Lịch sử lớp 5

                            Môn : Lịch sử
Bài 1: "Bình Tây Đại Nguyên soái " Trương Định

Câu 1 trang 6
Em hãy nêu những băn khoăn, suy nghĩ của Trương Định khi nhận được lệnh vua.
Trả lời:
Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn kí hoà ước, nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kì cho thực dân Pháp. Triều đình ra lệnh cho Trương Định phải giải tán lực lượng kháng chiến và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Nhận được lệnh, Trương Định băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều : làm quan thì phải tuân lệnh vua, nếu không sẽ phải chịu tội phản nghịch ; nhưng dân chúng và nghĩa quân không muốn giải tán lực lượng, một lòng một dạ tiếp tục kháng chiến. Giữa lệnh vua và ý dân, Trương Định chưa biết làm thế nào cho phải.

Câu 2 trang 6 Em hãy cho biết tình cảm của nhân dân đối với Trương Định
Trả lời:
Dân chúng và nghĩa quân không muốn giải tán lực lượng, một lòng một dạ tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp
Trong khi đó, chỉ huy nghĩa quân đóng ở Tân An là Phan Tuấn Phát truyền thư đi khắp nơi, suy tôn Trương Định làm chủ soái. Đề xuất đó được dân chúng và nghĩa quân ủng hộ , họ làm lễ, tôn Trương Định làm "Bình Tây Đại nguyên soái”.

Câu 3 trang 6
Trương Định đã làm gì để đáp lại lòng tin yêu của nhân dân ?
Trả lời:
Cảm kích trước niềm tin yêu của nghĩa quân và dân chúng. Trương Định đã ở lại cùng nhân dân chống giặc.
“Đại nguyên soái” Trương Định đã phất cao cờ “Bình Tây”, chỉ huy hàng nghìn nghĩa quân hoạt động chống thực dân Pháp.


Bài 2 Nguyễn Trường Tộ muốn canh tân đất nước

Theo em, qua những đề nghị nêu trên, Nguyễn Trường Tộ mong muốn điều gì ?

Trả lời:
Nguyễn Trường Tộ được sang Pháp. Trong những năm ở Pháp, ông chú ý quan sát, tìm hiểu sự giàu có, văn minh của nước Pháp để tìm cách đưa nước nhà thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu. Chủ trương canh tân đất nước để đủ sức tự lập, tự cường.

Câu 1 trang 7
Hãy nêu những đề nghị canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ.

Trả lời:
Ông đề nghị mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước, thông thương với thế giới, thuê người nước ngoài đến giúp nhân dân ta khai thác các nguồn lợi về biển, rừng, đất đai, khoáng sản , mở các trường dạy đóng tàu, đúc súng, sử dụng máy móc...
Bày tỏ mong muốn làm cho đất nước giàu mạnh.

Câu 2 trang 7
Vua quan nhà Nguyễn có ý kiến như thế nào đối với những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ ?

Trả lời:
Vua quan nhà Nguyễn không hiểu biết tình hình các nước trên thế giới và cũng không muốn có những thay đổi trong nước.
Trước những đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, các quan trong triều có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Vua Tự Đức cho rằng không cần nghe theo Nguyễn Trường Tộ, bởi : những phương pháp cũ đã đủ để điều khiển quốc gia rồi.


Bài 3 : Cuộc phản công ở kinh thành Huế
Em biết trường học, đường phố nào mang tên các nhân vật lịch sử của phong trào Cần vương ?
Trả lời:
- Trường tiểu học Hàm Nghi ( Đà Nẵng)
- Trường trung học cơ sở Đinh Công Tráng ( Hà Nam)
- Trường trung học cơ sở Phan Đình Phùng ( Hà Nội)
- Đường Tôn Thất Thuyết ( Hà Nội)
- Đường Phạm Bành ( thành phố Hồ Chí Minh)
- Đường Nguyễn Thiện Thuật ( Đà Nẵng)

Câu 1 /trang 9
Em hãy kể lại cuộc phản công ở kinh thành Huế.

Trả lời:
Đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 - 7 - 1885, trong cảnh khuya vắng lặng của kinh thành Huế. Bỗng có tiếng súng “thần công” nổ rầm trời, lửa cháy sáng rực. Đó là cuộc tấn công vào đồn Mang Cá và toà Khâm sứ Pháp của các đạo quân theo lệnh của Tôn Thất Thuyết.
Bị đánh bất ngờ, quân Pháp vô cùng bối rối. Nhưng nhờ có ưu thế về vũ khí, chúng ra sức cố thủ, đến gần sáng thì đánh trả lại. Quân giặc tiến vào kinh thành, mặc sức giết người, cướp của và tàn phá. Trước tình hình đó. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi và đoàn tuỳ tùng lên vùng rừng núi Quảng  Trị để tiếp tục kháng chiến.

Câu 2 trang 9
Chiếu Cần vương có tác dụng gì ?

Trả lời:
Chiếu Cần vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước.
Từ đó, bùng nổ một phong trào chống Pháp mạnh mẽ kéo dài đến cuối thế kỉ XIX, gọi là phong trào Cần vương mà tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa : Ba Đình (Thanh Hoá) do Phạm Bành - Đinh Công Tráng lãnh đạo, Bãi Sậy (Hưng Yên do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng lãnh đạo.


Bài 4  trang 10: Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Nêu những biểu hiện mới về kinh tế ở nước ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX?

Trả lời: Sau khi thực dân pháp đặt ách thống trị ở Việt Nam chúng đã khai thác khoáng sản của đất nước ta . Chúng xây dựng các nhà máy điện, nước ,xi măng ,dệt, lập các đồn điền trồng cao su ,chè cà phê, xây dựng đường giao thông vận tải để bóc lột nhân dân
Nước ta từ nước nông nghiệp đã bước dần xuất hiện nền kinh tế công nghiệp và du lịch

Bài 4 trang 11
Quan sát hình 3, em hãy nêu nhận xét về tình cảnh người nông dân Việt Nam cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX?

Trả lời:  Đời sống của người dân vô cùng khổ cực, phải kéo cày thay trâu. Mặc dù lao động vất vả nhưng họ vẫn không đủ ăn, đủ mặc.

Câu 1 trang 12 : Từ cuối thế kỉ XIX, ở Việt Nam xuất hiện những ngành kinh tế mới nào?

Trả lời:
Từ cuối thế kỉ XIX, ở Việt Nam xuất hiện những ngành kinh tế mới là:
- Xây dựng các hầm mỏ khai thác khoáng sản, nhất là than
- Các nhà máy điện, nước, xi măng, dệt, được xây dựng
- Lập đồn điền trồng cao su, chè, cà phê...; đồng thời hệ thống giao thông vận tải được xây dựng. Lần đầu tiên ở Việt Nam có đường ô tô, đường xe lửa.

Câu 2 trang 12
Những thay đổi về kinh tế đã tạo ra những giai cấp, tầng lớp mới nào trong xã hội ?

Trả lời:
Sự xuất hiện các ngành kinh tế mới đã tạo ra những thay đổi trong xã hội Việt Nam : các giai cấp, tầng lớp mới ra đời như công nhân, chủ xưởng, nhà buôn, viên chức, trí thức,...

Bài 5 : Phan Bội Châu và phong trào Đông du

Bài 5 trang 13
Tại sao trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhóm thanh niên Việt Nam vẫn hăng say học tập ?

Trả lời:
Vì họ mong mau chóng học xong để trở về cứu nước. Họ luôn cố gắng học tập về kĩ thuật, quân sự từ đó tìm ra con đường giải phóng dân tộc

Bài 5 trang 13 Tại sao Chính phủ Nhật trục xuất Phan Bội Châu và những người du học ?

Trả lời:
Năm 1908, thực dân Pháp câu kết với Nhật chống phá phong trào Đông du. Ít lâu sau, Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất những người yêu nước Việt Nam và Phan Bội Châu khỏi Nhật Bản.

Câu 1 trang 13: Em hãy kể lại phong trào Đông du?

Trả lời
- Phan Bội Châu lớn lên khi đất nước đã bị thực dân Pháp đô hộ. Ông day dứt lo tìm con đường giải phóng dân tộc.

- Cùng với những người chung chí hướng, ông lập Hội Duy tân (1904).

- Năm 1905, Phan Bội Châu tới Nhật Bản và được một số người Nhật hứa giúp đỡ. Phan Bội Châu về nước, vận động thanh niên sang Nhật học.

- Ông ra sức tuyên truyền, cổ động cho phong trào Đông du. Vì vậy, tiền của nhân dân trong nước ủng hộ ngày càng nhiều và hàng trăm thanh niên nô nức sang Nhật học. Ai cũng mong mau chóng học xong để trở về cứu nước.

Câu 2 Vì sao phong tràọ Đông du thất bại ?

Trả lời:
Năm 1908, thực dân Pháp câu kết với Nhật chống phá phong trào Đông du ít lâu sau, Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất những người yêu nước Việt Nam và Phan Bội Châu khỏi Nhật Bản. Đầu năm 1909, phong trào Đông du tan rã.

Bài 6: Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước

Bài 6 trang 15 
Em biết gì thêm về quê hương và thời niên thiếu của Nguyễn Tất Thành ?

Trả lời:
Nguyễn Tất Thành có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19 - 5 - 1890, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Bài 6 trang 15 :Vì sao Nguyễn Tất Thành muốn tìm con đường cứu nước mới ?

Trả lời:
Trong bối cảnh nước mất, phải sống trong tủi nhục, các thế hệ người dân Việt Nam thời ấy đều mong muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập dân tộc Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh đất nước và nỗi thống khổ của nhân dân, nên đã sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.

Nguyễn Tất Thành khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng không tán thành cách làm của các cụ. Anh nghĩ rằng : Cụ Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật để đánh đuổi giặc Pháp, điểu đó là nguy hiểm. Cụ Phan Châu Trinh yêu cầu người Pháp làm cho nước ta giàu có, văn minh, đó là điều không thể thực hiện được.
Nguyễn Tất Thành quyết định phải tìm con đường mới để có thể cứu nước, cứu dân.

Câu 1 trang 15 Hãy nêu những khó khăn của Nguyễn Tất Thành khi dự định ra nước ngoài?

Trả lời
- Nguyễn Tất Thành ra đi với hai bàn tay trắng không tiền bạc, không người thân. Những lúc ốm đau cũng chỉ có một mình.
- Với tình yêu tổ quốc, Người chấp nhận làm mọi công việc nặng nhọc, nguy hiểm để có thể ra nước ngoài.

Câu 2 trang 15 Tại sao Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước ?

Trả lời:
Nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã đi tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm ra một con đường mang lại hiệu quả đích thực. Trước thực tế ấy, Nguyễn Tất Thành, người con xứ Nghệ, mới 21 tuổi, đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, bởi trong Người đang nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”.


Bài 7 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời

Bài 7 trang 16
Vì sao cần phải sớm hợp nhất các tổ chức cộng sản ?

Trả lời:
Từ giữa năm 1929, ở nước ta lần lượt ra đời ba tổ chức cộng sản. Các tổ chức này hoạt động riêng lẻ và chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy cần hợp nhất 3 tổ chức cộng sản để tăng thêm sức mạnh cách mạng và thống nhất thành một đảng lớn để tổ chức lãnh đạo quần chúng.

Câu 1 trang 17 Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ở đâu ? Do ai chủ trì ?

Trả lời:
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ở Hồng Kông - Trung Quốc từ ngày 6/1 đến ngày 7/2 năm 1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Câu 2 trang 17
Em hãy trình bày kết quả của hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam.

Trả lời:
Sau những ngày làm việc khẩn trương, trong hoàn cảnh bí mật, hội nghị đã nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, đề ra đường lối cách mạng nước ta. Từ đó, cách mạng nước ta có Đảng lãnh đạo và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.


Bài 8 Xô Viết Nghệ - Tĩnh

Bài 8 trang 18
Hình 2 phản ánh điều gì của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ?

Trả lời:
Hình ảnh người dân được làm chủ ruộng đất, thoát khỏi ách nô lệ, trở thành người chủ thôn xóm. Hình ảnh bình yên và đầy vui mừng phấn khởi của người nông dân khi giành được quyền làm chủ.


Câu 1 trang 19 Em hãy kể lại cuộc biểu tình ngày 12 - 9 - 1930 ở Nghệ An.

Trả lời
Ngày 12 - 9 - 1930, hàng vạn nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An) với cờ đỏ búa liềm dẫn đầu , kéo về thị xã Vinh. Đoàn người ngày càng đông thêm, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc !”, “Đả đảo Nam triều !". "Nhà máy về tay thợ thuyền !”, “Ruộng đất về tay dân cày !”...

Thực dân Pháp cho binh lính đến đàn áp nhưng không ngăn được bước tiến của đoàn biểu tình. Chúng cho máy bay ném bom vào đoàn người, làm hơn 200 người chết, hàng trăm người bị thương.

Tức nước vỡ bờ, làn sóng đấu tranh càng lên mạnh. Suốt tháng 9 và tháng 10 - 1930, nông dân tiếp tục nổi dậy đánh phá các huyện lị, đồn điền, nhà ga, công sở. Những kẻ đứng đầu chính quyền các thôn, xã sợ hãi bỏ trốn hoặc đầu hàng. Nhân dân cử ra người lãnh đạo. Lần đầu tiên, nhân dân có chính quyền của mình.

Câu 2 trang 19
Trong những năm 1930 - 1931, ở nhiều vùng nông thôn Nghệ - Tĩnh diễn ra điều gì mới ?

Trả lời:
Suốt thời kì 1930 - 1931 có chính quyền nhân dân, ở các thôn xã không hề xảy ra trộm cắp. Những phong tục lạc hậu như mê tín dị đoan bị bãi bỏ, tệ nạn cờ bạc,..  cũng bị đả phá. Đặc biệt là chính quyền cách mạng đã tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân, xoá bỏ các thứ thuế vô lí.
Nhân dân ở các thôn, xã vui mừng, phấn khởi. Nghe tiếng trống báo tin, bà con nô nức ra đình làng nghe nói chuyện, nghe giải thích chính sách hoặc bàn bạc công việc chung. Ai cũng thấy mình được thoát khỏi ách nô lệ, trở thành người chủ thôn xóm.


Bài 9 : Cách mạng mùa thu

Câu 1 trang 21 Tại sao ngày 19-8 được chọn làm ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta ?

Trả lời:
Sáng 19 - 8 - 1945, hàng chục vạn nhân dân nội thành, ngoại thành và các tỉnh lân cận xuống đường biểu dương lực lượng.
Trước sức mạnh của đông đảo quần chúng, lính Bảo an ở Phủ Khâm sai đã phải hạ vũ khí đầu hàng cách mạng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên nóc Phủ Khâm sai.
Chiều 19 - 8 - 1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội toàn thắng. Tiếp những ngày sau đó cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Nhân dân cả nước vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ. Từ đó ngày 19-8 được chọn làm ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta.

Câu 2 trang 21 Hãy sưu tầm và kể lại sự kiện đáng nhớ về Cách mạng tháng Tám ở địa phương em

Trả lời:
Sự kiện đáng nhớ về Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên - Huế

Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, điều kiện khởi nghĩa giành chính quyền đã chín muồi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Thừa Thiên Huế vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hình thái khởi nghĩa hết sức phong phú, có nơi giành chính quyền ở xã, tổng rồi lên huyện; có nơi giành chính quyền ở huyện rồi về tổng, xã; có nơi vừa ở xã, vừa ở huyện. Thành thị phối hợp với nông thôn, nông thôn hỗ trợ thành thị đã đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 23/8/1945, tại sân vận động Huế, trước hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế, Ủy ban Khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hô vang dội. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố: Từ nay chính quyền về tay nhân dân; đồng thời giới thiệu Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch. Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua của triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại Ngọ Môn. Bảo Ðại đọc thoái vị và trao cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Trên kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca”, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời Huế tự do độc lập trong tiếng hô vang của người dân “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế kết thúc thắng lợi rực rỡ.


Bài 10 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Bài 10 trang 22
Lời khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” thể hiện điều gì ?

Trả lời:
Trước hết đó là một lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn, đã kết tinh một cách sáng ngời những nội dung cơ bản của“Tuyên ngôn Độc lập”. Độc lập tự do là khát vọng, là ý chí của đất nước và con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố vang lên như một lời thề thiêng liêng làm chấn động lòng người. Dân tộc Việt Nam mang sức mạnh đại đoàn kết, triệu triệu con người Việt Nam kết thành một khối mà không một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục được. Dân tộc Việt Nam sẽ hi sinh thân mình để giữ nền độc lập tự chủ, tự cường này.  Lời khẳng định ấy một lần nữa chứng minh sức mạnh của một dân tộc anh hùng, sức mạnh của sự đoàn kết, ý chí sắt đá về độc lập tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta.

Bài 10 trang 22
Em có nhận xét gì về quang cảnh ngày 2 - 9 -1945 ở Hà Nội ?

Trả lời:
Ngày 2 - 9 - 1945, Hà Nội tưng bừng trong màu đỏ - một vùng trời bát ngát cờ, hoa. Đồng bào Hà Nội, già trẻ, trai gái đều xuống đường. Những dòng người từ khắp các ngả tập trung về Quảng trường Ba Đình.
Nắng mùa thu làm đẹp thêm quảng trường lịch sử. Đội danh dự đứng nghiêm trang xung quanh lễ đài mới dựng. Một thời khắc lịch sử của cả dân tộc trong ngày độc lập dân tộc.

Câu 1 trang 23
Em hãy tả lại không khí tưng bừng của buổi lễ tuyên bố độc lập.

Trả lời:
Ngày 2/9/1945, khắp mọi nẻo đường, con phố trên Thủ đô Hà Nội đều tung bay cờ, hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Những ai có dịp chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên không khí, bối cảnh Quảng trường Ba Đình ngày lễ Độc lập năm ấy. Một biển người đứng chật Quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Họ giương cao cờ, hoa và biểu ngữ, môi nở nụ cười, miệng hát vang bài ca cách mạng. Rừng cờ tung bay phấp phới trước gió mùa thu.

Câu 2 trang 23
Cuối bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ thay mặt nhân dân Việt Nam khẳng định điều gì ?

Trả lời:
Cuối bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác khẳng định : “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.  Lời khẳng định ấy một lần nữa chứng minh sức mạnh của một dân tộc anh hùng, sức mạnh của sự đoàn kết, ý chí sắt đá về độc lập tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta.


Bài 11: Ôn tập: hơn 80 năm chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ (1858 - 1945)

Câu 1 Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân ta đã không ngừng đấu tranh nhằm mục đích gì ?

Trả lời:
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân ta đã không ngừng đấu tranh nhằm mục đích giành lại tự do, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Mà như Bác Hồ nói trong bản "Tuyên ngôn độc lập" ngày 2/9/1945, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của tất cả đồng bào Việt Nam.

Câu 2 trang 23
Hãy nêu một số nhân vật , sự kiện lịch sử tiêu biểu trong giai đoạn 1858- 1945?

 Một số nhân vật lịch sử:
- Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định
- Tôn Thất Thuyết, Vua Hàm Nghi
- Pham Bội Châu, Phan Châu Trinh
- Nguyễn Ái Quốc

Một số sự kiện lịch sử tiêu biểu

    -Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta
   - Phất cao cờ Bình Tây chỉ huy hàng nghìn nghĩa quân hoạt động chống Pháp (từ năm 1862)

- Năm 1885, phong trào Cần Vương bùng nổ

  -Phong trào Đông Du ( từ năm 1904)
 
   -Phong trào cách mạng 1930 - 1931 . Phong trào Xô - Viết Nghệ - Tĩnh

- Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

- Ngày 2 – 9 – 1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Câu 3 trang 23 Hãy kể lại một sự kiện hoặc một nhân vật lịch sử trong giai đoạn này mà em nhớ nhất?

Trả lời
- Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19 - 5 - 1890, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân.

- Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Câu 4 trang 23
 Nêu tên sự kiện lịch sử tương ứng với các năm trên trục thời gian?

Trả lời
- Năm 1858: Thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta.

- Năm 1930: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

- Năm 1945: Cách mạng tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.


Bài 12: Vượt qua tình thế hiểm nghèo

Bài 12 trang 25
 Vì sao nói: Ngay sau Cách mạng tháng Tám, nước ta ở trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”?

Nói : Ngay sau Cách mạng tháng Tám, nước ta ở trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” vì:

Các nước đế quốc và các thế lực phản động câu kết với nhau và chống phá cách mạng. Lũ lụt và hạn hán làm cho nông nghiệp đình đốn, một nửa số ruộng không thể cày cấy được. Nạn đói cuối năm 1 năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người. Hơn 90% đồng bào ta không biết chữ. Nước ta ở trong tình thế "nghìn cân treo sợi tóc".

Bài 12 trang 26
Theo em, những sự việc trên nói lên truyền thống gì của nhân dân ta?

Trả lời
Những sự việc trên nói lên truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, đó là truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau.

Câu 1 trang 27
Em hãy nêu những khó khăn của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám?

Những khó khăn của nước ta sau Cách mạng tháng Tám là:

Các nước đế quốc và các thế lực phản động câu kết với nhau và chống phá cách mạng. Lũ lụt và hạn hán làm cho nông nghiệp đình đốn, một nửa số ruộng không thể cày cấy được. Nạn đói cuối năm 1 năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người. Hơn 90% đồng bào ta không biết chữ. Nước ta ở trong tình thế "nghìn cân treo sợi tóc".

Câu 2 trang 27
Nhân dân ta đã làm gì để chống lại “giặc đói” và “giặc dốt”?

Trả lời
- Chống lại "giặc đói"
Để cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước lập "hũ gạo cứu đói" , "ngày đồng tâm",... dành gạo cho dân nghèo. .
Khẩu hiệu "Không một tấc đất bỏ hoang !", "Tấc đất, tấc vàng" được treo ở khắp nơi. Những đoạn đê bị vỡ được đắp lại. Dân nghèo được chia ruộng, phấn khởi, hăng hái tham gia sản xuất. Nạn đói từng bước được đẩy lùi.
Đồng bào cả nước đã góp được 60 triệu đồng cho "Quỹ độc lập" và "Quỹ đảm phụ quốc phòng" ; "Tuần lễ vàng" đã thu được gần 4 tạ vàng.

-Chống lại" giặc dốt"

Phong trào xoá nạn mù chữ được phát động khắp nơi.
Mở lớp bình dân học vụ ở khắp nơi để xóa nạn mù chữ.
Trường học được mở thêm, trẻ em nghèo được cắp sách tới lớp.


Bài 13 Thà hi sinh tất cả , chứ nhất định không chịu mất nước

Bài 13 trang 28
Lời kêu gọi của bác Hồ thể hiện điều gì?

Trả lời
Lời kêu gọi của Bác Hồ thể hiện lòng quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập, tự do của nhân dân ta. Dù cho quân giặc có mạnh đến đâu cũng không ngăn nổi lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Câu 1 trang 30
Nêu dẫn chứng về âm mưu quyết tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp?

Trả lời
Vừa giành được độc lập, Việt Nam muốn có hoà bình để xây dựng đất nước. Chính phủ ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhiều lần nhân nhượng với Pháp. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn được âm mưu xâm lược của chúng. Sau khi đánh chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp mở rộng xâm lược Nam Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Hà Nội.

Ngày 18 - 12 - 1946, Pháp gửi tối hậu thư đe doạ, đòi Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng. Nếu ta không chấp nhận thì chúng sẽ nổ súng tấn công ; bắt đầu từ ngày 20 - 12 - 1946, quân đội Pháp sẽ đảm nhiệm việc trị an ở thành phố Hà Nội.

Câu 2 trang 30
Trước âm mưu của Thực dân pháp ,nhân dân ta đã làm gì?

Trả lời
Đêm 18 rạng sáng 19 - 12 - 1946, Trung ương Đảng và Chính phủ họp. quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

Hà Nội nêu cao tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những chiến sĩ Vệ quốc quân và tự vệ của Thủ đô đã giành giật với địch từng góc phố. Đồng bào đã khuân bàn ghế, giường, tủ, hòm xiểng, cánh cửa,.. ra đường phố làm chướng ngại vật cản bước quân địch. Ròng rã 60 ngày đêm, ta đánh hơn 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2000 tên, giam chân địch để bảo vệ cho hàng vạn đồng bào và Chính phủ rời thành phố về căn cứ kháng chiến.

Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc chiến đấu chống quân xâm lược cũng diễn ra quyết liệt. Nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài với niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi”.


Bài 14 : Thủ - Đông 1947, Việt Bắc mồ chôn giặc Pháp

Bài 14 trang 32
Cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp có kết cục ra sao?

Trả lời
Cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp có kết cục thất bại.
- Địch chết hơn 3000 tên, bị bắt hàng trăm tên
- 16 máy bay bị bắn rơi, hàng tram xe cơ giới bị phá hủy
- Nhiều tàu chiến, ca nô bị bắn chìm.
 Sau nhiều ngày đêm chiến đấu, ta đã đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của quân Pháp lên Việt Bắc, bảo vệ được cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.

Câu 1 trang 32
Thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc nhằm âm mưu gì?

Trả lời
Sau khi đánh chiếm các thành phố lớn, thực dân Pháp âm mưu mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Căn cứ địa Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta để mau chóng kết thúc chiến tranh.

Câu 2 trang 32
Nêu một số địa danh tiêu biểu cho chiến thắng của ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 ?

Trả lời
- Bắc Cạn, Chợ Mới, Chợ Đồn
- Đèo Bông Lau
- Bình Ca, Đoan Hùng

Câu 3 trang 32
Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc kháng chiến chống Pháp?

Trả lời
- Ta đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch.
- Bảo về cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.


Bài 15 : Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950.

Bài 15 trang 33
Nêu cảm tưởng của em khi quan sát hình 1?

Trả lời
Bác Hồ là một vị lãnh tụ, có thể chỉ cần ở căn cứ đưa ra chỉ đạo nhưng Bác lại trực tiếp ra mặt trận để quan sát. Có thể thấy Người một lòng vì dân vì nước, không quản khó khăn, gian khổ.

Bài 15 trang 33
Hành động của anh La Văn Cầu thể hiện điều gì?

Trả lời
Hành động của anh La Văn Cầu thể hiện lòng quả cảm, hi sinh, dù chết cũng không chịu khuất phục của nhân dân ta. Đó là tình yêu nước mãnh liệt, sâu nặng


Câu 1 trang 35
Ta quyết định mở chiến dịch Biên giới thu-đông nhằm mục đích gì?

Trả lời
  - Giải phóng một phần biên giới
  - Củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc
  - Khai thông đường liên lạc quốc tế.

Câu 2 trang 35:
Nêu ý nghĩa của chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950?

Trả lời
- Ta đã diệt và bắt sống hơn 8000 tên địch, giải phóng một số thị xã và thị trấn, làm chủ 750 km trên dải biên giới Việt – Trung.

- Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng.

- Từ đây, ta nắm quyền chủ động trên chiến trường.


Bài 16: Hậu phương những năm sau chiến dịch Biên giới

câu 1 trang 37
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng đề ra nhiệm vụ gì cho cách mạng Việt Nam?

Trả lời
Đại hội chỉ rõ ràng : để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi , phải phát triển tinh thần yêu nước , đẩy mạnh thi đua chia ruộng đất cho nông dân.

Câu 2 trang 37
Hãy tìm hiểu thành tích tiêu biểu của 1 trong 7 anh hùng được tuyên dương trong Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc?

Trả lời
- Đại hội đã bầu được 7 anh hùng chiến sĩ thi đua: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh.

- La Văn Cầu tên thật là Sầm Phúc Hướng, ông là người dân tộc Tày, quê xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

- Năm 1948, ông gia nhập Đại đội 671, một đơn vị địa phương Cao Bằng. La Văn Cầu được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1950.

- Từ năm 1948 đến năm 1952, La Văn Cầu đã tham gia chiến đấu 29 trận. Trận phục kích trên đường Bông Lau - Lũng Phầy ở Cao Bằng năm 1949, ông đã xung phong và một mình bắn chết lính Pháp trên xe tăng rồi nhảy lên xe đối phương dùng súng trên xe diệt thêm 10 lính Pháp nữa.

- Trong Trận Đông Khê thuộc Chiến dịch biên giới năm 1950, La Văn Cầu là chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị phía sau tiến công đồn. Ông Cầu bị trúng đạn dập nát một phần cánh tay phải. La Văn Cầu đã nghiến răng nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương và tiếp tục chiến đấu.

- Năm 1983, ông Cầu được chuyển về Hà Nội công tác tại Tổng cục Chính trị. Một thời gian sau, ông chuyển về Bảo tàng Quân đội làm công tác cán bộ.

- Sau khi về hưu, ông La Văn Cầu tham gia hoạt động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông đảm nhiệm chức vụ Ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Bài 17 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.


Bài 17 trang 38
Quan sát hình ảnh đoàn xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ em có nhận xét gì?

Trả lời
Quân dân ta không quản khó khăn thiếu thốn dốc toàn tâm , toàn sức để phục vụ chiến tranh , giúp đỡ tiền tuyến chiến đấu.

Bài 17 trang 38
Hành động của anh Phan Đình Giót thể hiện điều gì?

Trả lời
Hành động của anh Phan Đình Giót thể hiện lòng yêu nước nồng nàn , hi sinh quả cảm vì sự nghiệp giành độc lập, tự do cho tổ quốc.

Câu 1 trang 40
Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm mấy đợt? Hãy thuật lại đợt tấn công cuối cùng.

Trả lời
- Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt.

- Đợt tấn công cuối cùng:

+ Ngày 1 – 5 - 1954, ta mở đợt tấn công thứ ba, đánh chiếm các cứ điểm còn lại.

+ Tối 6 – 5 – 1954, nghe hiệu lệnh tổng công kích, bộ đội ta tiến công như vũ bão.

+ 17 giờ 30 phút ngày 7 - 5 - 1954, tướng Đờ Ca-xtơ-ri và Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của giặc Pháp.


Câu 2 trang 40
Nêu ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ?

Trả lời
Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, góp phần kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.



Bài 18 Ôn tập: Chín năm kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc  (1945 - 1954)

Câu 1 trang 40: 
Tình thế hiểm nghèo của nước ta sau cách mạng tháng tám thường được diễn tả bằng cụm từ nào? Em hãy kể tên ba loại " giặc " mà cách mạng nước ta phải đương đầu từ cuối năm 1945?

Trả lời
- Tình thế hiểm nghèo của nước ta sau Cách mạng tháng Tám thường được diễn tả bằng cụm từ “Ngàn cân treo sợi tóc”.

- Ba loại giặc đó là: “giặc ngoại xâm”, “giặc dốt”, “giặc đói”.


Câu 2 trang 40 :
  "Chín năm làm một Điện Biên "
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"
 Em hãy cho biết : chín năm đó được bắt đầu và kết thúc vào thời gian nào?

Trả lời
Chín năm đó bắt đầu vào năm 1945, kết thúc năm 1954.

Câu 3 trang 40 Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định điều gì ? Lời khẳng định ấy khiến em liên tưởng đến bài thơ nào ra đời trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ 2 (đã học ở lớp 4)?

Trả lời
- Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định lòng quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập, tự do của nhân dân ta.

- Dù cho quân giặc có mạnh đến đâu cũng không ngăn nổi lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.

- Bài thơ “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam) của Lý Thường Kiệt.

Câu 4 trang 40
Hãy thống kê một số sự kiện mà em cho là tiêu biểu nhất trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp?

Trả lời
- Sáng 20 - 12 - 1946: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

- Thu - đông 1947: Chiến thắng Việt Bắc

- Thu - đông 1950: Chiến thắng biên giới

- 17 giờ 30 phút ngày 7 - 5 - 1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ



Bài 19 nước nhà bị chia cắt


Bài 19 trang 42
Nêu dẫn chứng về việc đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định Giơnevơ ?

Trả lời
 -Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải (thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là giới tuyến phân chia tạm thời hai miền Nam - Bắc. Quân Pháp sẽ rút khỏi miền Bắc, chuyển vào miền Nam. Đến tháng 7 - 1956, nhân dân hai miền Nam - Bắc sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.

 -Mĩ tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong thời gian Pháp rút quân, Mĩ dần dần thay chân Pháp xâm lược miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, lập ra chính quyền tay sai.

- Thực hiện “tố cộng”, “diệt cộng”.

Câu 1 trang 43
Nêu tình hình nước ta sau hiệp định Giơnevơ?

Trả lời
- Miền Bắc: được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Miền Nam: Mĩ thay Pháp xâm lược miền Nam, lập chính quyền Ngô Đình Diệm, ra sức chống phá cách mạng.

Câu 2 trang 43
Hãy nêu tội ác của đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai đối với đồng bào miền Nam?

Trả lời
Đế quốc Mĩ và chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức chống phá các lực lượng cách mạng, khủng bố dã man những người đòi hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”. Với khẩu hiệu “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chúng thẳng tay giết hại các chiến sĩ cách mạng và những người dân vô tội.

Chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây ra hàng loạt vụ thảm sát ở Chợ Được, Vĩnh Trinh (Quảng Nam), Hướng Điền (Quảng Trị),... Đặc biệt, ngày 1 - 12 - 1958, chúng bỏ thuốc độc vào nước uống, cơm ăn, đầu độc 6000 người ở nhà tù Phú Lợi (nay thuộc tỉnh Bình Dương), làm hơn 1000 người bị chết.


Bài 20 Bến Tre đồng khởi


Bài 20 trang 44
Quan sát hình trên em có nhận xét gì về khí thế nổi dậy của đồng bào miền Nam?

Trả lời
Bức hình cho thấy đông đảo đồng bào miền Nam hưởng ứng , ủng hộ và nổi dậy phá thế kìm kẹp để đứng lên bảo vệ đất nước.

Câu 1 trang 44
Phong trào "Đồng khởi " ở Bến Tre nổ ra trong hoàn cảnh nào?

Trả lời
 -Trước sự tàn sát của Mĩ - Diệm, nhân dân miền Nam không thể chịu đựng mãi, không còn con đường nào khác, buộc phải vùng lên phá tan ách kìm kẹp.
 -Cuối năm 1959 đầu năm 1960, khắp miền Nam bùng lên phong trào “Đồng khởi”. Bến Tre là nơi diễn ra “Đồng khởi” mạnh mẽ nhất.

Câu 2 trang 44
Thuật lại sự kiện ngày 17 - 1 - 1960 ở huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre.

Trả lời
Ngày 17 - 1 - 1960, nhân dân huyện Mỏ Cày đứng lên khởi nghĩa, mở đầu phong trào “Đồng khởi" ở tỉnh Bến Tre. Với vũ khí thô sơ, gậy gộc, giáo mác,... nhân dân nhất loạt vùng dậyế Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng súng,... hoà cùng tiếng hò reo vang dội của hàng vạn người đã làm chữ quân địch khiếp đảm. Nhân dân cùng với các chiến sĩ tự vệ phá đồn giặc, tiêu diệt ác ôn, đập tan bộ máy cai trị của Mĩ - Diệm ở các xã, ấp.

Từ cuộc nổi dậy ở Mỏ Cày, phong trào lan nhanh ra các huyện khác. Chỉ trong một tuần lễ, ở Bến Tre đã có 22 xã được giải phóng hoàn toàn, 28 xã khác đã tiêu diệt được vân đồn, giải phóng nhiều ấp.

Câu 3 trang 44
Thắng lợi của phong trào" Đồng khởi" ở Bến Tre có tác động như thế nào đối với cách mạng miền Nam?

Trả lời
- Phong trào “Đồng khởi" ở Bến Tre đã trở thành ngọn cờ tiên phong, đẩy mạnh cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam ở cả nông thôn và thành thị với nhiều tầng lớp tham gia.

- Từ đó chuyển cách mạng ở miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang đẩy quân Mĩ và quân đội Sài Gòn vào thế bị động.


Bài 21 Nhà máy hiện đại đầu tiên của nước ta

Bài 21 trang 46
Nêu một số sản phẩm do nhà máy cơ khí Hà Nội sản xuất?

Trả lời
Một số sản phẩm : máy phay, máy tiện , máy khoan,  tên lửa A12...

Câu 1 trang 46
Nhà máy cơ khí Hà Nội ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trả lời
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc nước ta bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương lớn cho cách mạng miền Nam. Để góp phần trang bị máy móc cho sản xuất ỏ mién Bắc. từng bước thay thế công cụ sản xuất thô sơ có năng suất lao động thấp. Đảng và Chính phủ quyết định xây dựng một nhà máy cơ khí hiện đại, làm nòng cốt cho ngành công nghiệp của nước ta. Đó là Nhà máy Cơ khí Hà Nội.

Tháng 12 - 1955, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Nhà máy Cơ khí Hà Nội được khởi công xây dựng trên diện tích hom 10 vạn mét vuông ở phía tây nam Thủ đồ Hà Nộiắ Quy mô của nhà máy vào loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.


Câu 2 trang 46
Nhà máy cơ khí Hà Nội đã có đóng góp gì vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước?

Trả lời
Từ nơi đây, những máy phay, máy tiện, máy khoan,... đã ra đời để phục vụ công cuộc lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Không ít sản phẩm của nhà máy đã có mặt cùng bộ đội trên chiến trường đánh Mĩ, tiêu biểu là tên lửa A12.

Trong quá trình phấn đấu vươn lên, Nhà máy Cơ khí Hà Nội luôn đạt được những thành tích to lớn, ,góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà máy vinh dự được 9 lần đón Bác Hồ về thăm.



Bài 22: Đường Trường Sơn

Bài 22 trang 48 hình 2 gợi cho em suy nghĩ gì?

Trả lời
Qua hình 2 em thấy : bên cạnh quân chi viện của miền Bắc những đồng bào Tây Nguyên cũng giúp đỡ sức người sức của để giúp nhân dân miền Nam đấu tranh chống quân xâm lược.

Câu 1 trang 49
Ta mở đường Trường Sơn nhằm mục đích gì?

Trả lời
Mục đích mở đường Trường Sơn là để chi viện lương thực, vũ khí , sức người cho chiến trường miền Nam.

Câu 2 trang 49
Đường Trường Sơn có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta?

Trả lời
- Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đường Trường Sơn là tuyến giao thông quân sự chính chi viện sức người, vũ khí, lương thực, của cải…cho chiến trường, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng miền Nam.

- Đường Trường Sơn là biểu tượng cho ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam.



Bài 23 : Sấm sét đêm giao thừa

Bài 23 trang 50 : Cùng với cuộc tiến công vào Sài Gòn , quân giải phóng đã tiến công những nơi nào?

Trả lời
Cùng với cuộc tiến công vào Sài Gòn quân giải phóng đã tiến công vào những thành phố, thị xã miền nam như : cần Thơ , Nha Trang, Huế , Đà Nẵng.

Câu 1 trang 51
Hãy thuật lại cuộc tiến công vào sứ quán Mỹ của quân giải phóng miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968?

Trả lời
Trận đánh của quân giải phóng vào Sứ quán Mĩ đã làm cho những kẻ đứng đầu Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và cả thế giới phải sửng sốt.

Thời khắc giao thừa vừa tới, một tiếng nổ rầm trời rung chuyển Sứ quán Mĩ. làm sập một mảng tường bảo vệ. Các chiến sĩ đặc công lập tức bắn chết - tên lính gác, lao vào chiếm giữ tầng dưới Sứ quán. Lính Mĩ bảo vệ Sứ quán chống trả quyết liệt nhưng không đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Địch phải dùng máy bay lên thẳng chở thêm lính Mĩ đổ xuống nóc Sứ quán để phản kích. Bọn chỉ huy hoảng hốt, bí mật đưa Đại sứ Mĩ chạy khỏi Sứ quán bằng xe bọc thép. Cuộc chiến ở đây đã diễn ra suốt 6 giờ đồng hồ, khiến cho Sứ quán Mĩ bị tê liệt.


Câu 2 trang 51
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 có tác động như thế nào đối với nước Mỹ?

Trả lời
- Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm cho hầu hết các cơ quan Trung ương và địa phương của Mĩ và chính quyền Sài Gòn tê liệt, khiến chúng hoang mang lo sợ.

- Những kẻ đứng đầu nhà Trắng, Lầu Năm Góc và cả thế giới phải sửng sốt.

Câu 3 trang 51
Hãy nêu ý nghĩa của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968?

Trả lời
- Tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, gây cho địch nhiều thiệt hại, tạo thế thắng lợi cho quân dân ta.

- Mĩ buộc phải thừa nhận thất bại một bước, chấp nhận đàm phán tại Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.



Bài 24 Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Bài 24 trang 51 Em suy nghĩ gì về việc máy bay Mỹ ném bom hủy diệt trường học , bệnh viện?

Trả lời
Máy bay Mĩ ném bom huỷ diệt trường học, bệnh viện là một hành động tàn ác, vô nhân tính. Chúng giết hại người Việt Nam không kể già trẻ, trai gái, những nơi tươi đẹp như trường học, bệnh viện - những nơi để dạy học, chữa bệnh chúng cũng không tha mà thẳng tay giết hại. Điều này đã chứng tỏ tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam

Bài 24 trang 53
Tại sao gọi chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở Hà Nội và các thành phố khác ở miền Bắc là chiến thắng " Điện Biên Phủ trên không "?

Trả lời
- Sau 12 ngày đêm, cuộc tập kích bằng máy bay của Mĩ trong đó có 34 máy bay B52 bị bắn rơi, nhiều chiếc rơi trên bầu trời Hà Nội.

- Đây là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử không quân Mĩ và là chiến thắng oanh liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc của quân dân ta.

- Do tầm vóc quan trọng của nó, chiến thắng này được gọi là trận “Điện Biên Phủ trên không”.


Câu 1 trang 53
Tại sao Mỹ ném bom hòng hủy diệt Hà Nội?

Trả lời
Trong sáu tháng đầu năm 1972, quân dân ta giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường miền Nam. Đế quốc Mĩ buộc phải thoả thuận sẽ kí kết Hiệp định Pa-ri vào tháng 10 -1972 để chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nhưng gần đến ngày kí, Tổng thống Mĩ Ních-Xơn đã lật lọng, ra lệnh sử dụng máy bay tối tân nhất lúc bấy giờ (“pháo đài bay” B52) ném bom hòng huỷ diệt Hà Nội và muốn chúng ta sẽ phải ký hiệp định Pa-ri với những điều khoản do Mĩ Đạt ra.

Câu 2 trang 53
Tại sao ngày 30 -12-1972 tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc?

Trả lời
Đêm 20 rạng sáng 21-12, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 7 chiếc B52, có 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 12 phi công Mĩ.

Ngày 26-12, địch tập trung số lượng máy bay B52 lớn nhất (105 lần chiếc) hòng huỷ diệt Hà Nội. Hơn 100 địa điểm ở Hà Nội bị trúng bom. Riêng ở phố Khâm Thiên, bom Mĩ đã sát hại 300 người, phá huỷ 2000 ngôi nhà. Quân dân ta đã kiên cường đánh trả, bắn rơi 18 máy bay Mĩ, trong đó có 8 máy bay B52, 5 chiếc bị bắn rơi tại chỗ, bắt sống nhiều phi công Mĩ.

Những ngày đêm tiếp theo, máy bay Mĩ vẫn không thoát khỏi sự trừng trị của quân dân ta. Đêm 29-12, Hà Nội đánh thắng trận cuối cùng, tiêu diệt thêm 1 chiếc B52.

Ngày 30 - 12 - 1972, biết không thể khuất phục được nhân dân ta bằng bom đạn, Tổng thống Mĩ Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc.



Bài 25: Lễ kí hiệp định Pa-ri

Bài 25 trang 55  theo hiệp định Pa-ri Mỹ phải thực hiện những điều gì?

Trả lời
- Mĩ phải tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam

- Phải rút toàn bộ quân Mĩ và quân đồng minh ra khỏi Việt Nam.

- Phải chấm dứt dính líu quân sự ở Việt Nam.

- Phải có trách nhiệm trong việc xây dựng hòa bình ở Việt Nam.

Câu 1 trang 55
Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết vào thời gian nào trong khung cảnh ra sao?

Trả lời
- Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được kí kết vào ngày 27/1/1973.

- Khung cảnh của buổi kí kết gồm có cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ, nửa xanh giữa có ngôi sao vàng được treo đầy đường phố Clê-be (Pa-ri). Nhiều nơi xuất hiện khẩu hiệu ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Câu 2 trang 55
Hãy nêu những điểm cơ bản của Hiệp định Pa-ri về Việt Nam?

Trả lời
- Mĩ phải tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam

- Phải rút toàn bộ quân Mĩ và quân đồng minh ra khỏi Việt Nam.

- Phải chấm dứt dính líu quân sự ở Việt Nam.

- Phải có trách nhiệm trong việc xây dựng hòa bình ở Việt Nam.


Câu 3 trang 55
Hiệp định Pa-ri về Việt Nam có ý nghĩa lịch sử như thế nào?

Trả lời
- Đánh dấu những thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

- Tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta (Quân Mĩ và quân các nước chư hầu phải rút khỏi Việt Nam).



Bài 26 Tiến vào Dinh Độc Lập

Bài 26 trang 56 Sự kiện quân ta tiến vào Dinh Độc Lập thể hiện điều gì?

Trả lời
Sự kiện quân ta tiến vào Dinh Độc Lập cơ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn chứng tỏ quân địch đã thua và cách mạng đã thành công.

Câu 1 trang 57
hãy kể lại sự kiện xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập

Trả lời
- Xe tăng 843 của đồng chí Bùi Quang Thận đi đầu, húc vào cổng phụ và bị kẹt lại.

- Xe tăng 390 do đồng chí Vũ Đăng Toàn chỉ huy lập tức húc đổ cổng chính tiến thẳng vào.

- Đồng chí Bùi Quang Thận nhanh chóng tiến lên tòa nhà và cắm lá cờ cách mạng lên nóc dinh.

- Chỉ huy lữ đoàn ra lệnh cho bộ đội không nổ súng, nhiều tốp chiến sĩ nhanh chóng tỏa lên các tầng.

Câu 2 trang 57
Thái độ của Dương Văn Minh và các thành viên chính quyền Sài Gòn như thế nào khi quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập?

Trả lời
Cửa ra vào phòng họp lớn ở tầng 2 đã mở sẵn. Dương Văn Minh mới nhận chức Tổng thống chính quyền Sài Gòn được hai ngày. đang ngồi ủ rũ cùng với khoảng 50 thành viên Chính phủ và viên chức cao cấp. Thấy quân giải phóng ập vào, họ đứng dậy. Dương Văn Minh nói : “Chúng tôi sốt ruột chờ các ông từ sáng để làm nghi thức bàn giao". Một sĩ quan cách mạng dõng dạc trả lời : “Các ông đã thất bại. Toàn bộ ngụy quyển đã sụp đổ hoàn toàn. Người ta không thể bàn giao cái mà người ta không có. Các ông phải đầu hàng ngay !”.

Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn bộ quân đội và chính quyền Sài Gòn đầu hàng không điều kiện.


Câu 3 trang 57
Tại sao nói ngày 30 - 4 - 1954 là mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc ta ?

Trả lời
30 - 4 - 1975 là mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc ta không chỉ vì nó là mốc đánh dấu chiến thắng hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược mà hơn hết, nó là mốc thời gian chấm dứt hơn một thế kỉ bị phương Tây xâm lược. Nước ta được độc lập, tự do hoàn toàn, đất nước được thu về một mối. Từ đây, nước ta đã bước sang một trang sử mới - kỉ nguyên của độc lập, tự do.


Bài 27: Hoàn thành thống nhất đất nước

Bài 27 trang 58 Tại sao ngày 25 - 4 -1976 là ngày vui nhất của nhân dân ta?

Trả lời
Ngày 25 - 4 - 1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước. Thành phố Hà Nội tràn ngập cờ và hoa. Nhân dân phấn khởi thực hiện quyẽn công dân của mình.

Tại khu phố Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất của Đảng bỏ lá phiếu đầu tiên. Ra khỏi phòng bỏ phiếu, đồng chí dừng lại, niềm nở thăm hỏi các cử tri, vui vẻ nói với mọi người : “Hôm nay là ngày vui nhất của nhân dân ta, ngày vui nhất của nước Việt Nam độc lập, cũng là ngày vui của các nước anh em bầu bạn trên thế giới”.


Câu 1 trang 60
Hãy thuật lại sự kiện lịch sử diễn ra vào ngày 25 - 4 -1976 ở nước ta?

Trả lời
Ngày 25 - 4 - 1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước.

Thành phố Hà Nội tràn ngập cờ và hoa. Nhân dân phấn khởi thực hiện quyẽn công dân của mình.

Tại khu phố Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất của Đảng bỏ lá phiếu đầu tiên. Ra khỏi phòng bỏ phiếu, đồng chí dừng lại, niềm nở thăm hỏi các cử tri, vui vẻ nói với mọi người : “Hôm nay là ngày vui nhất của nhân dân ta, ngày vui nhất của nước Việt Nam độc lập, cũng là ngày vui của các nước anh em bầu bạn trên thế giới”.

Thành phố Sài Gòn tràn ngập không khí ngày hội non sông. Khắp nơi đầy cờ, hoa, biểu ngữ. Các cụ già tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cùng con cháu đến tận trụ sở bầu cử. Các cụ muốn tự tay bỏ lá phiếu của mình. Vui sướng nhất là lớp thanh niên vừa tròn 18 tuổi, lần đầu tiên đi bỏ phiếu lại được vinh dự cầm lá phiếu bầu Quốc hội thống nhất.

Không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn mà ở tất cả các thành phố và vùng nông thôn trên đất nước Việt Nam đều tràn đầy niềm phấn khởi. Đến chiều 25 - 4 - 1976 cuộc bầu cử kết thúc tốt đẹp, cả nước có 98,8% tổng số cử tri đi bầu cử.


Câu 2 trang 60
Quốc hội khoá 6 đã có những quyết định trọng đại gì?

Trả lời
- Lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Quyết định, quốc huy, quốc kì là lá cờ đỏ sao vàng.

- Quốc ca là bài Tiến quân ca

- Thủ đô là thành phố Hà Nội, thành phố Sài Gòn – Gia định đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.



Bài 28: Xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình

Bài 28 trang 60 Quan sát hình 1 Em có nhận xét gì?

Trả lời
- Hình ảnh 1 ghi lại niềm vui của những người công nhân xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình khi vượt mức kế hoạch.

- Điều đó đã nói lên sự tận tâm, cố gắng hết mức, dồn toàn tâm toàn lực của công nhân xây dựng nhà máy cho đến ngày hoàn thành công trình.

Bài 28 trang 61
Em nghĩ gì về những số liệu nói trên?

Trả lời
- Qua những số liệu trên, em thấy, sự lao động hết mình, không ngại gian khổ, dám hi sinh của những người công nhân, kĩ sư vì sự phát triển của đất nước.

- Để có được thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay, chúng ta đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của biết bao con người.

- Điều đó thật đáng biết ơn và kính trọng.


Câu 1 trang 62
Để xây dựng nhà máy Hòa Bình cán bộ , công nhân Việt Nam và Liên Xô đã phải lao động ra sao?

Trả lời
- Cán bộ và công nhân Việt Nam, Liên Xô đã phải lao động vất vả, ngày đêm có hơn 3 vạn người và hàng nghìn xe cơ giới hối hả làm việc trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn.

- Tuy nhiên, những cán bộ và công nhân làm việc ở đây đã vượt lên tất cả để cố gắng đến ngày hoàn thành nhà máy.


Câu 2 trang 62
Nêu vai trò của nhà máy thủy điện Hòa Bình đối với công cuộc xây dựng đất nước?

Trả lời
- Cung cấp nguồn điện cho cả nước, phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.

- Ngăn chặn, hạn chế lũ lụt cho đồng bằng Bắc Bộ.

- Cung cấp nước chống hạn cho một số tỉnh phía Bắc.

- Tạo điều kiện cho việc phát triển giao thông đường thủy.


Câu 3 trang 62
Em biết thêm được những nhà máy thủy điện nào đã và đang xây dựng ở nước ta?

Trả lời
- Một số nhà máy thủy điện đã được xây dựng: Thác Bà, Yali, Đa Nhim, Thác Mơ, Trị An.

- Một số nhà máy thủy điện đang được xây dựng: Bản Vẽ, Sông Tranh, Sê San, Đồng Nai.


Bài 29 Ôn tập lịch sử nước ta từ giữa thế kỉ XIX đến nay

Câu 1 trang 64
Lập bảng thống kê các sự kiện tiêu biểu của lịch sử nước ta từ năm 1858 đến nay. Từ đó em hãy chọn 5 sự kiện tiêu biểu nhất và giải thích tại sao lại chọn 5 sự kiện đó?

Trả lời
Giai đoạn lịch sử
Hơn 80 năm chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ (1858 – 1945)

Bảo vệ chính quyền non trẻ, trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1945)

Xây dựng đất nước ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam (1954 – 1975)

Xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong cả nước (1975 đến nay).

Sự kiện lịch sử tiêu biểu
1858 - 1864 Khởi nghĩa Bình Tây Đại nguyên soái – Trương Định.

5/7/1885 Cuộc phản công ở kinh thành Huế, bùng nổ phong trào Cần Vương.

1904 – 1907 Phong trào Đông Du.

5/6/1911 Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

1930 - 1931 Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.

1945 Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

19/2/1946 Toàn quốc đứng lên kháng chiến chống Pháp.

Thu – đông 1947 Chiến dịch Việt Bắc.

Thu – đông 1950 Chiến dịch Biên giới.

7/5/1954 Chiến thắng Điện Biên Phủ.


17/1/ 1960“Đồng khởi” bùng nổ ở Bến Tre.

30/1/1968Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân.

12/1972Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

27/1/1973Kí hiệp định Pa- ri chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

30/4/1975Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

25/4/176 Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất

6/11/1979 Khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình.


5 sự kiện em cho là tiêu biểu nhất đó là:

- Ngày 3/2/1930: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

- Tháng 8/ 1945: Cách mạng tháng Tám thành công

- Ngày 7/8/1954: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

- Ngày 27/1/1973: Hiệp định Pa – ri được kí kết, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

- Ngày 30/4/1975: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vì 5 sự kiện này chính là những dấu mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử nước ta giai đoạn 1858 đến nay.


Câu 2 trang 64
Thông qua các bài lịch sử ở lớp 4 và lớp 5 em cho biết vì sao nhân dân ta giành thắng lợi trong công cuộc giữ nước và dựng nước?

Trả lời
Nhân dân ta giành thắng lợi trong công cuộc giữ nước và dựng nước vì:

- Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Sự đoàn kết, dũng cảm, chấp nhận hi sinh và niềm tin chiến thắng của nhân dân ta.

- Đất nước Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trên thế giới ưa chuộng hòa bình, đặc biệt là sự giúp sức của đất nước anh em Liên Xô.


Câu 3 trang 64
Viết một đoạn văn nói lên cảm nghĩ của em về công lao của Bác Hồ đối với lịch sử dân tộc?

Trả lời
Hồ Chủ tịch là lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, một chiến sĩ cộng sản lão thành, Danh nhân văn hóa của thế giới. Với dân tộc Việt Nam, "Người là Cha, là Bác, là Anh, Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ"… (Tố Hữu). Đất nước ta, dân tộc ta tự hào về Hồ Chủ tịch – con người giản dị và vĩ đại – tiêu biểu cho truyền thống bốn ngàn năm lịch sử vẻ vang. Đầu thế kỉ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành thấu hiểu nỗi nhục nô lệ dưới ách xâm lược của thực dân Pháp nên đã noi gương các sĩ phu tiền bối như Phạn Bội Châu, Phan Chu Trinh… tìm đường cứu nước. Rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) năm 1911, Nguyễn Tất Thành nung nấu ý chí là phải sang tận nước Pháp để tìm hiểu kẻ thù, từ đó có cách chống lại chúng. Ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc đã cống hiến rất nhiều cho phong trào đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới và trở thành người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1941, với vốn sống thực tế, với kinh nghiệm dày dặn và trình độ hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, dân tộc ta vùng lên phá tan xiềng xích của chế độ phong kiến suy tàn và ách nô lệ của thực dân Pháp cùng phát xít Nhật, giành lại chủ quyền độc lập, tự do. Ngày 2-9-1945, người chiến sĩ cộng sản lão thành Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Chủ tịch Hồ Chí Minh.)

Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sáng suốt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân trường kì kháng chiến và đã kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhân dân miền Bắc sau giải phóng phấn khởi bắt tay vào xây dựng đất nước và sát cánh cùng đồng bào miền Nam tiếp tục đấu tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ siêu việt, bằng tấm gương suốt đời phấn đấu, hi sinh vì dân vì nước, đã đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu đến cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định truyền thống bất khuất, anh hùng của dân tộc Việt Nam.


Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ Văn 6 Bài 1 : Đọc hiểu văn bản: Thánh Gióng - Cánh Diều

Ngữ văn 6 - Bài 6: Truyện (Truyện đồng thoại, Truyện của Pu-skin và An-đéc-xen) - Cánh diều

Thuyết Trình Về Gia Đình

Món quà sinh nhật

Ngữ văn 6 Bài 3 : Ký ( Hồi ký và du ký) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Con gái của mẹ (Thái Bá Dũng) - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Ánh Trăng

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025: "Hãy tưởng tượng bạn là đại dương"

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức