào, nó như một bức tranh sơn mài đã được một nghệ nhân nào tô vẽ lên. Nước sông nhẹ nhàng trôi như vẫy chào mọi người ngày mới đến. Vào buổi trưa hè, dòng sông lại hòa nhịp với những cơn gió nhẹ mang hơi mát vào làng em, khiến cái nắng trở nên dịu dàng hơn. Mọi người cũng thường tranh thủ nghỉ trưa ở trên những hàng cây rợp bóng mát cạnh dòng sông.

Rồi chiều chiều, mọi người lại nô nức ra sông tắm rửa, ra sông nghỉ ngơi, tám chuyện hoặc theo những con thuyền lênh đênh để câu cá, cắt vó, vớt những cây bèo đang trôi theo dòng nước. Mỗi buổi chiều, em thường cùng các bạn dưới quê rủ nhau ra sông vớt rác để giúp sông trở nên sạch sẽ và đẹp đẽ hơn. Chúng em đang cố gắng làm những hành động nhỏ để góp phần giữ gìn dòng sông, mong rằng từ hành động nhỏ đó mọi người sẽ ý thức được việc xả rác vào dòng sông là không đúng để dòng sông mát lạnh luôn là người bạn của làng quê.

Dòng sông ơi, dù sau này em lớn lên em cũng không bao giờ quên sông đâu, sông chính là người bạn, gắn liền với tuổi thơ em, với kỷ niệm. Dù bây giờ, em đã rời xa sông, nhưng những hình ảnh về sông, về con người nơi này em mãi giữ trong tim mình. Hãy luôn mãi đẹp, mãi xanh sông nhé.

Bài văn tả dòng sông quê hương số 2

    Hình như người làng em khi đi xa, nghĩ về quê mình, đầu tiên đều nghĩ đến con sông quê. Em cũng vậy, yêu dòng sông quê hương mình tha thiết.

    Con sông không biết bắt nguồn từ những ngọn suối nào trên dãy Trường Sơn trùng điệp với những ngọn núi xanh biếc, xa xôi kia. Khi đi qua làng em, nó chảy êm ả, dịu dàng như để mọi người đủ thời gian để ngắm làn nước trong xanh của nó. Chỗ rộng nhất của nó khi qua làng cũng chỉ khoảng vài mét. Dòng sông như lặng đi trước cảnh đẹp của xóm làng. Nó trầm ngâm phản chiếu những hàng tre đổ bóng mát rượi xuống đôi bờ.

Đôi lúc từ trên ngọn tre cao vút, một chú cò trắng như vôi, mắt lim dim, giật mình nhìn thấy bóng mình soi trong đáy nước. Ngay giữa làng em là con đường chạy thẳng xuống bờ sông, gặp bến đò rồi nối với con đường bên kia sông. Người làng đi lên huyện lên tỉnh, qua làng khác đều theo con đường ấy mà đi, khiến cho bến đò lúc nào cũng đông người qua lại. Chúng em cũng ngày ngày qua bến đò ấy mà đến trường. Sáng nào, dòng sông cũng xao động vì những chuyến đò qua lại.

Mặt nước sông phẳng lặng cuộn lên những lớp sóng nhỏ dưới lưng đò, xô nhau lăn tăn chạy mãi vào bờ khiến cho buổi sáng mai tĩnh lặng lao xao những âm thanh nho nhỏ. Trên màu xanh biếc của nước sông và lá tre, nổi lên màu trắng của áo học trò, màu vàng của đám cây ô rô, cây cóc kẻ pha lẫn với màu đỏ rực của khăn quàng thiếu niên. Tiếng chuyện trò nghe râm ran vang vọng mãi đến đầu sông. Đó là những ngày rất đẹp trên con sông.

Gặp những ngày mưa lũ, con sông không êm ả đi qua làng. Nó mang dòng nước đỏ màu phù sa và ngầu bọt, réo sôi và vội vã chảy đi như muốn đua nhanh sức mạnh dư thừa đó ra biển để tránh ngập lụt cho đồng ruộng, xóm làng. Trên bờ, những ngọn tre oằn oại cả thân mình như tuyệt vọng giục dòng nước chảy nhanh hơn. Những ngày ấy, qua đò để đến lớp thật là một công việc vất vả. Mưa và gió vi vút trên sông làm chúng tôi ướt lạnh. Con đò khó nhọc nhích từng quãng ngắn và thường không đến bờ đúng nơi quy định.

    Dù có những ngày vất vả như thế, em vẫn yêu tha thiết con sông quê mình bằng một tình yêu muôn thuở – tình quê hương.

Cảnh biển buổi sáng trên quê hương

   Có lẽ đối với nhiều người thì được ngắm nhìn cảnh biển vào buổi sáng đối với họ là một điều khá hiếm hoi. Nhưng đối với những đứa trẻ được sinh ra trên chính vùng đất thấm vị biển là một điều không mấy xa lạ. Nhưng không vì thế mà chúng tôi không thích ngắm nhìn biển mỗi lúc bình minh. Yêu biển yêu quê hương chúng tôi yêu tất cả những gì thuộc về biển. Được ngắm nhìn cảnh bình minh trên biển là một điều mà lũ trẻ chúng tôi luôn cảm thấy tuyệt vời.
  
    Buổi sáng cuối tuần tôi xin phép mẹ cùng chị ra biển sớm để ngắm nhìn cảnh bình minh. Trên con đường tôi và chị ra biển cảnh vật hôm nay thật đẹp, những hàng cây nối tiếp nhau ngả nghiêng đón chúng tôi ra biển. Khi những luồng gió mạnh đập vào tai kêu ù ù lạnh buốt thì cũng là lúc chúng tôi sắp ra đến biển. Phía trước mặt chúng tôi bây giờ là một vùng cát trải dài theo đường bờ biển kéo dài xa xôi. Chúng tôi bước những bước chân đầu tiên trên bãi cát buổi sớm, những hạt cát mát rượi len lỏi vào từng kẽ tay rồi rơi xuống đất nhìn thật thích mắt.

Đến gần biển hơn, tôi có cảm giác một hương vị mát lành trong trẻo của buổi sáng sớm vẫn còn nguyên vẹn không một chút khói bụi. Một cảm giác thư thái dễ chịu ùa đến mà không một nơi nào có thể đem lại cho ta ngoài biển. Lại gần hơn chút nữa tôi mới nhìn kĩ màu nước biển trong xanh mát lành đến kì diệu. Màu xanh ấy trải dài mênh mông vô tận. Có lần tôi đã hỏi bố là tận cùng của biển là ở đâu hả bố thì khi đó bố chỉ mỉm cười mà nói rằng khi nào con lớn thêm chút nữa con hãy tự tìm hiểu xem tận cùng biển là ở đâu nhé.

Thoáng nghĩ một lát, những cơn gió đưa tôi trở lại với cảnh biển bây giờ. Khi ấy tôi nghe thấy những tiếng ồn ào từ phía sau đang tới gần. Thì ra đó là những người ngư dân đang chuẩn bị đi ra biển đánh cá. Với tôi, được ngắm nhìn cảnh biển cùng đoàn thuyền ra khơi đánh cá thật hào hứng và thú vị biết bao. Mặt nước lúc trước còn đang lăn tăn gợn sóng thì bỗng chốc được thay thế bằng những mạch sóng dài nối đuôi nhau theo đoàn thuyền ra ngoài đại dương.

Phóng xa tầm mắt, tôi trông thấy những đoàn thuyền đang nối đuôi nhau khuất dần bóng. Những tia nắng đầu tiên của buổi sáng sớm đã bắt đầu len lỏi vào trong những rặng dừa, len lỏi chiếu qua những hạt cát trên biển. Những hạt cát óng ánh sắc ánh vàng trông rất đẹp mắt. Những tia nắng chiếu xuống biển như những ánh bạc lung linh. Mặt biển trông như một tấm thảm khổng lồ huy hoàng và rực rỡ. Tôi và chị cùng nhau đi xuống ven biển nhặt những viên san hô lấp lánh ánh bạc.

    Gần đó, mấy bác đang đi thu gom rác xung quanh biển để làm sạch môi trường. Tôi và chị cùng tham gia giúp các bác làm sạch bờ biển. Cuối cùng hai chị em tôi cũng buộc phải ra về dù ai cũng muốn nán lại thêm chút nữa. Lần sau tôi sẽ đưa các bạn đến để cùng ngắm cảnh biển quê hương trong lành và yên bình mỗi sáng.

Bài đăng

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Món quà sinh nhật

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức