Tiếng việt 5 Tuần 21 : Chí dũng xong toàn

TIẾNG VIỆT 5
TUẦN 21: SỨ THẦN GIANG VĂN MINH
Tập đọc: Chí dũng xong toàn
Nội dung:
Ca ngợi sứ thần Giang Văn Minh trí dũng song toàn, bảo vệ được quyền lợi và danh dự của đất nước khi đi sứ nước ngoài.
Lời giải chi tiết
1. Sứ thần Giang Văn Minh làm cách nào để vua nhà Minh bãi bỏ lệ "góp giỗ Liễu Thăng" ?
Gợi ý:
Đọc đoạn văn đầu tiên từ "Mùa đông năm..." đến "... đền mạng Liễu Thăng."
Trả lời:
Để vua nhà Minh bãi bỏ lệ góp giỗ Liễu Thăng, sứ thần Giang Văn Minh vờ khóc than vì không có mặt ở nhà để cúng giỗ cụ tổ năm đời. Vua nhà Minh phán: không ai phải giỗ người đã chết từ năm đời. Nghe vậy, Giang Văn Minh tâu luôn: “Vậy, tướng Liễu Thăng tử trận đã mấy trăm năm, sao hằng năm nhà vua vẫn bắt nước tôi cử người mang lễ vật sang cúng giỗ?”. Vua nhà Minh biết đã mắc mưu nên phải bỏ lệ bắt nước Việt góp giỗ Liễu Thăng.
2. Nhắc lại nội dung cuộc đối đáp giữa ông Giang Văn Minh với đại thần nhà Minh.
Gợi ý:
Đọc đoạn văn từ "Lần khác..." đến "...ám hại ông." và chú ý vào đoạn đối đáp của hai nhân vật.
Trả lời:
 Đại thần nhà Minh ra vế đối: “Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc” ngầm ngạo mạn nhắc lại chuyện Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng.
 Giang Văn Minh đã cứng cỏi đối lại ngay: “Bạch Đằng thuở trước máu còn loang" nhằm nhắc lại việc quân cả ba triều đại Nam Hán, Tống và Nguyên đều thảm bại trên sông Bạch Đằng để đối lại.
3. Vì sao vua nhà Minh sai người ám hại ông Giang Văn Minh ?
Gợi ý:
Ông Giang Văn Minh đã làm cho vua và triều thần nhà Minh bẽ mặt vì những chuyện gì?
Trả lời:
Vua nhà Minh sai người ám hại ông Giang Văn Minh vì trước mắc mưu ông phải bỏ lệ góp giỗ Liễu Thăng đã căm ghét ông rồi, nay lại thấy ông cứng cỏi, chẳng chịu nhún nhường khi ứng đối với đại thần nhà Minh nên giận quá đã ra tay.
4. Vì sao có thể nói ông Giang Văn Minh là người trí dũng song toàn ?
Gợi ý:
Người trí dũng song toàn là người hội tụ đủ cả hai phẩm chất: trí tuệ và dũng cảm. Hãy nhớ lại xem trong truyện chi tiết nào cho thấy ông Giang Văn Minh là người có trí tuệ, chi tiết nào cho thấy ông là người dũng cảm?
Trả lời:
Có thể nói ông Giang Văn Minh là người trí dũng song toàn vì ông vừa mưu trí vừa bất khuất. Giữa triều đình nhà Minh, Giang Văn Minh biết dùng mưu để vua nhà Minh buộc phải bỏ lệ góp giỗ Liễu Thăng cho nước Việt, để giữ thể diện và danh dự đất nước, ông dũng cảm dám đối lại bằng một vế đối tràn đầy lòng tự hào dân tộc.
Chính tả: Chí dũng xong toàn
1. Nghe - viết: Trí dũng song toàn (Từ Thấy sứ thần Việt Nam ... đến hết)
Thấy sứ thần Việt Nam dám lấy việc quân đội cả ba triều đại Nam Hán, Tống và Nguyên đều thảm bại trên sông Bạch Đằng để đối lại, vua Minh giận quá sai người ám hại ông.
Thi hài Giang Văn Minh được đưa về nước. Vua Lê Thần Tông đến tận linh cữu ông, khóc rằng:
Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.
Điếu văn của vua Lê còn có câu: “Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống”
2. Tìm và viết các từ:
a)  Chứa tiếng bắt đầu bằng r, d hoặc gi, có nghĩa như sau :
-   Giữ lại để dùng về sau.
-   Biết rõ, thành thạo.
-   Đồ đựng đan bằng tre nứa, đáy phẳng, thành cao.
Trả lời:
Các từ chứa tiếng bắt đầu bằng r, d hoặc gi
-  Giữ lại để dùng sau: dành dụm, để dành
-  Biết rõ, thành thạo: rành, rành rẽ.
-  Đồ đựng đan bằng tre nứa đáy phẳng, thành cao: cái giành
b)  Chứa tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã, có nghĩa như sau :
-   Dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm.
-   Lớp mỏng bọc bên ngoài của cây, quà.
-   Đồng nghĩa với giữ gìn.
Trả lời:
Các từ chứa tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã.
-  Dám đương đầu với khó khăn nguy hiểm: dũng cảm
-  Lớp mỏng bọc bên ngoài của cây, quả: vỏ
-  Đồng nghĩa với giữ gìn: bảo vệ
3.
a) Có thể điền r, d hay gi vào chỗ trống nào trong bài thơ sau ?
Dáng hình ngọn gió
Bầu trời rộng thênh thang
Là căn nhà của gió
Chân trời như cửa ngõ
Thả sức gió đi về
Nghe cây lá ...ầm ...ì
Ấy là khi gió hát
Mặt biển sóng lao xao
Là gió đang ...ạo nhạc
Những ngày hè oi bức
Cứ tưởng gió đi đâu
Gió nép vào vành nón
Quạt ...ịu trưa ve sầu
Gió còn lượn lên cao
Vượt sông dài biển rộng
Cõng nước làm mưa ...ào
Cho xanh tươi đồng ruộng
Gió khô ô muối trắng
Gió đẩy cánh buồm đi
Gió chẳng bao ...ờ mệt !
Nhưng đố ai biết được
Hình ...áng gió thế nào.
Theo ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN
Trả lời:
a)
... Nghe lá cây rầm rì
... Lá gió đang dạo nhạc
... Quạt dịu trưa ve sầu
... Cõng nước làm mưa rào
... Gió chẳng bao giờ mệt!
... Hình dáng gió thế nào.
b)   Có thể đặt dấu hỏi hay dấu ngã vào chữ in đậm nào trong mẩu chuyện vui sau ?
Sợ mèo không biết
Một người bị bệnh hoang tương, suốt ngày ngỡ mình là chuột, cuối cùng được ra viện nhưng anh ta cứ đứng tần ngần mai ở cổng viện mà không đi. Một bác sĩ thấy lạ bèn đến hỏi. Bệnh nhân sợ hai giai thích :
-   Bên công có một con mèo.
Bác sĩ bảo :
-   Nhưng anh đã biết mình không phai là chuột kia mà.
Anh chàng trả lời :
-  Tôi biết như vậy hỏi có ăn thua gì. Nhơ con mèo nó không biết điều ấy thì sao?
Theo BÍ QUYẾT SỐNG LÂU
Trả lời:
Một người bị bệnh hoang tưởng, suốt ngày ngỡ mình là chuột, cuối cùng được ra viện nhưng anh ta cứ đứng tần ngần mãi ở cổng viện mà không đi... Bệnh nhân sợ hãi giải thích:
-  Bên cổng có một con mèo.
-  Nhưng anh đã biết mình không phải là chuột kia mà.
- Tôi biết như vậy hỏi có ăn thua gì. Nhỡ con mèo nó không biết điều ấy thì sao?
Luyện từ và câu: mở rộng vốn từ: công dân
1. Ghép từ công dân vào trước hoặc sau từng từ dưới đây để tạo thành những cụm từ có nghĩa:
nghĩa vụ, quyền, ý thức, bổn phận, trách nhiệm, gương mẫu, danh dự
Gợi ý:
 Thử ghép các từ với từ "công dân" xem từ nào có thể đứng được phía trước, từ nào có thể đứng được phía sau.
Trả lời:
nghĩa vụ                    công dân           
quyền                        công dân
ý thức                        công dân
bổn phận                   công dân
trách nhiệm                công dân
công dân                    gương mẫu
công dân                    danh dự
danh dự                      công dân
2. Tìm nghĩa ở cột A thích hợp với mỗi cụm từ ở cột B :


Trả lời :Nghĩa cụm từ
Quyền công dân : Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho người dân được hưởng, được làm, được đòi hỏi.
Ý thức công dân: Sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền lợi của người dân đối với đất nước.
Nghĩa vụ công dân: Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc người dân phải làm đối với đất nước, đối với người khác
3. Dựa vào nội dung câu nói của Bác Hồ "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", em hãy viết một đoạn văn khoảng 5 câu về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mỗi công dân.
Gợi ý:
- Về nội dung: nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mỗi công dân.
- Về hình thức: đoạn văn khoảng 5 câu.
Trả lời:
Đoạn văn tham khảo
        Tổ quốc là nơi ta sinh ra và lớn lên. Tổ quốc cũng là cơ đồ do tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta dày công vun đắp từ bao đời nay. Mỗi người dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mỗi một tấc đất, ngọn sóng, vùng trời thuộc về chúng ta. Như Bác Hồ đã từng nói: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước." "Giữ lấy nước" nhất định là việc mà chúng ta phải cùng nhau gánh vác, làm thế nào cho xứng đáng với Tổ tiên, với các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
Chọn một trong các đề bài sau :
1. Kể một việc làm của những công dân nhỏ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá.
2. Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
3. Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.
Gợi ý:
a) Đề 1
-   Thế nào là công trình công cộng và di tích lịch sử - văn hoá ?
+ Công trình công cộng là những nơi được xây dựng để mọi người dùng chung như cung văn hóa, viện bảo tàng, rạp hát, công viên,...
+ Di tích lịch sử - văn hoá là những công trình hoặc những vật đời trước để lại, gắn với những sự kiện, những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hoặc có ý nghĩa, giá trị cao về văn hoá.
-  Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá: giữ vệ sinh; không hái hoa; không leo trèo, nghịch ngợm; không viết, vẽ lên tường; phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá hoại công trình,...
b) Đề 2
-  Luật Giao thông đường bộ gồm các quy định mà mỗi người dân phải tuân theo khi đi lại trên đường để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn.
-  Những việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ: đi bộ trên vỉa hè; không chạy nhảy, nô đùa dưới lòng đường; đi xe ở bên phải đường; không đi xe hàng ba, hàng bốn trên đường; không vượt đèn đỏ; đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
 c) Đề 3
-  Liệt sĩ và thương binh là những người đã dũng cảm hi sinh tính mạng hoặc một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.
- Các việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ: chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đinh liệt sĩ neo đơn, giúp đỡ các cô, chú thương binh gặp khó khăn,...
Trả lời:
Đề 3: Kể một câu chuyện về một việc làm thể hiện lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ
Gợi ý:
-  Liệt sĩ và thương binh là những người đã dũng cảm hi sinh tính mạng hoặc một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.
- Các việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ: chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đình liệt sĩ neo đơn, giúp đỡ các cô, chú thương binh gặp khó khăn,...
2. Nhớ lại câu chuyện. Nhớ lại sự việc mà em đã chứng kiến hoặc tham gia.
3. Kể chuyện trong tổ, trong lớp .
-   Giới thiệu câu chuyện.
-   Kể diễn biến của câu chuyện.
-   Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện đó.
4. Trao đổi, thảo luận về nội dung, ý nghĩa của câu chuyện.
Trả lời:
Tháng 12 năm nay, trường em phát động đợt thi đua theo chủ đề "Uống nước nhớ nguồn" với mục tiêu mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh làm được một việc tốt có ý nghĩa để chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Có lớp tổ chức viết thư gửi các chú bộ đội đang công tác ở hải đảo, ở các chốt biên phòng xa xôi. Có lớp tỏa về các xóm để giúp các gia đình thương binh liệt sĩ. Có chi đội mang quà đến tặng các thương binh hiện đang điều trị tại gia đình. Riêng lớp 5A của chúng em thì đi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.
Sáng chủ nhật, chúng em theo cô giáo và bạn Nga, bạn Thành trong Ban chỉ huy chi đội đi đến Đồi Ây. Mỗi tổ được phân công mang theo một dụng cụ như cuốc, dao, liềm, chổi... Tổ em được chỉ định mang liềm.
Đúng 7 giờ rưỡi, 39 bạn và cô giáo đã hành quân tới Đồi Ây. Nắng mùa đông vàng nhạt. Gió thổi nhẹ nhưng khá lạnh. Hàng thông, hàng bạch đàn và những khóm liễu xung quanh nghĩa trang lao xao, thì thầm. Mộ 49 liệt sĩ được xây theo 7 hàng thẳng tắp. Đó là các chiến sĩ, cán bộ đơn vị pháo binh đã anh dũng hi sinh trong những trận chiến đấu bảo vệ cầu Thông năm 1972, năm 1973. Ngôi mộ nào cũng có quốc huy với ngôi sao vàng năm cánh. Em và bạn Hoa, bạn Lan cắt cỏ, nhổ những cây hoang dại quanh từng nấm mồ. Bạn Hương, bạn Quỳnh, bạn Phương đi cắt tỉa các cành liễu bị gió làm gãy, bị sâu làm cho úa vàng. Bạn Trọng, Hùng, Cường đi thay cát mới, cát vàng vào các bình hương trên các mộ . Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong Ban chỉ huy đội đi kiểm tra, đôn đốc. Khi cỏ, cành cây được vun thành đống lấp đầy các hố phía cuối nghĩa trang, cô giáo và tất cả chúng em đi thắp hương lên các ngôi mộ liệt sĩ.
Cô giáo cho biết máy bay Mĩ đến ném bom cầu Thông 6 trận. Cầu bị đánh sập ta lại bắc, giặc lại phá, ta lại xây. Ba máy bay Mĩ bị quân ta bắn cháy. Dân quân, trai tráng, các mẹ trong vùng đều hăng hái, dũng cảm phục vụ chiến đấu viết nên bài ca anh hùng của quê hương.
49 liệt sĩ, mỗi người ở một miền quê xa xôi: Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi... đã yên nghỉ vĩnh viễn tại quê hương chúng em. Cầu Thông năm xưa nay đã được bắc lại bốn nhịp, kiên cố, hiện đại. Quê em đã đổi mới. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân của chúng em đã được xây dựng thật khang trang. Đến thăm Đồi Ây, đọc tên các liệt sĩ, trở về em cứ nao nao, bồi hồi mãi. Nén hương thơm mà chúng em thắp lên nghĩa trang Đồi Ây mang nặng bao nghĩa tình đối với các anh hùng liệt sĩ. Làng em cũng có 32 người con đi chiến đấu ở lại chiến trường miền Nam, đi mãi chưa về...
Tập đọc: Tiếng rao đêm
Nội dung:
Ca ngợi hành động cao đẹp của một thương binh, bất chấp mọi hiểm nguy, dám xông vào đám cháy để cứu 1 em bé thoát nạn.
Lời giải chi tiết
1. Đám cháy xảy ra vào lúc nào ?
Gợi ý:
Đọc đoạn văn đầu tiên trong câu chuyện.
Trả lời:
Đám cháy xảy ra vào lúc nửa đêm.
2. Người đã dũng cảm cứu em bé là ai ? Con người và hành động của anh có gì đặc biệt ?
Gợi ý:
Đọc nửa cuối của câu chuyện.
Trả lời:
Người đã dũng cảm cứu em bé là người bán bánh giò.
Đó là một thương binh, chỉ còn một chân khi rời quân ngũ, làm nghề bán bánh giò. Tuy chỉ là một người bán bánh giò bình thường nhưng anh có hành động dũng cảm: không chỉ báo cháy mà anh còn xả thân lao vào đám cháy cứu người.
3. Chi tiết nào trong câu chuyện gây bất ngờ cho người đọc ?
Gợi ý:
Đọc đoạn văn từ "Mọi người khiêng người..." đến "... cứu một gia đình"
Trả lời:
Trong câu chuyện trên, chi tiết gây bất ngờ cho người đọc là khi cấp cứu cho người đàn ông, bất ngờ người ta phát hiện ra anh có một cái chân gỗ. Kiểm tra giấy tờ thì biết anh là một thương binh. Để ý tới chiếc xe đạp nằm lăn ở góc đường và những chiếc bánh giò tung tóe mới biết anh chính là người bán bánh giò.
4. Câu chuyện trên gợi cho em suy nghĩ gì về trách nhiệm công dân của mỗi người trong cuộc sống?
Gợi ý:
Em học được điều gì từ hành động cứu người từ trong đám cháy của anh thương binh bán bánh giò?
Trả lời:
Câu chuyện trên gợi cho em suy nghĩ là mỗi công dân cần có ý thức giúp đỡ mọi người, cứu người khi gặp nạn.
Tập làm văn : Lập chương trình hoạt động
Đề bài: Khi xây dựng chương trình công tác của liên đội trong năm học, ban chỉ huy liên đội trường em dự kiến tổ chức một số hoạt động sau đây :
a. Hội trại chúng em tiến bước theo Đoàn (nhân kỉ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26 - 3).
b. Thi nghi thức Đội.
c. Triển lãm về các chủ đề Bảo vệ môi trường, yêu hoà bình, uống nước nhớ nguồn,...
d. Quyên góp ủng hộ thiếu nhi và nhân dân các vùng bị thiên tai.
e. Gặp gỡ, giao lưu với học sinh các trường kết nghĩa hoặc với các bạn thiếu nhi quốc tế đang sống và học tập ở Việt Nam.
Em hãy lập chương trình cho một trong các hoạt động nói trên (hoặc cho một hoạt động khác mà trường em dự kiến tổ chức).
Gợi ý:
Lập chương trình hoạt động gồm có ba phần:
1. Mục đích của hoạt động
2. Các sự việc cụ thể và phân công nhiệm vụ
3. Chương trình cụ thể
Trả lời:
Chương trình quyên góp ủng hộ thiếu nhi vùng lũ lụt
(Lớp 5A)
1. Mục đích:
Giúp đỡ các bạn thiếu nhi vùng lũ lụt, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
2. Các sự việc cụ thể, phân công nhiệm vụ:
-   Họp lớp, thống nhất nhận thức, hành động: Lớp trưởng.
-   Nhận quà: 4 tổ trưởng (ghi tên người, số lượng cụ thể rõ ràng).
-   Đóng gói, chuyển quà lên nhà trường: Lớp trưởng và ban cán sự lớp.
3. Chương trình cụ thể:
Chiều thứ năm (13/2): Họp lớp
-   Phát biểu ý kiến, vận động cả lớp ủng hộ.
-   Trao đổi ý kiến, thống nhất loại quà.
-   Phân công cụ thể nhiệm vụ.
Sáng thứ 2 (17/2): Nhận quà ủng hộ của lớp.
Chiều thứ 2: Đóng gói, nộp lên nhà trường.
Luyện từ và câu: Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ
I   - Nhận xét
1. Cách nối và cách sắp xếp các vế câu trong hai câu ghép sau đây có gì khác nhau ?
a)   Vì con khỉ này rất nghịch nên các anh bảo vệ thường phải cột dây.
ĐOÀN GIỎI
b)  Thầy phải kinh ngạc vì chú học đến đâu hiểu ngay đến đó và có trí nhớ lạ thường.
TRINH ĐƯỜNG
Gợi ý:
Xác định các vế câu ghép trong câu.
Xác định các từ nối trong câu.
Nhận xét cách nối và cách sắp xếp các vế câu trong từng câu ghép.
Trả lời:
a) Vì con khỉ này rất nghịch / nên các anh bảo vệ thường phải cột dây.
- 2 vế câu được nối với nhau bằng cặp quan hệ từ vì... nên thể hiện quan hệ nguyên nhân - kết quả.
-  Vế 1 chỉ nguyên nhân - vế 2 chỉ kết quả.
b) Thầy phải kinh ngạc / vì chú học đến đâu hiểu ngay đến đó và có trí nhớ lạ thường.
-   2 vế câu được nối với nhau chỉ bằng một quan hệ từ vì, thể hiện quan hệ nguyên nhân - kết quả.
-  Vế 1 chỉ kết quả - Vế 2 chỉ nguyên nhân.
2. Tìm thêm những quan hệ từ và cặp quan hệ từ dùng để nối các vế câu có quan hệ nguyên nhân - kết quả.
Trả lời:
-  Các quan hệ từ: vì, bởi vì, nhờ, nên, cho nên, do vậy,...
-  Cặp quan hệ từ: vì ... nên, bởi vì ... cho nên, tại vì ... cho nên, nhờ ... mà, do ... mà
II - Luyện tập
1. Tìm các vế câu chỉ nguyên nhân, chỉ kết quả và quan hệ từ, cặp quan hệ từ nối các vế câu này trong những ví dụ sau :
a)
Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo
Cho nên tôi phải băm bèo, thái khoai.
CA DAO
b)  Vì nhà nghèo quá, chú phải bỏ học.
TRINH ĐƯỜNG
c)   Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì nó rất đắt và hiếm.
TRINH MẠNH
Gợi ý:
- Xác định các vế câu trong từng trường hợp
- Xác định vế chỉ nguyên nhân và vế chỉ kết quả
- Tìm quan hệ từ trong câu.
Trả lời:
a) Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo ⟶ Vế NN (nguyên nhân)
Cho nên tôi phải băm bèo thái khoai ⟶ Vế KQ (kết quả)
Cặp quan hệ từ: Bởi chưng .... Cho nên
 b) Vì nhà nghèo quá ⟶ Vế NN
chú phải bỏ học. ⟶ Vế KQ 
Quan hệ từ: Vì
c) Lúa gạo quý ⟶ Vế KQ
vì ta phải đổ bao mồ hôi  mới kiếm ra được ⟶ Vế NN
Quan hệ từ: Vì
Vàng cũng quý ⟶ Vế KQ
vì nó rất đắt và hiếm. ⟶ Vế NN
Quan hệ từ Vì
2. Từ một câu ghép đã dẫn ở bài tập 1, hãy tạo ra một câu ghép mới bằng cách thay đổi vị trí của các vế câu (có thể thêm bớt từ nếu thấy cần thiết)
Trả lời:
a)   Tôi phải băm bèo, thái khoai vì gia đình tôi nghèo.
b)   Chú phải bỏ học vì gia đình nghèo không đủ tiền cho chú ăn học
c)   Vì người ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được nên lúa gạo rất quý. Vì vàng rất đắt và hiếm nên vàng cũng rất quý.
3. Chọn quan hệ từ trong ngoặc đơn thích hợp với mỗi chỗ trống. Giải thích vì sao em chọn quan hệ từ ấy.
a)   ... thời tiết thuận nên lúa tốt.
b)   ... thời tiết không thuận nên lúa xấu.
(tại, nhờ)
Gợi ý:
- Tại: Từ biểu thị điều sắp nêu ra là nguyên nhân cho một sự việc không tốt, không hay xảy ra.
- Nhờ: Từ biểu thị điều sắp nêu ra là nguyên nhân cho một sự việc tốt xảy ra.
Trả lời:
a. Nhờ thời tiết thuận nên lúa tốt.
Ta sử dụng từ nhờ là bởi vì từ này biểu thị điều sắp nói ra là nguyên nhân dẫn tới một kết quả khả quan được nói tới. Trong câu a thì thời tiết là một nguyên nhân dẫn tới một kết quả tốt là lúa tốt.
b. Tại thời tiết không thuận nên lúa xấu.
Ta sử dụng từ tại là bởi vì từ này biểu thị điều sắp nói ra là nguyên nhân dẫn tới một kết quả không hay được nói tới. Trong câu b thì thời tiết lại là một nguyên nhân dẫn tới một kết quả không hay là lúa xấu.
4. Thêm vào chỗ trống một vế câu thích hợp để tạo thành câu ghép chỉ nguyên nhân - kết quả :
a)  Vì bạn Dũng không thuộc bài ...
b)   Do nó chủ quan ...
c)   ... nên Bích Vân đã có nhiều tiến bộ trong học tập.
Trả lời:
a. Vì Dũng không thuộc bài nên bạn ấy bị thầy nhắc nhở.
b. Do Bình chủ quan nên bài thi của cậu ấy không đạt điểm cao.
c. Nhờ chăm chỉ, khiêm tốn học thầy hỏi bạn nên Bích Vân đã có nhiều tiến bộ trong học tập.
Tập làm văn : Trả bài tả người
1. Dựa vào kết quả bài làm và hướng dẫn của cô giáo (thầy giáo), tự nhận xét về bài làm của em và rút kinh nghiệm theo các yêu cầu sau:
Trả lời:
-   Viết đúng thể loại văn miêu tả (tả người),
-   Bố cục (mở bài, thân bài, kết bài) rõ ràng, trình tự miêu tả hợp lí.
-   Diễn đạt (dùng từ, đặt câu, chuyển ý, chuyển đoạn,...) trôi chảy, sáng rõ; câu văn có hình ảnh, có cảm xúc; viết đúng chính tả, trình bày sạch sẽ.
2. Chọn một đoạn trong bài làm của em viết lại theo cách khác hay hơn, ví dụ:
a)  Một đoạn tả ngoại hình hoặc tả tính tình, hoạt động của người được tả.
b)  Đoạn mở bài hoặc kết bài viết theo kiểu khác với đoạn mở bài, kết bài em đã viết.
Ví dụ: Viết mở bài theo cách khác:
      Trời trưa nắng chang chang, từng bóng cây xanh đứng chịu tội trong nắng, gió và cát bụi. Trở về tới nhà, dường như cái nóng rực lửa của mùa hè đã lùi lại ngay phía sau cánh cửa. Cả một khoảng sân rộng rợp bóng mát bởi cây xanh và dàn hoa thiên lý. Gió thổi vi vu khoan khoái dễ chịu. Em dáo dác nhìn quanh, không thấy bóng dáng quen thuộc ấy đâu. Chạy vào trong nhà, phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ đều không có. Ghế đá ở khoảng sân rợp bóng mát cũng không  thấy đâu. Em vội vàng gọi lớn “Bà ơi! Bà ở đâu ạ?”. Có tiếng người đáp từ ngoài vườn vọng lại. Bà nội – người mà em yêu thương nhất cuộc đời này, mỗi lần về quê, việc đầu tiên em làm là tới thăm bà.


Bài đăng

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Món quà sinh nhật

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức