Tiếng Việt 4 tuần 20 bốn anh tài ( tiếp theo) luyện tập giới thiệu địa phương

TIẾNG VIỆT 4
TUẦN 20 : BỐN ANH TÀI ( tiếp theo). LUYỆN TẬP GIỚI THIỆU ĐỊA PHƯƠNG
Tập đọc: Bốn anh tài ( tiếp theo)
Nội dung
Ca ngợi sức khỏe, tài năng, tinh thần đoàn kết, hiệp lực chiến đấu quy phục yêu tinh, cứu dân bản của 4 anh em Cẩu Khây.
Bài 1
Tới nơi yêu tinh ở, anh em Cẩu Khây gặp ai và đã được giúp đỡ như thế nào?
Gợi ý:
Đọc đoạn văn đầu tiên.
Trả lời:
Tới nơi yêu tinh ở, bốn anh em Cẩu Khây gặp bà cụ già chăn bò cho yêu tinh. Bà cụ đã nấu cơm cho bốn anh em ăn no, canh giấc cho anh em ngủ và giục bốn anh em chạy trốn khi thấy yêu tinh đã trở về.
Bài 2
Thuật lại cuộc chiến đấu của bốn anh em chống yêu tinh.
Gợi ý:
Đọc đoạn văn từ "Cẩu Khây hé cửa..." đến ".... phải quy hàng."
Trả lời:
Khi yêu tinh về, bốn anh em không chạy trốn mà chủ động tấn công nó.
Nắm Tay Đóng Cọc đấm một cái làm nó gãy gần hết hàm răng. Bốn anh em đuổi theo yêu tinh quyết bắt được nó. Khi yêu tinh hét lên làm gió bão nổi ầm ầm, đất trời tối sầm lại, bốn anh em cũng không chùn bước. Khi yêu tinh phun nước ra gây mưa lụt cả cánh đồng thì Nắm Tay Đóng Cọc đóng cọc be bờ ngăn nước lụt. Lấy Tai Tát Nước tát nước ầm ầm qua núi cao. Móng Tay Đục Máng ngả cây khoét máng, khơi dòng cho nước chảy đi. Cuối cùng yêu tinh thua cuộc, đành phải quy hàng.
Bài 3
Vì sao anh em Cẩu Khây chiến thắng được yêu tinh?
Gợi ý:
Đọc lại diễn biến trận chiến của anh em Cẩu Khây và yêu tinh rồi trả lời.
Trả lời:
Anh em Cẩu Khây chiến thắng yêu tinh là nhờ có sức khỏe, tài năng và tinh thần đoàn kết.
Bài 4
Ý nghĩa của câu chuyện này là gì?
Gợi ý:
Thông qua trận chiến đấu với yêu tinh đó . Hãy suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện.
Trả lời:
Ca ngợi tài năng của con người trong việc chinh phục thiên nhiên, diệt trừ mọi thế lực đen tối để bảo vệ cuộc sống tốt đẹp. Chuyện này còn có ý nghĩa: cái thiện luôn chiến thắng cái ác.
Chính tả:
Bài 1
Nghe - viết:
           Cha đẻ của chiếc lốp xe đạp
      Vào cuối thế kỉ XIX, bánh xe đạp còn làm bằng gỗ, nẹp sắt, do đó đi rất xóc. Người đầu tiên sáng chế ra chiếc lốp xe bằng cao su là Đân-lớp một học sinh của nước Anh. Từ một lần suýt ngã vì vấp phải ống cao su dẫn nước, Đân-lớp đã nghĩ ra cách cuộn ống cao su cho vừa vành bánh xe rồi bơm hơi căng lên thay cho gỗ và nẹp sắt. Phát minh của Đân-lớp được đăng kí chính thức vào năm 1880. Về sau, lốp xe đạp có thêm chiếc săm bơm căng hơi nằm bên trong.
                                                    Theo Vũ Bội Tuyền
Bài 2
Điền vào chỗ trống:
a. ch hay tr?
 ...uyền ....ong vòm lá
.....im có gì vui
Mà nghe ríu rít
Như .....ẻ reo cười
b)  uôt hay uôc?
-  Cày sâu c.... bẫm
-  Mua dây b.... mình
-  Th.... hay tay đảm
-  Ch..... gặm chân mèo
Gợi ý:
Suy nghĩ để điền các chữ cái vào chỗ trống sao cho phù hợp.
Trả lời:
a)  ch hay tr?
 Chuyền trong vòm lá
 Chim có gì vui
 Mà nghe ríu rít
 Như trẻ reo cười
b)  uôt hay uôc?
-  Cày sâu cuốc bẫm
-  Mua dây buộc mình
-  Thuốc hay tay đảm
-  Chuột gặm chân mèo
Bài 3
Tìm tiếng thích hợp để hoàn chỉnh các câu trong hai mẩu chuyện sau:
a)  Tiếng có âm tr hay ch:
Đãng trí bác học
Một nhà bác học có tính đãng ..... đi tàu hỏa. Khi nhân viên soát vé đến, nhà bác học tìm toát mồ hôi mà .... thấy vé đâu. May là người soát vé này nhận ra ông, còn bảo:
Thôi, ngài không cần xuất ...... vé nữa.
Nhà bác học vẫn loay hoay tìm vé và nói:
-  Nhưng tôi vẫn phải tìm bằng được vé để biết phải xuống ga nào chứ!
b)  Tiếng có âm uôc hay uôt:
Vị thuốc quý
Nhà thơ Đức nổi Liếng Hai-nơ mắc chứng bệnh mệt mỏi và mất ngủ. Ông dùng rất nhiều thứ ...... bổ mà vẫn không khỏi. Một bác sĩ đến khám bệnh, bảo ông:
-  Mỗi ngày, ngài hãy ăn một quả táo, vừa ăn vừa đi bộ từ nhà đến quảng trường thành phố.
Sau một thời gian ngắn, quả nhiên Hai-nơ khỏi bệnh. Ông ngạc nhiên nói với bác sĩ:
- Bây giờ tôi mới biết táo cũng là vị thuốc quý.
Bác sĩ mỉm cười:
Không phải những quả táo bình thường kia chữa lành cho ngài đâu. Chính những .... đi bộ hằng ngày mới là vị thuốc quý, vì chúng bắt ..... ngài phải vận động.
Chú thích: Quảng trường là nơi đất trống và rộng lớn có thể tập trung được rất nhiều người, thường dùng làm nơi tiến hành các cuộc mít-tinh, các cuộc lễ hội lớn của thành phố.
Gợi ý:
Đọc kĩ để điền các chữ cái vào chỗ trống sao cho phù hợp.
Trả lời:
a)  Tiếng có âm tr hay ch:
Đãng trí bác học
Một nhà bác học có tính đãng trí đi tàu hỏa. Khi nhân viên soát vé đến, nhà bác học tìm toát mồ hôi mà chẳng thấy vé đâu. May là người soát vé này nhận ra ông, còn bảo:
Thôi, ngài không cần xuất trình vé nữa.
Nhà bác học vẫn loay hoay tìm vé và nói:
-  Nhưng tôi vẫn phải tìm bằng được vé để biết phải xuống ga nào chứ!
b)  Tiếng có âm uôc hay uôt:
Vị thuốc quý
Nhà thơ Đức nổi Liếng Hai-nơ mắc chứng bệnh mệt mỏi và mất ngủ. Ông dùng rất nhiều thứ thuốc bổ mà vẫn không khỏi. Một bác sĩ đến khám bệnh, bảo ông:
-  Mỗi ngày, ngài hãy ăn một quả táo, vừa ăn vừa đi bộ từ nhà đến quảng trường thành phố.
Sau một thời gian ngắn, quả nhiên Hai-nơ khỏi bệnh. Ông ngạc nhiên nói với bác sĩ:
- Bây giờ tôi mới biết táo cũng là vị thuốc quý.
Bác sĩ mỉm cười:
Không phải những quả táo bình thường kia chữa lành cho ngài đâu. Chính những cuộc đi bộ hằng ngày mới là vị thuốc quý, vì chúng bắt buộc ngài phải vận động.
Luyện từ và câu: luyện tập về Ai làm gì
Bài 1
Tìm các câu kể "Ai làm gì?" trong đoạn văn đã cho:
Đêm trăng. Biển yên tĩnh. Tàu chúng tôi buông neo trong vùng biển Trường Sa.
Một số chiến sĩ thả câu. Một số khác quây quần trên boong sau, ca hát, thổi sáo. Bỗng biển có tiếng động mạnh. Cá heo gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui.
                                                        Theo Hà Đình Cẩn
Gợi ý:
Câu kể Ai làm gì? gồm 2 bộ phận:
- Chủ ngữ trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?
- Vị ngữ trả lời cho câu hỏi: Làm gì?
Trả lời:
-   Các câu kể Ai làm gì? có trong đoạn văn là:
a)  Tàu chúng tôi buông neo trong vùng biển Trường Sa.
b)  Một số chiến sĩ thả câu.
c)  Một số khác quây quần trên boong tàu, ca hát, thổi sáo.
d)  Cá heo gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui.
Bài 2
Xác định bộ phận chủ ngữ, vị ngữ trong các câu vừa tìm:
Gợi ý:
Trong câu kể Ai làm gì?, chủ ngữ chỉ sự vật (người, con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hoá) có hoạt động được nói đến ở vị ngữ.
Trả lời:
a)  Chủ ngữ : Tàu chúng tôi
Vị ngữ : buông neo trong vùng biển Trường Sa.
b)  Chủ ngữ : Một số chiến sĩ
Vị ngữ : thả câu.
c)  Chủ ngữ : Một số khác
Vị ngữ : quây quần trên boong sau, ca hát, thổi sáo.
d)  Chủ ngữ : Cá heo
Vị ngữ : gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui.
Bài 3
Viết một đoạn văn độ 5 câu kể về công việc trực nhật lớp của tổ em, trong đó có dùng kiểu câu Ai làm gì ?
Gợi ý:
- Viết đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
- Nội dung: kể về công việc trực lớp của tổ.
- Sử dụng câu kể Ai làm gì?để kể lại những việc mà các bạn trong tổ đã làm.
Trả lời:
Đoạn văn tham khảo:
       Tổ em chịu trách nhiệm trực nhật lớp vào sáng thứ hai. Hôm nay, mọi người trong tổ đều phải đến trường sớm hơn thường lệ. Chúng em cùng nhau hoàn thành công việc. Bạn Hoa lau bảng. Bạn Hùng và bạn Thắng kê bàn ghế. Còn em lau bàn giáo viên. Các bạn khác trong tổ cùng nhau nhặt rác và quét dọn lớp. Chỉ một loáng, công việc trực nhật đã kết thúc. Trên trán cũng lấm tấm mồ hôi nhưng ai nấy cũng rất vui vì tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của các bạn trong tổ.
Kể chuyện: kể chuyện đã nghe và đã đọc
Đề bài
Kể lại một câu chuyện mà em được nghe hoặc được đọc về một người có tài.
Gợi ý:
- Giới thiệu về câu chuyện: tên truyện, kể về ai, kể về tài năng gì đặc biệt.
- Kể diễn biến câu chuyện, chú ý nhấn mạnh những tình tiết nói lên tài năng, trí tuệ của nhân vật đang được kể đến.
- Kết thúc câu chuyện: đánh giá chung về nhân vật và bày tỏ cảm xúc.
Trả lời:
        Em xin kể cho các bạn nghe câu chuyện "Người bán quạt may mắn"
      Chuyện kể rằng: Thuở xưa ở Trung Quốc có ông Vương Hi Chi viết chữ đẹp nổi tiếng. Một hôm, ông ngồi nghỉ dưới một góc cây bên vệ đường. Tình cờ, có một bà lão đi bán quạt cũng gánh hàng đến nghỉ ở gốc cây ấy. Bà lão tâm sự với ông rằng từ sáng đến giờ chưa bán được cái nào, ế quá. Chiều nay, chắc cả nhà phải nhịn đói. Nói xong bà mệt quá ngủ thiếp đi. Trong thời gian bà ngủ, Vương Hi Chi liền lấy bút mực ra, viết chữ đề thơ vào tất cả gánh quạt của bà. Khi tỉnh dậy, bà thấy gánh quạt trắng của mình bị ông Vương bôi đen lên cả. Bà tức giận bắt ông phải bồi thường. Ông Vương không nói gì, chỉ mỉm cười, rồi lặng lặng bỏ đi. Nào ngờ gánh quạt của bà, chỉ trong một thời gian ngắn đã được bán rất chạy. Có người còn hỏi mua giá đến ngàn vàng. Bà lão tiếc đứt ruột không có mà bán. Trên đường trở về, bà thầm nghĩ chắc là trời thương mình nên mới sai tiên ông đến giúp mình quạt mới bán nhanh như thế.
       Câu chuyện không chỉ khiến mình cảm phục tài năng viết chữ đẹp của ông Vương Hi Chi mà còn thấy được ông là một người rất nhân hậu và bao dung.
Tập đọc: Trống đồng Đông Sơn
Nội dung
Bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn rất phong phú, da dạng với hoa văn đặc sắc, là niềm tự hào của người Việt Nam chúng ta.
Bài 1
Trống đồng Đông Sơn đa dạng như thế nào?
Gợi ý:
Đọc đoạn văn thứ 2.
Trả lời:
Trống đồng Đông Sơn rất đa dạng. Chúng không chỉ khác nhau về hình dáng, kích thước mà còn khác nhau cả về phong cách trang trí, cách sắp xếp hoa văn.
Bài 2
Những hoạt động nào của con người được miêu tả trên trống đồng?
Gợi ý:
Đọc đoạn văn thứ 2.
Trả lời:
Trên trống đồng, hình ảnh con người hòa với thiên nhiên được khắc họa nổi bật. Đó là những người đang lao động: đánh cá, săn bắn hoặc đang đánh trống thổi kèn, đang cầm vũ khí bảo vệ quê hương hoặc đang tưng bừng nhảy múa.
Bài 3
Vì sao hình ảnh con người chiếm vị trí nổi bật trên hoa văn trống đồng?
Gợi ý:
Đọc lại đoạn văn thứ 3 rồi suy nghĩ xem đặt con người chiếm vị trí nổi bật trên hoa văn trống đồng nhằm thể hiện ý tứ gì?
Trả lời:
Hình ảnh con người chiếm vị trí nổi bật trên hoa văn trống đồng cho ta thấy: Khi làm ra trống đồng, dân tộc ta muốn thể hiện rõ ý thức làm chủ đất nước, ý thức lao động sáng tạo, ý thức hòa mình với thiên nhiên và niềm khao khát được sống hòa bình hạnh phúc.
Bài 4
Vì sao trống đồng là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam ta?
Gợi ý:
Suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Trống đồng là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam ta vì đó là dấu tích ghi lại nền văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Trống đồng đã một thời vang lên thúc giục quân dân xung trận, tiêu diệt kẻ thù. Trống đồng đã một thời vang lên trong các cuộc tế lễ Trời Đất, thần linh và tổ tiên. Trống đồng là một vật thể thiêng liêng gắn liền với đời sống tâm linh của con người Việt Nam ta.
Tập làm văn: miêu tả đồ vật ( kiểm tra viết)
Đề 1
Tả chiếc cặp sách của em
Gợi ý:
A. Mở bài
- Cái cặp là vật dụng gần gũi với em nhất.
- Cặp được mẹ mua cho vào dịp đầu năm học mới
B. Thân bài
a. Tả bao quát
- Cặp hình hộp chữ nhật.
- Làm bằng vải bò, có quai đeo.
b. Tả chi tiết
- Mặt trước màu xanh lam, có trang trí hình chú mèo con đáng yêu đang tung tăng trên đường.
- Đường viền nắp cặp màu vàng, nổi bật trên mặt cặp.
- Khóa cặp làm bằng sắt xi bóng nhoáng
- Mặt sau hình chữ nhật, màu xanh đậm hơn mặt trước.
- Dây đeo màu xanh đậm, lót xốp rất êm.
- Bên trong có ba ngăn, một ngăn chính và hai ngăn phụ.
- Có một túi nhỏ để đựng đồ dùng học tập.
- Mỗi ngăn được ngăn cách một lớp vải dù, mềm và chắc.
- Mỗi khi đóng, mở khóa nghe lách cách.
C. Kết bài
- Cặp giúp em bảo quản sách vở.
- Cặp đồng hành với em tới trường.
- Cặp chứa dựng nguồn kiến thức.
- Em xem cặp như người bạn thân.
- Em giữ gìn cặp cẩn thận để dùng được bền, đẹp.
Bài làm:
            Đồ vật gần gũi và thân thuộc nhất đối với mỗi người học sinh có lẽ là chiếc cặp sách. Bước chân tung tăng tới trường ai ai cũng đều khoác trên vai chiếc cặp sách xinh xinh. Em cũng giống như vậy. Em rất yêu chiếc cặp sách của em. Đó là món quà mà mẹ tặng cho em nhân dịp năm học mới. Cũng là người bạn thân thiết của em.
            Chiếc cặp của em có hình hộp chữ nhật. Cặp đủ to và rộng để em có thể đem đủ sách vở cho mỗi ngày đến trường. Nó được làm bằng vải bò, chất liệu bền và không dễ bị rách. Có hai quai đeo phía sau để em có thể đeo lên vai mỗi khi tới trường.
            Mẹ thật tinh ý khi lựa cặp màu xanh lam cho em, đó là màu sắc mà em vô cùng yêu thích. Màu xanh là màu của niềm tin và hy vọng. Em bước vào năm học mới với biết bao kì vọng và mong mỏi gặt hái được thật nhiều thắng lợi. Phía trước cặp có thêu hình chú mèo con đáng yêu đang tung tăng trên đường. Em tuổi mèo và em cũng rất thích mèo. Mỗi lần ngắm nhìn chiếc cặp là em lại đưa tay mân mê chú mèo con xinh xinh ấy. Phía đường viền nắp cặp có màu vàng. Trên nền xanh lại có viền vàng nhìn rất nổi bật và bắt mắt.Từng mũi may được may một cách tỉ mỉ và tinh xảo. Khóa của cặp được làm bằng sắt xi bóng nhoáng không sợ bị hoen gỉ. Mặt sau của chiếc cặp cũng là màu lam nhưng đậm hơn ở phía trước. Mẹ nói màu đậm như thế này nhìn rất sạch sẽ, dù con có lỡ dây bẩn cũng khó nhìn ra. Dây quai cặp cũng là màu xanh đậm, có lót đệm nên rất êm.Những ngày phải mang nhiều sách vở đến lớp khoác trên vai chiếc cặp em không hề cảm thấy đau một chút nào.
            Mở cặp ra phía bên trong cặp có ba ngăn, một ngăn chính và hai ngăn phụ.Mỗi ngăn được ngăn cách bởi một lớp vải dù , mềm và chắc. Ngăn chính em xếp sách vở ngay ngắn, gọn gàng vào. Hai ngăn phụ em để dành xếp giấy tờ và dụng cụ học tập. Bố trí khoa học như vậy nên mỗi lúc em mở cặp để tìm kiếm đồ vật gì đều không phải mất quá nhiều thời gian. Đóng nắp cặp lại em còn được nghe tiếng kêu lách tách, nghe thật sự rất vui tai.
            Chiếc cặp sách là một vật vô cùng hữu ích. Nó giúp em bảo quản sách vở, chứa đựng nguồn tri thức của em. Cặp đồng hành với em mỗi ngày nắng mưa tới trường. Em coi cặp giống như người bạn thân của em. Em sẽ giữ gìn thật cẩn thận để cặp luôn được bền và đẹp.
Đề 2
Tả cái thước kẻ của em
Gợi ý:
A. Mở bài
- Giới thiệu về cái thước.
+ Ai mua hoặc ai tặng? (bạn em tặng)
+ Mua hoặc tặng vào dịp nào? (bạn theo gia đình chuyển đến nơi ở mới).
B. Thân bài
- Tả bao quát cái thước:
+ Hình dáng: chiều dài? Chiều ngang? (chiều dài 20 cm, chiều ngang mỗi cạnh là 2 cm).
- Tả chi tiết:
+ Màu sắc của từng mặt thước: (màu lam).
+ Mặt thước trang trí như thế nào? (vạch kẻ đều nhau đánh dấu từng cm).
B. Kết bài
- Em giữ gìn thước kẻ cẩn thận vì đó là món quà kỉ niệm của bạn.
- Em coi thước kẻ như người bạn thân thiết.
Bài làm:
            Hà Anh là bạn thân nhất trong lớp của em. Mùa hè vừa rồi bạn phải chuyển nhà theo gia đình vào vùng đất mới. Trước khi đi bạn có tặng em một món quà là một cây thước kẻ. Đó là món quà em vô cùng trân trọng.
            Chiếc thước kẻ được bọc trong một lớp vỏ màu cam tránh cho việc nó bị xây xước. Mỗi khi muốn dùng em chỉ cần nghiêng nhẹ là thước sẽ trượt ra và xuất hiện trước mắt em như trò ảo thuật. Thước dày dặn và chắc chắn. Chiều dài 20 xăng-ti-mét, chiều ngang mỗi cạnh là 2 xăng-ti-mét.
            Thước có màu lam, đó là màu mà em vô cùng yêu thích. Trên thước có dính một mảnh giấy nhỏ xinh với dòng chữ “Name”. Hà Anh đã nắn nót viết trên đó dòng chữ “Tặng Thanh Ngọc”. Đánh dấu rằng đây là chiếc thước của riêng em, độc nhất vô nhị. Mỗi lần nhìn nét chữ ấy em đều bật cười và nhớ đến người bạn của mình. Trên mặt thước được khắc từng vạch kẻ màu đen đậm và rõ ràng giúp em sử dụng một cách thuận tiện hơn rất nhiều.
            Chiếc thước luôn được em giữ gìn một cách  cẩn thận. Đó không chỉ là món quà bạn thân tặng  cho em mà còn là người bạn thân thiết của em, giúp em vạch từng dòng kẻ ngay ngắn và đồng hành với em mỗi khi học tập.
Đề 3
Tả cây bút chì của em.
A. Mở bài
- Giới thiệu chiếc bút chì mà em muốn tả
- Em có nó trong trường hợp nào? (cùng mẹ đi nhà sách)
- Do ai tặng hoặc mua cho em? (mẹ mua)
B. Thân bài
a. Tả bao quát
- Hình dáng chiếc bút (dài và thon)
- Màu sắc: Màu trắng sữa
- Dài khoảng bao nhiêu? (khoảng 15 xăng-ti-mét)
b. Tả chi tiết
- Tả chi tiết từng bộ phận:
+ Đầu bút (gắn cục tẩy)
+ Thân bút (hình lục giác, thon dài, được khắc một dòng chữ tiếng Anh màu nâu)
+ Ngòi bút (chì than màu đen nhọn hoắt lộ ra)
- Công dụng của cây bút
C. Kết bài
Cảm nghĩ của em về cây bút chì đó
Bài làm tham khảo:
            Đầu năm học mới em cùng mẹ đi nhà sách để chuẩn bị đồ dùng học tập. Tại đây em đã thấy một chiếc bút chì xinh xắn mà em rất ưng ý. Mẹ đã mua tặng em chiếc bút chì ấy như một món quà nhỏ để động viên em trong học tập.
            Chiếc bút chì có hình dáng thon và dài. Độ dài của nó khoảng 15 xăng-ti-mét. Toàn thân được phủ một màu trắng sữa nhìn rất hài hòa và mát mắt. Nhìn bao quát thật giống một chiếc tàu vũ trụ thu nhỏ. Chỉ cần khởi động là có thể bay tới tận những hành tinh xa xôi bên kia.
            Chiếc bút chì được phân ra thành ba bộ phận. Đầu bút chì có một chiếc nắp nhỏ xinh xắn nhìn như chiếc mũ. Mở nắp ra bên trong là một cái cục tẩy nhỏ xinh màu trắng nhỏ xinh. Chiếc cục tẩy này giúp ích em rất nhiều khi cần tẩy những thứ không cần thiết. Mẹ dặn em cần phải rèn tính cẩn thận và sạch sẽ để hạn chế dùng tới cục tẩy. Em luôn ghi nhớ lời mẹ chỉ bảo, không để chiếc tẩy nhỏ xinh này bị mòn đi quá nhanh. Thân bút chì có hình lục giác, góc cạnh. Điều này thật tiện lợi giúp cho bút chì không bị lăn khi em đặt chú ta trên mặt phẳng.Trên thân bút được khắc một dòng chữ tiếng Anh màu nâu. Ngòi bút chì thon nhọn, chì than lộ ra màu đen. Mỗi lần chì hết em lại gọt thật cẩn thận, không gọt quá nhiều để tránh ngòi chì bị gãy. Cũng không gọt quá ít sẽ khiến ngòi bút nét không được thanh.
Mỗi lần sử dụng bút chì, ngòi bút lại vẽ lên những nét màu đen đậm và chắc. Em rất thích dùng chiếc bút chì này vào mỗi giờ mĩ thuật nó khiến cho mỗi nét vẽ của em thêm uyển chuyển hơn.
Em rất yêu chiếc bút chì này. Biết rằng một ngày nào đó bút chì gọt hết sẽ không thể dùng được nữa, nhưng em vẫn luôn giữ gìn một cách cẩn thận. Vì đó là món quà mẹ tặng em, cũng là người bạn thân thiết và gần gũi trong học tập của em.
Đề 4
Tả cái bàn học ở lớp hoặc ở nhà của em
Gợi ý:
A. Mở bài:
Cái bàn em ta là bàn ở lớp hay ở nhà? Bàn kê ở đâu? Em dùng bàn vào thời gian nào?
B. Thân bài:
- Tả bao quát: Bàn kiểu gì? Làm bằng loại gỗ gì? Còn mới hay cũ? Kích thước chung (dài, rộng, cao...) thế nào?
- Tả từng bộ phận:
+ Mặt bàn: được làm bằng gì? màu sắc? độ bóng? cách trang trí, hình dáng, kích thước?
+ Chân bàn: có mấy cái? độ dài? cách sắp xếp các chân, độ vững chãi?...
+ Ngăn bàn: nằm ở đâu? có mấy ngăn? dài, rộng ra sao? dùng để đựng những đồ dùng gì?
B. Kết bài:
Việc giữ gìn, sự gắn bó và những kỉ niệm của em đối với cái bàn đó như thế nào?
Bài làm :
  Năm nay em đã lên lớp Bốn. Do em phải học bài và làm nhiều bài tập về nhà, bố mẹ đã sắp xếp cho em một góc học tập ngăn nắp, thoáng mát. Đặc biệt hơn cả là cái bàn học xinh xắn đặt kề cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh rợp bóng.
  Bàn được làm bằng gỗ tạp, chưa phải là gỗ tốt nhưng nhờ được đánh véc-ni nên rất bóng loáng, cùng màu nâu sẫm như ghế và giá sách. Mặt bàn hình chữ nhật, bề dài đúng một sải tay em, bề rộng vừa đủ ba gang, hơi xuôi về phía em đặt ghế, tạo tư thế thoải mái khi em ngồi viết. Độ bóng của véc-ni càng làm nổi rõ những đường vân gỗ rất đẹp. Mép bàn phía trước có một đường rãnh dài, lõm xuống giúp em đựng bút, thước, tẩy... khỏi bị lăn xuống theo độ dốc của bàn. Bên dưới mặt bàn là một ngăn hộc khá rộng, em có thể kéo ra đóng vào dễ dàng khi nắm vào cái tay cầm bằng sắt. Trong ngăn hộc này, em đựng dụng cụ học môn kĩ thuật, bộ đồ dùng học toán, nhiều hộp phấn viết bảng trắng lẫn màu, thậm chí có cả mớ dây thun tết hình con rết, nắm sỏi tròn để chơi ô quan... Bốn chân bàn là những thanh gỗ vuông to và cứng cáp, các góc mép được bào nhẵn. Ba thanh gỗ dẹp hơn đóng thành hình chữ H ở chân bàn phía gần mặt đất giữ cho các chân bàn được vững vàng chắc chắn hơn.
Mỗi khi học xong em thường thu dọn sách vở và các thứ trên mặt bàn cho gọn ghẽ rồi lau bàn bằng khăn vải mềm. Không bao giờ em lơ đễnh hay cố ý viết, vẽ bậy lên mặt bàn. Vì vậy mà dùng đã nửa năm bàn vẫn còn mới.
Em yêu quý cái bàn này lắm bởi ngày nào nó cũng cùng em học tập miệt mài. Áp má lên mặt bàn, em nghe mát rượi như có ngọn gió nào thổi từ khu rừng xa xưa nơi cây gỗ này sinh sống. Em tưởng như nghe được lời gió thì thầm nhắc nhở: "Cô chủ ơi, gắng học lên! Chúng tôi tin tưởng nhiều ở cô đấy nhé!".
Luyện từ và câu: mở rộng vốn từ : sức khỏe
Bài 1
Tìm các từ ngữ:
a. Chỉ những hoạt động có lợi cho sức khỏe
M: tập luyện
b. Chỉ những đặc điểm của một cơ thể khỏe mạnh
M: vạm vỡ
Gợi ý:
Suy nghĩ và tìm các từ ngữ theo đúng yêu cầu.
Trả lời:
a)  Chỉ những hoạt động có lợi cho sức khỏe: tập luyện, tập thể dục, đi bộ, chạy nhảy, chơi bóng, đá cầu, nhảy dây, đi xe đạp,...
b)  Chỉ những đặc điểm của một cơ thể khỏe mạnh: vạm vỡ, cường tráng, rắn rỏi, lực lưỡng, to khỏe, nở nang,...
Bài 2
Kể tên các môn thể thao mà em biết:
Gợi ý:
Dựa vào kiến thức thực tế và kiến thức trong sách vở để trả lời câu hỏi này.
Trả lời:
Bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy, nhảy xa, nhảy cao, bơi, đua thuyền, đua xe đạp, xà đơn,  đánh cầu lông, đấu vật,...
Bài 3
Tìm các từ ngữ thích hợp với mỗi chỗ trống để hoàn thành các thành ngữ sau:
a. Khỏe như .........
M: Khỏe như voi
b. Nhanh như .........
M: Nhanh như cắt
Gợi ý:
Suy nghĩ để tìm các từ ngữ sao cho phù hợp.
Trả lời:
a)  Khỏe như voi; khỏe như hổ; khỏe như gấu.
b)  Nhanh như cắt; nhanh như sóc; nhanh như gió.
Bài 4
Câu tục ngữ sau nói lên điều gì?
Ăn được ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo.
Gợi ý:
Nghĩa đen của câu tục ngữ có nghĩa như sau: Ăn được ngủ được thì mới là tiên, nếu như không ăn được không ngủ được thì vừa mất tiền lại càng thêm bội phần lo lắng hơn.
Trả lời:
Câu tục ngữ trên có ý nói:
Một người khỏe mạnh, không vướng vào sự lo nghĩ gì, luôn ăn khỏe, ngủ ngon là thật sự có hạnh phúc ở trên đời.
Ngược lại vì buồn phiền hay vì bệnh tật mà không ăn không ngủ được thì chỉ thấy lo ngại, tốn tiền thuốc men, cuộc sống kém vui đi.
Tập làm văn : Luyện tập giới thiệu địa phương
Bài 1
Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi
Nét mới ở Vĩnh Sơn
        Vĩnh Sơn là một xã miền núi thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định; đồng bào phần lớn là người dân tộc Ba-na. Vốn là xã có nhiều khó khăn nhất huyện, đói nghèo đeo đẳng quanh năm, cuộc sống ở xã vùng cao này giờ đây đã có nhiều đổi khác.
        Nét nổi bật nhất ở Vĩnh Sơn hôm nay là người dân đã biết trồng lúa nước. Ngày trước chỉ quen phát rẫy làm nương nay đây mai đó, giờ đây toàn xã đã trồng lúa nước hai vụ một năm với năng suất khá cao. Bà con trong xã không những không lo thiếu ăn, mà còn có lương thực để chăn nuôi.
        Một điều nổi bật nữa ở Vĩnh Sơn là phát triển nghề nuôi cá. Nhiều ao hồ được người dân dùng nuôi cá với sản lượng hằng năm tới hai tấn rưỡi trên một héc-ta. Ước muốn của người dân vùng cao chở cá ngược về xuôi bán đã trở thành hiện thực.
        Nhờ phát triển kinh tế, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Trong xã, cứ 10 hộ thì 9 hộ có điện dùng, 8 hộ có phương tiện nghe – nhìn, 3 hộ có xe máy. Đầy năm học 2000 – 2001, số học sinh đến trường tăng gấp rưỡi so với năm học trước.
                                                                                                             Theo báo Nhân dân
Trả lời các câu hỏi:
a. Bài văn giới thiệu những đổi mới của địa phương nào?
b. Kể lại những nét đổi mới nói trên
Gợi ý:
a. Chú ý nhan đề và đoạn văn đầu tiên.
b. Đọc kĩ đoạn văn thứ 2, 3, 4.
Trả lời
a) Bài văn giới thiệu những nét đổi mới của xã miền núi Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Đồng bào ở đây phần lớn là người Ba Na.
b) Kể lại những nét đổi mới nói trên:
Những nét đổi mới nổi bật ở Vĩnh Sơn hôm nay là người dân đã định canh định cư. Trước kia, họ ở nay đây mai đó, chuyên phát rẫy làm nương thì nay đã ổn định nơi ăn chốn ở, xây dựng xóm làng, biết trồng lúa nước đạt năng suất cao, thoát cảnh thiếu đói và đã có dư lương thực, ở đây, nghề cá cũng được phát triển. Nhiều ao nuôi cá có sản lượng cao. Họ đã có thể chở cá về vùng xuôi bán.
Đời sống của làng bản được cải thiện rõ rệt. Hầu hết các nhà đều có điện dùng, nhiều nhà có ra-đi-ô, ti-vi hoặc xe máy. Số học sinh tới trường cứ tăng cao dần.
Bài 2
Hãy kể về những đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em (M: Phát triển phong trào trồng cây gây rừng, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề phụ, giữ gìn xóm làng hay phố sạch đẹp,..)
Gợi ý:
Lựa chọn một vấn đề, quan sát tìm ra những điểm đối mới ở địa phương rồi viết bài.
Trả lời:
         Khu phố của em thuộc phạm vi ngoại thành của thành phố. Trước kia nó thuộc vào một xã ven thị nhưng nay đã được chuyển thành phường. Con đường chính chạy dọc khu phố em đã được trải nhựa. Vỉa hè hai bên được lát gạch mới. Nhiều cây xanh được trồng đem lại cho đường phố vẻ tươi xanh, mát mẻ. Việc giữ gìn vệ sinh công cộng được đẩy mạnh nên đường phố luôn sạch đẹp. Những người lấn chiếm lòng lề đường và vỉa hè để buôn bán đều phải lui vào theo quy định chung. Buổi tối, khi đèn chiếu ở hai bên hè phố bật lên, đèn của các nhà cũng đều tỏa sáng thì nhìn khu phố thấy đẹp đẽ lung linh.

Bài đăng

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 Bài 2 Tự đánh giá: Những điều bố yêu - Cánh Diều

Món quà sinh nhật

Ngữ văn 6 Bài 5 Đọc: Cô Tô - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 5 Đọc: Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 2 À ơi tay mẹ - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức